Tinh luyện và hiện thực - Cốt cách nói và viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ Tư, 30/01/2019 16:06

Những bài viết bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn tuân thủ nghiêm ngặt một cốt cách, một phong cách là Tinh luyện và Hiện thực. Những ý tưởng, ý nghĩa của những câu nói (bài nói), câu viết (bài viết) ngắn gọn, xúc tích, sâu sắc và hiện thực đi thẳng đến người nghe, người đọc làm lay động, thức tỉnh. Ngẫm ngợi và hành động. Những bài viết, bài nói của Người, những tư tưởng mới, những nội dung mới, những tư tưởng tiến bộ, từ Kim, Cổ, Đông, Tây mà Người vận dụng bao giờ cũng được Người làm mới với nguyên tắc: Hiện thực và phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh Việt Nam.

Xin nói về thơ Tập Cổ.

Tập Cổ là lối thơ quen thuộc, thường là mượn bài thơ, tứ thơ, lời thơ có sẵn để sáng tạo ra bài thơ, tứ thơ mang nội dung mới, ý nghĩa mới, tư tưởng mới. Tập Cổ mang ý nghĩa mô phỏng. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người làm thơ Tập cổ có nhiều thành công.

Trong tập thơ NHẬT KÝ TRONG TÙ, bài THANH MINH (bài số 112):

THANH MINH

Thanh minh thời tiết vũ phân phân

Lung lý tù nhân giục đoạn hồn

Tá vấn tự do là xử hữu?

Vệ binh Dao chỉ biện công môn.

Nam Trân dịch:

Thanh minh lất phất mưa phùn

Tù nhân nghe thấm nỗi buồn xót xa;

Tự do thử hỏi đâu là?

Lính canh trỏ lối thẳng ra công trường.

Hồ Chí Minh Tập cổ từ bài thơ của Đỗ Mục. Bài của Đỗ Mục, Tự Mục Chi (803-853).

Thanh minh thời tiết vũ phân phân

Lộ thượng hành nhân giục đọan hồn

Tá vấn tửu gia hà xứ hữu?

Mục đồng dao chỉ Hạnh hoa thôn

(Tiết thanh minh mưa phùn lất phất

Trên đường người đi buồn đứt ruột

Ướm hỏi nơi nào có quán rượu?

Trẻ chăn trâu chỉ tay về phía xa: Thôn Hạnh Hoa)

Tâm trạng của Đỗ Mục là tâm trạng buồn của một lữ khách trong thời tiết buồn (mưa rét lất phất). Tâm trạng của Hồ Chí Minh là tâm trạng của người tù đi tìm tự do, buồn phiền, day dứt, phản kháng. Hai trạng thái buồn có điểm giống nhau và khác nhau nên cảm xúc nhà thơ cũng vậy. Bài thơ của Đỗ Mục có 28 chữ; Hồ Chí Minh thay đổi 10 chữ làm nên một bài thơ mới, nội dung mới, tư tưởng mới (Lộ thượng hành nhân thay bằng Lung Lý tù nhân; tửu gia thay bằng tự do; Mục đồng thay bằng vệ binh; Hạnh hoa thôn thay bằng biện công môn). Sự thay đổi này cũng làm cho tinh thần bài thơ khác đi, từ cảm xúc trữ tình chuyển sang cảm xúc trào phúng, mỉa mai, hài hước. Tự do ở đâu? Tự do ở chốn công đường? Đó là thứ tự do gì?

Bài Tặng Trần Canh đồng chí cũng là một bài thơ Tập Cổ hay.

Tháng 9-1950 chiến thắng chiến dịch biên giới, Chủ tịch lúc đó đang ở mặt trận Đông Khê, gửi chiến lợi phẩm (rượu sâm banh) cho tướng Trần Canh, cố vấn quân sự Trung Quốc và một bức thư. Nội dung bức thư là một bài thơ tứ tuyệt:

Hương canh Mỹ tửu dạ quang bôi

Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi

Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu

Địch nhân hưu phóng nhất nhân hồi.

(Sâm banh ngon rót chén lưu ly,

Toan nhắp tỳ bà trên ngựa giục

Mặt trận say lăn anh chớ cười

Không cho địch chạy một tên thoát)

Hồ Chí Minhh Tập cổ từ bài Lương Châu từ của Vương Hàn, nhà thơ đời Đường:

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi

Độc ẩm tỳ bà mã thượng thôi

Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu

Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi

(Rượu nho ngon rót chén lưu ly

Toan nhắp tỳ bà trên ngựa giục

Mặt trận say lăn anh chớ cười

Xưa nay ra trận ai về được).

Chỉ thay 7 chữ trong 28 chữ mà được môt bài thơ hay, mang sắc thái và ý nghĩa mới. Hương tân (một loại rượu nho ngon vùng Tây Vực, thay bằng rượu Sâm banh ngon của Pháp; cổ lai chính chiến thay bằng Địch nhân hưu phóng; kỷ nhân hồi thay bằng nhất nhân hồi).

Thơ Vương Hàn nói về nỗi buồn chiến tranh (xưa nay mấy ai ra trận về được). Còn bài thơ của Hồ Chí Minh nói lên niềm vui, quyết tâm chiến thắng quân xâm lược (không để một tên giặc chạy thoát). Một cảm xúc khác hẳn, một tình thế khác hẳn với bài thơ nền của Vương Hàn.

Bài THƯỚNG SƠN (Lên núi), Hồ Chí Minh viết ngày 24/6/1942, trên núi Lũng Dẻ (xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), chất Tập cổ ẩn hơn và tổng hòa hơn. Tháng 3 - 1942 Chủ Tịch Hồ Chí Minh chuyển từ Pác Bó (Hà Quảng) về Lam Sơn (Hòa An) rồi sang Nguyên Bình một thời gian. Người lên ở Lũng Dẻ, vùng cao của người Dao, chỉ đạo xây dựng cơ sở cách mạng mở đường Nam Tiến và dịch cuốn Lịch Sử Đảng Cộng Sản (b) Liên Xô. Giữa tháng 6, Người hoàn thành bản dịch, trong niềm vui hoàn thành một công việc lớn có ý nghĩa và hiệu dụng cho cách mạng ,Người lên đỉnh núi Lũng Dẻ, cảnh sắc nơi đây đã gợi thi hứng cho nhà thơ. Người viết:

Lục nguyệt nhị thập tứ

Thướng đáo thử sơn lai

Cử đầu hồng nhật cận

Đối ngạn, nhất chi mai.

Tố Hữu dịch:

Hai mươi tư tháng sáu

Lên đỉnh núi này chơi

Ngẩng đầu: mặt trời đỏ

Bên suối một nhành mai.

Một bài thơ trữ tình, một cảm xúc, một tâm thế của người cách mạng trước viễn cảnh tươi sáng của công cuộc giải phóng dân tộc. Mặt trời hồng cách mạng, một tương lai tươi sáng của mùa xuân, dân tộc, đất nước đang rất gần, rất đẹp và rất sáng.

Ngày 24/6/1942, nhằm ngày 11/5 Nhâm Ngọ sau tiết hạ chí hai ngày tức đang giữa mùa hạ. Hai câu đầu của bài thơ chỉ nói về địa điểm thời gian sáng tác bài thơ,"ghép" vào hai câu "cử đầu hồng nhật cận/ Đối ngạn nhất chi mai" thành một bài thơ hay. Chứa đựng nội dung phong phú sâu sắc.

Hình ảnh "Cử đầu hồng nhật cận"( Ngẩng đầu: mặt trời đỏ) có trong bài thơ Vịnh Hoa Sơn của nhà thơ Khấu Chuẩn, đời Tống. Nhất chi mai là cụm từ lấy từ thơ Lục Khởi, nước Tống thời Nam triều, là biểu tưởng của mùa xuân và từ bài thơ Cáo tật thị chúng của thiền sư Mãn Giác thời Lý "Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một nhành mai", biểu tượng của cõi cực lạc, niết bàn. Ngạn là bến bờ giác ngộ trong sách nhà phật: " Khổ hải vô biên, hồi đầu thị Ngạn" (Biển khổ mênh mông quay đầu là bờ). Từ những nguồn thi liệu cổ nhà thơ Hồ Chí Minh đã cảm tác nên bài thơ hay THƯỚNG SƠN, một bài thơ, một bức tranh đẹp, giàu hình tượng, núi sông hùng vĩ, đẹp như cảnh tiên trên đó nổi bật một nhân vật trữ tình đặc biệt, mang bóng dáng cao nhã của một vị hiền triết, đau đáu lo cho nước cho dân trước thắng lợi cách mạng đang rất gần (Hồng nhật cận/ Nhất chi mai). Nhân vật chiến sĩ cách mạng, lãnh tụ cách mạng, ông tiên, vị hiền triết tuy không được nói tới trong bài thơ nhưng lại hiển hiện rất rõ. Đó là cái tinh ý thơ trong THƯỚNG SƠN - Bài thơ giàu triết lý cách mạng, giàu hiện thực, lãng mạn, trữ tình. Cổ điển mà hiện đại. Rất thời sự mà cũng rất muôn đời.

Thơ Tập cổ là lối sáng tạo thơ tài hoa, những nhà thơ tài hoa chỉ cần sửa, đổi viết vài chữ mới (khác) trong một bài thơ gốc (nền) để thành một bài thơ mới. (Rót được rượu ngon mới vào trong bình cũ). Bài thơ Tập cổ cũng không được thay đổi quá nhiều. Thay đổi nhiều sẽ làm nhạt, mất màu sắc của bài thơ gốc, và cũng làm giảm dáng vẻ, ý nghĩa nội dung của bài thơ gốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn đi theo đường hướng ấy, nguyên tắc ấy để có thơ hay.

Cảm nhận về phong cách, cốt cách những bài viết, bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta càng hiểu thấm thía và càng hiểu sâu sắc hơn tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người luôn luôn nhìn nhận và thực hiện, nhiệm vụ theo tư tưởng nguyên lý thời đại. Thừa hưởng những giá trị văn hóa, giá trị lịch sử của nhân loại để vận dụng vào thực tiễn của dân tộc và đất nước. Tránh xa bệnh chủ quan, duy ý chí, huyênh hoang, hình thức tàn phá, ngăn cản kìm hãm trên con đường đi lên của dân tộc của đất nước. Đó chính là những bài học quý cần được ngẫm lại, thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ trong cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức,tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh.

HOÀNG TRƯƠNG

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)