.NGUYỄN THANH HƯƠNG
Thân thể con người từ lâu đã trở thành đối tượng nghiên cứu của các ngành như ngôn ngữ, xã hội học, y học, triết học, tôn giáo... Trong nghiên cứu văn chương, người ta đặt thân thể trong nhiều mối tương quan như: thân thể và giới, thân thể với lịch sử, văn hóa, quyền lực, thân thể và bệnh tật, thân thể và ngôn ngữ… Ở đây, người viết chỉ tập trung nghiên cứu mối quan hệ giữa thân thể và văn hóa, qua khảo sát một số tác phẩm văn xuôi của nhà văn Sương Nguyệt Minh.
Nhà triết học M.Foucault qua các công trình Bệnh điên và văn minh, Quy huấn và trừng phạt, Lịch sử tính dục đã đi đến kết luận rằng thân thể là thực thể của lịch sử và văn hóa. Tức là thân thể của con người không chỉ là phần xác thịt thuần túy mà còn là nơi khắc ghi dấu vết của lịch sử, phản chiếu văn hóa, là một kí hiệu của lịch sử và văn hóa. Trong đó văn hóa góp phần kiến tạo nên dáng vẻ, diện mạo, cử chỉ, hành động, ngôn ngữ… của mỗi người. Qua thân thể, người ta có thể nhận ra những đặc điểm văn hóa của quốc gia, dân tộc, thời đại, vùng miền. Đó có thể là những tập quán văn hóa, phong tục, nghi lễ, hay không gian văn hóa (đô thị, nông thôn, đồng bằng, núi, hải đảo…), phương thức sản xuất (cách làm ăn, mưu sinh…). Văn hóa còn thể hiện ngay trong những thói quen sinh hoạt (kiểu nói, kiểu phục trang, dáng vẻ…) và nhân chủng.
Đọc văn xuôi Sương Nguyệt Minh ta thấy thân thể con người hiện lên rất phong phú, đa dạng, không chỉ ở vẻ đẹp bên ngoài mà còn nói lên tất cả thế giới tâm hồn, cảm xúc, tính dục, nỗi đau, ẩn ức; không chỉ ở phương diện tự nhiên - bản thể mà ở cả phương diện xã hội. Trong đó mối quan hệ giữa thân thể và văn hóa được thể hiện khá nhiều. Thân thể trở thành kí hiệu để tác giả kiến tạo những vấn đề của văn hóa.
Trước tiên thân thể là nơi ghi dấu các tập quán văn hóa. Trong truyện ngắn Bên dòng Tonle Sap, Sương Nguyệt Minh tập trung miêu tả cảnh những cô gái tắm, qua ngôn ngữ thân thể của họ ta thấy được cách tắm mang tập quán văn hóa của người Thái và người Khmer: “Con gái Thái lội ra sâu, nước từ từ ngập thì cũng từ từ vén váy lên cho khỏi ướt; nước ngập mông thì vén lên ngực. Lội ra sâu tiếp thì vén váy cao thêm, vén dần qua ngực; vú chìm trong nước thì cởi váy quấn lên đầu”. Cách tắm của các cô gái Thái thật kín đáo, dịu dàng và ý nhị, khiến cho dù đứng ở gần cũng không nhìn thấy da thịt tươi mởn của họ. Đây chính là văn hóa “tắm tiên” rất nổi tiếng của phụ nữ Thái. Tắm tiên ở Tây Bắc được coi là một nghệ thuật mà người con gái dân tộc Thái được học ngay từ khi bắt đầu biết khép nép thẹn thùng. Mặt khác, người dân nơi đây rất coi trọng những nguồn nước xung quanh họ và coi đó như một sản vật linh thiêng mà thần linh ban tặng. Vì thế, những sinh hoạt của người Thái đều gắn với dòng nước, từ giã gạo, ăn uống, giết mổ đến việc tắm táp. Còn người Khmer lại có cách tắm riêng, “con gái tắm sông cứ để nguyên váy áo lội xuống nước. Ngụp lặn. Bơi lội. Rồi thò tay vào váy áo kì cọ. Bến xa nhà, thì mang theo xà rông, áo tìm chỗ khuất thay đồ. Ở gần thì cứ thế lướt thướt, váy áo mỏng dán vào da thịt, nước chảy theo bước chân về nhà mới thay”. Như vậy, văn hóa ẩn sâu ngay từ những sinh hoạt đời thường của con người.
Thân thể còn là nơi thể hiện các tín ngưỡng văn hóa. Trong tiểu thuyết Miền hoang đề cập tín ngưỡng ma lai với niềm tin được lưu truyền về một loại “ma lai” chuyên đi ăn thịt người, phân người. Đó là loại ma có cổ cao ba ngấn, “eo thon, mông nẩy, ngực nở có vẻ đẹp quyến rũ mê hồn”. Ban đêm là ma nhưng ban ngày vẫn là một cô gái làm lụng, sinh hoạt bình thường. Ban đêm, ma lai tách đầu cổ ra khỏi thân xác, hai răng nanh dài ra như nanh lợn lòi, kéo theo tim gan phổi và bộ ruột lòng thòng bay đi tìm phân người hoặc phân gia súc để ăn. Trâu, bò, ngựa, lợn… hoặc ai đó bị ma lai ăn phân sẽ bị bỏ bùa ngải vào đồ ăn và khi ăn sẽ ốm rồi chết vào đêm trăng khuyết, chỉ chờ có thế là ma lai bò đến rút hết ruột con vật hoặc người đó ra để ăn phân. Do đó, một số tộc người Campuchia quan niệm rằng cô gái nào có thân thể đẹp đẽ, cổ cao ba ngấn mà nhìn chằm chặp vào bụng người khác thì đích thị là ma lai và phải cảnh giác.
Cũng trong tiểu thuyết Miền hoang, Sương Nguyệt Minh còn cho thấy các nghi lễ thân thể, cụ thể là nghi lễ “trận trảm” trên thân thể của các cô gái đồng trinh. Khi con gái đến tuổi cập kê thì cần được tiến hành làm trận trảm bằng cách người ta dùng ngón tay làm mất đồng trinh người con gái rồi nhúng vào rượu, đem ra chấm vào trán cha mẹ cô gái và hàng xóm. Từ sau đêm trận trảm đó, người con gái sẽ ra ngủ phòng ngoài và muốn làm gì với trai thì làm, họ được quyền quyết định những gì thuộc về thân thể mình.
Ở truyện ngắn Lửa cháy trong rừng hoang, qua các kí hiệu thân thể, người đọc lại thấy được phong tục “đi xim” của đồng bào dân tộc thiểu số. Đi xim là cách đi tìm người yêu của các chàng trai, cô gái khi đến tuổi dựng vợ gả chồng. Cứ chập tối là họ đốt đuốc gọi nhau đi xim, cùng nhau thổi kèn, hát và yêu đương. Sau những đêm ấy họ sẽ tìm được người thương của mình để nên vợ nên chồng. Hiện nay ở vùng núi miền tây Quảng Trị, phong tục này vẫn còn được gìn giữ trong tộc người Vân Kiều như một nét văn hóa lãng mạn của tình yêu.
Thân thể còn là nơi lưu giữ đặc điểm không gian văn hóa vùng. Vùng văn hóa là vùng lãnh thổ có những đặc thù về điều kiện tự nhiên, dân cư sinh sống, có những đặc trưng trong sinh hoạt vật chất và tinh thần của cư dân, có thể phân biệt với vùng văn hóa khác. Ở Việt Nam, dựa vào địa hình có thể chia thành các vùng văn hóa cơ bản như: vùng núi; vùng đồng bằng ven sông, biển; vùng hải đảo. Đặc điểm của không gian văn hóa vùng không chỉ thể hiện ở yếu tố địa lí hay các thành tố văn hóa mà còn được thể hiện ngay trên thân thể con người sinh sống ở đó. Nghiên cứu văn xuôi Sương Nguyệt Minh có thể thấy thân thể là nơi lưu giữ những nét văn hóa vùng, đặc biệt là vùng biển và nông thôn - không gian quen thuộc trong sáng tác của ông. Những đặc trưng của thiên nhiên vùng đất, nghề nghiệp mưu sinh, cách làm ăn, thói quen… đều có thể tìm thấy trên thân thể, thậm chí nó thấm sâu vào thân thể con người.
Trước tiên là không gian văn hóa vùng biển. Có thể nói, cuộc sống sinh hoạt trên sóng nước với gió, bão cùng tính chất mặn mòi, khắc nghiệt nhưng cũng khoáng đạt, nồng hậu của biển đã in dấu lên thân thể con người. Ấy là thân thể của những người đàn ông làng chài trong Hoàng hôn màu cỏ biếc: những người kéo thuyền chở cát cởi trần “bắp tay bắp chân nổi cơ và các dây gân chằng như cuộn chão. Vẻ đẹp khỏe khoắn, cường tráng, dãi dầu được chọn lọc tự nhiên qua thời tiết giá lạnh, khô nóng, mưa nắng, gió bão in đậm trên gương mặt và thân thể họ”. Như vậy cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn, vất vả đã khiến ngoại hình của con người miền biển toát lên vẻ khỏe mạnh, rắn rỏi, đậm chất đặc trưng của vùng miền.
Tiếp đó là văn hóa vùng đồng bằng, nông thôn. Do đặc điểm địa hình, khí hậu, đất đai nên cuộc sống của người dân lao động vùng đồng bằng chủ yếu gắn bó với đồng ruộng, vì thế mùi đồng đất cũng quyện hòa vào cơ thể tạo thành mùi thân thể đặc trưng: “bên anh Sang… tôi cảm được mùi mồ hôi đàn ông lẫn mùi đồng đất phảng phất bay” (Đi qua đồng chiều). Đó là thứ mùi riêng của người, của đất nơi đây. Ngay trong cách làm ăn, mưu sinh và sự in dấu trên thân thể của người dân cũng cho thấy đặc trưng của vùng miền: “Con gái làng tôi suốt ngày đầu tắt mặt tối ở thung Dâu, đồng cỏ. Cái xà cạp quấn bắp chân, cái khăn tắm bịt mặt che nắng chỉ để hở hai con mắt… Bùn đất, nước chua váng ở đồng cỏ vẫn làm rám đen từ đầu gối xuống bàn chân, còn các ngón tay thì tù lại, ram ráp nứt nẻ đầy các đường chỉ mảnh” (Đi qua đồng chiều). Công việc mưu sinh nhọc nhằn đã khắc vết trên thân thể họ: “Con gái làng tôi chân to. Vợ tôi chân cũng to… Người ta bảo, do lội ruộng trũng nhiều, gồng gánh lắm nên phát triển chiều ngang” (Cái nón mê thủng chóp). Có thể thấy, cuộc sống lam lũ của người dân vùng biển, vùng nông thôn được hiện lên qua chính công việc lao động của họ và thân thể là nơi lưu giữ rõ nhất.
Như vậy, qua sáng tác của Sương Nguyệt Minh ta thấy thân thể con người không chỉ là xác thịt thuần túy mà còn là một thứ ngôn ngữ đặc biệt, nó nói cho chúng ta biết về các phương diện của văn hóa. Thân thể tựa như một văn bản có ý nghĩa trong việc khắc ghi những vấn đề của lịch sử, xã hội và văn hóa. Do đó, nghiên cứu thân thể cần có cái nhìn đa chiều, bởi với tư cách là kí hiệu của văn hóa, thân thể đã trở thành một thứ diễn ngôn trong đời sống.
N.T.H
VNQD