Trong chương trình môn Ngữ văn Phổ thông trung học bộ cũ, phần thơ Hồ Chí Minh (Nhật ký trong tù) được đưa vào giảng dạy chính thức ở lớp 12 có ba bài thơ: Mộ (Chiều tối), Tảo giải (Giải đi sớm), Tân xuất ngục, Học đăng sơn (Mới ra tù, tập leo núi), ở bộ chương trình mới (lớp 11) có hai bài: Mộ (Chiều tối) và Lai Tân (Lai Tân). Theo chúng tôi đây là sự thay đổi tích cực, vì cứ theo chương trình cũ thì cả ba bài đều có một bút pháp chung là trữ tình, chương trình mới thay đổi, tuy có ít đi về số lượng nhưng lại thêm được bài Lai Tân rất tiêu biểu cho bút pháp châm biếm trào lộng của Bác. Mà như chúng ta đều biết Nhật ký trong tù là một tác phẩm lớn, đa dạng về bút pháp, phong phú về chủ đề, thể hiện một tâm hồn, nhân cách vĩ đại, một tầm trí tuệ tuyệt vời, do vậy, sự đổi mới ấy vừa đáp ứng được hướng tiếp cận gần hơn với đặc điểm tác phẩm, vừa đáp ứng được tính đa dạng trong tiếp nhận của người học. Dưới đây là những thao tác tiếp cận hai bài thơ của chúng tôi dưới góc độ thể loại, dĩ nhiên chỉ là mang tính tham khảo, rất mong sự trao đổi của bạn đọc, nhất là các bạn giáo viên, các em học sinh - những người truyền thụ và tiếp nhận vẻ đẹp của bài thơ.
1. Bài thơ Mộ (Chiều tối) - cổ điển mà hiện đại, trữ tình, hàm súc
Thi pháp thơ cổ phương Đông, nhất là ở thể thơ tứ tuyệt thường chia bài thơ thành hai phần đăng đối nhau, phần trên là cảnh vật, phần dưới là con người. Kết cấu bài Mộ cũng không ngoài thông lệ này. Hai câu đầu tả cảnh với thi liệu rất mực cổ điển: cánh chim, cành cây, chòm mây: Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ/ Cô vân mạn mạn độ thiên không (Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ/ Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không). Bản dịch thơ để mất chữ cô (cô đơn) nên đã không lột tả hết trạng thái buồn, cô đơn, lẻ loi của cảnh vật. Hai câu thơ vẽ lên cái thần thái của không gian núi rừng lúc chiều tối, có cận cảnh (Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ), có viễn cảnh (Cô vân mạn mạn độ thiên không). Qua hai câu thơ ấy người đọc có thể tưởng tượng ra chủ thể trữ tình qua một ngày bị giải đi giải lại, mệt mỏi rã rời, chiều tối được dừng lại nghỉ ngơi, ngước lên trời nhìn cánh chim bay về tổ, chòm mây trôi, sao tránh được nỗi buồn.
Hai câu sau thì một cảnh khác hẳn: Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc/Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng (Cô em xóm núi xay ngô tối/ Xay hết, lò than đã rực hồng). Đối chiếu bản phiên âm và bản dịch thơ dễ thấy bản dịch thơ thừa ra chữ tối. Điều này đã vi phạm nguyên tắc hàm súc của thơ Đường luật, không nói đến tối mà người đọc vẫn có cảm giác là tối đến rồi. Theo kiến văn hạn hẹp của mình tôi thấy hình tượng sơn thôn thiếu nữ đã xuất hiện nhiều trong thơ cổ, nhưng chỉ đến Mộ của Bác thì hình tượng sơn thôn thiếu nữ ma bao túc, hình ảnh thiếu nữ miền sơn cước xay ngô lần đầu xuất hiện, lại là một hình tượng đẹp, đẹp một cách khỏe khoắn. Nhãn tự của thi phẩm là chữ hồng được đặt ở cuối bài như toả sáng toả ấm xua tan cái buồn, cái lạnh lẽo ở phần đầu. Bài thơ mang rất rõ phong cách thơ chữ Hán của Bác, hình tượng thơ luôn vận động hướng về ánh sáng, hướng về niềm tin, hạnh phúc.
2. Bài Lai Tân - một phong cách châm biếm sắc sảo, bậc thầy
Để hiểu sâu hơn bài thơ có lẽ chúng ta cần biết thêm về địa danh Lai Tân. Đây là tên một huyện cũ, nay là quận Hưng Tân, trực thuộc thành phố Lai Tân, cách Tân Dương 90km, cách Thiên Giang 40km, cách Liễu Châu 80km. Trong tập Nhật ký bài thơ này đánh số 96, trước đó một bài, bài thứ 94 có tên Tháp hoả xa vãng Lai Tân (Đáp xe lửa đi Lai Tân) cho biết Bác bị giải từ Thiên Giang, sau một chặng đi bộ đã lên xe hoả để đến Lai Tân (Xin xem - Tuyển tập văn thơ Hồ Chí Minh - Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2008). Bản phiên âm bài Lai Tân:
Giam phòng ban trưởng thiên thiên đổ
Cảnh trưởng tham thôn giải phạm tiền
Huyện trưởng thiêu đăng biện công sự
Lai Tân y cựu thái bình thiên.
Bản dịch thơ:
Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc
Giải người cảnh trưởng kiếm ăn quanh
Huyện trưởng chong đèn làm công việc
Trời đất Lai Tân vẫn thái bình.
Ở câu thứ hai bản phiên âm có hai chữ tham thôn, nghĩa là tham ô, vơ vét, ăn tiền. Cảnh trưởng tham thôn giải phạm tiền có nghĩa là cảnh trưởng tham ô, ăn tiền của phạm nhân bị giải. Tham thôn được dịch thơ là kiếm ăn quanh vừa không rõ nghĩa vừa mất đi cái ý tố cáo, vạch trần sự đê hèn, xấu xa của cảnh trưởng. Hai câu đầu thì rõ ra cái ý đả kích sự thối nát của hệ thống quan chức nhà tù của chế độ Tưởng Giới Thạch. Đến câu ba thì hơi khó hiểu, vị huyện trưởng lại tận tình chăm lo đến công việc như thế? Ban trưởng, cảnh trưởng thì xấu vậy nhưng nhờ huyện trưởng tốt thế mà Trời đất Lai Tân vẫn thái bình? Thế chất châm biếm của bài thơ nằm ở đâu? Lúc này không thể đi theo con đường bản thể luận để cắt nghĩa văn bản mà phải đi ra ngoài văn bản, tìm về bối cảnh xã hội mà tác phẩm phản ánh. Đây là sự giải thích của một cụ già người Quảng Tây: "Các quan huyện bên đó, hồi ấy, khi làm việc quan có bao giờ phải đốt đèn (thiêu đăng) đâu. Ngài đốt đèn hút thuốc phiện đấy thôi (Theo Đặng Thai Mai - Đọc Nhật ký trong tù - Nhà xuất bản Tác phẩm mới, 1997, tr.195). Thì ra ý thơ sâu sắc và thâm thuý đã vượt ra ngoài văn bản, câu chữ tưởng như khách quan mà chứa đựng một sức mạnh châm biếm không ngờ: Cả thế giới quan lại đều thối nát như nhau. Thế mà Lai Tân y cựu thái bình thiên, trời đất Lai Tân vẫn thái bình! Tiếng cười không đơn thuần chỉ toát ra từ những mâu thuẫn giữa bề ngoài và bề trong, giữa nội dung và hình thức, giữa chuẩn mực đạo đức và thói sa đoạ mà còn toát ra từ sự khinh bỉ, chế giễu đối tượng. Thế cho nên tiếng cười luôn đứng ở vị trí trên cao, cao hơn rất nhiều so với cái đáng cười để cười cợt, giễu nhại. Tiếng cười Hồ Chí Minh là như vậy.
Hai bài thơ, hai bút pháp mà thống nhất trong một phong cách đặc sắc, độc đáo Hồ Chí Minh. Đúng là "trăm bài trăm ý đẹp" (Hoàng Trung Thông). Đúng là chất tình và chất thép chỉ có ở thơ Người - nhà thơ kiệt xuất Hồ Chí Minh.
QUỐC VINH
VNQD