Người ghi bia đá để đời/ Còn ta bia trắng để người tự ghi

Thứ Ba, 02/04/2019 15:23
TRÒ CHUYỆN CUỐI THÁNG BA
Nhà phê bình HOÀNG ĐĂNG KHOA
Nhà thơ NGUYỄN BẢO SINH

Người ghi bia đá để đời/ Còn ta bia trắng để người tự ghi là toàn văn bài thơ của Nguyễn Bảo Sinh có tên là Vô đề 3, được ông lẩy để minh hoạ cho câu trả lời khi được hỏi quan niệm của ông về cái gọi là danh hiệu ở đời. Là người “quy y tạo hóa”, vô sở cầu, nên với ông, “người sống thật là người không định được danh”. Người đời đã, đang và sẽ phong cho ông rất nhiều danh hiệu. Còn tôi, tôi gọi ông là người có khả năng kích hoạt tiếp truyền cảm hứng năng lượng sống và sáng tạo nơi/cho người khác.

 

- Được biết, những năm tháng thanh xuân, ông từng gắn bó với quân đội. Ông có thể chia sẻ với bạn đọc VNQĐ câu chuyện không nhiều người biết này?
+ Năm 1960, tôi dạy học tại Trường Sĩ quan Lục quân (nay là Trường Đại học Trần Quốc Tuấn - PV), Sơn Đông, Sơn Tây. Đại tướng Lê Trọng Tấn lúc đó đang đeo hàm đại tá làm Hiệu trưởng, sau đó là Đại tá Lê Quang Hòa. Tôi được biên chế vào Tiểu đoàn 2, được đặc trách dạy cho hai học viên đặc biệt: Đinh Ngôn - em của Anh hùng Đinh Núp và bà Nguyễn Thị Minh Sơn - Chuẩn úy quân y - vợ Đại tá Hiệu trưởng Lê Trọng Tấn. Sau đó, tôi được vợ chồng Đại tá Lê Trọng Tấn mời về dạy tại nhà riêng 36 phố Hoàng Diệu, Hà Nội. Khu nhà riêng của Đại tá Lê Trọng Tấn nằm trong khu chung cư cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thủ tướng Phạm Văn Đồng, vì vậy an ninh rất nghiêm ngặt. Vốn thích tự do nên tôi cảm thấy mình không phù hợp với “chốn ở” này, tôi quyết định xin nghỉ.
Năm 1965, tôi chuyển về Ban Chính trị, Trung đoàn 234, Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không - Không quân. 361 là sư đoàn bảo vệ Trung ương Đảng và Bác Hồ. Cùng đơn vị với tôi lúc đó có Dương Duy Ngữ, sau này là nhà văn, đại tá, công tác tại Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Còn tôi về Quân chủng Phòng không - Không quân cùng đợt với Lưu Quang Vũ. Một lần, Quân chủng tổ chức đại hội nhà văn, nhà thơ tại Trung đoàn 234, Vũ có nhờ tôi làm một bài thơ đọc để khai mạc đại hội. 234 là trung đoàn bảo vệ trung tâm Hà Nội cho nên tôi được đóng quân ở tất cả các vị trí trận địa pháo phòng không Hà Nội. Mỗi lần đi qua các trận địa cũ trong lòng thành phố Hà Nội là tôi lại bồi hồi xúc cảm…


- Thế ông ra quân với quân hàm gì? Món vẽ truyền thần mà ông bắt tay hành nghề sau đó đã đến với ông như thế nào?
+ Tôi ra quân với quân hàm thượng sĩ. Còn nghề truyền thần là do bố tôi dạy. Môn này tôi đã thực hành ngay khi đang còn là bộ đội. Tôi đã vẽ cho anh em đồng đội gửi về gia đình khi họ phải đi chiến đấu ở chiến trường B, C. Chính vì có nghề phụ trong quân đội cho nên tôi tuy là hạ sĩ quan mà lương lại cao hơn gấp năm lần chính ủy. Sau khi phục viên tôi mưu sinh bằng vẽ truyền thần. Ngày xưa gần như rất hiếm máy ảnh và giấy ảnh nên người vẽ truyền thần kiếm ăn rất tốt. Thu nhập của một họa sĩ truyền thần cao gấp mười lần lương của một kĩ sư, bác sĩ.


- Ông viết thơ từ khi nào?
+ Tôi viết thơ có lẽ từ kiếp trước vì ngay khi nằm trong bụng mẹ tôi đã nghe bố tôi đọc thơ. Năm 3 tuổi tôi đã thuộc nhiều bài thơ của bố. Có lẽ tôi tập nói bằng thơ. Năm 17 tuổi bố tôi có yêu một cô gái Thái, cô này đã bị người yêu cũ đẩy xuống vực sâu. Bố tôi làm thơ khóc người yêu:
Những mong dốc cả lòng mơ
Dành thời xuân để đợi chờ người yêu
Nhưng than ôi sắc diễm kiều
Miệng cười khiến cả một chiều thu say
Mắt nhìn cho lá ngàn bay
Thướt tha dáng điệu hương ngây ngất trời
Đã không còn ở cõi đời
Để cùng nhau cạn những lời thề xưa
Thôi đành ôm giấc tàn mơ
Ôm thiên trường hận để chờ kiếp sau
Mới hay mang nỗi thương đau
Là khi mang mối tình đầu mới hay
Nàng đi đi mãi rồi đây
Biết đâu đời lẻ dấu giày tình chung
Ngẩn ngơ trong đám bụi hồng
Giữa nơi phú quý cõi lòng buồn tênh

Bố tôi dùng bài thơ này dạy tôi nói. Đến nay tôi đã 80 tuổi, những câu thơ này vẫn thường trực văng vẳng bên tai tôi ngay cả trong giấc mơ.


- Có giai thoại kể, rằng trước khi mất, bố ông hỏi ông là thơ bố và thơ con thơ ai hay hơn, ông trả lời là thơ bố. Tôi nghĩ, có lẽ đây chỉ là một câu trả lời mang tính phải đạo phải phép mà thôi. Ông muốn kế thừa phát triển và bổ sung gì từ thơ bố?
+ Khi ốm nặng sắp mất, bố tôi gọi tôi lại rưng rưng lệ hỏi: Có người bảo thơ tôi hay hơn thơ anh, có người lại bảo thơ anh hay hơn thơ tôi, anh nghĩ thế nào? Tôi trả lời: Thơ bố hay hơn thơ con là cái chắc. Bố tôi ngồi bật dậy, ôm chầm lấy tôi và bảo: Thế là con đã báo hiếu cho bố đủ rồi, từ nay bao nhiêu tội lỗi của con bố cho qua hết. Thực ra tôi nghĩ, thơ tôi hay hơn thơ bố tôi.
Nhưng cách chơi thơ thì bố tôi tiên phong đạo cốt hơn nhiều. Hằng ngày cụ ra bờ hồ Hoàn Kiếm đọc thơ cho các bà quét rác, người qua đường. Ai nghe thơ của cụ đều được cụ tặng một ít tiền mà cụ gọi là tiền nhuận tai. Số tiền nhuận tai tích lại 80 năm thừa đủ mua một biệt thự lớn. Trước khi mất bố tôi cầm tay tôi và dặn: Con chỉ nên làm nhà thơ dân gian thôi nhé!
Vì là nhà thơ dân gian nên có lẽ đa phần người dân Việt Nam bình thường đều nhớ được một vài câu thơ của tôi:
Biết bao thi sĩ vô danh
Nhưng vần thơ lại trở thành ca dao
Biết bao thi sĩ ngôi sao
Suốt đời chả để câu nào cho ai

Nhà thơ có thể không cầu danh cầu lợi nhưng đều cần phải có sự chia sẻ. Chia sẻ theo cách dân gian là thú vị nhất.


- Không nghi ngờ gì nữa, trong làng thơ đương đại, ông là người có thơ được thuộc nhiều nhất. Thơ ông đi vào dân gian, được dân gian hoá, nên sinh ra nhiều dị bản. Có dị bản nào mà ông cho là… hay hơn nguyên bản không?
+ Thơ Nguyễn Bảo Sinh đã đi vào đời sống dân gian nên sinh ra nhiều dị bản là một tất yếu. Có những dị bản hay hơn nguyên bản. Ví dụ tôi sáng tạo câu thơ:
Sang sông sợ nhất đò đông
Về nhà sợ nhất vợ không nói gì

Dân gian đã “đồng sáng tạo” nên nhiều dị bản hay, chẳng hạn như:
Ra đường sợ nhất công nông
Về nhà sợ nhất vợ không nói gì

Rất nhiều thơ của Bảo Sinh bị/được người ta nhận là của mình. Rất nhiều lần bạn bè trong cả nước bảo với tôi, rằng nơi này nơi nọ người ta ăn cắp thơ tôi. Tôi cười và đọc cho họ câu thơ:
Gặp kẻ ăn cắp thơ ta
Hóa ra người ấy lại là tri âm

Cũng có rất nhiều câu thơ không hay bị người ta đổ bừa cho tôi, tôi cũng không phản đối. Thơ dân gian mà!


- Có người bảo thơ Nguyễn Bảo Sinh mạnh về câu, không mạnh về bài. Ông có đồng tình với nhận định này không? Nếu chọn câu/bài mà tự bản thân thấy ưng nhất, ông chọn câu/bài nào?
+ Ai đó bảo thơ tôi mạnh về câu không mạnh về bài, đó là do đố kị ghen tuông, giả vờ khen để chê, hoặc không hiểu bản chất vấn đề. Thơ tôi như ca dao thì bản thân câu đã là bài chứ không phải thơ tôi chỉ được câu không được bài. Có người còn gọi tôi là nhà thơ “dân gian” theo nghĩa xấu, nghĩa là người chỉ viết được thứ thơ ba phèng, ngoại vi, bên lề… Trên thực tế, thơ (và văn) của tôi đã được đưa vào luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ.
Theo tôi bài thơ hay nhất của tôi phải đạt được tiêu chí:
Câu thơ khi tỏ khi mờ
Lí trên bác học, tình thừa dân gian

Vì vậy, bài thơ tâm đắc nhất của tôi (có thể) là:
Cùng chung một chuyến đò ngang
Kẻ thì sang bến, người đang trở về
Lái đò lái mãi thành mê
Sang về chẳng biết mình về hay sang

Thật ra tôi làm hàng nghìn bài thơ, mỗi lúc thích một bài nên bài thơ trên tôi chỉ lẩy hú họa mà thôi.


- Ông hay công bố thơ mình trên facebook cá nhân, và đương nhiên là nhận được nhiều comment phản hồi của những độc giả theo dõi. Tương tác trên facebook, ông thấy thế nào?
+ Thật ra thì tôi mới tập tham gia chơi thơ trên facebook, những comment đa phần là vu vơ, nhưng cũng có những comment là bậc thầy của ta. Ví dụ như bài thơ của tôi:
Đang ngồi tắm ở trong buồng
Bỗng dưng thích thú cởi truồng làm thơ

Đã có bậc thầy comment rằng: “Cởi truồng” không phải là cởi truồng mà là buông bỏ những chấp trước để du lịch một cách hoang miên trong miền vô thức, khi đó tất cả sẽ đều là sáng tạo.
Tương tác trên facebook cũng là cách tu dưỡng để tự mình hiểu mình hơn. Nếu một nhà thơ không hòa mình vào cư dân mạng chắc chắn sẽ bị lạc hậu, nhưng phải hòa nhập một cách tỉnh thức.


- Thơ ông thường khi bị đọc nhầm hiểu nhầm, nên nhắc đến Nguyễn Bảo Sinh là nhắc đến một kiểu thơ dân gian đậm “dâm tính”. Thực ra không phải vậy, và thực ra ông làm (được) nhiều kiểu thơ khác nhau. Thường người ta nỗ lực kiến tạo sở hữu một phong cách kiểu cách thơ riêng, ông lại có vẻ như có quan điểm nghệ thuật khác, khi muốn đa năng đa dạng hoá mình?
+ Thơ tôi là thơ hiện sinh của muôn mặt đời thường. Ai có dâm tâm thì thấy dâm tính, ai thanh tâm thì thấy thiền tính, ai từ bi thì thấy hỉ xả - cười để xả ra những chấp trước…
Quý vật đi tìm quý nhân
Huyền thi gặp được huyền tâm mới huyền

Có người bảo thơ tôi giống thơ Hồ Xuân Hương là sỉ nhục Hồ Xuân Hương, vì thơ của Bà chúa thơ Nôm này mô tả hiện thực một cách thiên tài không ai có thể bắt chước được. Còn thơ tôi lại triết lí về phồn thực tận lõi cốt. Vì vậy bảo thơ tôi giống thơ Hồ Xuân Hương là sỉ nhục tôi.
Nguyễn Bảo Sinh là người quy y tạo hóa nên phong cách riêng của Nguyễn Bảo Sinh là không có phong cách, không có phong cách nghĩa là phong cách nào cũng có. Nàng thơ như con voi, mỗi phong cách chỉ là thầy bói xem voi:
Chỉ sờ một chỗ mà thôi
Thầy bói định nghĩa được voi là gì
Nếu hiểu đủ lẽ huyền vi
Sẽ không định nghĩa được gì về voi

Hội thơ dân gian đương đại là hội thơ tạo hóa mà Bảo Sinh là hội viên:
Tôi xin vào hội gió mây
Phất phơ như ngọn cỏ may giữa trời
Tôi xin để mặc tóc dài
Quy y tạo hóa như loài rong rêu

Tập Huyền thi của tôi là cây đàn muôn điệu có đủ mọi phong cách: vừa là Hồ Xuân Hương, vừa là Nguyễn Du, vừa là Nguyễn Bính, vừa là Xuân Diệu, vừa là Tú Xương, vừa là Nguyễn Gia Thiều…
Hồn thơ Nguyễn Bính nhập vào Huyền thi một cách rất đương đại:
Hôm xưa lên tỉnh về làng
Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi
Bây giờ quần trễ rốn lồi
Khổ tôi khổ cả bố tôi đang thiền

Huyền thi cười ngặt nghẽo tính cả ghen trong thơ Nguyễn Bính:
Chân cô in dấu trên đường bụi
Chẳng vết chân nào được giẫm lên

Ca dao Huyền thi khác ca dao ở chất thiền. Tâm nhị nguyên của chúng sinh coi sen và bùn là hai. Còn tâm Huyền thi bất nhị coi sen và bùn chỉ là một:
Khi mê bùn chỉ là bùn
Ngộ rồi mới biết trong bùn có sen

Bài thơ này liên văn bản với bài ca dao nổi tiếng, nhưng mang chở triết lí uyên nguyên của đạo Phật: Tâm chúng sinh như bùn tanh tưởi, gạn đục khơi trong thành tâm Phật. Hoa sen vươn lên từ bùn lầy lại thơm ngát hương thiền. Chính vì vậy mà hai câu thơ được treo ở nhiều thiền viện, được làm đề từ trang web của thiền sư Thích Nhất Hạnh, là phương châm xử thế mà giáo sư Ngô Bảo Châu tâm đắc, và còn được đi vào những luận án tiến sĩ trong các học viện thiền học ở Ấn Độ, Tây Tạng. Tiểu thuyết Tuổi hai mươi yêu dấu của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cũng chọn mấy câu trên làm đề từ.
Triết lí Khổng Tử Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông thể hiện trong cây thông quân tử của Nguyễn Công Trứ:
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
Giữa trời vách đá cheo leo
Ai mà chịu rét thời trèo với thông

Thông của Huyền thi mang tính hiện sinh Jean Paul Sartre:
Làm thông ngay giữa kiếp người
Làm người lại đứng giữa trời như thông
Lá reo tiếng hạc tầng không
Vi vu nào biết là thông hay người

Thông của Huyền thi là thông của Trang Tử: thông và người là một, cũng như Trang Châu gởi mộng tan thành bướm/ Bướm tan thành mộng hóa Trang Châu.
Bài Á kinh siêu sinh tịnh độ trong Huyền thi chan chứa tình yêu thương con người như Nguyễn Du trong Văn tế thập loại chúng sinh:
Cô hồn muôn loại mười phương
Về nương pháp lực lên đường siêu sinh
Lời kinh tiếng pháp uy linh
Giải trừ oan nghiệt siêu sinh niết bàn

Cõi dương thế chan hòa ánh nắng
Dưới đất sâu lạnh trắng xương khô
Não nùng thay những đêm mưa
Ai lau giọt lệ ma xưa dưới mồ

Khác với Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du, Á kinh siêu sinh tịnh độ trong Huyền thi còn hướng dẫn cách để linh hồn được nhập cõi niết bàn:
Cõi niết bàn bất sinh bất tử
Cực lạc hồn hoan hỉ đồng tu
Trần gian nhân ảnh mịt mù
Bọt trong bể khổ dạt bờ bến mê.


- Nhắc đến Bảo Sinh còn là nhắc đến “ông tổ của ngành nuôi chó cảnh ở Việt Nam”, “người đầu tiên tổ chức thi hoa hậu thời trang chó mèo ở Việt Nam”, “người đầu tiên xây khách sạn chó mèo ở Việt Nam”, “người đầu tiên xây chùa chó mèo ở Việt Nam”… Những việc làm này của ông, đặc biệt là việc nâng niu thờ cúng cầu siêu cho chó mèo, chắc hẳn không phải để chơi ngông, mà là gắn với một quan niệm triết lí sâu sắc vững chắc về tính bình đẳng của muôn loài (không chỉ giới hạn thập loại chúng sinh), về sức mạnh vai trò của tôn giáo?

Nguyễn Bảo Sinh khá điển hình cho một dạng nhà thơ dân gian vốn tồn tại từ xưa đến nay ở nhiều nơi trên thế giới. Trí tuệ dân gian thông qua hình thức nói vần được truyền khẩu nhiều khi biến thành ca dao, tục ngữ, thành lời các bài hát dân ca. Có thể nhận ra đặc tính chính của lối thơ này là ở chỗ luôn ngẫm sự đời để từ đó rút ra những kinh nghiệm sinh tồn, những kinh nghiệm sống. Việc ngẫm sự đời ấy dựa trên những quan sát trực tiếp ở những ngành nghề, ở những hoàn cảnh nhiều khi rất lạ lùng, hiếm có. Nhà thơ dân gian là người trực tiếp ở trong cuộc, trực tiếp lội xuống bùn để bắt những con cá chân lí trong cuộc sống. Yếu tố kinh nghiệm cá nhân không thể chia sẻ cho ai được đã làm nên nhiều sự bất ngờ và độc đáo của lối thơ này.
Khi đọc Nguyễn Bảo Sinh, bạn đọc dễ có liên tưởng đến thơ Bút Tre. Tôi nghĩ, xét cho cùng, Bút Tre cũng là một kiểu thơ dân gian, nghệ thuật dân gian. Ở thơ Bút Tre, kiểu nửa đùa nửa thật trộn lẫn giữa hình thức và nội dung gây nên hiệu quả rất độc đáo. Ở Nguyễn Bảo Sinh, không có kiểu nửa đùa nửa thật ấy mà ở đây tính chất nửa đời nửa đạo, nửa đúng nửa sai (của đời sống và chân lí đời sống) có phần nào rõ ràng hơn.

                                                                                                   (Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp)


+ Đúng. Nguyễn Bảo Sinh là ông tổ của ngành nuôi chó cảnh tại Việt Nam, tổ của những cuộc thi hoa hậu chó mèo, khách sạn chó mèo. Đặc biệt hiện nay tôi còn làm chùa Tề Đồng Vật Ngã dành cho chó mèo. Đây không phải là thú chơi ngông mà là để thực hiện tính uyên nguyên của đạo Phật. Đạo Thiên Chúa, đạo Hồi, đạo Do Thái quan niệm, rằng Chúa tạo ra muôn loài. Đạo Phật là khoa học của tôn giáo dạy, rằng hòn đá có thể biến thành con khỉ, con khỉ thành Đại Thánh, Đại Thánh đấu chiến thắng Phật. Vậy hòn đá và Phật đều bình đẳng. Đó là then chốt để phân biệt đạo Phật và đạo Thiên Chúa, đạo Hồi. Chùa Tề Đồng Vật Ngã thể hiện tinh hoa Phật giáo coi người và vật bình đẳng. Vì vậy con vật cũng được cầu siêu như con người. Từ xưa tới nay chưa có kinh nào cầu siêu cho chó mèo cả cho nên tôi phải tự sáng tác theo tinh thần của đạo Phật và cũng có cải cách theo lẽ vô thường. Trong Á kinh siêu sinh tịnh độ theo tôi nhận biết A Di Đà, Thích Ca Mâu Ni, Quán Thế Âm Bồ Tát chỉ là hình tướng Phật:
Vì đời có được cái tên
Cho nên mới có Phật, tiên và người
Vì đời có chữ có lời
Cái danh mới nhốt được người vào trong

Sắc sắc không không, vô thường vô ngã mới là pháp thân, bản thể của Phật nên quy y tạo hóa thay nam mô A Di Đà Phật, nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật bằng nam mô sắc sắc không không Phật, nam mô vô thường vô ngã Phật để chúng sinh tự tìm hiểu bản chất Phật mà thành công án thiền.
Tôi là người quy y tạo hóa, tất nhiên cũng là người quy y các đạo trong đó có ba đạo chính là đạo Thiên Chúa, đạo Hồi và đạo Phật (tam giáo đồng nguyên), vì vậy tôi hoàn chỉnh lại câu thần chú “Nam mô A Di Đà Phật” thành “Nam mô A men - Ala - A Di Đà Phật” để cầu cho muôn loài muôn vật dùng ngoại lực tạo hóa mà siêu sinh tịnh độ.


- Cuốn tản văn Bát phố của ông đậm mùi thiền, đậm chất siêu thực, và ngay từ cái tên đã đậm vị Hà Nội. Đây là cuốn sách mà ông đầu tư nhiều tâm lực nhất?
+ Cuốn Bát phố là cuốn tôi viết nhanh nhất nhưng cũng là đầu tư lâu nhất vì 60 năm làm thơ, cả một đời ở Hà Nội mới chắt lọc thành. Bát phố là tác phẩm siêu thực. Bát phố không phải là bát phố mà là một hành giả tìm thiền trong lòng phố cổ. Cuốn sách đã trở thành đối tượng nghiên cứu của vài luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Đặc biệt, năm 2018, Bát phốHuyền thi được nghiên cứu không phải từ góc nhìn dâm thi mà là từ góc nhìn thiền luận. Tiến sĩ Chu Văn Sơn đã hướng dẫn thành công một luận văn thạc sĩ về Bát phố nhưng luận án tiến sĩ về Huyền thi thì hướng dẫn dở dang vì ông ốm nặng.


- Là một pho sử, một bách khoa thư về Hà Nội, ông có tự hào kiêu hãnh khi mình là “một người Hà Nội” không? Ông nói gì về Hà Nội, Hà Nội xưa và Hà Nội nay?
+ Tôi tự hào và cảm thấy may mắn khi mình là người Hà Nội. Nhưng tôi cũng thấy người Hà Nội còn nhiều thiếu sót, như tinh thần phấn đấu vươn lên rất kém. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thành công rực rỡ vì ông ta sinh ra bên sông Cà Lồ ở Vĩnh Phú và công tác tại Sơn La.
Đứng về mặt tâm linh thì người Hà Nội nay đã mất đi những cảm giác bâng khuâng, họ sống hối hả, ồn ào, bức xúc. Đâu còn cảnh như trong thơ Xuân Diệu:
Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói
Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì

Bây giờ anh chàng nào bát phố mà bâng khuâng chắc sẽ bị tai nạn giao thông hoặc xô vào người khác mất thôi.
Nếu ta ngắm nhìn những bức ảnh người Hà Nội xưa thấy tâm họ thiền hơn. Người Hà Nội ngày nay cao to đẹp đẽ hơn nhưng thấy toát ra vẻ bất an vì tâm vọng động. Đời sống con người bị rút ngắn lại vì điện thoại thông minh, vì nhận được quá nhiều thông tin, vì bất an vây bủa.


- Từ đường văn của người bạn tâm giao là Nguyễn Huy Thiệp, ông bình luận gì về quan niệm, rằng kẻ sĩ thì phải về Hà Nội?
+ Nguyễn Bảo Sinh có thơ rằng:
Yêu nhau tìm chất chân quê
Kẻ sĩ thì phải tìm về thủ đô

Nguyễn Huy Thiệp nếu cứ ở Sơn La thì chắc chắn tác phẩm Tướng về hưu sẽ không ra đời được. Rất hiếm ai thành công trong nghệ thuật mà cả đời chỉ sống ở nơi rừng hoang núi vắng. Ngay cả kẻ sĩ ở các trung tâm lớn như Sài Gòn họ sống văn minh hơn, nhưng tư duy cũng có nhiều nét không sâu sắc bằng kẻ sĩ Bắc Hà. Ngay người thủ đô người nào sống xa hồ Hoàn Kiếm cũng thường mơ ước:
Một ngày ngồi cạnh Bờ Hồ
Còn hơn suốt kiếp ở Ô Chợ Dừa

Bản thân tôi sống ở quận Hai Bà Trưng mà ngày nào cũng phải lên Bờ Hồ để nạp năng lượng từ 3 giờ chiều đến 9 giờ tối.
Tuy nhiên cái gì cũng có tính hai mặt của nó. Ở đời hoạ phúc phúc hoạ khôn lường, trong phúc có hoạ trong hoạ có phúc. Thủ đô là nơi nuôi dưỡng nhưng cũng là mồ chôn thiên tài của bao kẻ sĩ tỉnh lẻ.


- Ít ai có thể ngờ một lão Bảo Sinh 80 tuổi vừa mới trình diễn màn đấm bốc ấn tượng với đối thủ tuổi trung niên. Ông đến với môn đấm bốc như thế nào? Những bí quyết di dưỡng để ông có thể duy trì sự tráng kiện về thể chất, mẫn tuệ về tinh thần là gì?
+ Quân bình là đạo của tạo hóa:
Ta như quả lắc quả cân
Chuyển động là để tự tâm quân bình

Dù 80 hay 90 tuổi, ta đều có thể lên võ đài đấm bốc tưng bừng nếu giữ được quân bình. Ta sai lầm hay ốm đau đều do mất quân bình. Nên tôi sẽ dưỡng sinh để đến năm 90 tuổi vẫn được trình diễn những pha đấm bốc gây ấn tượng.
Già rồi đóng bỉm đi chơi
Chứ quyết không chết ở nơi xó giường

Năm 70 tuổi tôi thượng đài với võ sĩ Cảnh Thịnh - Huy chương vàng toàn quốc và võ sĩ Hải - Huy chương bạc thế giới, ai cũng cho là tôi bị điên, ngay như trọng tài cũng run sợ chẳng may tôi chết trên võ đài thì mang tiếng. Sau trận đấu đẹp mắt, tôi hứa hẹn năm 80 tuổi sẽ lên võ đài lần thứ hai, ai cũng cho là tôi chỉ nói đùa. Năm 80 tuổi, y hẹn, tôi tiếp tục lên võ đài, mọi người xem thấy hào hứng hơn nhiều. Trọng tài Hồng Minh tuyên bố tôi là võ sĩ tự thắng mình một cách oanh liệt. Thắng mình là khó nhất. Lần này tôi lại hứa với mọi người, rằng năm 90 tuổi tôi sẽ lên võ đài, có thể lần này sẽ là lần cuối chăng...
Kẻ mong chết ở trên giường
Người mong da ngựa chiến trường bọc thây
Đừng bàn khôn dại ở đây
Cũng như trời đất có ngày có đêm.


- Vâng! Khôn dại khôn lường. Cuộc sống mỗi người không sách nào dạy nổi. Được biết, thuở vào đời ông cũng đọc những cuốn sách mà nhiều người gối đầu giường như Đắc nhân tâm, Quẳng gánh lo đi mà vui sống… Ngày nay nhìn lại, ông thấy dạng sách đó như thế nào?
+ Cách đây gần 70 năm thì sách dạng Đắc nhân tâmQuẳng gánh lo đi mà vui sống là thánh kinh của tôi. Bây giờ tôi cho rằng những quyển sách này dạy người ta đắc nhân tâm bằng cách lừa đảo, quẳng gánh lo bên vai trái chuyển sang vai phải mà thôi.
Xử tử chỉ giết một người
Sách sai giết chết muôn đời như chơi

Hiện nay Đắc nhân tâm vẫn là quyển sách được bạn đọc yêu thích nhất, chắc chắn sau này sẽ có rất nhiều người như tôi phải đọc qua quyển sách vỡ lòng này và rồi sẽ phủ nhận nó. Quy luật của nhận thức thiền là lúc đầu thấy núi là núi thấy sông là sông, sau đó thấy núi không phải là núi sông không phải là sông, cuối cùng lại thấy núi là núi sông là sông. Phủ định của phủ định là hành trình tìm chân lí. Ta phải đọc sách Đắc nhân tâm và phải biết xé sách, đấy là quy luật của sáng tạo:
Lí của vũ trụ không lời
Sách là sai đúng của người viết ra
Không sách ta chẳng thành ta
Không xé sách cũng không ra con người

Không có vỏ trứng thì không có gà con. Không phá vỡ vỏ trứng cũng không có gà con.
Tôn giáo là đỉnh cao của trí tuệ con người. Muốn đắc nhân tâm, quẳng gánh lo đi ta phải khởi từ trong tâm:
Không cần kê lại bàn thờ
Tâm lệch kê lại, tâm mờ thì lau.


- Văn chương đích thực sẽ không áp đặt, dạy dỗ ai cả, mà nó khơi vẫy người ta vào trường đối thoại, những cuộc đối thoại luôn ở chế độ mở. Một trong những tác phẩm văn chương giàu sức lay động, ám dụ ông là cuốn nào?
+ Diệt mãi không hết trùm khủng bố
Vì lòng người đều có chỗ cực đoan

Văn chương đích thực sẽ không cực đoan nên vừa áp đặt vừa không áp đặt, dạy dỗ bằng cách không dạy dỗ, văn chương sắc sắc không không như người thầy tạo hóa:
Hợp chân sẽ chẳng thấy giày
Thầy giỏi là chẳng thấy thầy dạy chi
Thuyết pháp là chẳng thuyết gì
Vạn pháp là chẳng có chi để bàn

Văn chương như lời của Phật hoàng Trần Nhân Tông dạy người ta sống theo tự nhiên và tự tìm mình:
Ở đời theo đạo phải tùy duyên
Đói ăn khát uống mệt ngủ liền
Trong nhà có đạo thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền
Độc giả đọc văn chương cũng cần phải:
Lắng nghe khi chẳng hiểu chi
Hiểu rồi chẳng thấy có gì để nghe
Lắng nghe thầy dạy khi mê
Hiểu rồi lại thấy chẳng nghe được gì

Tác phẩm văn chương giàu sức lay động ám dụ tôi là Tây du kí. Bốn thầy trò Đường Tăng trên đường hành thiền đến Tây Trúc gặp đủ 81 nạn mới đắc đạo. Anh chàng bát phố trong tập tản văn cùng tên của tôi là người vô sở cầu hành thiền trong lòng phố cổ cũng là một dạng phiên bản thầy trò Đường Tăng lên Tây Trúc thỉnh kinh. Tây du kí phản ánh tư tưởng tam giáo đồng nguyên của người Trung Quốc. Bát phố cũng mang tư tưởng tam giáo đồng nguyên của thế giới. Tam quốc chí, Thủy hử chỉ là những tác phẩm hiện thực mang tư tưởng Khổng giáo. Tây du kí là tác phẩm siêu thực mang tư tưởng tạo hóa. Tôn Ngộ Không cân đẩu vân hàng vạn dặm vẫn nằm trong tay Phật tổ Như Lai - bàn tay tạo hóa. Vì vậy càng về sau này người ta càng say đắm Tây du kí và chắc chắn lớp trẻ sẽ dần ít đọc Thủy hử, Tam quốc chí, nhất là tầng lớp thiếu nhi.


- Được biết, cuối tháng 3 này, ông cùng nghệ sĩ Đào Anh Khánh sẽ đăng cai tổ chức festival nghệ thuật quốc tế có tên rất kích thích là “Đáo xuân chín”, tại một không gian có tên cũng rất kích thích là thung lũng Gầm Trời thuộc tỉnh Hoà Bình. Ông có thể phi lộ đôi lời về festival đặc biệt này?
+ Ngày 23/3/2019, tôi và Đào Anh Khánh sẽ tổ chức một “Đáo xuân chín” tại thung lũng Gầm Trời rộng 50 hécta ở Lương Sơn, Hòa Bình. Đây sẽ là một festival đương đại quốc tế chưa từng có trong lịch sử tại Việt Nam, số người dự có thể lên tới hàng vạn, trong đó khách quốc tế đến từ hàng trăm nước. Đặc biệt festival này có hàng chục khách sạn trong những linga khổng lồ cao gần 40 mét. Trên đường vào thung lũng dài gần 3 kilômét có hàng trăm vũ nữ viết thơ Bảo Sinh trên người và được minh họa bằng tranh sex của Đào Anh Khánh. Nhiều bạn bè nói nửa đùa nửa thật, rằng tại “Đáo xuân chín” hai con sư tử Bảo Sinh và Anh Khánh cùng gầm một lúc.


- Ông làm tôi bị kích thích quá. Biết ông là người vô sở cầu, nhưng lời cuối tôi vẫn muốn hỏi: Nếu tự phong một danh hiệu thì ông chọn danh hiệu nào?
+ Như đã nói, tôi là người quy y tạo hóa, tạo hóa là sắc sắc không không. Người sống thật là người không định được danh. Tận cùng của sống thật có thể đến quên cả tên mình:
Họ tên ngày tháng năm sinh
Địa chỉ cũng đúng còn mình ở đâu?

Tôi chỉ mong có một danh hiệu là anh chàng bát phố, mỗi bước đi là một bước đến và mỗi bước đến là một bước đi:
Mình không chỗ đứng trên đời
Lại không cần biết nằm ngồi ở đâu
Thì đi từ chỗ bắt đầu
Cứ đi không đến về đâu thì về

Với tôi, danh hiệu chỉ là huyễn mộng, ai mơ và được thế nào là tùy duyên:
Người ghi bia đá để đời
Còn ta bia trắng để người tự ghi.


- Trân trọng cảm ơn ông. Chúc ông luôn đạt được sự quân bình để duy trì củng cố và lan toả cảm hứng năng lượng sống và sáng tạo. Chúc festival “Đáo xuân chín” của nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh và nghệ sĩ Đào Anh Khánh thành công mĩ mãn.


 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)