"Từ Dụ thái hậu": Lịch sử được viết lại bằng tư tưởng của nhà văn

Thứ Tư, 24/04/2019 08:21

Với sự nhân từ, đức độ, Từ Dụ thái hậu được dân gian lưu truyền là người phụ nữ quyền lực có sức ảnh hưởng to lớn dưới triều nhà Nguyễn. Từ cảm hứng ấy, nhà văn xứ Huế Trần Thùy Mai đã viết Từ Dụ thái hậu - một trường thiên tiểu thuyết gồm 69 chương, có thể xem là tiểu thuyết lịch sử dạng “cung đấu” hiếm hoi của văn học đương đại.

Bông hoa thánh khiết chốn hậu cung

Viết về thời nhà Nguyễn, triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam, nhưng nhân vật chính và xuyên suốt tác phẩm chính là bà Từ Dụ. Là con dâu của vua Minh Mạng, vợ của vua Thiệu Trị, mẹ của vua Tự Đức, Từ Dụ đã dùng nhân cách, trí tuệ của mình để có được địa vị trong hoàng cung cũng như trong lòng bậc đế vương và dân chúng. "Từ Dụ" có nghĩa là vẻ đẹp, là nhân ái, tốt lành. Cuốn tiểu thuyết đã lí giải sâu sắc ý nghĩa ấy từ chính thân phận, cuộc đời nhân vật chính.

Cô thiếu nữ 13 tuổi Phạm Thị Hằng theo cha là Phạm Đăng Hưng từ vùng đất phương Nam trù phú về kinh đô, chịu bao thăng trầm dâu bể rồi trở thành người đứng đầu hậu cung nhà Nguyễn, là Từ Dụ thái hậu sau này. Cô tiểu thư họ Phạm xinh đẹp, thông minh và nhân hậu đã chứng kiến rất nhiều phận đời sau bức tường thành cung cấm, những bi kịch chốn cung đình, và rồi bản thân nàng cũng trở thành một thân phận điển hình. Những mưu mô thủ đoạn tàn độc đầy rẫy ở hậu cung đôi lúc làm khuynh đảo cả triều chính, gây ra những cái chết tức tưởi, những án oan dậy trời tiếng nhơ khó rửa, đến mức hậu thế phải tốn nhiều bút mực tranh luận.

Mối tình của Phạm Thị Hằng và hoàng tử Miên Tông (vua Thiệu Trị sau này) là một bức tranh trong trẻo, lãng mạn, bừng sáng giữa chốn cung đình đầy mưu ma chước quỷ ấy. Bên cạnh đó còn có bóng dáng thầm lặng mà trung thành trước sau như một của Trương Đăng Quế, đệ nhất công thần nhà Nguyễn, người mang mối ẩn tình với Hằng bao năm (mối tình này đã trở thành một “đại nghi án” gây tranh cãi của triều Nguyễn). Cuộc chiến cam go bảo vệ tình yêu, danh phận, bênh vực giúp đỡ người ngay và lẽ phải ở nơi cao sang quyền quý thực sự gay cấn và đầy hiểm nguy, nhất là khi thiện ác tranh tối tranh sáng khôn lường.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải nhận định: “Chỉ thông qua các chuyện trong hậu cung, chính trường nhà Nguyễn qua ba triều vua hiện lên một cách sinh động dưới ngòi bút sắc sảo của nữ nhà văn Trần Thùy Mai. Mặt khác, văn hóa phong tục được gói trong các lễ nghi giao tiếp, trong các sinh hoạt cung đình và dân dã được mô tả rất tinh tế, rất Huế. Từ Dụ thái hậu là một cuốn tiểu thuyết lịch sử hấp dẫn và trung thực lạ lùng”.

Âm mưu, quyền lực, tranh đấu, thủ đoạn,... tất cả đều hiện diện ở chốn cung đình. Nhưng trong Từ Dụ thái hậu, nhà văn Trần Thùy Mai cũng khẳng định sức mạnh lớn lao của tình yêu, tình bạn, tri kỉ và sự lương thiện. Từ Dụ đã vượt qua mọi cám dỗ quyền lực để trở thành bông hoa thánh khiết thực sự và hiếm hoi của chốn hậu cung.

Sự thực lịch sử và hư cấu lịch sử

Nhà văn Trần Thùy Mai đã viết tác phẩm này dựa vào ba yếu tố tư liệu: chính sử, dã sử và dân gian. Bản thân nhà văn từng nói về những khó khăn khi tư liệu lịch sử ghi lại quá ít ỏi và đứt quãng. Tuy nhiên, đây cũng chính là cơ hội để nhà văn bung trổ trí tưởng tượng và tài hư cấu của mình. Vì vậy mà Từ Dụ thái hậu đã trở thành áng văn chương đầy sinh động, hấp dẫn viết về lịch sử.

Nhà văn Trần Thùy Mai

Thật vậy, một nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử mà chỉ dựa vào lịch sử thì đó là một nhà văn thất bại. Những cảm hứng lịch sử hay ám ảnh lịch sử sẽ thôi thúc nhà văn cầm bút viết về điều đó bằng tài năng của mình. Trần Thùy Mai đã cho thấy niềm đam mê với lịch sử, đặc biệt là lịch sử triều Nguyễn, kinh đô xứ Huế, nơi quê hương chị; và những ám gợi lịch sử ấy sâu sắc đến độ Trần Thùy Mai đã viết để soi vào/hướng vào nội tâm của những nhân vật lịch sử, chị muốn thấu hiểu những nhân vật của lịch sử.

Chọn con đường chênh vênh, một bên là núi cao của sự thực lịch sử, một bên là vực thẳm của hư cấu, nhưng Trần Thùy Mai đã khéo léo, tinh tế đi bằng trí tưởng tượng của mình. Lịch sử có nhiều mất mát và còn nhiều tồn tại, nhà văn bằng sự nhiệt tâm với quá khứ và vượt qua những ngáng trở của hiện tại để khẳng định vai trò của văn chương với lịch sử. Hư cấu dựa trên lịch sử luôn là cách để nhiều nhà văn lựa chọn viết tiểu thuyết lịch sử. Nhưng sự thành công của hư cấu thì phụ thuộc vào cảm quan của nhà văn khi “phán đoán” về lịch sử. Trần Thùy Mai đã trung thành với những điều lớn lao như nhân vật, sự kiện, tính cách. Nhưng chính sự tương tác giữa những tính cách nhân vật qua các sự kiện đã tạo nên những tình tiết hư cấu hấp dẫn cho tiểu thuyết lịch sử này. Là tiểu thuyết lịch sử hư cấu nhưng Trần Thùy Mai đã khắc họa được cái hồn của triều đại nhà Nguyễn. Đó là sự thành công của chị. Ở một khía cạnh khác, có thể nói, lịch sử là phương tiện để chị sáng tạo và gửi gắm những thông điệp của riêng mình. Lịch sử đã được viết lại bằng tư tưởng của nhà văn.

Không thể không nhắc đến ngôn ngữ của cuốn tiểu thuyết này. Nhà văn Trần Thùy Mai đã ý thức viết tiểu thuyết lịch sử của người Việt bằng những ngôn ngữ, văn phong thuần Việt. Với mong muốn, tiểu thuyết lịch sử sẽ làm cho giới trẻ yêu thích lịch sử hơn, Trần Thùy Mai đồng thời mang đến một bài học về ngôn ngữ tiếng Việt qua tác phẩm này. Hơn 900 trang sách đều là những trang cô đọng, nén, gợi. Ở đó không có sự dàn trải của sự kể, tả thông thường. Nhà văn tiết giảm tối đa những chi tiết, từ ngữ không cần thiết để mọi thứ được đề cập đến đều có một vai trò, chỗ đứng thực sự trong tác phẩm.

“Ở chỗ nào nhà sử học run tay, thì ở chỗ đó nhà văn sẽ viết”. Ý của nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương khi nói về Từ Dụ thái hậu là nhằm đề cao tiếng nói quyền lực của văn chương, trong việc nhìn về/lại lịch sử.

HOÀI PHƯƠNG

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)