.VŨ THỊ KIỀU CHINH
Giới trẻ thời nay có còn lãng mạn? Câu trả lời của tôi: đã là tuổi trẻ thì thời nào cũng lãng mạn. “Lãng mạn” còn là gì nếu không phải là thứ cảm xúc đặc sản của tuổi trẻ. Nếu không phải tuổi trẻ thì còn tuổi nào cho người ta lượng thời gian đủ vội vàng, đủ gấp gáp để vừa bất an, vừa háo hức với chính cái thời của mình? Nếu không phải tuổi trẻ, những người mới chập chững, nôn nao dấn vào cơn bão cuộc đời thì còn ai đủ non nớt, nhạy cảm để bị sóng gió kia dễ dàng làm cho tổn thương và làm cho rầu muộn? Và nếu không là tuổi trẻ căng tràn một bầu ngực nóng hổi thì còn ai sống đủ kiêu hãnh để phiêu lưu và thử thách với chính cái tôi của mình?
“Chủ nghĩa lãng mạn” từ trước khi sinh ra tới khi hóa kiếp và vương lại đời sống hiện đại này chỉ còn bằng những “cảm hứng lãng mạn” luôn là mảnh vườn màu mỡ cho những người trẻ tuổi ở bất cứ thời nào gieo trồng và chăm bón mầm cảm xúc và mầm khát vọng. Khi chủ nghĩa lãng mạn trong văn chương mới bắt đầu được thai nghén những phôi bào đầu tiên tại Anh, những năm 1790, William Wordsworth hai mươi tuổi. Những năm đó, chàng đang ôm mối tình đầu và viết tập thơ đầu tiên, Những bản ballad trữ tình, với bài thơ đầu tiên tựa đề The tables turned, an evening scene, on the same subject mà một bản tiếng Việt dịch thoát lại thành Hãy bỏ bàn học đấy:
Đứng dậy bạn ơi, bỏ sách ra một xó
Nếu không bạn hẳn sẽ lưng gù
Đứng dậy bạn ơi, phóng tầm nhìn đây đó
Sao lúc nào cũng vất vả, ưu tư?
Lời bài thơ là lời một người nói với bạn mình rằng: Hãy cất sách đi và ra ngoài để thiên nhiên dạy bạn. Chủ đề bài thơ của Wordsworth, đại diện đầu tiên của chủ nghĩa lãng mạn Anh thế kỉ XVIII, về cơ bản là gặp gỡ tại rất nhiều điểm với lyrics ca khúc Đưa nhau đi trốn của Đen Vâu, ca sĩ dòng Indie gốc Việt vào năm 2015 của thế kỉ XXI. Năm đó Đen hai nhăm tuổi:
Em ơi đi trốn với anh
Mình đi đến nơi có biển bạc núi xanh
Chạy con xe anh chở em tròng trành
Mình phóng tầm mắt ngắm chân trời mới toanh
Tôi không chắc ở thời của Wordsworth, người ta đã tiếp nhận bài thơ Hãy bỏ bàn học đấy theo hướng đồng tình hay phản đối, hay nửa đồng tình nửa phản đối. Thời của Wordsworth là thời các nhà chủ nghĩa phải gồng gánh định danh, tuyên ngôn cho nghệ thuật của mình, là thời đại mà một quyết định đi theo con đường này có khi phải là sự phủ nhận hoàn toàn những ngã rẽ khác. Một bài thơ thúc người ta lật cái bàn, tung sách vở trong bối cảnh đó, cũng có thể được hiểu như một cú “lật bàn” lại tất cả những khuôn vàng, mực thước của một chủ nghĩa đã thành hình, thành dạng, đầy nghiêm trang, bệ vệ trước đó. Đó là công cuộc đập đi xây mới của lịch sử. Còn thời của chúng tôi, Đưa nhau đi trốn không thực hiện vai trò một lời tuyên bố, đó chỉ là nỗ lực của một kẻ hai nhăm tuổi kể lại những trải nghiệm của mình. Thời của chúng tôi, “lật cái bàn” là sự kiện không còn nhiều bất ngờ, một ngày “đưa nhau đi trốn” chỉ là một cuộc chơi mà người chơi có thể để lại vỏn vẹn một mảnh giấy cho mẹ cha “Đừng lo đêm nay con đi chơi xa”. Thời của chúng tôi là thời mà “phượt thủ” hội ngộ ở mọi nơi, đi xa, đi trốn như một nhu cầu thiết yếu của đời sống quá ư chật chội. Sự chật chội ấy mãi thành quen. Sự đi xa để trốn cũng chẳng còn lạ, như một phản xạ có điều kiện: đói phải ăn, mệt phải ngủ, cô đơn phải yêu, xô bồ phải trốn. Như cái cách Nguyễn Bỉnh Khiêm thế kỉ XVI “khiêm tốn” nói về sự dại của mình từ thời của ông: Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn người đến chốn lao xao. Nguyễn Bỉnh Khiêm, Wordsworth, Đen Vâu đều từ chối lao xao, nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm không được gọi là nhà lãng mạn. Phải tới sự cộp mác, đóng dấu từ phương Tây, vào một thời điểm lịch sử phù hợp, với một hệ thống lí luận dày dặn đính kèm, lãng mạn mới vươn lên tầm một “chủ nghĩa”. Nếu để nói chúng tôi có gì lãng mạn trong thế kỉ này khác người ở thế kỉ xưa, thì có lẽ là chúng tôi đã ít phải trình bày đi, chúng tôi thực hành “lãng mạn” thường xuyên, tự nhiên và tự do hơn nhiều.
Cái tự do và tự nhiên hơn ấy, tôi lại cũng không chắc về những không gian khác nhau sẽ mang biểu đồ lãng mạn theo biến thiên khác nhau thế nào. Tôi chỉ hay biết về sự lãng mạn ở tuổi trẻ trú ngụ trong đô thị. Có lẽ thứ chất kích thích hiệu quả nhất để nuôi lớn một mầm lãng mạn trong khoảng thời gian ngắn ngày nhất chính là sự chật của đô thị, sự tỉ lệ nghịch giữa diện tích không gian để thở và dân số của phố phường. Ở đất nước tôi, khi người ta trẻ, người ta lũ lượt rủ nhau lên thành phố, để học, để làm, để mưu cầu một nhịp sống mới, hoặc không để làm gì cả. Thành phố chật, là sự chật mang gương mặt một thanh niên. Và rồi khi người ta quyết định dấn thân vào những kẹt xe, tắc đường (hoặc là do bị buộc vào không gian ấy), lại sẵn trong mình một tâm hồn còn quá trống, trong và sạch, thừa chỗ để nghĩ, thì sự hỗn độn, ngập ngụa từ bên ngoài kia ập tới, choán hết tâm trí họ. Những tiếng động của thành phố chảy vào từng mạch nơron, lan ra. Thành phố ngập trong những mảnh âm thanh, những khung sự vật, những tên biển hiệu, tên biển đường, biển số xe nhưng kì lạ thay, lại cấp cho con người cái khoảng không để suy tư, để biết buồn:
Tôi dắt chính mình đi
những buổi chiều thủng lốp
anh sửa xe không vá được nỗi buồn
phố dài buồn chật cười thưa
(Tiếng động màu xanh – Miên Di)
Hà Nội nhỏ bé này đủ chỗ cho tất cả chúng tôi chứa nỗi buồn và buồn đủ để lãng mạn. Thơ, nhạc, nhìn chung là ca từ của người trẻ đương đại rặt những câu chuyện xung quanh thành phố, biến thành phố giờ đây thành một tín hiệu nghệ thuật. Đô thị nhào nặn ra một nỗi buồn tuổi trẻ, và chính tuổi trẻ lại nhào nặn ra một đô thị buồn, vừa đáng chán, vừa đáng sống:
Một chiều, tôi ngồi cà phê, ôm đàn
tha thẩn
tôi tìm được một vòng hợp âm
hay hay
tôi quyết định viết
nhưng tôi bị bí ý tưởng
tôi quay ra hỏi mọi người
ai cũng lắc đầu
tôi chán nản nhìn quanh, tôi thấy ai cũng ủ rũ, dài thượt trên ghế, mỗi người một cái điện thoại, chẳng ai nhìn ai, nói với ai câu gì
tôi mới tự hỏi: sao cái thời này nhiều người buồn và buồn nhiều đến thế?
(Lời tựa bài hát: Thế kỉ 21 buồn - Kiên)
Những người trẻ, gia đình nhỏ thì chưa có, gia đình lớn thì đang dần cởi ra, họ chỉ còn chính họ để suy tư về. Trong quỹ thời gian của đời người, có lẽ đây là lúc họ hay chúng tôi “rảnh” nhất để nghiệm cho bản thân mình. Rảnh nhất là những người “không làm gì”:
Tôi phóng ra xe, hôm nay đi học
Nếu tôi còn bé thì tôi sẽ khóc
Nhưng đã hai mươi, hai mươi,
hai mươi
Lên xe đi học, lại ngồi lên ghế không làm gì
(Lời bài hát: Không làm gì - Ngọt)
Trạng thái “không khóc được” là trạng thái tổn thương hơn trạng thái “khóc được” rất nhiều. Trạng thái “không làm gì” là trạng thái mệt hơn mọi trạng thái “đang làm gì”. “Không làm gì” có thể là không biết làm gì, không muốn làm gì, hoặc muốn không làm gì. Dù là tiền tố nào thì đây cũng là câu trả lời cho một đời sống dường như đang kiến tạo nên những sinh vật nhất định phải “làm một cái gì”. “Bất phục tùng đối với thực tại” nói như M.Gorky là một ý tưởng lớn của chủ nghĩa lãng mạn. “Không làm gì” là một cách. Bài hát của Ngọt lặp lại nhiều lần các cụm từ “không làm gì” và “để không làm gì”. Đây có thể là mong muốn, là lời thỉnh cầu ráo riết một trạng thái mà tôi nghi ngờ nó rất gần với không tưởng chủ nghĩa. Nghĩ mà xem, “không làm gì” tưởng là dễ nhưng trót sinh ra giữa một cuộc đời sống động thì mấy ai giữ được cho riêng mình một tình trạng bất động. Nên mới có hình tượng “thằng Nam ngồi khóc” “cho vui cuộc đời”, nhưng lại nhớ ra “quần áo đang phơi vẫn còn chưa khô/ Nam tính đứng dậy, nhưng lại ngồi” (Lời bài hát: Thằng Nam khóc - Thái Vũ).
Nếu Nam đứng dậy, Nam sẽ đi đâu? Câu trả lời thứ hai của những nhân vật lãng mạn thời này là đi lang thang. Thời chúng tôi không có gì nhiều ngoài “phượt thủ”. Một hình thức “lãng mạn tập thể” trước khi chúng tôi có thể tìm ra một phương cách khác. Và dù việc chạy trốn hiện tại bằng hình thức lật bàn, về với thiên nhiên hay đi đâu thật xa đã cũ và được tập thể hóa, vẫn không thể phủ nhận được công dụng sau mỗi chuyến đi giúp xoa dịu và chữa lành những vết thương nhỏ to do sự vận hành khô khan của đời sống này gây ra. Thời đại nào người trẻ chúng tôi vẫn phải ở lại thành phố để sân si thêm tri thức thì thời đại đó vẫn còn cần những chuyến đi để tạm “rời thành phố chật chội, náo nức” cho chúng tôi một cơ hội khác để thở, kiểu khác:
Ngày nào còn khát
Thì ngày đó ta còn lang thang
(Lời bài hát: Cho tôi lang thang - Đen Vâu, Ngọt)
Trong những cung đường mà chú hươu vị thành niên có thể chạy, vẫn còn có một đường lùi về quá khứ. Thực tại thì chưa định hình, tương lai thì không tồn tại, chỉ có quá khứ là một căn hầm trú ẩn an toàn để con người có thể nương náu. Ở thành phố của tôi ngập những quán cà phê theo lối cổ từ thời kì bao cấp, cái thời mà người già có thể kêu khổ, nhưng người trẻ thì vui sướng khi được đắp trên mình một tấm chăn con công. Có thể, chúng tôi là những kẻ ham vui, ham lạ. Có thể, những biểu hiện này cũng như sự vận hành của quy luật thời trang, chục năm lại tái sinh một xu hướng cũ. Không sao, đó có thể không phải là “lãng mạn thuần túy” nhưng nó đúng là đang diễn ra giữa nhịp sống mới này. Cái cảm thức mong đợi sự quay trở về nuôi dưỡng trong những tâm hồn trẻ sự nhạy cảm với mọi sự. Nó giúp chúng tôi nhận ra những điều mới đôi khi ẩn chứa những bất thường và tiềm tàng nguy cơ phá vỡ một nền tảng nào đó. Và khi người trẻ chọn retro (hồi tưởng) cả tình yêu, thì ắt hẳn đó phải là “lãng mạn”.
Ôi tình yêu thời nay mệt quá ai ơi!
Giận nhau không nói một lời
Chỉ vì không rep inbox thôi
Và em ơi, thời nay mệt quá đi thôi
Anh muốn tình yêu tuyệt vời
Như ông bà anh
(Lời bài hát: Ông bà anh - Lê Thiện Hiếu)
Vậy người trẻ thời này còn biết yêu không? Có chứ. Nếu có một điều kiện khả thể nào khiến cho chủ nghĩa lãng mạn dù đã đi hết vòng đời của nó vẫn còn rơi lại cuộc đời này biết bao nhiêu cảm thức, thì đó chính là nhờ mảnh đất màu nhiệm của tình yêu. Con người đang làm gì trên hành tinh này nếu không phải để học cách yêu một điều gì đó. Chủ nghĩa hiện sinh có thể phản bác lại là không, cuộc đời này toàn điều phi lí, thì nó cũng nuôi trong con người một tình yêu đối với sự không có nghĩa của cuộc đời. Tình yêu lãng mạn của tuổi trẻ sống trong lòng của cảm thức về hiện sinh. Xưa nay đều thế, như Xuân Diệu vẫn thắc mắc “đố ai định nghĩa được tình yêu”:
Em đừng xanh quá khổ anh
khổ thân con cáo hóa thành cây si
anh đứng đầu Hồ Đắc Di
ngóng Lương Định Của lầm lì
gọi em
em đừng lạnh giống que kem
để trong ngăn đá bỏ quên một tuần
anh về giữa Bùi Thị Xuân
uống hai mươi cốc nhân trần
cho say
thế thôi là hết một ngày
(Một bài thơ cũ - Lu)
Bài thơ của Lu vẫn loanh quanh giữa những tên biển phố của Hà Nội. Nhưng tình yêu ấy có chật chội không? Tất nhiên không. Thành phố này dù chật nhưng chưa đủ khắc nghiệt để bóp nghẹt tình yêu. Vẫn là thứ tình yêu lãng mạn có ngây thơ, có bất cần, vẫn là thứ tình yêu được nâng lên thành tầm biểu tượng, chỉ là cách diễn đạt khác đi. Nó phù hợp với không khí của thời này. Tuổi trẻ thì vẫn luôn là táo bạo, là dũng cảm. Sự dũng cảm đôi khi chỉ nằm ở chuyện dám dành cả một ngày loanh quanh chỉ để yêu.
Có phải tôi chỉ đang dùng dẫn chứng từ một loạt những người trẻ có vẻ lười và nuông chiều bản thân? Tất nhiên, trong thế giới những người trẻ đang sống, không phải ai cũng buồn và không làm gì. Có vô số những người trẻ mà lịch sử sẽ gọi họ là những người lãng mạn theo hướng tích cực. Họ sống, họ nhận ra những vấn đề của đời sống, họ cố gắng cải thiện, bằng các chiến dịch, các dự án cộng đồng. Họ hừng hực khí thế đấu tranh. Họ quyết liệt. Họ lãng mạn. Họ rất lãng mạn. Vì họ cũng đang tin vào một trật tự tưởng tượng nào khác vượt xa khỏi những lằn ranh của trật tự hiện thời này. Nhưng họ có buồn không? Họ cũng buồn. Những người không làm gì có quyết liệt không? Họ còn quyết liệt và mạnh mẽ hơn thế. Vì dù là ở lại với thực tại hay chạy trốn nó, họ có cả ở hai cực. Và cực nào cũng thịnh. Hoặc là không có cực nào. Chúng trộn vào nhau. Không có gì phức tạp hơn việc cố gắng phân tách người trẻ thành các loại. Vì đó là những thực thể kì bí nhất của loài người.
Những người trẻ giờ đây có lẽ bình tĩnh và hiểu họ hơn nhiều. Họ “ngồi đây chờ cơn bão tới” (tiểu thuyết của Nguyễn Hải Nhật Huy)
V.T.K.C
VNQD