Lính Hà trong Mùa chinh chiến ấy

Thứ Tư, 20/03/2019 14:43

TÂM ANH

Một nhà nghiên cứu quân sự nhận xét rằng, trong thế kỉ XX chiến tranh ở Việt Nam đi từ trung tâm ra ngoại biên. Sau hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, nhân dân Việt Nam lại phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam, rồi cuộc chiến mở rộng sang đất Campuchia khi quân đội Việt Nam thực thi sứ mệnh quốc tế cao cả cứu nhân dân nước bạn khỏi họa diệt chủng Pol Pot. Chiến tranh, đương nhiên là điều cực chẳng đã, không ai muốn, nhưng khi Tổ quốc kêu gọi thì mọi người dân Việt Nam đều sẵn lòng “xếp bút nghiên theo việc đao cung”. Đó cũng là tâm trạng, suy nghĩ của những thanh niên thuộc thế hệ 6X như nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến và nhà biên kịch Đoàn Tuấn khi vào quân ngũ tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam năm ấy. Và khi cuộc chiến đã qua đi gần bốn thập kỉ, những kí ức chợt ùa về, thôi thúc hai ông viết hồi kí về “một thời hoa lửa”. Lính Hà của Nguyễn Ngọc Tiến và Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn đã ra đời như thế.


Cùng là hồi kí nhưng Lính Hà Mùa chinh chiến ấy có sự tương phản rõ rệt về bút pháp biểu hiện. Thông thường ở thể loại này, các sự kiện được tái hiện theo trình tự thời gian tuyến tính. Sự kiện có trước kể trước, sự kiện xảy ra sau nêu sau. Nhưng trong Lính Hà, Nguyễn Ngọc Tiến không đi theo lối mòn ấy. Các sự kiện được miêu tả không theo trình tự thời gian thực mà theo thời gian tâm trạng của tác giả. Mở đầu tập hồi kí là những trang viết về cuộc chia tay gia đình, đồng đội của tác giả để vào Nam. Cứ ngỡ, tiếp theo sẽ là những miêu tả tái hiện cuộc sống và chiến đấu của Nguyễn Ngọc Tiến ở chiến trường Tây Nam rồi trên đất Campuchia, nhưng không phải. Nguyễn Ngọc Tiến lại dẫn dắt bạn đọc ngược về quãng thời gian trước đó, khi tác giả còn là học sinh với đủ trò nghịch ngợm tinh quái của lứa tuổi “nhất quỷ nhì ma”. Cứ như thế thời gian trong Lính Hà luân phiên đan xen giữa những hồi ức về quãng đời chưa tham gia chiến dịch biên giới và quãng ngày cầm súng trực tiếp chiến đấu với lính Pol Pot của tác giả. Có thể nói có một dòng thời gian nghệ thuật được người viết dụng công và dụng tâm tạo nên trong Lính Hà. Dường như Nguyễn Ngọc Tiến mang tư duy của tiểu thuyết vào trong hồi kí. Ở chiều ngược lại, Mùa chinh chiến ấy là một hồi kí đúng nghĩa với sự tuân thủ triệt để nguyên tắc tuyến tính về thời gian. Chỉ cần nhìn vào các chương, mục của tập hồi kí chúng ta cũng có thể hình dung ra diễn tiến theo dòng thời gian của các “biến cố” tác giả trải qua: chương 1: Từ biên giới vượt sông Mê Kong; chương II: Chiến dịch Anlong Veng đợt 1 - nếm mùi hiểm địa; chương III: Chiến dịch Anlong Veng đợt 2 - những vết thương không liền da; chương IV: Chiến dịch Anlong Veng đợt 3 - chia nhau cái chết, tặng nhau nguồn sống…; cứ thế cho đến chương cuối Lính chỉ mong một lối về nhà và phần Vĩ thanh gợi lên những xúc cảm của tác giả khi được về Hà Nội.

Ảnh minh họa.

Sự khác biệt còn đến từ cách miêu tả nhân vật. Mặc dù vẫn có sự xuất hiện của những người lính thuộc các vùng miền khác nhau trên cả nước, nhưng đúng như nhan đề tập hồi kí, Nguyễn Ngọc Tiến dành bút lực tập trung miêu tả những người lính Hà Nội chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Những chàng trai đến từ thủ đô hoa lệ như Bình ốc, T., K. … được tác giả “chăm sóc” kĩ lưỡng, tỉ mỉ hơn nhằm lột tả cái chất Hà thành, chất “lính cậu” của họ. Trong khi đó, Đoàn Tuấn lại chọn cách miêu tả nhân vật theo tinh thần mấy câu thơ của Hồng Nguyên: Lũ chúng tôi/ Bọn người tứ xứ/ Gặp nhau hồi chưa biết chữ/ Quen nhau từ thuở “một, hai”. Số nhân vật trong Mùa chinh chiến ấy có lẽ phải lên đến hàng trăm. Có người được nói đến nhiều trong cả một phần như Trung đoàn phó Võ Sỹ Lực trong Đại bàng yên nghỉ, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trong Vĩnh biệt Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Mạnh Hùng… nhưng có những cái tên chỉ lướt qua đôi dòng như Hiền Nhân, Võ Đình Chiến, Nguyễn Tấn Thành, Huyền, Nhuận, Nghị, Bình… Có thể nói rằng, có cả một “thế giới con người” được nhắc đến trong hồi kí này.


Hai cuốn hồi kí còn có những khác biệt đến từ cảm hứng viết. Mùa chinh chiến ấy được viết bằng cảm hứng “tụng ca”. Đoàn Tuấn khi vào bộ đội mới là chàng trai Hà Nội tròn mười tám tuổi, độ tuổi trái tim luôn tràn đầy nhiệt huyết, khát vọng. Anh hăm hở bước ra tiền tuyến với tinh thần “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”. Có lẽ vì thế nên trong Mùa chinh chiến ấy những câu, đoạn mang âm hưởng ngợi ca xuất hiện với mật độ khá dày, như: “Ôi những người đồng đội thân yêu của tôi - những người lính, họ vẫn thầm lặng đâu đó giữa đời thường. Bình dị thôi mà đẹp biết mấy” (Mùa chinh chiến ấy, tr.421); “Mỗi người lính quả là một thế giới diệu kì, một kho tàng tri thức dân gian. Nếu coi đó là một quyển sách hay, biết cách đọc, cách kể, chúng ta sẽ có biết bao câu chuyện tuyệt vời... Làm sao góp nhặt lại để tặng cho mỗi người, cho đồng đội tôi” (Mùa chinh chiến ấy, tr.284). Thậm chí, chỉ nhìn hình xăm đại bàng trên vai một người lính đang cáng đồng đội bị thương, Đoàn Tuấn cũng không khỏi xúc động, thán phục: “Có lẽ tôi chưa thấy con đại bàng nào đẹp thế. Con đại bàng trên lưng, từ từ vươn lên, bay theo võng cáng… Thật là một hình ảnh kì vĩ” (Mùa chinh chiến ấy, tr.27). Và anh cũng không ngần ngại bộc lộ khát vọng làm người thư kí ghi lại những khoảnh khắc anh hùng của đồng đội: “Ngay lúc ấy, tôi cảm thấy mình thật bé nhỏ giữa những con người vô danh. Như đất biên giới. Như cây rừng tóe máu. Làm sao ghi lại những hình ảnh, những câu chuyện của họ” (Mùa chinh chiến ấy, tr.28).


Còn Nguyễn Ngọc Tiến, anh bước vào cuộc chiến với sự điềm tĩnh, chín chắn cần thiết của người đàn ông đã trải qua ít nhiều những va vấp trong cuộc sống. Vì thế nên bầu không khí trong Lính Hà không có những rạo rực, đắm say như trong Mùa chinh chiến ấy mà hiện lên như nét trầm lắng của phố phường Hà Nội. Nguyễn Ngọc Tiến nghĩ nhiều, suy tư nhiều về mình, về đồng đội, về quân địch, về người dân Việt Nam và Campuchia, về xã hội hai nước trong cuộc chiến. Những suy tư của một người đi vào cuộc chiến với tư cách là một người lính “ứa đầy nhiệt huyết với lẽ sống thiêng liêng: tất cả vì Tổ quốc mình, vì dân tộc mình” (Lính Hà, tr.6). Sự khác biệt ấy hiện diện ở ngay cái kết của hai cuốn hồi kí. Cái kết của Mùa chinh chiến ấy tràn ngập không khí vui vẻ, hạnh phúc trong ngày đoàn viên khi Đoàn Tuấn cùng bạn bè “lên Tràng Tiền ăn kem” (Mùa chinh chiến ấy, tr.441), còn trong Lính Hà Nguyễn Ngọc Tiến lại khiến bạn đọc không khỏi trầm ngâm, ngẫm ngợi về một cái kết lửng lơ đầy khoảng lặng: “Tôi về đến Hà Nội đúng sáng ngày 31/12/1981. Cha mẹ tôi mừng rơi nước mắt vì tôi về nhà lành lặn. Mẹ tôi làm phở bò. Tôi vừa ăn vừa nghĩ đến tương lai” (Lính Hà, tr.269).


Tuy nhiên những khác biệt về bút pháp biểu hiện ấy không phải là ấn tượng sau cùng khi gấp lại hai cuốn hồi kí. Tôi tin rằng những gì còn đọng lại trong tâm khảm bạn đọc sau khi đọc Lính Hà và Mùa chinh chiến ấy là sự chân thực, xúc động về hình ảnh người lính tình nguyện Việt Nam trên đất Campuchia. Hai cuốn hồi kí ngồn ngộn những chi tiết với đủ các sắc thái đậm chất lính, không thể nào “bịa” ra được và chỉ có người trong cuộc mới thật sự thấu hiểu. Bi hài đến thắt ruột cảnh bộ đội… tắm truồng vì “quần đùi chưa khô” (Lính Hà, tr.183); dùng… phân người rang cho khô và “kiếm nước nóng đổ vào rồi múc ra từng bát, cho anh em uống” để chữa bệnh đau bụng (Mùa chinh chiến ấy, tr.283); cảm thông ngậm ngùi khi những người lính phải lén lút chia nhau “ăn nằm” với tấm ảnh “chân dung toàn thân một em tóc vàng mắt xanh, trăm phần trăm gái Mĩ” có kích cỡ bằng người thật để giải tỏa nỗi ậm ạch sinh lí (Mùa chinh chiến ấy, tr.274); hồi hộp đến đứng tim lúc một người lính thoát chết trong “đường tơ kẽ tóc” khi giẫm phải mìn KP2 (Lính Hà, tr.227); đau thương, xót xa vô cùng với chi tiết “ngơ ngác hai gôn không lưới, phía sau xếp một dãy quan tài cao ngất… Vài ngày là hết thôi mà” (Lính Hà, tr.31); xúc động, mến phục trước hành động làm bảng đen bằng cách “lấy ruột pin, trộn lá khoai lang, chà lên mặt gỗ” (Mùa chinh chiến ấy, tr.97) của bộ đội ta giúp cô giáo Campuchia dạy các em bé học giữa hoang tàn đổ nát… Tất cả những chi tiết ấy đều làm toát lên hình ảnh cao đẹp của quân đội Việt Nam trong việc làm tròn sứ mệnh quốc tế cao cả, một sứ mệnh không chỉ đến với “quân lệnh như sơn” từ cấp chỉ huy cao nhất mà xuất phát nhiều hơn từ trái tim yêu hòa bình, từ lòng nhân ái bao dung của người chiến sĩ Việt Nam nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung. Tất nhiên ở đâu cũng có những chuyện không tốt đẹp. Nguyễn Ngọc Tiến và Đoàn Tuấn không hề né tránh hay “lờ đi” những sự thật đáng buồn của người lính như vô kỉ luật, đào ngũ, tự thương, chơi xấu đồng đội… trong hồi kí của mình. Tuy nhiên đó chỉ là những “góc tăm tối” nhỏ bé nằm khuất lấp trong bức tranh chung rộng lớn, khoáng đạt, tươi sáng về quân tình nguyện Việt Nam anh hùng mà Lính Hà và Mùa chinh chiến ấy đã tái hiện.
 

T.A

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)