Bình luận văn nghệ  Điểm sách

Một cuốn từ điển hữu ích

Thứ Ba, 12/03/2019 21:00

Từ điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam từ năm 2000 là công trình do Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành, vừa mới ra mắt bạn đọc quý III năm 2018. Cuốn sách do PGS.TS. Lê Dục Tú chủ biên. Đây là thành quả nghiên cứu của Phòng Văn học Việt Nam đương đại - Viện Văn học. Tiếp nối những công trình trước đây (Từ điển tác phẩm văn xuôi 1900 - 1945, tập 1; 1945 - 1975, tập 2; 1975 - 2000, tập 3), Từ điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam từ năm 2000 tạo nên tính liên tục trong những hình dung về lịch sử phát triển của văn xuôi hiện đại Việt Nam.

Về mặt số lượng tác phẩm, Từ điển văn xuôi Việt Nam từ năm 2000 tập hợp 285 tác phẩm ra đời từ năm 2000 đến năm 2015. Con số này được chọn ra từ hàng ngàn tác phẩm đã xuất bản, dựa trên tiêu chí: có ý nghĩa xã hội rộng lớn, gây tiếng vang, có giải thưởng, tác giả là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Bên cạnh đó, để giúp độc giả có được cái nhìn bao quát hơn, công trình cũng lựa chọn thêm những tác phẩm của các tác giả dù chưa phải hội viên Hội Nhà văn nhưng được đánh giá tốt và nhận được giải thưởng từ các cuộc thi Trung ương hoặc địa phương. Việc chưa đầy đủ tác giả, tác phẩm, thông tin là điều không thể tránh khỏi trong khi biên soạn bộ từ điển. Tuy vậy, với 285 đầu sách, trong đó đa phần là những tác phẩm thực sự đã tạo được dấu ấn trong đời sống văn học, có thể xem công trình này là một nỗ lực đáng ghi nhận của tập thể tác giả.

Với quan niệm thể loại văn xuôi bao gồm: tiểu thuyết, truyện dài, truyện vừa, truyện ngắn, ký,… Từ điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam từ năm 2000 đã đem đến một góc nhìn khá bao quát cho công chúng về văn xuôi đương đại. Cụ thể, trong cuốn sách, với thao tác: giới thiệu tác giả, tác phẩm, thể loại, năm xuất bản, nơi xuất bản, số trang, tóm tắt nội dung, nêu một vài đánh giá chung về nội dung và hình thức nghệ thuật, sắp xếp theo thứ tự ABC tên tác phẩm, độc giả sẽ dễ dàng tra cứu các thông tin căn bản liên quan đến tác phẩm, tác giả. Qua 285 tác phẩm, diện mạo văn xuôi Việt Nam từ năm 2000 trở lại đây bước đầu được hình dung. Có thể thấy, ở đó góp mặt tương đối đầy đủ tên tuổi lớn của văn xuôi đương đại như: Nguyễn Xuân Khánh (Đội gạo lên chùa), Ma Văn Kháng (Bến bờ), Nguyễn Khắc Phê (Biết đâu địa ngục thiên đường), Bảo Ninh (Lan man trong lúc kẹt xe), Nguyễn Bình Phương (Mình và họ, Ngồi), Đặng Thân (3.3.3.9 [Những mảnh hồn trần]), Nguyễn Nhật Ánh (Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh…), Dương Hướng (Dưới chín tầng trời), Hoàng Minh Tường (Đồng sau bão), Sương Nguyệt Minh (Dị hương, Mười ba bến nước),… Có thể, những tác giả gạo cội của văn xuôi đương đại xuất hiện trong cuốn từ điển này không phải bằng những tác phẩm đỉnh cao, mà bằng những tác phẩm “thứ yếu”, nhưng đó là cách để người đọc hình dung về hành trình, diện mạo văn chương của một tác giả. Gần ba trăm mục từ tác phẩm, trong giới hạn của một công trình từ điển, có thể xem là một kho tư liệu căn bản để các nhà nghiên cứu, phê bình, học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh có dịp lần theo các tác giả, tác phẩm, vấn đề mà mình quan tâm.

Với thao tác làm việc như đã nêu, cuốn từ điển không nhấn mạnh hay dành nhiều dung lượng cho việc phê bình, đánh giá. Tính chất mô tả, trình bày thông tin được ưu tiên hàng đầu theo đúng tinh thần của một cuốn sách tra cứu. Tuy nhiên, những đánh giá ngắn gọn, khái quát về nội dung và hình thức của các tác phẩm có thể đem đến những ấn tượng ban đầu hay định hướng được sự quan tâm của độc giả. Chẳng hạn, về tác phẩm Những ngã tư và những cột đèn của Trần Dần, cuốn từ điển nhận định: “Đọc tiểu thuyết, người đọc như cảm nhận được hết vẻ sinh động của ngôn từ nghệ thuật, như thấy được màu sắc, nghe được âm thanh, và chạm vào sự chuyển động của câu chữ. Tất cả làm nên sự hấp dẫn hiếm có của Những ngã tư và những cột đèn” (tr.641). Về Đặng Thân, các nhà làm từ điển cho rằng, tiểu thuyết 3.3.3.9 [Những mảnh hồn trần] “chạm đến những vấn đề nhạy cảm nhất của xã hội Việt Nam đương đại”, “đạt được tới độ làm mới triệt để”, “một sản phẩm đa trị”, “bắt người tiếp nhận phải có những tư duy mới về văn chương nghệ thuật”. Về Nguyễn Bình Phương với tiểu thuyết Ngồi, phần đánh giá nêu lên: “…cái vô thức vẫy gọi huyền ảo và trong cái ảo huyền đó, phần vô thức trong sâu thẳm tâm can con người trở nên sáng rõ” (tr. 555),… Người tra cứu sẽ tìm được không chỉ các thông tin mang tính số liệu, mà còn có được những hình dung ban đầu từ cuốn từ điển thông qua các nhận định khái quát như thế. Ở đây, cũng cần nhấn mạnh thêm, cuốn sách thể hiện khá rõ sự kỹ lưỡng và công phu của người viết. Mỗi mục từ có thể xem như một bài đọc sách, một bài phê bình nhỏ về tác phẩm mà người viết đã cố gắng trình bày một cách cô đọng nhất. Tính chất khoa học dĩ nhiên là ưu tiên số một, tuy nhiên, cuốn từ điển cũng đã cho thấy sự khác biệt của nó với các dạng từ điển khác không liên quan tới nghệ thuật.

Bao quát giai đoạn gần với hiện tại nhất (2000 - 2015), Từ điển tác phẩm văn xuôi từ năm 2000 đã có sự hiện diện của nhiều cây bút thế hệ 7x, 8x đang dần trở thành lực lượng chính của văn xuôi đương đại như Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Xuân Thủy, Di Li, Trang Hạ, Uông Triều, Văn Cầm Hải, Nguyễn Thế Hoàng Linh,… Những tên tuổi này cùng với những thế hệ đi trước như Trần Dần, Nguyễn Xuân Khánh, Nguyên Ngọc, Hoàng Quốc Hải, Bảo Ninh, Lê Minh Khuê, Tạ Duy Anh, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Bình Phương, Đặng Thân … đã gợi lên một hành trình mang tính kế tiếp của các thế hệ tác giả văn xuôi đương đại Việt Nam. Trên hành trình đó, sự va chạm, xung đột, đối kháng hay kế thừa các hệ giá trị, hệ tư tưởng, thi pháp cũng có thể nhận ra. Thế hệ 7x, 8x vẫn có người tiếp tục ở đề tài chiến tranh, hậu chiến, nhưng đã có những góc nhìn khác, những cảm thức khác với thế hệ 4x, 5x, 6x. Cũng cần nói thêm rằng, bản thân các tác giả thế hệ 5x, 6x, vốn trưởng thành trong không khí văn chương sử thi đã thể hiện quá trình tái nhận thức trước các giá trị của quá khứ. Bên cạnh đó, những đề tài mới gắn với những câu chuyện của giới trẻ trong môi trường toàn cầu hóa, những chấn thương tâm lý hậu chiến, những nguy cơ tiềm ẩn hoặc hiện hữu của xã hội đương đại cũng được thể hiện trong các sáng tác của Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Xuân Thủy, Phong Điệp… Không khó để nhận ra mối dây liên hệ giữa các thế hệ qua việc kiểm kê và phân tích của các tác giả trong cuốn từ điển. Chiến tranh cách mạng như một di sản vẫn truyền thừa qua các thế hệ. Những kiến tạo văn hóa - văn học từ lịch sử vẫn hiện diện và nối dài trong đời sống hiện tại. Những dấu hiệu mới từ hoàn cảnh hậu hiện đại, toàn cầu hóa cũng đã bước đầu được phác thảo. Cuốn từ điển, trong đặc trưng của nó đã làm tốt phía kiểm kê, đồng thời cũng đem lại hình dung ban đầu cho những ai muốn tìm hiểu một cách căn bản về hành trình văn xuôi Việt Nam từ sau 2000 đến nay.

Như nhóm tác giả đã trình bày ở lời nói đầu, cuốn từ điển này sẽ còn những điểm thiếu sót, chẳng hạn như đã không đưa các tác phẩm của tác giả Việt Nam xuất bản ở nước ngoài vào đối tượng khảo sát, người có nhiều tác phẩm, người có ít tác phẩm... Đặc biệt, sự thiếu vắng những cây bút trẻ, rất quan trọng, ở thế hệ cuối 8x, đầu 9x (Đinh Phương với Những đứa con của chúa trời - 2014, Hạnh Nguyên với Những thiếu thời lơ lửng - 2014, Minh Moon với Hạt hòa bình - 2014, Cao Nguyệt Nguyên với Trăng màu hổ phách, Nhật Phi với Người ngủ thuê - 2015…) đã cho thấy một khoảng trống trong phạm vi khảo sát của các tác giả từ điển. Điều kiện dung lượng cũng như hạn chế trong khâu tư liệu cũng làm ảnh hưởng ít nhiều đến sự đầy đặn, chu toàn của cuốn sách. Dẫu vậy, với những gì đã thể hiện, đặt trong mạch liên tục của các công trình Từ điển văn xuôi 1900 - 1945, 1945 - 1975, 1975 - 2000, Từ điển văn xuôi Việt Nam từ năm 2000 là một nỗ lực không hề nhỏ của tập thể các nhà nghiên cứu. Cuốn sách góp phần đầy đủ hơn vào việc hình dung về diễn tiến của văn xuôi đương đại, là một tài liệu không thể thiếu cho những ai quan tâm đến khu vực văn học này.

NGUYỄN THANH TÂM

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)