Bác Hồ - Nhà phê bình hội hoạ

Chủ Nhật, 24/03/2019 00:59
. QUỐC VĨNH

Để trở thành một nhà phê bình nghệ thuật không dễ. Ở Bác Hồ có nhiều yếu tố hội tụ để Bác có thể trở thành một người như vậy: am hiểu sâu rộng các trường phái, quen biết một số danh họa, tâm huyết, có năng khiếu sáng tạo... Chúng tôi xin chứng minh qua một số ví dụ tiêu biểu.

0h động. Người am hiểu những trào lưu nghệ thuật Tây Âu và mỉm cười để lộ rằng khi còn ở Pari, Người cũng có vẽ chút ít. Người nhận xét một cách tinh tế về những tác phẩm mà Người đã xem và trước hết về những nghệ sỹ đã mạnh dạn phơi trần sự thật xã hội, kêu gọi đấu tranh. Người bàn luận về những nghệ thuật của châu Âu sau khi đã nghiên cứu đầy đủ, chính xác, thận trọng. Người nhấn mạnh rằng mỗi dân tộc cần phải chăm lo tính dân tộc của mình trong nghệ thuật”.

Ông Bùi Lâm, một thủy thủ Việt kiều ở Pari nhớ lại khi Người xem tranh ở bảo tàng nghệ thuật nước Pháp: “Đồng chí Nguyễn Ái Quốc xem tranh rất lâu, rất kỹ, ngắm từng bức và bình phẩm với các bạn Pháp lúc đó cùng xem với đồng chí. Những lời bình phẩm tỏ ra đồng chí rất hiểu văn hóa Pháp, rất sành nghệ thuật… Tôi đứng nghe, thấy hay, cũng đâm ra chú ý ngắm tranh hơn”.

Về hội họa phương Đông, chi tiết này cho biết Người nắm chắc các nguyên lý mỹ thuật cổ điển, nhất là quan hệ thi họa. Ngày 2-6-1962 Bác trồng cây hoa tím trước nhà số 10 Điếu Ngư Đài, sau đó, Người đi xem Triển lãm Mỹ thuật Trung Hoa thiên trướng họa (Ngàn bức họa Trung Hoa). Xem xong, Người viết vào Sổ ghi cảm tưởng dòng chữ “Họa trung vạn thử thi” (Trong mỗi bức tranh có nghìn vạn ý thơ).

Về mối quen biết với các danh họa thì tiêu biểu là tình bạn giữa Bác và Picátxô. Câu chuyện gặp gỡ giữa Hồ Chí Minh và Picátxô tại Paris vào năm 1946 diễn ra như sau: (theo lời kể của cụ Vũ Đình Huỳnh, do Sơn Tùng ghi).

... Picátxô đưa Bác đi xem xưởng họa của ông. Bác đi và ngắm từng tấm tranh, im lặng tuyệt đối. Tôi thấy sự xúc động hiện rõ trên gương mặt trầm tư của Người. Lúc trở vào phòng trà, Picátxô hỏi Bác:

- Anh cho tôi một lời khuyên.

Bác đứng dậy nói:

- Chúng tôi đến chiêm ngưỡng nghệ thuật của anh. Mọi lời bình về Picátxô chỉ là nét viền chung quanh cái khung của bức tranh. Anh miễn cho tôi, một người am hiểu về hội họa quá ít...

Picátxô cười thoải mái”. Đây là lời phê bình khách quan, công bằng về một đại danh họa: Mọi lời bình về Picátxô chỉ là nét viền chung quanh cái khung của bức tranh. Một lời nhận xét đưa giá trị tác phẩm về với chính nó.

Sinh thời, Bác Hồ rất quý trọng Picátxô. Năm 1961, nhân dịp Picátxô tròn 80 tuổi, Bác đã viết một bức thư bằng tiếng Pháp, gửi chúc mừng nhà danh họa nhân ngày vui trọng đại. Chúng tôi xin trích đoạn Bác nhận xét về tầm cỡ tác giả và ý nghĩa tác phẩm của ông “Đồng chí Picátxô thuộc vào những con người luôn luôn trẻ, bởi vì những người ấy sôi nổi trong tâm hồn một tình yêu say mê đối với cái Thiện, cái Mỹ, với hòa bình và Nhân loại. Tình yêu ấy đã dẫn dắt Picátxô đến với chủ nghĩa Cộng sản, và vì thế họa sĩ giữ mãi được tuổi xuân.

Con chim bồ câu hòa bình do Picátxô vẽ rất quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và nhân dân khắp thế giới, đã biểu hiện một cách rực rỡ lòng tin mãnh liệt của nhà nghệ sĩ lớn ấy vào sự vươn tới hòa bình không gì có thể ngăn cản nổi của nhân dân các dân tộc”.

Về hội họa đương đại trong nước, dưới đây là những lời nhận xét phê bình tiêu biểu.

Ngày 7-10-1945 Người dự Lễ Khai mạc triển lãm Văn hóa, xem tranh của Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung, Người nhận xét: “Những bức tranh này tỏ rõ các nghệ sỹ của ta lâu nay đều cố gắng tìm một con đường đi. Nhưng tiếc một điều là không muốn đi ở dưới đất mà cứ muốn vụt lên trời; chất mơ mộng nhiều quá, mà cái chất thật của sự sinh hoạt lại quá ít”. Tức là Người phê bình tính chất thoát ly thiếu thực tế dẫn đến thiếu sức sống của hội họa.

Người có những nhận xét tinh tế về nghệ thuật biểu hiện: “Chúng tôi và Bác cùng đi xem từng tác phẩm một rất chậm rãi. Bác nhận xét một bức tranh sơn mài đại ý là các chú vẽ vẫn chưa hợp lý lắm. Ví dụ, núi xanh, trời đỏ, có đám mây vàng mà vẽ đồi lại đúng màu đất là chưa đúng với tinh thần của tác phẩm. Đã cách điệu là phải cách điệu hết. Cứ như thế Bác cùng chúng tôi xem hết toàn bộ tác phẩm gồm cả sơn mài, lụa, gốm, thổ cẩm. Và hầu như tác phẩm nào Bác cũng có những nhận xét rất chuẩn như vậy”. Đây là câu chuyện Bác đến thăm một xưởng gốm: “Bộ phận Bác đi lướt qua là bộ phận xoa hoa. Hôm ấy làm những con mèo sứ bé nhỏ xinh xinh theo phương pháp làm của Trung Quốc. Ở Trung Quốc người ta sản xuất loại mèo đơn hoặc mèo đôi. Hình các chú mèo ngộ nghĩnh được tráng men. Riêng phần thân, sau khi tráng men rắc một lớp cát sứ, sau khi nung ở nhiệt độ 1.3700C thì đưa về bộ phận này để vẽ mắt xoa màu trên lưng. Bác gọi ngay là tổ mèo chuột. Mẫu này anh Hoàng Minh Kao nặn lại theo sản phẩm của Trung Quốc. Chỉ có mèo không có chuột và tôi cũng tưởng như vậy. Tôi ở phân xưởng cũng không mấy quan tâm. Khi Bác nói "tổ mèo chuột" tôi ngớ ra. Nhìn kỹ vào sản phẩm thì thấy hình chuột rõ ràng. Bác nói được rất nhanh "mèo chuột" là từ ý nghĩa xưa nay hình ảnh con mèo đi liền với bóng dáng con chuột. Tranh dân gian Đông Hồ chẳng từng diễn tả "đám cưới chuột" dâng lễ vật cho ông mèo đó sao”. Đúng là nhà phê bình phải có vốn hiểu biết sâu sắc văn nghệ truyền thống dân tộc!

Qua lời kể của họa sỹ Phan Kế An cho thấy sự phê bình cũng căn cứ vào trình độ tiếp nhận của quần chúng, phải “giản dị và có thần”: “Tôi được ở với Bác và vẽ Bác đã hơn 2 tuần lễ… Tôi nghĩ đến số báo Sự thật tới cần có tranh chân dung Bác nên tôi xin về cơ quan. Bác bảo tôi treo tất cả tranh đã vẽ lên tấm liếp… và mời tất cả anh chị em trong cơ quan đến xem. Thế là thành một cuộc triển lãm rồi. Cuối cùng, Bác chỉ vào một bức ký họa vẽ đơn sơ mấy nét bằng bút sắt mực đen, Bác nói: “Nếu in báo thì lấy bức này, vẽ giản dị và có thần”.

Từ sự kể lại của họa sỹ Diệp Minh Châu lại thấy Bác có yêu cầu cao với họa sỹ là phải có cái lạ, tức phong cách riêng. Muốn thế phải học tập, rèn luyện mà trước hết là tư tưởng tốt: “- Chú cố vẽ đi nhé! Nhưng phải nhớ học tập chính trị và rèn luyện tư tưởng cho tốt. Có tư tưởng chính trị tốt thì vẽ mới chóng tiến bộ được.

Tiếng Bác ấm cúng lạ thường. Tôi cứ đứng nhìn Bác mãi, bàn tay cầm lấy bức ký họa run run. Tôi nhìn Bác rất kỹ nhưng lòng xao xuyến quá.

... Mấy hôm sau, nhân đi thăm các đại biểu, Bác đến xem tranh tôi vẽ Đại hội. Tôi đánh bạo:

- Thưa Bác, cháu muốn Bác phê bình tranh vẽ của cháu ạ.

Bác xem tranh, lại nhìn sang anh Trường Chinh và anh Phạm Văn Đồng rồi cười nói:

- Chú Châu vẽ có cái lạ… không đề tên cũng nhận được người.

Tất cả chúng tôi đều cười vui vẻ trước câu nói dí dỏm của Bác. Được Bác động viên, tôi rất phấn khởi và thêm mạnh dạn trong ý định xin ở gần Bác để vẽ Bác”.

Xem tranh sơn mài, Bác khuyên chúng tôi nên nghiên cứu sao cho chất liệu này giữ được bền hơn nữa. Về nghệ thuật khảm trai, Bác cũng có ý kiến:

- Các chú cần cố gắng duy trì loại này. Nó quý lắm. Nó là cái vốn nghệ thuật cổ truyền của cha ông ta xưa, phải phát triển nó lên”.

Chúng tôi xin bổ sung nhấn mạnh ý của Bác về phát triển nghệ thuật truyền thống. Đồng chí Giôhanna Grôttơvôn vợ cố Chủ tịch Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất Đức thuật lại: “Nói chuyện về hội hoạ, nhà tôi tỏ ra rất hâm mộ nghệ thuật sơn mài của Việt Nam… Bác nói: “Mai kia, trong những điều kiện thuận lợi, nghệ thuật sơn mài sẽ phát triển hơn nữa…”.

Như vậy, như ta thấy Bác am hiểu cả hội hoạ phương Đông và phương Tây, truyền thống và hiện đại. Có thể khẳng định, nếu chuyên về hội hoạ Bác sẽ là một hoạ sỹ lớn.

 


[1]. Bác Hồ sự cảm hoá kỳ diệu - Nxb Thanh Niên, 2007. tr 21 và (Trần Đương - Bác Hồ như chúng tôi đã biết. Nxb Thanh Niên, 2009 tr 220.

[2]. Phạm Hoàng Điệp (biên soạn) - Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Pháp. Nxb Chính trị Quốc gia, 2010.tr 36.

[3]. Đặng Quang Huy (biên soạn) - Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc Nxb Chính trị Quốc gia, 2012. tr 270.

[4]. Hồ Chí Minh với nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 3, tr 303, 308.

[5]. Hồ Chí Minh với nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 3, tr 303, 308.

[6]. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử- Nxb Chính trị Quốc gia, 2006, Tập 3, tr 36.

[7]. Họa sỹ Ngô Tôn Đệ kể. Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ, văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, tập 4. Nxb Hội Nhà văn, 2012, tr 371.

[8]. Trần Hữu Chất kể - Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 2, tr 323, 324.

[9]. Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 1, tr 202.

[10]. Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 1, tr 227.

[11]. Trần Đương - Bác Hồ như chúng tôi đã biết. Nxb Thanh Niên, 2009. tr 229, 230.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)