Bình luận văn nghệ  Diễn đàn văn nghệ

Không đồng hành với khán giả, nghệ sĩ sẽ bị bỏ rơi

Thứ Tư, 06/02/2019 00:50

Nguyễn Xuân Thủy

Đạo diễn, NSƯT Trần Lực

Bản sắc là từ khóa hay được nhắc đến mỗi dịp tết đến. Nhất là trong thời đại thế giới phẳng thì những gì thuộc về bản sắc văn hóa sẽ được chú trọng với mỗi quốc gia như những dấu ấn riêng. Nhưng việc gìn giữ, bảo tồn, lan tỏa bản sắc ấy như thế nào đôi khi là cả một sự loay hoay với những thử nghiệm, kiếm tìm. Những gì sẽ là tiếng nói Việt, tâm hồn Việt, khát vọng Việt được gửi thông điệp từ quá khứ? Những kết tinh giá trị từ xa xưa ấy có cơ hội hiện diện trong đời sống hôm nay hay không? Tìm về bản sắc trong những tiếng nói hiện đại là con đường mà đạo diễn Trần Lực đang đi trong năm qua ở lĩnh vực sân khấu với những phản hồi tích cực từ chính giới và công chúng Thủ đô. Trần Lực chia sẻ, khán giả chính là lí do để nghệ sĩ sân khấu đam mê và cống hiến. Còn những điều vừa nói lại là lí do để chúng tôi chọn anh làm nhân vật trò chuyện cho số Tết Kỷ Hợi 2019 của Văn nghệ Quân đội.

- Anh Lực này, chúng ta gặp nhau hôm nay là để làm một bài trò chuyện cho số tạp chí tết của Văn nghệ Quân đội nên tôi muốn bắt đầu từ tết. Cái việc kêu tết giờ nó nhạt chắc anh cũng đã thấy, đã nghe. Nhưng tôi thấy đâu chỉ Tết mới nhạt, nhiều thứ khác cũng nhạt dần đi theo thời gian, như việc xem một bộ phim, đọc một cuốn sách… những thứ đã từng là những giá trị, những hoạt động được nâng niu, trân trọng, đã từng khắc dấu lung linh lên mỗi kí ức mỗi chúng ta bây giờ nó cũng nhạt phai, mai một. Không biết anh cảm nhận về điều này thế nào?

+ Tôi thì tôi nghĩ rằng, cái gì cứ lặp đi lặp lại sẽ nhàm chán. Ngày xưa tết là dịp để chờ một tấm áo mới, chờ một vài món ăn. Nó có lí do để chờ mong. Bây giờ mọi thứ đó đều có quanh năm. Trẻ con cũng vậy, thích cái gì chúng nó có cái đó. Người ta không còn lí do gì để chờ mong nữa. Tết nhất họ hàng gặp nhau tất nhiên là vui rồi, nhưng chả có gì mới, cứ lặp đi lặp lại nó cũng sẽ chán. Có chăng chỉ là như một dịp nghỉ dài của công viên chức, những người đi làm nhà nước. Cái sự nhạt nó còn do cái nhịp sống xung quanh mình tạo ra nữa. Công việc cũng vậy, cứ lặp đi lặp lại sẽ rất chán, cảm thấy rất vô nghĩa.

- Cái tết với riêng anh thế nào? Chắc hẳn anh cũng có những kí ức về tết?

+ Cái tết với tôi cũng như một kì nghỉ, được ở bên gia đình, con cái. Bởi tôi là người yêu gia đình, nhưng ngày thường tôi rất ít thời gian bên các con. Khi tôi đi thì con chưa dậy, khi tôi về thì con đã ngủ say. Nên những ngày tết là những ngày tôi được bên gia đình nhiều nhất.

Tết sâu thẳm trong tôi là những kỉ niệm thuộc về kí ức trẻ thơ nhiều hơn. Những gì khiến tôi nhớ nhiều nhất là trong tám năm tôi đi học xa nhà, ở Bulgaria. Trời ơi! Nhớ nhà, nhớ bố mẹ và gia đình kinh khủng. Ngày ấy, chúng tôi, câu cửa miệng của ai trong dịp tết cũng là “thế này mà được ở nhà nhỉ”. Phải đi xa mới thấy nhớ, thấy quý những gì mà chúng ta cảm thấy bình thường, thậm chí là nhạt. Đi xa mới thấy đất nước mình đẹp, văn hóa mình tuyệt vời.

- Tất nhiên rồi, chúng ta sẽ nói về sân khấu để tiếp theo cái mạch nhạt khi nhìn nhận về tết này. Sân khấu - Nó đã từng là thánh đường, rồi nó cũng nhạt đi. Quá trình ấy cứ từ từ, dần dần, gặm nhấm, cho đến một ngày, bên những phông màn ủ ê, sau cánh gà vắng vẻ ai đó bỗng giật mình cám cảnh, khi tấm màn nhung chỉ đu đưa vật vờ còn thời thế thì cứ băng băng chạy. Những người đăm đắm với sân khấu trở thành những nghệ sĩ lạc thời, còn những người tỏ ra “thức thời” thì lại giữ sự kết nối với công chúng nhờ những cây cầu khác, như là gameshow truyền hình, phim… Anh thấy thế nào, thời thế đã bỏ rơi họ hay họ không theo kịp thời thế?

+ Cái gì đứng im thì sẽ thành lạc hậu. Nhưng cơ bản là phương thức quản lí của chúng ta, khi nào còn bao cấp thì khi ấy còn trì trệ. Không làm gì anh vẫn có lương, cái sự “yên tâm” ấy làm nên cái trì trệ. Cái gì cứ lặp đi lặp lại đều nhàm chán. Sân khấu đứng dậm chân tại chỗ trong khi thời thế chạy băng băng thì sân khấu sẽ bị bỏ lại. Bây giờ khán giả có nhiều lựa chọn. Truyền hình, điện ảnh, mạng xã hội, thậm chí là games… Một đời sống rộng mở như thế mà chúng ta không chịu vận động. Một lí do nữa là khán giả ngày nay cập nhật quá nhanh, họ còn đi trước nghệ sĩ, nghệ sĩ không chạy kịp sẽ bị họ bỏ rơi.

Thời của chúng tôi, cuối những năm tám mươi, đã vào trường sân khấu điện ảnh là chỉ có một con đường là trở thành nghệ sĩ. Không còn cách nào khác. Chúng tôi chỉ có làm hai việc là đóng phim và diễn kịch. Nhưng để làm hai việc đó chúng tôi còn phải làm những việc như đóng các vai phụ, làm hậu đài… Để được nhận vai chính nghệ sĩ phải nỗ lực hết mình, vì cơ hội rất hẹp, ít sự lựa chọn, phải cố gắng hết mình để trở thành nghệ sĩ nổi tiếng. Ngày ấy người ta thường nói, muốn làm nghệ thuật nhà phải có điều kiện. Phải có tiền. Ăn mặc, ngoại giao, gặp gỡ bạn bè, giao lưu nghệ thuật… Ai có tài sẽ được công nhận. Thế hệ bây giờ khác hẳn. Rất khó đánh giá ai đó có tài thực sự. Thời bây giờ là thời của đa phong cách. Các nghệ sĩ có thể kiếm được tiền mà không hẳn gắn với nghề. Ngày xưa điện ảnh là số một, sau đó đến truyền hình, bây giờ là thời của mạng xã hội, của youtube, bất cứ ai cũng có thể trở thành nổi tiếng, thậm chí nổi tiếng mà không cần học hành. Xuất phát điểm như nhau ở những thời thế khác nhau cũng khác nhau.

- Bao cấp cũng có hai mặt, nhất là với nghệ thuật. Người ta cũng có thể nói là phải để nghệ sĩ yên tâm, phải lo cho họ ổn định cuộc sống thì mới tập trung sáng tạo được?

+ Điều này cũng đúng. Chúng ta đã từng bao cấp, nhưng khi ấy là cả xã hội cùng bao cấp. Bây giờ nền kinh tế của chúng ta cũng đã chuyển từ tập trung quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường, thì với nghệ thuật cũng như vậy.

- Nghe có tàn nhẫn quá không anh? Ví dụ như câu chuyện cổ phần hóa ở Hãng Phim truyện 1 thời gian qua ấy…

+ Tôi nói điều này có thể các bạn nghề tự ái, nhưng tôi không hiểu mọi người muốn giữ lại làm gì. Khi tôi sang Đức học một lớp đào tạo làm phim, một bà giáo cũng là nhà biên kịch đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện là trải nghiệm của cá nhân bà, nó gần giống với câu chuyện Hãng Phim truyện 1 hiện nay. Bà ấy vốn làm cho Hãng phim DEFA nổi tiếng của Đông Đức. Khi Đông Đức sáp nhập vào Tây Đức, hãng có người quản lí mới vốn là ông chủ một hãng nước ngọt. Ông này tuyên bố, trước các anh các chị quan niệm những thứ mình làm ra là nghệ thuật, còn bây giờ cái gì tôi bảo là nghệ thuật thì là nghệ thuật, ai ở được thì ở, ai không ở được thì tìm chỗ mới. Một loạt nghệ sĩ lớn ra đi, nhưng bà giáo biên kịch của tôi được ông ta chủ động mời lại vì bà là một biên kịch giỏi vừa đoạt giải kịch bản. Mời ở lại nhưng kèm với một yêu cầu rằng, bà hãy viết kịch bản phim truyền hình. Bà ấy giãy nảy lên vì danh tiếng của hãng DEFA lúc ấy là phim điện ảnh và hoạt hình, bà ấy cũng chỉ làm kịch bản như vậy, còn phim truyền hình dù đang được quan tâm rất lớn nhưng lại không được coi trọng và khá xa lạ với hãng. Thực trạng khi ấy, phim truyền hình tác động mạnh hơn phim chiếu rạp rất nhiều. Ông chủ mới của DEFA nói, không sao, tôi sẽ cho bà sang Mĩ học. Và thế là bà ấy sang Mĩ học và quay về làm việc rất hiệu quả, góp phần làm nên thành công mới của hãng sau này. Ở ta cũng thế thôi…

Một cảnh trong vở Quẫn của Lộng Chương do Trần Lực dựng theo phương pháp Ước lệ - Biểu hiện - Ảnh: TL

- Vậy nên có những thứ để nó qua đi tốt hơn là níu kéo… Có phải ý anh là vậy? Và cái sự níu kéo này dường như nó thuộc về tâm tính người Việt, níu kéo quá khứ, bảo vệ những gì biểu trưng cho các giá trị tinh thần…

+ Cũng không hẳn, chỉ là một bộ phận người Việt thôi. Họ thấy có trách nhiệm nghĩa vụ phải bảo vệ những giá trị đã từng tồn tại.

- Nhưng xã hội đã vận hành khác, ngày nay người ta không còn theo chế độ tem phiếu, người ta không đến rạp bằng vé được cấp phát nữa…

+ Đúng như thế. Ngày nay người ta có quyền đòi hỏi. Bởi người ta có quá nhiều lựa chọn. Và sân khấu chỉ là một lựa chọn nhỏ trong những lựa chọn ấy.

- Quay trở lại với việc đời sống sân khấu đang bị đóng băng. Anh có nghĩ rằng nó đã bị bỏ rơi theo một cách nào đó bởi chính những người yêu mến nó, hoặc chí ít là người ta đã ứng xử với nó không/chưa đúng cách?

+ Nghệ sĩ tuồng, chèo đã từng được chăm lo, đã từng được yên tâm làm nghề, và cũng có những tác phẩm để đời. Đã dựng vở, dựng tích, đưa trò sân khấu hóa để đến với đông đảo công chúng. Nhưng rồi dần dần mọi thứ biến đổi theo hướng tệ dần đi, thậm chí những người làm chèo không hiểu về chèo, cải cách nhưng lại triệt tiêu bản sắc, kịch bản chèo giống như kịch bản kịch tâm lí. Ví dụ đi so chèo với kịch, xem kịch hiện đại khen hay quá, chèo của mình nó ề à, phải nhanh lên, tiết tấu phải như phim ấy. Thế là lao vào cải tiến. Tuồng chèo nó có ngôn ngữ ước lệ, ngôn ngữ hình thể biểu hiện rất lớn, nó là nghệ thuật đỉnh cao, đừng kịch hóa nó, đừng đời thường nó. Đừng nghĩ như thế là khán giả sẽ không xem. Mà phải giữ những đặc trưng, làm cho khán giả thấy cái hay cái đẹp của tuồng, chèo.

- Từng là diễn viên điện ảnh, từng có những cơ hội để gắn bó bền lâu, xây dựng hình ảnh cá nhân với điện ảnh, nhưng rồi anh đã dừng lại để theo nghiệp đạo diễn, và bây giờ là sự trở lại với đạo diễn sân khấu. Anh có đối sánh nào giữa hai loại hình này?

+ Tôi làm điện ảnh cũng nhiều. Điện ảnh có một giai đoạn cũng rất hay. Điện ảnh còn có một độ lùi, trước khi ra mắt còn có thời gian làm hậu kì, còn hoàn thiện âm thanh ánh sáng, kĩ xảo. Còn sân khấu là trực tiếp, ngay và luôn. Không có thời gian để làm lại. Sân khấu khó hơn. Sân khấu tồn tại được cần những nghệ sĩ yêu nghề, đam mê, vượt qua khó khăn, vượt qua cơm áo gạo tiền, đó là điều bây giờ rất thiếu.

- Chính vì thế anh đã quay trở lại?

+ Không hẳn thế! Nhưng tôi vẫn ôm ấp những khát vọng của mình. Cái cách làm sân khấu cứ giống nhau, cùng một công thức, bấy nhiêu thứ… nó làm cho sân khấu không có khán giả. Không có khán giả thì nghệ sĩ thể hiện cái gì? Bởi vậy, cần một sự thay đổi quan niệm từ những người làm nghề. Nghệ sĩ các nhà hát họ là viên chức rồi, họ được trả lương yên ổn, và cũng cứ làm việc bình bình như thế. Chính sự bao cấp ấy đang giết chết các nghệ sĩ. Anh chả làm gì anh vẫn sống. Anh đứng im anh vẫn sống. Mà nghệ thuật đứng im là chết rồi. Tôi được cái tự do hơn họ. Tôi làm những gì tôi thích.

- Sân khấu có thể ảm đạm ở đâu đó, chứ với riêng anh thì tôi thấy anh lạc quan lắm. Mà người ta thường lạc quan từ những lí do cụ thể. Thôi cứ cho tôi nghĩ sự lạc quan ấy là do Quẫn mang lại. Xin chúc mừng anh đã thành công với vở diễn này, và tôi nghĩ đó không chỉ là dấu ấn của riêng Trần Lực mà là dấu ấn của sân khấu Thủ đô, của các loại hình nghệ thuật truyền thống. Bây giờ thì LucTeam – đoàn kịch do anh sáng lập và làm chủ - đã sang tuổi thứ hai, và tên tuổi của nó gắn liền với vở Quẫn. Cơ duyên nào đã dẫn đến việc anh dựng lại vở diễn này?

+ Tôi xem Quẫn lần đầu năm học lớp một, ở nhà hát Nhân Dân. Nghệ sĩ Trần Tiến, bố Lê Khanh (NSND Lê Khanh – PV) đóng vai ông Đại Cát. Không phải xem một hai lần, tôi xem đến dăm bảy lần, khán giả xem đông đảo, vừa xem vừa cười nghiêng ngả vì là hài kịch. Tôi ước mơ mình được đóng vai ông Đại Cát. Bố tôi chơi với bác Lộng Chương, hai cụ hay qua lại với nhau nên tôi cũng được tiếp xúc với bác. Nhìn bác rất dân chơi, phong cách anh Hai, sống phóng khoáng, rộng mở, ai khó khăn sẵn sàng giúp đỡ. Quẫn là một trong những vở ấn tượng với tôi từ khi còn tấm bé, với cả nó và tác giả của nó. Nó cứ theo tôi mãi.

Còn việc dựng lại Quẫn cũng tình cờ thôi. Tôi nghĩ một kịch bản mà để mỗi đạo diễn có thể bay bổng, thể hiện góc nhìn riêng, quan điểm riêng mới là kịch bản hay, nhất là sau một độ lùi đến nửa thế kỉ. Đất cho đạo diễn nhiều, có cảm xúc, thể hiện quan điểm với thời thế, với các vấn đề. Và tôi nghĩ đến Quẫn. Khi tôi làm vở tốt nghiệp cho các em sinh viên sân khấu điện ảnh, tôi mới bảo các em đi tìm lại kịch bản Quẫn cho thầy. Tôi gọi nhà biên kịch Đỗ Trí Hùng đến đặt hàng, thống nhất quan điểm nét căng là không làm theo cách cũ. Chúng tôi thống nhất sẽ cô lại thành tích, từ tích dựng nên các trò như trong chèo, cô lại thành chuyện giấu vàng, giấu cái thùng vàng của nhà ông Đại Cát, nhưng làm theo đúng công thức của chèo tuồng truyền thống. Sau này khi dựng vở anh cũng thấy, có nhiều trích đoạn có thể diễn độc lập, như trích đoạn giấc mơ của ông Đại Cát, trích đoạn tìm vàng…

- Tôi có thể hỏi, từ LucTeam mà có Quẫn hay vì Quẫn mà LucTeam ra đời? Anh có thể ôn lại vài kỉ niệm ngày đầu ekip làm quen với Quẫn?

+ Từ lí do dựng Quẫn như vậy nên các diễn viên tôi chọn cho Quẫn đa phần là sinh viên còn chưa tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh. Tôi tập cho các em làm vở tốt nghiệp. Các em không biết nhiều về không khí xã hội thời vở kịch làm mưa làm gió cũng như biết về chủ trương công tư hợp doanh những năm năm mươi thế kỉ trước. Thậm chí có người còn không biết Lộng Chương là ai. Nhưng rồi mọi thứ vỡ vạc dần. Tôi nhận ra, chính sự hồn nhiên, bản năng của các em lại là một lợi thế. Khi tập vở được hai tuần thì chúng tôi dự Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp Thủ đô và đoạt Huy chương Bạc. Tuy nhiên, chúng tôi không dừng lại ở đấy. Bản dự thi đó mới chỉ là bản dựng tạm, còn bản khán giả xem sau này mới là bản chính thức. Sau khi dự liên hoan trở về chúng tôi tiếp tục hoàn thiện. Tôi đã mời giáo viên đến dạy xiếc cho các diễn viên trong vòng ba tháng, rồi diễn viên thanh nhạc đến dạy luyện thanh, vì toàn bộ vở diễn dùng tiếng thật của diễn viên chứ không dùng mic. Nói thế nào để to mà không gân, không như hét lên, để khán giả nghe được bình thường, các diễn viên sân khấu ở các nhà hát hiện nay đều dùng mic, nếu bỏ mic là khó diễn. Tôi còn mời một biên đạo múa tuồng đến dạy cho các diễn viên ngôn ngữ cơ thể của tuồng để ứng dụng trong khi diễn. Và khi đó, mọi công sức thầy trò bỏ ra được gói gọn dưới cái tên LucTeam.

Con số thống kê thì cũng chẳng có gì to tát, tổng số chúng tôi chỉ diễn chừng 20 suất diễn. Chúng tôi mới đang trong quá trình khởi nghiệp, bước những bước đầu tiên trên con đường của mình.

- Gần đây anh chia sẻ trên facebook rằng ý tưởng thành lập một sân khấu của riêng mình trong anh đã nhen nhóm từ lâu, khi định cùng rủ diễn viên Trung Anh gây dựng mà không thành. Anh có thể chia sẻ vài câu chuyện xung quanh việc này. Và việc ra đời LucTeam vào thời điểm này là một lựa chọn tình cờ hay mọi sự chuẩn bị đã chín muồi?

+ Những năm chín mươi, tôi cùng Trung Anh đã đi tìm địa điểm, phối hợp với một nhà hát để dựng kịch theo phong cách của mình. Vở đầu tiên chúng tôi định dựng là Cô gái Hà Nội của Lê Hoàng. Tưởng như ý tưởng đã sắp thành, chúng tôi đã làm việc với biên kịch, đã định làm nhưng rồi lại không xong. Là bởi phía nhà hát đòi duyệt kịch bản, tôi cũng gửi, nhưng rồi họ lại đòi cắt này cắt nọ, tôi bảo, thế thì dẹp. Sau này tôi có chia sẻ với một số nghệ sĩ ở các nhà hát về ý tưởng dựng kịch theo hướng của mình thì mọi người cũng chỉ nhìn là một thử nghiệm, dựng chơi chơi một nhóm anh em xem với nhau thôi chứ theo họ đó không phải là kịch truyền thống. Cho đến bây giờ thì mọi thứ mới được hiện thực hóa.

Các nghệ sĩ của LUCTeam đang tập vở Nữ ca sĩ hói đầu - Ảnh: TL

Các tác phẩm văn học kịch phi lí đã được dịch sang tiếng Việt từ lâu nhưng chưa đạo diễn sân khấu nào dàn dựng. Có lẽ tính chất “phản kịch” theo nghĩa truyền thống, tức tính phi cốt truyện, phi xung đột và phi tính cách của thể loại kịch phi lí dường như mâu thuẫn với thói quen thưởng thức của khán giả Việt, khiến các đạo diễn bối rối. Lần đầu tiên trong lịch sử kịch nói Việt Nam, kịch phi lí được dàn dựng trên sân khấu L’Espace bởi đạo diễn Trần Lực qua kiệt tác nổi tiếng Nữ ca sĩ hói đầu của Ionesco. Khác với cách dàn dựng của các đạo diễn phương Tây, đạo diễn Trần Lực cùng với LucTeam đã triệt để sử dụng ngôn ngữ Ước lệ - Biểu hiện của phương Đông, một loại ngôn ngữ biểu diễn xuất phát từ các bộ môn nghệ thuật dân tộc, đặc biệt gần gũi với khán giả Việt Nam.

(Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội)

- Cơm áo không đùa với khách thơ và cả khách sân khấu. Anh đã nói gì để cả ekip những người tham gia LucTeam bỏ lại mọi thứ cùng anh tham gia cuộc chơi mang nhiều tính may rủi. Xin lỗi tôi phải dùng từ này. Nhất là trong đó có những ngôi sao, có những nghệ sĩ nổi tiếng và bận rộn như NSND Lê Khanh. Anh đã thuyết phục họ như thế nào? Chắc hẳn sẽ có những kỉ niệm khi dựng vở?

+ Lê Khanh là một trường hợp đặc biệt. Tất nhiên, đóng song song với Lê Khanh còn một diễn viên trẻ nữa, cũng đóng rất tốt. Lê Khanh có tuổi rồi nhưng vẫn phải làm những động tác hình thể khá mạnh, nhưng rồi chị ấy vẫn làm được. Tôi muốn nói rằng, không có gì khó cả, không có gì quan trọng cả, và diễn viên nào, thế hệ nào cũng làm được. Diễn viên là những người có khả năng thích ứng cao, có thể xử lí được nhiều cách diễn theo ý đồ đạo diễn. Không cần phải là diễn viên trẻ mới làm được. Lê Khanh là người có tài, yêu nghề, yêu sân khấu, sân khấu nào chị ấy cũng yêu. Lúc nào trong người cũng tích tụ năng lượng như thể sắp tuôn trào. Chúng tôi bằng tuổi và là những người bạn nên cũng dễ nói với nhau. Tất cả đều rộng mở, cuộc sống phải cởi mở, cái gì thấy hay thì mình làm, cũng như khán giả, cái gì thấy hay thì họ xem. Không nên nghĩ rằng, sân khấu kiểu này đấu sân khấu kiểu kia.

Có nhiều kỉ niệm vui với các diễn viên trẻ. Tôi để họ sáng tạo linh hoạt, cái tôi của người nghệ sĩ được phát huy tuyệt đối. Như cậu Trương Mạnh Đạt đóng vai ông Đại Cát, tôi hỏi, thế cậu nghĩ ông Đại Cát sẽ như thế nào, cậu ấy bảo em nghĩ là phải béo, tôi ok, đồng ý, ừ, béo; cậu ấy bảo, thầy ơi, em muốn nuôi tóc dài, em sẽ nhuộm tóc đỏ cho ông Đại Cát, tôi cũng ok. Tôi hỏi diễn viên đóng vai U Chinh xem hiểu U Chinh là ai, bạn ấy bảo là ô sin, tôi cũng ừ, ô sin, nhưng phải làm ra ô sin nhà ông Đại Cát. Có thể nói, những diễn viên trẻ theo tôi đến giờ phút này là những người yêu nghề thực sự, đam mê thực sự. Qua đó, các em cũng trưởng thành lên rất nhiều. Với người có đam mê thì diễn cũng là được sống nên tôi không phải thuyết phục gì nhiều.

- Vâng! Điều ấy thật đáng quý, nhất là trong khi hiện nay các diễn viên sáng giá nhất trong nghề cũng phải thừa nhận khá cay đắng rằng sân khấu Hà Nội đang chết lâm sàng. Nó đã làm cho bầu nhiệt huyết của không ít nghệ sĩ bị bào mòn và dẫn đến tâm thế buông xuôi. Nhưng có vẻ như nó lại như một liều dopping kích thích anh vào cuộc. Có thể hiểu những việc làm của anh theo hướng để kéo công chúng trở lại với sân khấu hay vì đam mê với nghệ thuật sân khấu đã ngấm vào máu Trần Lực từ khi còn là một cậu bé?

+ Tôi sinh ra bên những tiếng trống chèo. Nhà tôi ngày ấy ở khu Văn công Mai Dịnh, tiếng trống chèo, tiếng kèn của tuồng vang lên hàng ngày, ngấm vào tôi lúc nào không biết. Mẹ tôi cũng là diễn viên chèo, mỗi lần đi biểu diễn thường mang con theo. Mỗi lần mẹ diễn vai Thị Kính, khi đến cảnh bị đòn oan, tôi đứng ngoài thương mẹ toàn khóc ré lên khiến các cô bác làm hậu trường phải hết dỗ dành đến dọa nạt rất vất vả. Máu sân khấu đã ngấm vào tôi như thế, và chính tôi cũng không biết. Đến khi sang Bulgaria học, ông thầy dạy nhìn tôi bảo, chất của tôi là chất sân khấu, “con người mày là con người sân khấu, mày phải phát huy nó”. Tôi may mắn được sinh ra trong gia đình làm nghệ thuật truyền thống, trong môi trường thấm đẫm nghệ thuật (bố Trần Lực là NSND chèo Trần Bảng - PV) nên dòng máu sân khấu cứ tự chảy trong tôi. Sân khấu bây giờ không còn là nơi dành cho số đông, nên mình thích thì mình làm thôi.

- Ước lệ - Biểu hiện. Trong năm vừa qua tôi thấy dân sân khấu nhắc nhiều đến cụm từ này, và biết là từ LucTeam mà ra. Anh có thể nói một chút về cụm từ gây nóng và có vẻ khá lạ lẫm này?

+ Ước lệ - Biểu hiện là một phương pháp sân khấu hiện đại mà thế giới đã áp dụng rất nhiều và cũng không có gì lạ cả. Thực ra Ước lệ - Biểu hiện Việt Nam cũng có từ lâu, có trong nghệ thuật truyền thống của ta rất nhiều, đặc biệt là trong tuồng, chèo, nhưng chưa có ai gọi tên thôi. Khi đã xác định phương pháp thì phải theo triệt để. Cái khó nhất là phải làm cho diễn viên hiểu về phương pháp này. Phải định hướng cho diễn viên, diễn làm sao để bám sát đặc trưng phương pháp. Phải đào tạo diễn viên theo phương pháp, nắm chắc các kĩ thuật, kĩ năng cần thiết. Từ hình thể đến giọng nói, làm chủ được trong từng trường hợp. Họ phải tạo ra những bất ngờ cho khán giả từ chính cách diễn chứ không phải từ kịch bản.

- Từ tiếng cười ngả nghiêng của một thời xa vắng thế kỉ trước gắn với một sự ấu trĩ về chính trị - xã hội anh đã làm mới Quẫn bằng cách thổi vào nó tinh thần mới. Khi thời thế đã khác thì Quẫn cũng được lật ngược 180 độ. Tiếng cười đấy mà cũng là tiếng khóc đấy, hài kịch đến tận cùng trong một bi kịch còn tận cùng hơn. Nhưng lại không giáo điều, không dạy dỗ, không gây áp lực cho người xem, không sa vào luận đề cao siêu. Mọi thứ tối giản để hiển lộ tài năng của diễn viên. Những lời khen dành cho Quẫn đã rất nhiều, tôi có thêm vài cảm nhận thì cũng vậy thôi, nhưng xin hỏi, anh muốn nói gì ngoài những thứ Quẫn đã nói trên sân khấu? Chắc hẳn phải có một lí do sâu xa, một ám ảnh thời cuộc để anh làm Quẫn cho ra tấm ra món, ra thế ra thời như vậy?

+ Kể cả phim ảnh hay sân khấu thì đạo diễn cũng phải thở cùng hơi thở thời đại, phải thở cùng hơi thở khán giả, người xem hôm nay họ đang cần gì, họ là ai. Tôi rất dị ứng với những người nói rằng khán giả không hiểu được mình, không cùng gu với mình. Tiết tấu của cuộc sống bây giờ nó gấp gáp lắm, nó là gia đình, là bạn bè, các thông tin kinh tế chính trị, văn hóa, văn học nghệ thuật tràn lan. Anh hướng tới khán giả nào? Anh lại hướng đến khán giả ngày xưa là chết rồi. Quẫn từ hơn 3 tiếng chúng tôi cô lại còn có 80 phút. Khán giả họ xem xong họ còn về. Xem xong đã tám rưỡi chín giờ, ra lấy xe là mười giờ. Uống cốc cà phê nữa về là vừa. Trong 80 phút luôn luôn gợi. Khán giả có cái để chờ đợi. Rất ít khi chúng tôi bung ra hết, mới he hé là chúng tôi lại chuyển sang câu chuyện khác. Đặc quánh lại. Phải luôn hỏi, khán giả bây giờ họ muốn gì? Quan điểm của họ về vấn đề ấy bây giờ thế nào? Nghệ thuật là số một, còn khán giả cũng không thể xếp số hai. Tất cả đều là số một. Trong tất cả các thể loại, bi hài là khó làm nhất, làm như đi trên dây, cười đấy mà phải rơi nước mắt, quá tay một chút là thành lố. Đi trên dây thì phải tự tin và hồn nhiên, rằng tôi đi được, tôi đi được một trăm mét đấy… Cái bi hài cho người ta nhiều cung bậc cảm xúc. Chính vì thế mà có những người xem Quẫn đến hai ba lần, có chỗ cười, có chỗ cười xong nước mắt rơi khi nhìn lại một thời như thế đã diễn ra trên đất nước mình. Về chính sách công tư hợp doanh, khi xem Quẫn xong có những khán giả trẻ nói với tôi, bảo, Việt Nam mình có thời kì buồn cười nhỉ. Có bạn bảo, trước cháu nghe ông bà cháu kể cháu không tin, cháu cũng không tưởng tượng được nó như thế nào. Có khán giả lớn tuổi từng xem Quẫn ngày xưa, bây giờ xem Quẫn của LucTeam xong nhận xét, “nó không giống Quẫn ngày xưa nhưng nó vẫn rất… quẫn”.

- Một trong những thành công của Quẫn là kết hợp với âm nhạc, sử dụng bài hát nền lặp đi lặp lại như một “thế lực”, như một sự cuồng vọng duy ý chí, đồng hành với vở diễn. Có thể nói lựa chọn này là một xuất thần. Xin anh nói một chút về việc lựa chọn bài hát làm nền cho vở diễn?

+ Khi tìm bài hát cho Quẫn tôi đã tình cờ phát hiện ra bài hát Đánh giặc tăng gia của Văn Cận. Thực ra bài hát Đánh giặc tăng gia đã có từ thời kháng chiến chống Pháp chứ không phải thời diễn Quẫn của Lộng Chương. Khi nghe lại nó tôi cảm nhận rõ sự hồn nhiên, ngây thơ, phơi phới yêu đời, nó lột tả được tâm thế của thời Quẫn diễn ra, phừng phực nhiệt tình một cách hồn nhiên, hoan hỉ, như thể chỉ vì một mục đích duy nhất. Sau này khi biểu diễn Quẫn, hình ảnh đám đông dậm chân rầm rập và hát lấn lướt như thống trị cả khán phòng đã là những hình ảnh chủ đạo xuyên suốt Quẫn, tạo nên sự cộng hưởng đặc biệt cho vở diễn.

- Qua trò chuyện tôi thấy anh tham gia vào khâu kịch bản ngay từ lúc có ý định dựng vở. Anh đánh giá thế nào về vai trò của biên kịch sân khấu? Cụ thể ở đây là nhà biên kịch Đỗ Trí Hùng đã sát cánh cùng anh trong vở Quẫn?

+ Kể cả làm phim không bao giờ tôi thiếu kịch bản. Nếu cứ ngồi một chỗ mà a lô ông gửi cho tôi kịch bản này, ông gửi cho tôi kịch bản kia thì rất khó vừa ý. Phải chủ động trong khâu kịch bản. Tức là phải đặt hàng kịch bản, thể loại gì, hướng tới đối tượng khán giả nào. Phải ngồi với nhau để mà thống nhất cách làm. Tôi với Đỗ Trí Hùng cũng thế. Chúng tôi đều sinh ra trong gia đình làm nghệ thuật truyền thống, trong khu Văn công Mai Dịch, đều trải qua quân ngũ rồi trở về. Chúng tôi đều có niềm đam mê với sân khấu. Khi quyết định làm Quẫn, tôi gọi cho Đỗ Trí Hùng, nêu vấn đề rõ ràng là làm mới triệt để. Hùng và tôi đã có tiếng nói chung khi làm vở này. Các vở sau anh ấy vẫn giữ vai trò biên tập kịch bản giúp LucTeam.

- Sau Quẫn rồi Cơn ghen của Lọ lem, được biết các anh đang chuẩn bị công diễn vở mới của LucTeam, Nữ ca sĩ hói đầu trong dịp tết nguyên đán này. Có lẽ chúng ta sẽ nói một chút về nó như một sự tiếp nối.

+ Nữ ca sĩ hói đầu là vở kịch của ông trùm kịch phi lí Eugène Ionesco đã gây tiếng vang trong lần đầu công diễn tại Paris năm 1950. Riêng cái sự phi lí cũng là một cái khác tất cả rồi. Tôi dựng lên một không gian đậm đặc sự phi lí của một vở hài kịch nghịch dị. Ẩn sau đó là những nhìn nhận về cuộc sống, về con người, về vạn vật… Tôi vẫn tuân thủ cấu trúc của phương pháp Ước lệ - Biểu hiện. Nó nói về sự lặp đi lặp lại đến buồn tẻ, vô nghĩa của đời sống. Trước hết là nó hấp dẫn tôi, còn hấp dẫn khán giả hay không thì chưa biết. Một câu chuyện của đương đại. Và phương pháp Ước lệ - Biểu hiện sẽ được thể hiện dưới một các thức mới, ở một vở diễn mới.

- Giống như Quẫn ở trong nước đã từng làm mưa làm gió trong đời sống sân khấu Việt, Nữ ca sĩ hói đầu của Eugène Ionesco cũng giữ kỉ lục về lịch công diễn dày nhất suốt sáu mươi năm qua tại Pháp và một số nước phương Tây. Đó có là một áp lực với anh? Anh có tính đến yếu tố Việt hóa để tiếp cận khán giả Việt?

+ Tôi thích được làm việc dưới áp lực kiểu như thế này. Quẫn là một vở diễn chuẩn mực của nền kịch nói Việt Nam (kịch bản, đạo diễn, diễn viên…). Tôi chỉ dám dựng khi tìm được cho mình cách thể hiện khác với Đạo diễn, NSND Trần Hoạt nhưng vẫn giữ được tinh thần Quẫn của bác Lộng Chương. Và với Quẫn, tôi đã thành công. Với Nữ ca sĩ hói đầu, chính bởi sự nổi tiếng, bởi tần suất diễn không ngừng nghỉ của vở này ở Pháp và các nước khiến tôi có thêm động lực để dựng nó ở Việt Nam. Với kịch bản Nữ ca sĩ hói đầu thì việc Việt hóa rất khó, bởi bản thân kịch bản đã hoàn hảo đến từng xăng ti mét. Tôi Việt hóa Nữ ca sĩ hói đầu bằng cách dàn dựng với phương pháp sân khấu Ước lệ - Biểu hiện đậm chất phương Đông của LucTeam. Về kịch bản, chúng tôi chỉ sửa một trang cuối khi các nhân vật đối thoại (nhưng thực ra là họ độc thoại). Ở màn này, kịch bản gốc là những vấn đề xã hội của Pháp, nay chúng tôi chuyển thành những vấn đề xã hội ở Việt Nam. Nói chính xác là: Tôi Việt hóa vở này từ cốt lõi, kể câu chuyện bằng ngôn ngữ sân khấu phương Đông Ước lệ - Biểu hiện. Kịch bản giữ nguyên 99,9%.

- Tiếp sau nó nữa, LucTeam sẽ làm gì?

+ Có thể nói rằng Ước lệ - Biểu hiện sẽ là hướng đi của LucTeam. Hiện tại chúng tôi vẫn đang tiếp tục tìm kiếm các kịch bản có thể triển khai theo phương pháp Ước lệ - Biểu hiện. Năm vừa rồi gần như là thử nghiệm, xem công chúng có chấp nhận được, có đón nhận được những gì chúng tôi đưa ra hay không. Chúng tôi đang cần những gương mặt, cần những nghệ sĩ, những cộng tác viên có cùng tâm huyết để đi chung con đường này.

- Trong năm qua, sân khấu Hà Nội đã chứng kiến những thái cực khác nhau. Khi mà Quẫn của anh đã có buổi diễn khép lại chào khán giả sau hai năm tung hoành thì cũng thời điểm ấy dân trong nghề rủ nhau đi xem vở Cậu Vania, một vở kịch của đại văn hào nga Chekhov do đạo diễn người Nhật Tsuyoshi Sugiyama dựng trong một dự án hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản. Anh nhìn nhận thế nào về bức tranh sân khấu Hà Nội hiện nay? Một vài điểm sáng như vậy có đủ để đánh động công chúng sân khấu Thủ đô?

+ Với những người trong nghề, những người đang yêu sân khấu bây giờ thì đúng là như vậy, còn gì hơn nữa khi đang trong một tình trạng ảm đạm như vậy thì lại có những tác phẩm lóe sáng lên. Các nghệ sĩ làm việc thực sự, vở diễn hay thực sự, khán giả cũng được thụ hưởng thực sự. Nếu khán giả để ý sẽ thấy có những sự tương hợp về cách thức biểu hiện giữa Quẫn và Cậu Vania, như ở Cậu Vania có đạo cụ chiếc quạt gió, bộ bàn ghế vĩ đại mang tính ước lệ thì trong Quẫn cũng có những chiếc quạt, chiếc xe đạp - những vật mang giá trị trong xã hội một thời nay đã được đạo cụ hóa bằng những món đồ chơi bé xíu, như một sự trớ trêu của thời thế, của sự biến đổi giá trị, quan niệm… Mọi người được chứng kiến các nghệ sĩ đã chinh phục khán giả như thế nào. Vì thực sự, niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ là được đứng trước công chúng, chỉ nghệ sĩ đứng trên sân khấu mới có. Nghệ sĩ như ông hoàng bà chúa là như vậy.

Tôi được biết Nhà hát kịch Việt Nam cũng sắp dựng một vở phối hợp với Nhật Bản do quỹ văn hóa Nhật Bản tài trợ, một vở khác với đạo diễn khác. Các nghệ sĩ được trải nghiệm, được nhìn, được học, được hòa nhập với cách làm sân khấu hiện đại là điều tuyệt vời. Nhưng để đánh động được đám đông công chúng thì không, chỉ một phần rất nhỏ những người đang háo hức và vẫn yêu sân khấu bây giờ thôi. Muốn thay đổi thái độ của công chúng với sân khấu chúng ta phải làm từ gốc của nó, xem chúng ta đang ở đâu. Chúng ta đang đứng im.

- Mở rộng một chút. Có dịp đi Sài Gòn tôi cũng dành thời gian xem kịch ở 5B - Võ Văn Tần, ở Nhà văn hóa Thanh niên, Sân khấu Idecaf… và cũng như những người khác, tôi cảm nhận được đời sống tinh thần, tình cảm của khán giả dành cho sân khấu, dành cho các nghệ sĩ ở đây nồng nhiệt hơn. Cũng như các anh thấy và những người trong nghề cũng thừa nhận là sân khấu phía Nam sôi động hơn phía Bắc. Nghệ sĩ phía Bắc Nam tiến cũng có những thành công, chinh phục được khán giả phương Nam trong khi ở Hà Nội thì dường như bó tay. Tôi muốn hỏi anh, liệu điều này có hoàn toàn từ yếu tố công chúng hay không? Anh có góc nhìn của riêng mình?

+ Trong khi ở ngoài này tôi với Trung Anh loay hoay mãi mấy chục năm đã trôi qua thì các nghệ sĩ trong Nam họ đã làm được. Họ đã đi tận đâu rồi. Tôi muốn nói, miền Bắc vẫn bị nặng về cung cách quản lí bao cấp, với những nhà hát mang tính hàn lâm, nghệ sĩ vẫn sống như công chức. Tại sao miền Nam sân khấu lại phát triển hơn miền Bắc, nó rất đơn giản, người dân ở miền Nam có văn hóa sống khác, cởi mở hơn, miền Bắc khó tính hơn. Miền Nam không cần gì to tát cả, thi thoảng làm một vở kịch tâm lí, giải trí thôi là thu hút khán giả. Nhìn các nghệ sĩ tài năng như Thành Lộc, Hữu Châu diễn và tỏa sáng, chúng tôi phải mơ ước. Nhưng kịch thành công trong Nam mang ra Bắc diễn sẽ lại khác, và ngược lại. Đất nước ta quá hạnh phúc khi có hai miền mang hai phong cách, hai công chúng khác mà để chinh phục, và cả hai đều không dễ. Nhưng khán giả trong Nam đi xem đông, có nhu cầu giải trí cao, khả năng bỏ tiền ra mua vé là cao hơn phía Bắc. Ở miền Bắc, nếu không thực sự yêu và hi sinh vì sân khấu thì chỉ được ba bảy hai mốt ngày là bỏ.

- Như vậy tựu chung lại vẫn là câu chuyện khán giả…

+ Như tôi đã nói, khán giả nhiều khi còn cập nhật nhanh hơn nghệ sĩ. Vì thế nghệ sĩ không được phép đứng yên, bởi đứng yên là dừng lại. Với chúng tôi, khán giả luôn là lí do để chúng tôi diễn, sự đón nhận của họ quyết định việc chúng tôi tồn tại hay không. Không đồng hành cùng khán giả, nghệ sĩ sẽ bị bỏ rơi.

- Cám ơn anh đã cùng trò chuyện, cùng chia sẻ về những thứ khá bộn bề trong một lĩnh vực dành nhiều tâm huyết. Cám ơn anh đã cho khán giả Thủ đô một lựa chọn xem kịch trong dịp tết với một món ăn lạ. Chúc anh luôn giữ được năng lượng tốt để thổi hồn cho LucTeam cùng với những nỗ lực của các nghệ sĩ để gây dựng một điểm sáng cho sân khấu nước nhà..

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)