Nguyễn Việt Hà - “một người Hà Nội”

Thứ Bảy, 16/02/2019 00:03

. LÊ MINH HÀ

Khi tôi biết gã thì gã đã tăm tiếng lắm rồi. Nên dĩ nhiên huếnh rằng có biết nhau chút chút ngoài đời cũng hơi sợ mang tiếng. Gã với tôi có nhiều cái gọi là cùng: cùng trường, cùng khóa, cùng tuổi, tuổi gì không tuổi lại là tuổi Cọp.

Nói vậy chứ gặp nhau, cười phủ phê nhận đồng môn rồi, tôi thấy mừng. May mà không biết nhau thuở ấy. Biết, thì khéo tôi bỏ cả học để “chém” với gã.

Nhưng mà gã không có cơ hội biết tôi khi đó. Ít đi học, nhưng đi thì tôi không nhìn con trai. Con trai mười bảy như gà trống choai, có cái gì mà nhìn. Tôi chỉ để ý con gái lớp gã. Mà chắc gã cũng vậy thôi. Cũng mười bảy mà sao lớp đó lắm đứa xinh thế, nảy nở toàn phần. Tôi vốn mê tất cả cái gì là đẹp, không cữ bọn con gái.

Ngoài ra, ngờ rằng gã có đẹp tôi cũng không để ý, vì nhiều khả năng gã là học sinh cá biệt dưới mắt một đôi thầy cô, trước hết là thầy cô dạy văn. Kinh nghiệm đi học phổ thông rồi đi dạy phổ thông cho phép tôi tợn mồm nhận định thế.

Những học sinh như thế này ít giáo viên văn dám nhận là trò. Đa phần vì không thích, vì nhiều lẽ. Nó lắm mồm hay tẩm ngẩm thì cũng thế, nó chẳng tin gì lời mình rao giảng, khéo trong lòng nó đang... Cái lẽ này chắc không nhiều. Nhiều hơn chắc phải là “Lời phê của giáo viên: lạc đề, thiếu ý, diễn đạt không chỉnh”, đại loại thế. Một phần nhỏ thầy cô, những người biết nhiều, rất gì gì và này nọ ở đời thì trước kiểu trò này sẽ sợ, vì một lẽ hiển nhiên một đôi ba kẻ như mình trong dăm ba năm dạy làm sao được cho ra một thằng trò có cách nghĩ ấy. Cách nghĩ ấy, nói thật, đã chắc gì có thầy cô nào có. Cái đó, cái vốn liếng đầu tiên để trở thành một nghệ sĩ ở bất kể loại hình nào nguồn gốc nó sâu xa lắm, trong đất trong nước, trong sương mù, trong gió, trong nếp sống của nhà và rộng ra mãi, chắc chắn là rộng hơn một đôi ba cổng trường.

Cách nghĩ ấy gã bộc lộ nhất quán ngay từ tác phẩm đầu tiên. Bảo thân mà thích thì tôi không nhé. Vì nó còn sượng. Nhưng đúng là trước đó chưa thấy ai viết thế. Tôi không nói là chưa ai viết về đề tài dính dấp tới nhà thờ. Ông Chu Văn có Bão biển rồi, ông Nguyễn Khải có Xung đột, tóm lại là loay hoay với đề tài này qua hơn một tác phẩm rồi. Nhưng…

Hình như chỉ đến gã thì nhà thờ và con dân của Chúa mới được cảm hiểu bằng trí lự và tấm lòng của người biết kính sợ Chúa thật. Gã không lí giải với người đọc về niềm tin, không huyền nhiệm hóa hay tìm cách giải thiêng giải độc niềm tin - thứ được tôn vinh là thuốc phiện phải cai một thời và thời bây giờ chúng dân lại rầm rộ rủ nhau tin lại, tin bất kể cái gì mình không hiểu, của bất kể thứ đạo giáo nào già đời hay mới được khai sinh. Nhân vật của gã, hay là chính gã, sống trong niềm tin theo kiểu người ta sống nhờ lương thực thực phẩm vậy, khi đủ rồi thì ít ai nói về, nhưng đã nói thì biết ngay kẻ nói hiểu và trải đến đâu.

Chẳng có gì liên quan, khi đọc gã lần đầu, Cơ hội của Chúa, tiểu thuyết làm nên tên tuổi gã, và sau đó, chỉ cần đọc tên các tiểu thuyết gã viết, những Khải huyền muộn, những Ba ngôi của người, rất tự dưng tôi thường liên tưởng ngay tới Lệnh Hồ Xung, với kiếm chiêu và kiếm khí cùng kiểu bất chấp thực chẳng mấy ai dám làm. Từng đọc cuốn tiểu thuyết gần đây nhất của gã với rất nhiều bình luận, có bình luận ngang tầm chửi rủa, từng chả biết gì về môi trường xúc cảm gã đánh chìm mình trong đó để từ đó có tác phẩm ấy và do đó đâm tò mò trước vô số lời phê bình nặng như là đấm, tôi đã nghĩ là nếu người phê bình cũng đọc với tâm thế không biết gì như tôi, thì mọi người có nhận ra đằng sau những nguyên mẫu nổi danh có thật kia là những type người thời đại, lập loè lấp lánh mù mờ. Trong đó và trước hết có cả gã, là chính gã. Chứ gì nữa, nhà văn là tất tật các nhân vật của mình, là kẻ xấu, là người tốt, đàn ông, đàn bà, thông tuệ và ngu ngốc, trai lơ và đĩ thõa, liều lĩnh, lừng khừng, đáng yêu và đáng ghét... Trong tiểu thuyết. Trong truyện ngắn truyện dài. Gã, khốn khổ thay, cũng chẳng thoát được vai trò buồn tẻ đó khi làm nghề. Nói thật, kể cả có được tôn xưng sau rất nhiều trang viết của mình là nhà văn cực kì Hà Nội (là giai phố cổ, điệu đàng hơn còn được coi là “cao bồi già” chốn ấy), thì chuyện vào vai tất cả các nhân vật của mình, sau khi đẻ tọt nhân vật ra rồi, tẻ lắm, nếu không sinh được tiếp. Và buồn lắm, nếu người đọc chỉ dừng ở những động đậy ngôn từ của nhân vật mình sinh, không thấy hết được trùng trùng bóng của thế thời văn hóa đằng sau nó. Qua gã.

Qua gã, ta có một Hà Nội không hoàn toàn sang cả nên thân thiện hơn, gần gũi hơn, một Hà Nội vỉa hè xó xỉnh, một Hà Nội vất vả, chật hẹp, thành ra có lúc như cố rướn khi hãnh diện về mình, dễ cảm thông và thâm nhập hơn. Nhưng cũng là nói vậy thôi, còn đâu ra nhiều mà thâm nhập. Gã, cũng như Hà Nội của riêng gã đang dần dần thành tàn tích giữa một Hà Nội hôm nay xô bồ, nhem nhuốc, hung hãn mà yếu đuối. Thì có gì đâu. Phải vậy thôi. Tại gã là người-Hà-Nội giữa đa số người đang sống ở Hà Nội, đang trở thành người Hà Nội.

Nếu không cảm được cách phát âm một vài nguyên âm hết sức đặc biệt của người Hà Nội nội thành bốn quận một thời, nếu không sống tinh thần phố thật sự, nếu bị choáng ngợp với những con đường mới xe cộ ào ào bụi bay rào rào lại còn dở dói trồng toàn hoa sữa xốc cơ địa dị ứng của thiên hạ dậy, thì bạn đọc nào mới tiếp xúc với tác giả này nhiều phần sẽ không tin đấy là một người Hà Nội. Dáng thì bặm trợn, nói năng chẳng thèm mềm mỏng, gã là một đối cực với hình dung đàn ông Hà Nội tuổi đó phải là. Gì nhỉ? Thư sinh, hào hoa, nho nhã… Toàn cái bề ngoài vặt vài cái miết vài cái là tróc hết. Gã to ngang. Gã rễ tre. Gã hăm hở, gã nhiệt tình. Gã rượu. Gã trường hơi át giọng thiên hạ. Có lần tôi được gã cùng ông bạn đồng môn đồng khoá - nhà báo Yên Ba đưa tới chơi nhà Nguyễn Huy Thiệp, trong lúc ngồi nhỏ nhẻ ngoạm khoai luộc bên bà vợ của tiên sinh hình như lúc đó đang say sưa trò chuyện với hoa thủy tiên, đã ngạc nhiên lắm rồi vì sức nói của nhà thơ dân gian Bảo Sinh, lại càng ngạc nhiên vì chàng bát phố cao niên cũng phải “tắt điện” trước “cao bồi phố cũ”. Chuyện rộn chuyện ràng, mà nhiều câu chuyện nhỏ trong đó tôi gặp lại ở tiểu thuyết thứ hai của gã, cười như chuông đồng hồ báo thức Liên Xô, thế nhưng không hiểu sao tôi lại nghĩ đấy có phải là bọn tôi đang vui thật. Nếu thật thì vui như thế người ta có bao nhiêu lần trong một đời người?

Chẳng biết. Nhưng đằng sau những thi thoảng gặp nhau nói cười (tính ra chưa hết mấy ngón tay trên một bàn tay từ ngày biết nhau nhận nhau là đồng đủ thứ (tuổi, môn, khóa), đằng sau những trang viết tưng tửng về phố, về thói tật thị dân, về những thị dân đàn ông đàn bà, uống và ăn, những thị dân thật sự và do đó thường heo héo tuổi rồi, chỉ thấy một cố gắng sưu tầm hồn cốt, cố gắng tra vấn đời sống của một thành phố, một thành phố thôi, nhưng vì là thủ đô, nên cũng là phóng chiếu mọi mặt hay dở của một đất nước.

Vẫn phải nói, dù biết là thừa: đọc gã rất thú vị, luôn được mỉm cười một mình cùng các xét nhận, lí lẽ. Hồi gã mới xuất hiện, nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến đã cho rằng đến gã thì văn chương Việt mới có chất hài hước thật. Thế thật. Nhìn thêm một tí thì trong ba nhà văn chữ đầy chất văn của Hà Nội hôm nay, gã vẫn độc chiếm chất hài, trong khi một ông (Đỗ Phấn) thì hóm hỉnh và ông còn lại (Bảo Ninh) thì chẳng hài chẳng hóm, chỉ xót xa là xót xa. Phải, gã hài, và nhiều phen hài rất độc, làm người ta trong vô thức đọc tới là phải cười, nếu không thì cũng cắt gọt lại, nhấm nháp lại đâu đó để thành ra người biết hài hước. Thế nhưng bản lĩnh của người biết hài thật sự không phải là giỏi dựng tình huống gây cười, vì bản chất thật sự của cái hài lại là thấu triệt những điều không thể cười, những điều trông thấy mà đau đớn. Vậy là Hoàng Ngọc Hiến khi ghi nhận cái tài hài hước của gã đã đồng thời ra án quyết chung thân cho gã: Cứ cười đi cười đi, mà đau.

Tôi là người rất nghiệt khi đọc. Những trò vặn vẹo thân xác chữ để gây khóc gây cười theo lối nhành miệng nhíu mũi nhăn mày hay tồ tồ mô tả lại hình dung chấp trước về nỗi đau nỗi buồn, đọc sốt ruột lắm. Có định phô bày cái nỗi ấy ra một cách phô thì cũng phải được như cái anh TÔI này của gã: “Tôi dịu dịu buồn vào sâu lãng đãng ngày xưa”.

Sến quá. Nhưng viết được sến thế này phải là người không thể sến, tỉnh táo và sắc lẻm khi quan sát. Mà cũng phải nói thêm, cần có độ lùi thời gian một góc thế kỉ để có lại không gian nhẹ nhõm xưa mới dịu dịu mới lãng đãng vào sâu được chăng?

Và cái kiểu cảm ấy, nghĩ ấy chi phối chúng ta. Cũng chi phối chúng ta mà ta không nhận ra là cách hành văn quai quái ngoa ngoắt của gã. Nhân vật đối thoại thì sành sỏi bụi bặm, nhưng tự thoại thì khác hẳn. Chẳng biết gã thạo bao nhiêu thứ tiếng mà khi viết gã toàn vặn khúc câu, cấu trúc lại tiếng Việt, cho tính từ nhảy phốc về phía trước danh từ, buộc tính từ phải động, trạng từ hóa tính từ, rất lạ. Rất trung thực, tôi ghen tị vì mình chưa từng viết được một câu cụt lủn mà động cựa như thế này: “Tôi nhưng nhức buồn”. Cảm xúc được mô tả đến tận cùng của sự chuyển đổi cảm giác. Có một nhà báo cũng già đời rồi luôn viết những đoản văn theo đúng cái lối vặn vẹo lại vai trò từ loại này của gã, không biết anh ấy có tự biết vậy không, nhưng mà tôi thú vị, vì hiểu ra là ghen với tài của kẻ khác cũng bằng thừa.

Mà ghen thì được cái gì? Nỗi buồn chưa biết đến khi nào mới tĩnh lại được, thành ra còn như bực bội ấy ư? Qua những trang văn bạn đọc có thể lằn nhằn rằng chẳng thấy gì khác, vẫn cứ là chuyện rượu chè đàn ông đàn bà phố phố xá xá. Bạn đọc thân mến! Để biết về đời về người, cứ phải đi tìm những bảo tàng chữ thành thật và ngây thơ như thế. Để biết về thời bao cấp ta từng sống hay chưa, phải đọc những tay như gã này, chứ chờ gì mấy cái triển lãm gồm tụ các thứ hiện vật có khi vẫn đầy trong nhà bạn. Để biết cái hôm nay có những gì, cứ phải đọc những tay như gã này mà nhận ra cái ta đang có dẫu tuyệt vời vẫn không lại được với cái ta đang mất, ấy là một nhịp sống đủ thời gian cho người ta lắng lọc lại mình.

Khi nuối tìm những thanh thản ấy, nhà văn làm sao mà thanh thản được. Kệ họ. Và chúng ta đọc họ, có thể than phiền rằng vẫn thế, nhưng cũng kệ đi, họ không là họ thì ta cần họ làm gì.

Tôi coi chữ của gã như một thứ của rơi, có là tôi nhặt, đọc, đọc rồi lại nghĩ cái gã cao bồi già ấy thế là cứ trẻ mãi tuổi hoa niên của mình. Khi ai nói gì thì nói, tôi vẫn tin rằng Hà Nội đang đùng đùng đổi hôm nay sẽ vĩnh viễn còn lại cái hồ thon lỏn giữa lòng những phố xá con con - nơi đã định hình một tuổi tên của lứa chúng tôi. Cái còn lại đó sẽ là một đối chứng để gã tiếp tục sành sỏi sống, nhận diện đời người, rồi hậm hực, rồi phiền muộn.

Như là một ơn Chúa.

Berlin, 2015 - 2018

L.M.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)