Những năm gần đây, cái tên Vũ Kim Khoa được biết đến không chỉ với tư cách là tác giả của những tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, mà còn với tư cách là tác giả của những bài phê bình - tiểu luận có nghề, giàu chất văn. Điều đó chứng tỏ Vũ Kim Khoa là một tay máy ra hoa (mượn cách nói “tay lái ra hoa” của nhà văn Nguyễn Tuân) ý thức cao độ về lĩnh vực chuyên môn nghề nghiệp của mình.
Cuối năm 2018, Vũ Kim Khoa bất ngờ trình xuất tập tiểu luận - phê bình nhiếp ảnh Tiêu điểm thời gian do Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên ấn hành.
Cuốn sách được cấu trúc thành hai phần. Phần 1 Cuộc đời của những tấm hình gồm 14 tiểu luận về các vấn đề liên quan tới nhiếp ảnh. Nhờ đã hoạt động lâu năm trong lĩnh vực nhiếp ảnh, nên Vũ Kim Khoa có điều kiện đi sâu vào những chi tiết riêng rẽ, rất đặc thù mà chỉ có thể phát sinh trong môi trường nhiếp ảnh. Vũ Kim Khoa chọn cách tiếp cận gần, trực tiếp, đối tượng tiếp cận là những thứ vừa gần gũi, bình dị, quen thuộc vừa đang gây nóng dư luận xã hội. Phần 2 Mắt chữ gồm 25 bài phê bình về các tác phẩm nhiếp ảnh mà Vũ Kim Khoa đã có duyên gặp và gây ấn tượng, xúc động mạnh với anh.
Tiến sĩ, nhà phê bình văn học Nguyễn Kiến Thọ phát biểu:
“Bằng sự hiểu biết khá sâu sắc về kĩ thuật nhiếp ảnh của một tay máy có đến ngót nghét 40 năm tuổi nghề, bằng sự trải nghiệm của một người nghệ sĩ đã từng lang thang khắp các hang cùng ngõ hẻm, những đèo cao thung sâu để đi câu ảnh, bằng sự nhanh nhạy của cả cảm xúc và lí trí, cùng vốn chữ nghĩa và cách hành văn khá sinh động, đôi khi hóm hỉnh, với lối viết nhẩn nha, từ tốn như dáng điệu và phong thái của mình, Vũ Kim Khoa đã sáng tạo lại các bức ảnh nghệ thuật, cấp vi sa cho chúng để đến nhanh và gần hơn với công chúng. Anh mô tả tỉ mỉ từng chi tiết của bức ảnh như chính anh là người sáng tạo ra chúng, như chính anh là người bấm máy để khai sinh những khuôn hình ấy.
Tiêu điểm thời gian có lẽ là một trong số hiếm hoi cuốn sách phê bình nhiếp ảnh ở Việt Nam được xuất bản, cho đến thời điểm hiện tại (nếu không tính đến những bài viết nhỏ lẻ xuất hiện đó đây trên các mặt báo)”.
Về lí do không chỉ dừng lại ở vai trò của một nhà sáng tác nhiếp ảnh mà còn dấn thân vào phê bình nhiếp ảnh, Vũ Kim Khoa chia sẻ:
“Khi nhìn ngược lại xuyên suốt cả quá trình phát triển của nền nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam, thì khâu yếu nhất, lỏng lẻo nhát, bị ruồng bỏ nhất, chắc chắn chính là lí luận phê bình.
Khi đã coi nhiếp ảnh là một thực thể không thể thiếu được trong cộng đồng văn học nghệ thuật Việt Nam, thì không thể coi nhẹ việc chăm lo nghiêm túc tới mảng lí luận phê bình nhiếp ảnh. Buông lỏng lí luận phê bình cũng đồng nghĩa với việc thiếu tôn trọng sự sáng tạo của văn nghệ sĩ, không chỉ vậy, điều đó còn khiến cả xã hội phải chi phí oan uổng một lượng vật chất trong khi đời sống tinh thần lại không được nâng cao thông qua nhiếp ảnh nghệ thuật.
Nói về lí luận phê bình nhiếp ảnh, người ta hay nghĩ đến những vấn đề cao siêu. Nhưng một khi những thứ đó chưa đạt đến, thì quan tâm đến những điều nhỏ nhặt phải chăng cũng là cần thiết? Cuốn sách của tôi chỉ là một phần đời sống nhiếp ảnh Việt Nam những năm gần đây như tôi thấy và cảm nhận.
Tôi láng máng nhận ra từ lâu, rằng nhiều nhà nhiếp ảnh của Việt Nam thường hay giấu nghề khi còn chưa thạo nghề, thích được khen và lười học. Nhiếp ảnh là một nghề chơi, nhưng để chơi giỏi, chơi đẹp thì buộc anh phải công phu học nghề, thạo nghề”.
Vũ Kim Khoa sinh năm 1958, hiện sống, sáng tác và phê bình nhiếp ảnh tự do tại Thái Nguyên
TẦM THƯ
VNQD