Bác Hồ và nghệ thuật sân khấu

Thứ Tư, 03/04/2019 00:14

. BÙI THANH HƯƠNG

Giáo sư Hoàng Chương cho biết thời nhỏ, Bác theo cha là cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, tiếp cận, làm quen với người nghệ sỹ tuồng lỗi lạc là quan Thượng thư Đào Tấn. Theo ông Lê Văn Hiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính, vốn là một kép hát tuồng ở Quảng Nam, trong những năm ở Việt Bắc, mỗi lần họp Chính phủ, Trung ương, trong lúc giải lao, Bác Hồ đều bảo ông Hiến lên diễn tuồng. Ông Hiến kể: “Cũng có khi tôi dè dặt vì thấy có người thích, kẻ không thích. Nhưng Bác lại thích nghe và nghe rất hào hứng khiến tôi mạnh dạn trình diễn với tất cả nhiệt tình đối với Bác. Tôi hát cho Bác nghe khá nhiều lần, thậm chí làm cho Bác nhớ một đoạn Trại Hoa tự đấu tranh với bản thân để theo chồng là Địch Thanh (Tuồng Ngũ hộ- lớp Trại Hoa lăng trưởng).

Hát đến câu: “Nữ tỳ: Thấy thầy, tớ cũng đeo sầu…”.

Nghệ sỹ ngừng lại vì cho là đã dài rồi, Bác hát tiếp theo, lời của Trại Hoa:

Hữu tình mà hóa vô tình

Bơ vơ thân thiếp, linh đinh nỗi chàng ….

Điều này cho thấy ngay từ nhỏ những nét đẹp của loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống đã ngấm sâu vào tâm hồn cậu bé Nguyễn Sinh Cung để rồi trở thành một tài sản tinh thần vô giá của con người nghệ sỹ Hồ Chí Minh.

Sau này đi năm châu bốn biển, được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, như một lẽ tự nhiên, Người rất say mê tiếp thu tinh hoa nghệ thuật sân khấu nước ngoài. Một chứng minh, bà Trần Thị Ngà kể: “Tôi còn nhớ đó là ngày 5-6-1967 Bác cho tôi tập đĩa hát vở opera La Traviata (Trà hoa nữ) của nhạc sỹ Giuseppe Verdi... Bác đưa tập đĩa hát cho tôi và hỏi: “Nhà bé có máy hát không?”. “Thưa Bác, có ạ!”. “Bé có biết cái “tích” này nói gì không?”. “Thưa Bác, con biết ạ”. Tôi tóm tắt nội dung của vở nhạc kịch. Bác lắng nghe, mỉm cười tỏ ý hài lòng và hỏi: “Bé có thuộc đoạn nào trong này không?”. “Thưa Bác, con hát một đoạn để Bác nghe ạ...”. Như vậy, không chỉ đơn giản là thích, say mê mà còn là một khát khao tìm hiểu, nghiên cứu ngọn ngành của từng tác phẩm lớn.

Hiểu sâu sân khấu truyền thống, biết nhiều về nghệ thuật sân khấu nước ngoài Bác mới có thể nói với Đinh Thìn, nghệ sỹ sáo: “… Âm nhạc dân tộc của ta rất độc đáo. Bác đã đi nhiều nước trên thế giới, nhưng Bác vẫn nhớ những câu hát của dân ta. Ta có nhiều câu hát dân ca hay lắm. Bây giờ phải khai thác và phát triển nó lên. Cháu là thanh niên, cháu phải làm nòng cốt, tiếp thu và phát triển âm nhạc dân tộc”, nói với Kim Nhớ, dân tộc Hơ-rê, diễn viên hát: “- Bao giờ tập được bài nào, nhớ hát cho Bác nghe nhé. Bác rất thích nghe những bài hát dân tộc”. Và căn dặn Nguyễn Nho Túy, nghệ sỹ tuồng: “- Nghệ thuật của cha ông hay lắm, tốt lắm! Cố mà giữ gìn. Nhưng chớ có gieo vừng ra ngô”. Đây chính là đường lối văn hóa chiến lược của chúng ta trong thời kỳ hội nhập hôm nay và mãi mai sau.

Đối với sân khấu truyền thống, theo Bác là hiểu để tiếp thu, kế thừa, và trong hoàn cảnh lịch sử nào đó là để hành động, đúng như tâm trạng của nghệ sỹ Ái Liên trong đoạn kể này; “Bác Hồ đi lại mấy bước, rồi Bác cất tiếng đọc rõ từng câu, từng tiếng:

"Một đôi Sơn Bá - Anh Đài

Chữ tình đáng trọng. Chữ tài đáng thương

Chỉ vì ông già dở dở ương ương...

(Bác dừng lại chỉ tay vào mặt chị Hồng Liên là người đóng vai Chúc công, bố Chúc Anh Đài).

Làm cho đôi lứa uyên ương không thành....

Bác ngừng đọc, đi đi lại lại. Rồi Bác cất cao tiếng hơn, một tay Bác nắm chặt giơ lên, nghiêm nghị nói tiếp:

Đánh cho phong kiến tan tành

Cho bao nhiêu Anh Đài - Sơn Bá sẽ được thành lứa đôi...

Những câu thơ đó chúng tôi chỉ được nghe có một lần giữa lúc tâm trạng vui sướng rộn ràng như vậy, thế mà mọi người đều nhớ ngay... - Chị Ái Liên kể - Đối với riêng tôi, hơn mười lăm năm qua rồi, mà tôi tưởng như vẫn đang nhìn thấy Bác khi đó, đang nghe tiếng Bác sang sảng bên tai. Bởi vì qua mấy câu thơ đọc ngay buổi đó, Bác đã dạy chúng tôi rất nhiều về nghề nghiệp, về cách xử lý đúng nhất đối với một vở diễn. Trước đây khi dựng, khi diễn vở Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, chúng tôi đi sâu nhiều vào hoàn cảnh éo le của đôi trai gái để gây lòng thương xót, cảm thông của người xem, qua đó tố cáo chế độ phong kiến dã man độc ác, bóp nghẹt quyền sống của con người. Bây giờ Bác dạy chúng tôi phải nâng cao ý nghĩa đó hơn - phải hành động. Phải "Đánh cho phong kiến tan tành...!”.

Không chỉ học tập hình thức nghệ thuật mà học tập cả nội dung. Nghệ sỹ Nguyễn Thị Thậm, nữ diễn viên Đoàn văn công Tổng cục Chính trị nhớ về kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội 22-12-1959, Đoàn biểu diễn vở Lưu Bình - Dương Lễ. Bác hỏi: “-Tại sao Châu Long không ở lại với Lưu Bình để làm bà trạng mà lại về làm bà ba Dương Lễ?”. Tôi trả lời: “- Thưa Bác, vì phải chung thủy với chồng ạ!”. Bác bảo: “- Đấy, dưới chế độ phong kiến nó ràng buộc người phụ nữ thế đấy. Nếu Lưu Bình ba năm đi thi không đỗ, thì phải ở lại nuôi Lưu Bình thêm ba năm nữa là sáu năm, rồi nếu lại không đỗ, phải chờ thêm ba năm nữa là chín năm, thế thì đời người phụ nữ còn gì?”. Nghĩa là Bác lấy sân khấu truyền thống để giáo dục tinh thần căm thù thói bóc lột, coi thường phụ nữ không chỉ ở ngày xưa mà còn ở cả ngày nay từ đó nâng địa vị chính trị xã hội cho phụ nữ.

Bác quan tâm chăm sóc anh chị em diễn viên tức là quan tâm đến cả một nền nghệ thuật sân khấu. Nghệ sỹ Ái Liên kể: “Không mấy buổi Bác không vào hậu trường hỏi han, động viên anh chị em diễn viên. Có những người Bác chỉ gặp một lần, Bác cũng nhớ. Lần sau không thấy đồng chí đó vào diễn cùng đoàn, Bác hỏi. Gặp một diễn viên hóa trang mặt đỏ trong vở kịch ngắn Giữ đất, Bác hỏi đùa: “- Chà đóng chi mà mặt đỏ như Quan Công ăn gừng vậy...!”.

“Mặt đỏ như Quan Công ăn gừng” là câu nói đùa của một nhân vật trong vở kịch mà anh diễn viên vừa diễn.

Gặp một diễn viên khác trong hậu trường, Bác hỏi đóng trong vở gì. Anh diễn viên trả lời: “- Dạ! Vở Thành phố rực lửa ạ!”.

Bác đứng lại sửa: “- Vở Đường phố Sài Gòn rực lửa chứ!”.

Không chỉ quan tâm ở tầm vĩ mô, chiến lược mà Bác còn quan tâm đến từng chi tiết nhỏ nhất ít ai để ý. Nghệ sỹ Tuấn Giang kể, ngày 31-5-1967, sau khi xem một vở diễn, Bác chia kẹo cho mọi người, rồi đột ngột Bác hỏi:

- Vở các cô, các chú diễn vừa rồi là của ai? Sao có chỗ giống hoạt cảnh Đường về trận địa?

Anh Văn Thơm vội thưa với Bác:

- Thưa Bác! Vở Đường về trận địaAnh Lái xe và cô chống lầy là cùng một tác giả Tào Mạt ạ!

Bây giờ thì tôi hiểu là bản chương trình của đoàn có gì mà Bác đọc kỹ thế. Chẳng là người đánh máy chương trình đêm diễn quên mất tên tác giả. Điều Bác nhận xét về sự giống nhau của hai cảnh diễn trong hai vở chèo, tôi thấy đúng quá. Đó là cái chưa ai chỉ ra sự trùng lặp của một tác giả trong trích đoạn Anh lái xe và cô chống lầy với vở Đường về trận địa, kịch bản Tào Mạt, Hoài Giao". Tại sao Bác tinh thế? Cũng đơn giản là Bác nhập tâm vào từng chi tiết một của các vở diễn.

Lần khác “Đồng chí Cao Kim Điền đưa Bác xem nội dung chương trình, tới bảng phân vai nhân vật chị Cài - chủ nhiệm hợp tác xã, có cả tên hai diễn viên Nguyễn Thị Thậm và Vũ Thị Tý, người mà Bác đã biết tên, Bác vừa cười vừa hỏi:

- Sao hôm nay cả hai cô cùng đóng vai chị Cài à?

Tôi trả lời:

- Thưa Bác hôm nay cháu đóng vai chị Cài còn đồng chí Tý đóng vai khác ạ!

Bác nói:

- Nếu cứ theo bản chương trình này mà Bác phải trả lương thì làm sao đủ tiền?!

Bác đã chú ý đến cả những sơ xuất nhỏ nhất”.

Bác mong muốn nghệ sỹ nào cũng phải hiểu tường tận bộ môn nghệ thuật của mình. Một lần Bác hỏi nghệ sỹ Nguyễn Thị Thậm: “Lần trước cháu hát chèo cho Bác nghe, bây giờ Bác hỏi cháu, thế chèo là gì? Chèo leo ấy mà!...

- Thưa Bác, chữ chèo là chữ trào lộng, trào phúng, nói chệch đi là chữ chèo...

Bác bảo:

- Chưa đúng, về suy nghĩ đi, lần sau đến trả lời cho Bác”. Lần khác Bác dặn nghệ sỹ Kim Liên cố gắng “phát huy bộ môn chèo để phục vụ nhân dân ta, chủ yếu là người làng quê gắn bó với tiếng trống chèo”.

Bác mong muốn nghệ sỹ phải luôn tập luyện thì mới phục vụ lâu dài được. Tối ba mươi Tết 1959 Bác đến thăm Khu văn công và dặn nghệ sỹ Nguyễn Kiểm. Đây là lời thuật lại của nghệ sỹ: “- À, “Bế Văn Đàn tập đàn...” (nghệ sỹ đã từng đóng vai Bế Văn Đàn mà Bác có xem).

- Bài gì đấy?

- Thưa Bác, cháu tập bài Tứ đại. Tôi luýnh quýnh trả lời sai, thực ra là bài Lưu thủy, nhạc tài tử Huế. Bác nói vui:

- Có phải Tam tung tứ đại không ? Bác lại cười rất hiền. Vì xúc động và lúng túng quá, tôi cũng dạ luôn. Bác lại nói:

- Bài ấy Bác đàn cũng được chẳng cần tập. Bác quay lại dặn tôi:

- Bác nói vui, Tứ đại vẫn có bài, phải tập đàn cho đúng…”.

Lịch sử nghệ thuật cho thấy một chân lý trong sáng tạo: phải có một tình yêu lớn kết hợp với sự lao động miệt mài cộng với năng khiếu và vốn sống dày dặn, từng trải thì nhà nghệ sỹ mới tạo ra được tác phẩm có giá trị. Cụ Phan Huy Chú ngày xưa đã viết: “Văn tức là lẽ phải của sự vật xưa nay… Kẻ học giả ngoài việc đọc kinh sử, còn phải xét hỏi sâu rộng, tìm kiếm xa gần”, là Cụ nhấn mạnh tới vốn học vấn và sự trải nghiệm trường đời, những điều căn cốt của một đời người nghệ sỹ…Bác Hồ là một nghệ sỹ như thế!

BTH


[1]. Nhiều tác giả - Bác Hồ với nghệ thuật sân khấu. Viện Sân khấu, 1990. tr 11

[2]. Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ, văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, tập 4. Nxb Hội Nhà văn, 2012, tr 308.

[3]. Lữ Huy Nguyên (sưu tầm, biên soạn) - Bác Hồ với văn nghệ sỹ. Nxb Văn học, 1995.tr 283.

[4]. Lữ Huy Nguyên (sưu tầm, biên soạn) - Bác Hồ với văn nghệ sỹ. Nxb Văn học, 1995.tr 250.

[5]. Lữ Huy Nguyên (sưu tầm, biên soạn) - Bác Hồ với văn nghệ sỹ. Nxb Văn học, 1995. tr 217.

[6]. Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 1, tr 339.

[7]. Nhiều tác giả - Bác Hồ với nghệ thuật sân khấu. Viện Sân khấu, 1990.tr 87,88.

[8]. Nhiều tác giả - Bác Hồ với nghệ thuật sân khấu. Viện Sân khấu, 1990. tr 105.

[9]. Nhiều tác giả - Bác Hồ với nghệ thuật sân khấu. Viện Sân khấu, 1990. tr 98.

[10]. Nhiều tác giả - Bác Hồ với nghệ thuật sân khấu. Viện Sân khấu, 1990. tr 92.

[11]. Nhiều tác giả - Bác Hồ với nghệ thuật sân khấu. Viện Sân khấu, 1990.tr 94.

[12]. Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ, văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, tập 4. Nxb Hội Nhà văn, 2012, tr 331.

[13]. Nhiều tác giả - Bác Hồ với nghệ thuật sân khấu. Viện Sân khấu, 1990. tr 149.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)