Bình luận văn nghệ  Điểm sách

Nhà văn Thuận lần đầu ra mắt tiểu thuyết về chiến tranh

Thứ Tư, 24/04/2019 18:12

Thuận là nhà văn Việt Nam sống ở Pháp đã quá quen thuộc với bạn đọc trong nước với các tiểu thuyết Made in Vietnam, Chinatown, Paris 11 tháng 8, T mất tích, Vân Vy, Thang máy Sài Gòn, Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư. Mới đây, chị chính thức trình xuất cuốn tiểu thuyết thứ tám của mình có tên Thư gửi Mina do Nhà xuất bản Phụ nữ và PhanBooks ấn hành.

Mùa thu 2016, nhân vật chính, một nhà văn nữ gốc Việt sống ở Paris, đã quay lại căn phòng áp mái giữa khu Pigalle nóng bỏng từng chứng kiến những ngày đầu tiên cô đặt chân đến Pháp, để bắt tay vào một bản thảo viết về người bạn gái Afganistan tên là Mina cùng học ở Nga những năm đầu cải tổ mà cô đã mất liên lạc ngay sau ngày cả hai cùng tốt nghiệp đại học. Nhưng chính cô cũng không ngờ, bản thảo về Mina và thời quá khứ đã nhanh chóng được chuyển thành những bức thư gửi người bạn gái có thể đang trong dòng người “chạy trốn chiến tranh” và “sống đời di dân ở Paris” ấy cùng những suy nghĩ về cuộc sống của chính cô và những số phận mà cô tình cờ chứng kiến trong thời hiện tại. Ba mươi bức thư gửi đúng một người, luôn xưng “tao” và gọi “mày”. Ba mươi bức thư không dừng ở tâm sự, miêu tả mà còn phân tích, mổ xẻ, dự đoán và hoài nghi, về quê hương và tha hương, về tình yêu và tình dục, về chính trị và văn chương…

Nhà văn Thuận chia sẻ: “Những bức thư gửi Mina cuối cùng có làm nên một tiểu thuyết hay không, tôi cũng không biết. Chúng ta từng đọc truyện ngắn hay truyện dài chỉ bao gồm những bức thư, nhưng tiểu thuyết thì có vẻ là chưa”. “Cái khó là làm sao để tìm được một cấu trúc xuyên suốt, các chi tiết từ thư này sang thư kia phải liên tục hòa quyện vào nhau, soi rọi cho nhau, phản bác lẫn nhau”. “Đó phải là một tác phẩm trọn vẹn và duy nhất. Tôi không có ý định viết một tập ba mươi bức thư”. “Tiểu thuyết không bao giờ là các truyện ngắn được xếp cạnh nhau”. Mỗi tiểu thuyết với Thuận là một thử nghiệm, mà nói như Sartre thì tác phẩm hay nhất là tác phẩm mà ta đang viết, là cái sắp thành hình chứ không phải là cái đã được khẳng định, có lẽ vì vậy mà chị cứ phải “viết mãi không thôi”.

Điều bất ngờ thú vị khác mà lần này Thuận mang đến cho người đọc đó là lần đầu tiên chị viết về chiến tranh. “Đột nhiên nó sợ rúm ró chiến tranh và tất cả những người có mặt trong đó, dù với bất kỳ lý do nào”. “Mùi chiến tranh đậm đặc khủng khiếp, lưu cữu từ ba tháng nay, bốc ra từ cơ thể người đàn ông, một cơ thể cũng từng đẹp đẽ và khỏe mạnh. Mùi chiến tranh bốc ra từ từng sợi tóc, từng móng chân, móng tay, từ cổ, gáy, nách, vai, lưng, và rất có thể là cả đùi, bẹn, háng, mông…”. “Nó bảo thật khủng khiếp. Cả một đoạn phố nhà nó đang nồng mùi sầu riêng thì anh ta xuất hiện và mùi chiến tranh át đi tất cả, chưa kể trong những máy móc lỉnh kỉnh mà anh ta đeo trên mình là hàng nghìn bức ảnh mà anh ta đã chụp, hàng nghìn câu chữ mà anh ta đã viết, tất cả đều về chiến tranh, đều bốc mùi chiến tranh”… Chiến tranh với cả bom đạn, súng ống và cái chết là những gì mà cá nhân Thuận cảm nhận chứ chưa trải nghiệm. “Hóa ra trải nghiệm lớn nhất của nghề viết vẫn chính là viết” - chị chia sẻ.

Và không chỉ chiến tranh, Thư gửi Mina có những trang viết tràn đầy xúc cảm và nhục cảm. Dường như đây cũng là lần đầu tiên tác giả vốn bị coi là lạnh lùng và lý trí quyết định để các nhân vật mở lòng, để tình yêu và tình dục có những dịp được vắt đến cùng kiệt. Tiếng cười vốn là cái không thể thiếu trong văn phong của Thuận nhiều khi chỉ là cách thế để tác giả/nhân vật quân bình những hư hao, thương tổn quá sức trong cuộc sống xa xứ. “Tại sao người Việt đi đâu cũng khổ?” từng đặt ra trong tiểu thuyết đầu tay Made in Vietnam của chị, được nhắc lại trong tiểu thuyết thứ tám Thư gửi Mina và lần này vẫn là “một câu hỏi lớn không lời đáp”.

Nhà văn Lê Minh Hà phát biểu: “Ở cuốn này, văn học Việt nói chung và Thuận nói riêng đã thực sự có nhân vật di dân, không theo nghĩa (bị) dịch chuyển nơi sống và (buộc phải) ôm lòng thương cây nhớ cội”.

TẦM THƯ

 

 

 

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)