. NGÔ VĨNH BÌNH
Mùa hè năm 2011, chúng tôi, mấy anh em “Nhà số 4” cùng “hành phương Nam” bằng đường ô tô qua ngả Kon Tum, Gia Lai xuôi đường 19 đổ đèo An Khê xuống quốc lộ 1 về Bình Định. Điểm đến cuối cùng là thành phố Quy Nhơn.
Quy Nhơn - thành phố ven biển miền Trung đẹp và thanh bình - là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học kĩ thuật và du lịch của tỉnh Bình Định. Đây cũng là nơi phát lộ những dấu tích của nền văn hóa Champa đặc sắc, được bình chọn là một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực Đông Nam Á.
Được sự ưu ái của Bộ Tư lệnh Binh đoàn 12, ngân hàng BIDV (chi nhánh Bình Định) và UBND tỉnh Bình Định, chúng tôi cùng anh em trong Ban Biên tập Tạp chí Sông Hương về đây tổ chức một trại sáng tác văn học mà mục tiêu hướng tới là cuộc thi thơ lục bát do hai tờ tạp chí văn chương có uy tín tổ chức. Nơi ban tổ chức trại viết đặt “đại bản doanh” là nhà khách Binh đoàn 12 nằm ngay cạnh biển Quy Nhơn trong xanh, thơ mộng. Là trại sáng tác dành cho các nhà thơ, nên các anh trong tỉnh bảo, nơi đầu tiên nên đến là vạn Gò Bồi nơi “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu sinh ra và làm những bài thơ đầu tiên. Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng (Hội Văn học nghệ thuật Bình Định) lãnh trách nhiệm dẫn anh em Văn nghệ Quân đội về “trình diện” và “báo cáo” nhà thơ Xuân Diệu.
Xuân Diệu (1916 - 1985), tên khai sinh là Ngô Xuân Diệu, quê ở làng Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Thân sinh là cụ Ngô Xuân Thọ đỗ Tú tài kép Hán học vào Bình Định dạy học và kết duyên cùng thân mẫu là Nguyễn Thị Hiệp, người vạn Gò Bồi (thuộc huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) và sinh ra nhà thơ tại đây, ngày 2/2/1916 (Bính Thìn). Trong bài thơ (Cha Đàng Ngoài, mẹ ở Đàng Trong) Xuân Diệu làm năm 1960 có những câu: Cha Đàng Ngoài, mẹ ở Đàng Trong/ Hai phía đèo Ngang. Một mối tơ hồng/ Quê cha Hà Tĩnh đất hẹp khô rang/ Đói bao thuở, cơm chia phần từng bát/ Quê mẹ gió nồm thổi lên tươi mát/ Bình Định lúa xanh ôm bóng tháp Chàm/ Cha Đàng Ngoài, mẹ ở Đàng Trong/ Ông đồ nho lấy cô làm nước mắm…
Trong bài thơ, nhà thơ còn viết những câu thật sinh động nói về cuộc tình duyên của cha mẹ mình: Làng xóm cười giọng ông đồ trọ trẹ/ Nhưng quý ông đồ văn vẻ giỏi giang/ Bà ngoại nói: “Tôi trọng người chữ nghĩa/ Dám gả con cho cách tỉnh, xa đàng”/ Tiếng Đàng Trong, tiếng Đàng Ngoài quấn quýt/ Vào giữa mái tranh, giường chõng, cột nhà/ Rứa, mô, chừ? Cha hỏi điều muốn biết/ Ngạc nhiên gì, mẹ thốt: Úi chui cha!...
Thuở nhỏ nhà thơ học chữ Nho, chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp tại trường làng do chính thân phụ mình dạy. Năm 1927, ông xuống Quy Nhơn học và năm 1934 đậu thành chung và bắt đầu làm thơ. Năm 1935, ông ra Hà Nội học ở Trường Trung học Bảo hộ lấy bằng tú tài. Năm 1937, ông vào Huế học Trường Trung học Khải Định lấy bằng tú tài phần hai. Ở Huế, ông quen và kết nghĩa với Huy Cận (học sau hai lớp và cùng làm thơ). Vào đầu những năm bốn mươi của thế kỉ trước, cả hai ra Hà Nội.
Nhà lưu niệm Xuân Diệu được xây dựng trên nền nhà bà ngoại nhà thơ, ở thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước - trung tâm của vạn Gò Bồi xưa. Ngôi nhà có kiến trúc Pháp với mái ngói và cửa vòm. Ngoài sân đối diện cây khế cổ thụ có từ thời bà ngoại ông còn sống là cây sứ trắng do nhà thơ Huy Cận trồng. Ảnh nhà thơ đặt trang trọng trên bàn thờ. Bên trái, cùng với bảng ghi tiểu sử là bức tượng nhà thơ. Phía bên phải treo bằng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (đợt đầu tiên) của Xuân Diệu. Bằng chứng nhận do Chủ tịch nước kí năm 1996 ghi rõ những tác phẩm của nhà thơ được trao tặng gồm: Ngọn quốc kì (trường ca, 1945), Riêng chung (thơ, 1961), Mũi Cà Mau, Cầm tay (thơ, 1962), Một khối hồng (thơ, 1964), Hai đợt sóng (thơ, 1967), Tôi giàu đôi mắt (thơ, 1971), Hồn tôi đôi cánh (thơ, 1976) và bộ tiểu luận Các nhà thơ cổ điển Việt Nam (hai tập, 1981, 1982), bên cạnh là bức ảnh toàn cảnh vạn Gò Bồi. Vào nhà lưu niệm, chúng tôi có thể hình dung cụ thể, toàn diện hơn về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của một nhà thơ lớn. Một nhà thơ được coi là “nhà thơ mới nhất trong các nhà Thơ mới”, ông đã để lại cho thi đàn văn học Việt Nam một gia tài nghệ thuật to lớn như nhà thơ Huy Cận viết: “Hơn năm mươi tác phẩm, nửa thế kỉ sáng tạo, cả một cuộc đời phong phú, sống sôi nổi, chân thành, thủy chung rất mực với đời”.
Là dân gốc Bắc, nhưng tình cảm của Xuân Diệu với miền Nam, với quê mẹ thật sâu đậm. Những tập thơ đầu tiên như Thơ thơ (1938), Gửi hương cho gió (1945) hay tập tản văn Phấn thông vàng (1939)… đều viết ở quê ngoại, viết ở nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Đến khi ra Bắc, tình yêu quê ngoại trong ông càng trở nên tha thiết: Ôi biển Quy Nhơn, biển đậm đà/ Thuyền đi rẽ sóng, sóng viền hoa/ Cảm ơn quê má muôn yêu dấu/ Vẫn ấp yêu hoài tuổi nhỏ ta (Tâm sự với Quy Nhơn). Gió biển trăng sao ở Quy Nhơn, muối mặn xoài ngon ở vạn Gò Bồi, bánh tráng bẻ giòn giòn, lục lạc kêu rang rảng lẫn tiếng cắc cụp bài chòi ở chợ Tết Văn Quang, cùng với thế giới tuổi thơ thật là thơ trẻ của Xuân Diệu: Khi những buổi trưa tuổi nhỏ lại về/ Đi lượm xoài non rụng với khèo me/ Một vài rừng hoang là một cái địa đàng… (Đêm ngủ ở Tuy Phước).
Nhớ đến quê hương, với Xuân Diệu cũng có nghĩa là nghĩ đến bà ngoại, đến má yêu quý. Đây là tình cảm rất người, rất Việt Nam nhưng vẫn có nét riêng của nhà thơ, của quê hương nhà thơ: Bà ngoại ta còn phảng phất ở đâu đây/ Bánh ít lá gai, bánh ú mập đầy/ Hoa quả bốn mùa cũng từ ngoại mà ra tất cả (Đêm ngủ ở Tuy Phước).
Đối với Xuân Diệu, Bình Định là quê hương, là một, là riêng, là thứ nhất. Ông là sự kết tinh, là tinh hoa của hai miền đất nước. Trong một lần tâm sự với bạn đọc nước ngoài, nhà thơ đã nói: “Tôi thấy hạnh phúc trọn vẹn đầy sáng tạo hơn khi ở với cha tôi là Nhân Dân, mẹ tôi là Tổ Quốc”…
Tự hào về nhà thơ Xuân Diệu, thiết thực tỏ bày niềm kính ngưỡng nhà thơ, UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng chính quyền và nhân dân huyện Tuy Phước thường xuyên tu sửa, bổ sung làm phong phú thêm hiện vật tại nhà lưu niệm Xuân Diệu. Hội Văn học nghệ thuật Bình Định thường tổ chức các buổi tọa đàm làm sáng tỏ thêm giá trị thơ Xuân Diệu và những đóng góp của ông trong tiến trình phát triển của thơ ca Việt Nam hiện đại; đặc biệt là tình cảm của nhà thơ với quê hương Bình Định và ảnh hưởng của thơ ông với giới văn nghệ sĩ tỉnh nhà.
Và như một điều linh diệu, sau chuyến về thăm vạn Gò Bồi dâng hương tưởng nhớ nhà thơ Xuân Diệu, trại sáng tác thơ lục bát do Tạp chí Văn nghệ Quân đội và Tạp chí Sông Hương tổ chức đã quy tụ được đông đảo những gương mặt thơ khắp mọi miền đất nước và cuộc thi thơ năm ấy đã thành công mĩ mãn!
N.V.B
VNQD