Bác Hồ - Một tâm hồn nhạy cảm, hóm hỉnh

Chủ Nhật, 14/04/2019 09:22

. NGUYỄN THÁI BÌNH

Cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch kể lại cái “hơi khác người” của “anh Ba”, mà biểu hiện rõ nhất là sự nhạy cảm với cái đẹp: “Anh Ba rất tốt với mọi người và không bao giờ cãi cọ với ai. Nhưng anh Ba hơi khác thường. Mỗi ngày anh dậy thật sớm để xem mặt trời mọc. Và trong những đêm trăng, anh hầu như không ngủ, anh đi đi lại lại trên tàu, ngắm trời ngắm bể. Chúng tôi đậu lại ở Tê-lê-rít-pho vào lúc hoàng hôn. Bể lặng sóng, hòn đảo giống như một cái chụp đèn khổng lồ để trên mặt bể, phía trên lóng lánh, phía dưới xanh xanh. Chỉ có thế thôi, mà anh Ba ngây người. Anh nhắc đi nhắc lại: “Bốn, anh nhìn kìa! Đẹp quá! Hùng vĩ quá!”. Sau này cũng trên con tàu nhưng với tư cách một vị Chủ tịch Nước, mà vẫn nguyên vẹn một trái tim nhạy cảm như xưa. Người viết thư cho “các bạn” từ “cảng Xa-it, ngày 22-9-1946”:

Các bạn thân mến,

Từ khi chúng tôi lên đường, biển lặng, thời tiết đẹp. Hằng ngày, chúng tôi ngắm mặt trời lên và mặt trời lặn, quang cảnh ấy thật hùng vĩ và tuyệt vời.

Đồng chí Đặng Văn Cáp nhớ lại và tiếc những ngày hoạt động cùng Bác ở Việt Bắc: “Bác có một tâm hồn thơ dào dạt. Việc nước, việc công tác cách mạng, việc tham gia lao động hàng ngày, bao thứ bận rộn, nhưng gặp một cảnh đẹp, một ý thơ là Bác có ngay xúc cảm. Tiếc rằng nhiều khi Bác đọc lên không ai ghi chép, về sau không ai sưu tầm được”. Đồng chí Hoàng Quảng Bình hồi tưởng thời gian ở Vân Nam, “qua những nơi nào có cảnh đẹp Bác dừng lại ngắm nghía. Tính tôi xốc nổi có lúc giục Bác đi mau. Bác bảo: ngắm cảnh đẹp rất tốt. Và muốn xem, cảnh này giống cảnh nào trong nước mình”. Nhà thơ Tố Hữu kể về ấn tượng gặp Bác tháng 8 năm 1945, việc Bác quan tâm trước nhất là “dân sống như thế nào”. Khi nhà thơ báo cáo chính quyền cách mạng “phát động trồng rau màu khắp nơi” để chống đói thì Người hỏi ngay: “Khắp nơi là thế nào? Huế có nhiều vườn hoa cũng phá à?”. Câu hỏi đột ngột ấy cho thấy trong hoàn cảnh vận nước cực kỳ gian nan mà Người vẫn quan tâm tới cái đẹp, rất mong muốn cái đẹp không bị chà đạp bởi một lý do nào.

Họa sỹ Diệp Minh Châu được sống cạnh Bác một thời gian, khẳng định: “Có thể nói rằng Bác là một nhà nghệ thuật lớn, có một tâm hồn lớn về nghệ thuật mang đầy tính chất nhà thơ Á Đông. Không những Bác chú ý đến việc vẽ của tôi, phê bình, góp ý kiến... mà trong cuộc sống Bác rất chú ý đến cái đẹp. Trong việc tìm nơi ở, ngoài việc bảo đảm an toàn, Bác còn chú ý đến vẻ đẹp thiên nhiên, tìm hang, lợp mái, Bác thích nơi có tre trúc rủ trước nhà, trông xa mây vờn lưng núi, suối khe róc rách gần bên (tôi theo Bác đi tìm mấy chục hang Bác chỉ chọn có ba hang) và trên đường đi, chỗ nào có cảnh đẹp Bác thường dừng lại giây lát để thưởng thức... Lần đầu tiên được theo Bác đi tìm một địa điểm mới, trong khi đang lội qua suối, Bác dừng lại chỉ tay ra phía trước: "Chú Châu, chú thấy có đẹp không?". Tôi nhìn theo tay Bác trỏ, thấy giữa dòng suối có một hòn đá, nước suối chảy mạnh đập vào tung toé, bụi nước tung lên như ánh bạc"…

Bác cũng rất trân trọng cái đẹp. Một lần đến thăm đơn vị bộ đội nọ “Thấy nền gạch trong hội trường được anh em lau sạch, Bác liền cởi dép để ngoài thềm đi chân không vào. Chúng tôi cũng làm theo. Thấy vậy, Bác liền bảo: “- Nên để cái gì chùi chân, vừa sạch nhà, vừa đẹp mắt!”.

Bác rất tinh trong việc phát hiện ra cái đẹp, trong khi đó người khác không nhận ra. Câu chuyện Bữa cơm trên đồi thông, đồng chí Hoàng Hữu Kháng, người cận vệ thân tín của Bác kể một lần đi công tác, được Bác giao tìm chỗ nào đẹp mà tĩnh để nghỉ trưa mà mãi không tìm được, cuối cùng lại phải Bác tìm. Bác cháu ăn cơm trưa: “Tới bàn ăn… Bác bảo chúng tôi cùng ngồi xung quanh, Người nói đùa: “- Sơn thủy hữu tình” thế này, có “tửu”, có nhắm tốt, nếu có thơ nữa thì thật là tuyệt”.

… Tôi nhủ thầm: Bác khéo chọn thật! Mình đã nhìn vào ngọn đồi này, nhưng không thấy ra. Bây giờ mà ngồi trên đỉnh đồi mà ngắm mới thấy là đẹp: sóng lúa ở đây như sóng lượn ngoài khơi. Đầu các thôn xóm, những mái trường, ngồi xa trông như những chiếc phao đỏ, lập lờ bên những hòn đảo xanh. Những mương máng ở chân đồi, mía xếp hàng tăm tắp. Dãy Tản Viên, dãy Tam Đảo hướng về xuôi như hai pháo đài khổng lồ bảo vệ đồng bằng”.

Cũng phải thôi, bởi Bác là nhà thơ đi tìm cảm hứng!

Và Bác Hồ có cảm hứng của một nhà thơ đích thực, nhà thơ hơn mọi nhà thơ. Thơ nghệ thuật của Người thường lấy cái đẹp làm điểm tựa cho tứ. Tháng 2-1961, về thăm Pác Bó, ngắm nhìn cảnh đẹp, Bác nói với đồng chí Tố Hữu: “- Nào nhà thơ, làm thơ đi chứ!”.

- Mời Bác làm trước ạ ! Đồng chí Tố Hữu trả lời.

Bác nói: “- Vậy thì tôi làm trước”. Trầm ngâm một lát, Bác cất tiếng ấm áp ngâm: “Hai mươi năm trước ở hang này...”. Tháng 5-1961, Hồ Chí Minh từ Quế Lâm ngồi du thuyền đi chơi trên sông Ly, đến Dương Sóc. Ngày hôm sau đồng chí Vi Quốc Thanh, Bí thư thứ nhất tỉnh ủy Quảng Tây đề nghị Người tự đề bằng chữ Hán. Người viết bài Phong cảnh Quế Lâm. Rời Quế Lâm, Người qua Nam Kinh, Vô Tích đi thuyền ở Thái Hồ. Cảnh vật Giang Nam về mùa hè như dồn nén lại trong bài thơ Vịnh Thái Hồ. Nhưng trong quan niệm của Bác, cái đẹp phải hài hòa với hoàn cảnh. Một lần chuẩn bị đi công tác nước ngoài, Bác thân mật nói với Thủ tướng và một số anh em: “- Không phải Bác không muốn cho các chú mặc đẹp, Bác rất muốn cho cả dân tộc ta ai cũng được mặc đẹp... Chúng ta kháng chiến chống Pháp đã thắng lợi, nhưng đất nước còn nhiều khó khăn...nếu ai cũng muốn cơ-ra-vat, và khi có cơ-ra-vat thì phải có áo sơ mi, phải có thêm áo vét. Như vậy tiền lương sao đủ, chỉ còn cách bớt xén của công!”.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt kể, đầu năm 1950, trời rét đậm. Có lần khi chờ một cuộc họp, bên bếp lửa hồng, Bác buột miệng: “- Thật là ấm cúng!”. Tôi thưa với Bác: “- Đúng vậy! Ấm lửa hồng, nhưng trước hết là ấm tình người”. Bác vui bảo tôi: “- Nếu có thím ở đây hay chú về với thím thì còn ấm hơn nhiều!...”. Chi tiết này chứng tỏ phẩm chất thi sĩ thường trực, xuyên suốt, từ những suy nghĩ tầm chiến lược đến những suy nghĩ nhỏ, từ cảm hứng bao trùm đến những phẩm chất cụ thể như liên tưởng, tưởng tượng, so sánh... thì ở Hồ Chí Minh là tình thương con người, luôn lấy con người là gốc, là mục tiêu phấn đấu. Trong chuyến thăm bí mật tới Liên Xô, ngày 16-2-1950, tại Matxcơva, trong bữa tiệc kín với Xtalin, Malencốp, Môlôtốp, Khơrútsốp và một số lãnh đạo cao cấp Trung Quốc: Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai. Hồ Chí Minh nói:

- Các đồng chí đã ký hiệp ước với Trung Quốc, nhân tôi đang có mặt ở đây, tôi cũng mong được các đồng chí ký một hiệp ước như thế.

Xtalin:

- Đồng chí đến Liên Xô thăm chúng tôi lần này là chuyến đi bí mật. Nếu ký hiệp ước, người ta hỏi đồng chí đột ngột ở đâu “hiện” ra, chúng tôi biết giải thích thế nào!

Hồ Chí Minh cười:

- Chuyện đó dễ lắm. Đồng chí cho chúng tôi lên máy bay bay một vòng rồi đáp xuống sân bay, cử một số đồng chí ra đón chúng tôi, cho các báo đưa tin này, thế là xong.

Xtalin cười:

- Quả là sức tưởng tượng độc đáo của người phương Đông các đồng chí”.

Không có một sức tưởng tượng phong phú, một chất hóm hỉnh, ngộ ngĩnh, hài hước của nghệ sỹ sẽ không thể “vẽ” ra một “kịch bản” bất ngờ và sự ứng đối linh hoạt ấy, nhất là trước một lãnh tụ chính trị nổi tiếng, một thiên tài quân sự như Xtalin.

Một tâm hồn nhạy cảm với cái đẹp, tinh tế, hóm hỉnh trong lối ứng xử là tiền đề để chủ thể nghệ sỹ trong sáng tạo nghệ thuật.

NTB


[1]. Trần Dân Tiên - Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch. Nxb Văn hóa dân tộc, 2000, tr 28.

[2]. Trần Đương - Ánh mắt Bác Hồ. Nxb Thanh niên,1999 tr 21.

[3]. Nhiều tác giả - Bác Hồ, Hội văn nghệ Cao Bằng 1990.tr 56.

[4]. Bác Hồ. Nxb Văn học, 1975, tr 22, 123.

[5]. Tố Hữu. Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 1, tr14.

[6]. Diệp Minh Châu kể. Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 1, tr 214, 215.

[7]. Nguyễn Ngọc Châu (biên soạn) - Đưa Bác về Pắc Bó. Nxb Lao động Xã hội, 2007.tr 351

[8]. Nguyễn Ngọc Châu (biên soạn) - Đưa Bác về Pắc Bó. Nxb Lao động Xã hội, 2007.tr 96.

[9]. Nhiều tác giả - Avoóc Hồ (tập hồi ký) - Nxb Văn hoá Dân tộc, 1977, tr 208.

[10]. Đặng Quang Huy (biên soạn) - Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc Nxb Chính trị Quốc gia, 2012.tr 104.

[11]. Hồng Khanh - Chuyện thường ngày của Bác Hồ. Nxb Thanh Niên, 2005.tr 73.

[12]. Nhiều tác giả - Bác Hồ ở Việt Bắc - Nxb Chính trị Quốc gia, 2011.tr 360.

[13]. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 4, tr 406.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)