Bác Hồ - Một người của nghề ảnh!

Thứ Hai, 18/03/2019 00:41

. HÀ THANH

Đồng chí Hoàng Văn Bổn kể khi làm phim về Bác, có lần quá lo lắng nên tôi nói với đồng chí Phudi (một đồng nghiệp người Đức quay phim về Bác): “Tiếng máy không êm, liệu có trục trặc kỹ thuật gì không?”. Phudi vội kiểm tra lại máy móc. Không ngờ Bác đã nghe thấy những điều chúng tôi trao đổi nhau. Đột nhiên, Bác bảo: “Các chú cứ làm cho tốt. Nếu cần Bác đọc lại cho mà quay”. Tất cả chúng tôi đều sững sờ, xúc động trước câu nói chứa đựng sự thấu hiểu và ân tình của Bác đối với nhóm làm phim. Nước mắt Phudi bỗng trào ra, anh nói: “Thưa Bác, tốt rồi ạ”.

Bác bảo:

- Nếu tốt rồi thì sang phòng bên, Bác cháu ta uống nước”. Đó là sự ứng xử của một người cùng nghề!

Theo nhiều nhà điện ảnh thời kỳ ở Việt Bắc, Bác tạo mọi điều kiện cho các đồng chí quay phim làm việc. Điều kiện thiếu ánh sáng, Bác đồng ý cho dỡ hẳn một phần mái nhà, tại một cuộc họp trong rừng. Bộ Chính trị đang làm việc với Bác, quay phim cũng được phép mang máy tới. Bác gợi ý cho cả về chỗ đặt máy và lúc nào thì bấm máy để tạo hình đẹp nhất. Và có lần, để chiều theo ý chuyên môn, Bác đã miễn cưỡng mặc thêm chiếc áo kaki đứng trước ống kính cho thêm phần... “long trọng”. Nghệ sỹ Kim Côn nhớ lại chi tiết: “Đầu năm 1951, tôi được đi chụp Hội nghị "Kháng chiến, Hành chính toàn quốc" họp tại chiến khu Việt Bắc. Người phụ trách xây dựng hội trường là anh Lưu Bá Đăng. Để có ánh sáng cho việc chụp ảnh, tôi đề nghị anh Đăng cho dỡ mỗi bên mái hội trường hai hàng lá lợp. Anh Đăng đang do dự, cùng lúc đó, Bác đi kiểm tra hội trường, anh Đăng báo cáo với Bác về đề nghị của tôi. Tôi đang hồi hộp lo lắng, không ngờ Bác bảo:

- Chú ấy nói đúng đấy, phải có luy-mi-e (ánh sáng) mới chụp và quay phim được”. Chỉ có là người trong nghề và thực sự giỏi nghề Bác mới có thể nhìn người khác chụp ảnh là biết đạt hay không. Nghệ sỹ lão thành Võ An Ninh kể: “Tôi nhớ nhất cái lần đoàn đại biểu các dân tộc ít người về Hà Nội chào mừng Bác. Hôm ấy thì tôi có chụp. Bác đến chỗ tôi, nói vui:

- Này, hình như cái vừa chụp bị hỏng rồi!

- Dạ, vâng, hình như cái đó hơi rung. Con xin Bác cho chụp lại!

Bác cười: “Được”.

... Bác cũng từng làm thợ ảnh, cho nên Người rất quan tâm đến chúng tôi. Nhiều khi thấy tôi đến, Bác bảo chú Ninh phải chụp thế này thế kia, không thì hỏng đấy!

Trong các buổi chiêu đãi, có lần Bác nói: “ - Chú Ninh ăn đi chứ. Cứ chụp mãi!”.

Và cũng phải là người từng làm nghề kiếm sống mới có thể có sự thông cảm với những người cùng cảnh. Nghệ sỹ Mai Nam nhớ lại: “Có lần Bác đang đi vào phòng họp, tôi mạnh dạn thưa với Bác: “Xin Bác cho anh em nhiếp ảnh được chụp chung với Bác một ảnh!”. Bác nhìn tôi một lúc không nói gì cả, rồi đi vào. Tôi rất lo lắng, nghĩ rằng sẽ có một bảo vệ ra phê bình. Đến lúc đại hội nghỉ, Bác thấy tôi liền bảo: “Anh em nhiếp ảnh vào chụp chung với Bác”. Cũng phải là người từng cầm máy chụp từng tấm ảnh mới trân trọng giá trị từng bức một. Ngày 4- 9-1965 Bác gửi tặng nghệ sỹ Đinh Ngọc Liên hai tấm ảnh Người chụp chung với nghệ sỹ. Bác nói với người phục vụ: “Nói với chú Liên, Bác gửi biếu chú hai ảnh. Nếu chú muốn nhiều nữa thì bỏ tiền ra”.

Cũng qua lời kể của nghệ sỹ Kim Côn cho thấy Bác đích thực là người thợ ảnh giàu kinh nghiệm. “Đêm qua gần như thức trắng để phóng xong bộ ảnh, kịp gửi đến các cơ quan và các đơn vị bộ đội. Trời vừa hửng sáng, tôi vớt mẻ ảnh vừa phóng đưa ra thác Rẩy xả nước. Tôi cảm thấy buồn vì trong số ảnh vừa rọi, có những chiếc phủ một màu xám xịt. Đang mải mê suy nghĩ, lỗi ở khâu nào? Bỗng nghe tiếng động có chân người bước đến, tôi vội nhìn lên. Hồi hộp, miệng lắp bắp:

- Chào Bác ạ!

Rõ ràng, sau khi tập thể dục xong, biết tôi đang xả nước ảnh, Bác đã lặng lẽ đến xem. Như hiểu được nỗi băn khoăn của tôi, Bác mỉm cười, rồi chỉ vào bức ảnh xám nói:

- Tấm ảnh này bị gờ-ri (gris: xám), là tại chú rọi non sáng quá đấy mà. Phải răng-phoóc-xê (renforser: do phóng non sáng, ảnh phải ngâm lâu trong thuốc hiện)...”.

Chi tiết sau cho thấy Bác là người thợ, theo đúng đạo lý Việt: luôn tri ân với người dạy dỗ, rèn luyện nghề nghiệp cho mình. Ngày 25- 6-1946, Bác và đoàn tuỳ tùng đã đến viếng mộ ông Khánh Ký, một nhiếp ảnh gia hàng đầu, một nhà yêu nước. Đứng trước mộ ông, Bác không cầm được nước mắt. Bác kể về những kỷ niệm không thể nào quên, khi cụ Phan Chu Trinh dẫn Bác đến học nghề ảnh với ông Khánh Ký và được ông tận tình hướng dẫn cặn kẽ. Nhờ thế, chẳng bao lâu Bác đã làm thành thạo, từ khâu chụp, buồng tối đến chấm sửa phim, ảnh”.

Một đạo diễn giỏi là người ngoài việc giỏi tìm ra những chi tiết đắt trong các khuôn hình cụ thể còn phải cho người xem thấy được tính hệ thống, chủ đề xuyên suốt của những hình ảnh. Đây là một trường hợp như thế, qua lời kể của Kim Côn. “Lần đó tôi chụp đồng chí Vô-rô-si-lốp, Chủ tịch Đoàn Xô-viết Tối cao Liên Xô sang thăm. Làm xong ảnh, đưa lên Bác duyệt, tôi hết sức ngạc nhiên. Bác đảo thứ tự ảnh. Bác chọn bức ảnh đặc tả Bác bắt tay Chủ tịch Vô-rô-si-lốp đưa lên đầu tiên, sau đó xếp các ảnh quan trọng khác theo dòng sự kiện. Sau này, được các chuyên gia Liên Xô giảng về phóng sự ảnh, tôi vỡ lẽ ra rằng, từ một tập ảnh sự kiện Bác đã biên tập thành một phóng sự ảnh có sức cuốn hút người xem. Bởi phóng sự ảnh ấy mang đến cho công chúng thấy được cái ẩn ý đằng sau sự kiện. Từ cái bắt tay nồng nàn ấy của hai vị nguyên thủ quốc gia nói lên đầy đủ sức mạnh đoàn kết giúp đỡ của Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa anh em đối với sự nghiệp giải phóng đất nước của nhân dân ta”.

Bác là một đối tượng thẩm mỹ để các nhà làm ảnh khám phá, sáng tạo, phản ánh, ngợi ca... Trong một số trường hợp cần thiết Bác lại vừa là đạo diễn lại “kiêm” cả diễn viên. Năm 1960, theo chỉ thị của Trung ương, bộ phim Vài hình ảnh về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch được khởi quay để mừng thọ Bác 70 tuổi. Bác không bao giờ vui lòng cho làm những phim nói về Bác. Nhưng khi thấy các đồng chí điện ảnh tới đây để quay một cảnh về buổi họp của Bộ Chính trị dưới sự chủ tọa của Bác, Bác đã chủ động “đạo diễn” để các đồng chí đó khỏi lúng túng, nhờ đó ghi được những cảnh tốt. Đây là lời kể của một nghệ sĩ quay phim: “Các đồng chí quay phim đều ôm ấp niềm hy vọng là được một lần đi quay phim về Bác. Thật là hạnh phúc, nhưng cũng là một trách nhiệm to lớn. Bác đi đâu cũng rất linh hoạt, chủ động nên ghi cho kịp những hình ảnh về Bác là một điều khó. Người làm phim cũng như người quay phim không bao giờ thỏa mãn, tất cả đều mong muốn được thấy Bác nhiều hơn, được ghi về Bác nhiều hơn nữa.

Có một đồng chí đi quay phim Bác về nông thôn. Hình ảnh vị lãnh tụ kính yêu đi giữa một thảm lúa bội thu vàng rực. Bác của chúng ta linh hoạt trong mọi việc, thăm lúa, thăm bà con nông dân. Đồng chí quay phim tất bật. Bỗng Bác dừng lại ở một góc độ thuận lợi cho việc tạo hình, dưới ánh chiều rực rỡ, bên một thửa ruộng lúa trĩu hạt. Mắt Bác ngời sáng, rạng rỡ. Có lẽ Bác như thấy trước bữa cơm gạo mới ngọt ngào trong mỗi gia đình... Riêng đồng chí quay phim còn như cảm thấy Bác hiểu nỗi tất bật của người quay phim, nên đã chủ động dừng lại. Không bỏ phí một giây, đồng chí đó bấm máy theo nhịp đập của trái tim mình ghi ngay hình ảnh đó, và lia máy theo bước chân Người tiếp tục đi trên tấm thảm mênh mông của cánh đồng lúa chín”.

Người đạo diễn phải vừa có con mắt thẩm mỹ tinh tế, vừa có sự quan tâm hết lòng đến người xem. Năm 1956, Phủ Chủ tịch đón một vị Tổng thống. Anh em Nhà máy Đèn Hà Nội vào mắc điện “Thấy một đèn pha chiếu sáng đặt dưới một gốc cây, Bác nói:

- Ngọn đèn này phải để khuất trong lùm cây, vừa đẹp, vừa đỡ chói mắt đồng bào đi qua đường.

Bác nhanh nhẹn bước tới ngọn đèn. Đồng chí tổ trưởng Dương Văn Hậu lo Bác vấp ngã, vội chạy đến:

- Bác để chúng cháu làm.

Nhưng Bác đã cúi xuống, rất “nghề nghiêp”, hai bàn tay bưng lấy thân ngọn đèn pha giấu vào lùm cây đinh hương. Ngọn đèn pha được đặt lại, đẹp hẳn lên, người ngoài nhìn vào không bị chói mắt, mà chỉ thấy những tia sáng chiếu qua các kẽ lá hắt lên một màu xanh dịu”.

Tác giả Hiếu Trung kể, mỗi lần anh chị em điện ảnh được gặp Bác là một lần được nghe Bác ân cần nhắc nhở từng ly từng tí. Trà Giang được Bác dặn: “Diễn viên phải đoàn kết thương yêu nhau, phải năng tập thể dục cho khoẻ mạnh”. Bác dặn đồng chí thuyết minh phim là nói sao cho rõ ràng, dễ hiểu. Bác căn dặn những người làm phim là: “Phim của các chú tốt, có nhiều phim hay, nhưng có phim còn nhanh, đồng bào xem không hiểu, chưa thấy bổ ích thì không thể gọi là tốt được”.

Chúng tôi xin khép lại mục này bằng hình ảnh Bác “đạo diễn” cảnh chụp ảnh. Lần đó, tại Việt Bắc, mọi người muốn chụp ảnh chung với Bác. Bác đứng ra sắp xếp hàng ngũ, người thấp đứng trước ngưòi cao đứng sau. Bác nói: “Cao sau thấp trước, tất cả ngước lên”. Câu nói của Bác làm tất cả cùng cười....

Diễn viên điện ảnh chuyên nghiệp - Đức Lưu, nhớ lại: “Khi đóng phim, Bác đóng rất có "nghề". Chúng tôi đã là diễn viên, mà khi quay nhiều cảnh phải quay đi quay lại. Nhưng Bác đóng rất tự nhiên, nhập vai tốt hơn các diễn viên. Tôi thật sự cảm phục Bác và học tập được ở Bác rất nhiều trong cách đóng phim. Duy chỉ có một cảnh quay Bác vui chơi với các cháu thiếu nhi phải quay đi quay lại mấy lần. Bởi vì các cháu thiếu nhi yêu mến Bác, muốn ngắm nhìn "ông Tiên hiền lành", nên khi quay cứ ngắm nhìn Bác mãi, thành thử cảnh quay chưa đạt. Lúc đó, Bác phải đứng ra làm một chân "đạo diễn" để uốn nắn các cháu”.

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định kể khi Bác lấy tư thế để cho các nghệ sỹ chụp: “Bác ngồi lấy vẻ, ngoẹo đầu bên nọ, ngoẹo đầu bên kia. Mỗi lần như thế lại nói: “- Ngồi thế này được không?”. Chúng tôi cười ầm lên, không khí trong phòng trở nên thân mật hẳn”. Vì là chụp hình một Chủ tịch Nước nên các nghệ sỹ không tránh khỏi cảm giác sợ hãi, lúng túng, Bác rất hiểu nên chủ động đùa vui phá tan không khí trang trọng để trở về với đời thường, đồng thời cũng là một cách để làm sinh động các bức hình chụp Bác.

Bác còn là một diễn viên thuyết minh. Hôm ấy Phủ Chủ tịch chiếu phim “Hoàng tử lấy cóc”. Phim lồng tiếng Pháp. Người thuyết minh chưa kịp xem trước nên khi thuyết minh thường không đạt ý. “Bác bảo:

- Chú thuyết minh như vậy mất cả hay của phim đi. Chú để Bác thuyết minh cho.

Bác nói rồi ra hiệu cho đồng chí thuyết minh đứng dậy. Người cầm lấy ống nói và ngồi vào ghế. Bác theo dõi trên màn ảnh, lắng nghe đối thoại rồi thuyết minh. Đôi khi Bác giải thích thêm những ý trong khi chuyển cảnh mà người xem cảm thấy khó hiểu. Bác thuyết minh rõ ràng song ngắn gọn súc tích. Tiếng Người ấm và diễn đạt hết sức tình cảm của các cảnh trong phim. Mọi người lúc đầu thấy Bác thuyết minh thì vừa ngạc nhiên, vừa thích thú. Nhưng rồi đều bị cuốn hút bởi hình ảnh trong phim qua lời thuyết minh của Bác”. Phim hết, Bác cười giải thích: “Phim hay về nội dung tốt. Câu chuyện khuyên mọi người muốn có lứa đôi hạnh phúc thì đừng quá lệ thuộc vào hình thức bề ngoài, phải thấy cái đẹp bên trong. Cái đẹp về phẩm giá. Các tài tử đóng khéo. Màu sắc đẹp, tình tiết hấp dẫn”.

Đấy là bài học cho diễn viên thuyết minh: phải hiểu sâu nội dung thì mới chuyển tải chính xác ngôn ngữ trong phim.

HT


[1] . Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 2, tr 66.

[2] . Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ, văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, tập 4. Nxb Hội Nhà văn, 2012, tr 244.

[3]. Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 1, tr 176.

[4]. Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ, văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, tập 4. Nxb Hội Nhà văn, 2012, tr 342

[5]. Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ, văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, tập 4. Nxb Hội Nhà văn, 2012, tr 346.

[6]. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử - Nxb Chính trị Quốc gia, 2006, Tập 9, tr 296.

[7]. Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 1, tr 173.

[8]. Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 1, tr 175.

[9]. Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 1, tr 178.

[10]. Hiếu Trung kể - Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 2, tr 193,194.

[11]. Ban Tuyên giáo Trung ương - Những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nxb Chính trị Quốc gia, 2009, tr 48.

[12]. Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 2, tr 193,194.

[13]. Hoàng Quốc Việt - Con đường theo Bác. Nxb Thanh Niên, 1990. tr 319.

[14]. Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 1, tr 270.

[15]. Lữ Huy Nguyên (sưu tầm, biên soạn) - Bác Hồ với văn nghệ sỹ. Nxb Văn học, 1995.tr 175.

[16]. Nguyễn Ngọc Châu (biên soạn) - Đưa Bác về Pắc Bó. Nxb Lao động Xã hội, 2007 tr 138.

[17]. Nguyễn Ngọc Châu (biên soạn) - Đưa Bác về Pắc Bó. Nxb Lao động Xã hội, 2007tr 139.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)