Tranh lụa Lê Thị Lựu - ánh sáng Pháp, hồn dạ Việt

Thứ Bảy, 06/04/2019 09:17

THỤY KHUÊ

Thập niên 1930, các báo trong nước đều nhắc tới người nữ họa sĩ đầu tiên của Việt Nam, tốt nghiệp thủ khoa khoá III, trường Cao đẳng Mĩ thuật Đông Dương năm 1932, ra trường nổi tiếng ngay khắp ba kì. Đặc biệt báo Phong hoá, cũng ra đời năm 1932, số 18, nhận định về trường Mĩ thuật Đông Dương bằng những dòng: “Ông Lê Phổ, cô Lê Thị Lựu, ông Mai Trung Thứ cùng nhiều họa sĩ khác đều là người có tài, mỗi người một vẻ riêng... Có một điều đáng ghi là cô Lê Thị Lựu không ngần ngại là quần vận, yếm mang, chen chân thích cánh với bọn hoạ sĩ đàn ông, mà cái hay cái khéo của cô lại hơn người, thật là vẻ vang cho phụ nữ nước nhà”. Bài viết không kí tên nhưng ta có thể đoán là của Thạch Lam, bởi Thạch Lam là người phụ trách thường xuyên mục phê bình mĩ thuật trên Phong hoá Ngày nay và cũng là nhà văn theo sát sinh hoạt của người nữ họa sĩ đầu tiên và duy nhất của Việt Nam lúc bấy giờ.


Sau khi tốt nghiệp, Lê Thị Lựu đã có tám năm làm giáo sư dạy vẽ ở các trường Nam - Bắc: trường Bưởi, Hàng Bài, Áo Tím..., trước khi rời Hà Nội, vào Nam đáp tàu đi Pháp năm 1940.


Đến Pháp gặp đúng lúc chiến tranh thế giới bùng nổ, Lê Thị Lựu cùng chồng phải đi lánh nạn, tìm cách sinh sống, nuôi con, nhiều năm xa hội họa. Mặc dầu khi ra đi, chỉ định ở lại Pháp sáu tháng hay một năm, nhưng bị chiến tranh giữ lại, đường về nước bị tắc nghẽn. Phải sau mười lăm năm lưu lạc như thân phận Kiều, Lê Thị Lựu mới tái hợp được với nghệ thuật, và bà đã chọn tranh lụa là nền chính cho hội họa của mình, như Nguyễn Gia Trí đã chọn sơn mài làm gốc.


Sự lựa chọn này như một tiền định gắn bó với bản chất của người nghệ sĩ: Lê Thị Lựu, tự thân, đã có gì mong manh như lụa, sáng như lụa, mỏng như lụa, tế nhị như lụa, và chải chuốt như lụa, từ nét vẽ, cách pha màu, đến sắc đẹp bản thân. Chính vì vậy, bà đã thành công trong tranh lụa, tạo được chỗ đứng riêng biệt của mình như một trường phái Lê Thị Lựu, không giống bất cứ tranh lụa nào của những người đi trước cũng như đi sau.


Tranh Lê Thị Lựu êm dịu ánh sáng, nhẹ nhàng màu sắc, mềm mại nét bút. Nữ hoạ sĩ chuyển tất cả thần thái, tâm sự nhớ nhà, sự âu yếm, dịu dàng và tế nhị vào nét bút như một căn cước, một bản sắc.


Trở lại với hội hoạ từ năm 1956, nhưng phải đến 1960, Lê Thị Lựu mới hoàn toàn làm chủ hội họa ấn tượng của mình, từ đây trở đi bà sáng tác nhiều và vẽ những bức tranh đẹp nhất.


Bức Ba mẹ con trên cỏ, vẽ năm 1960, xác định sự thành công của bà. Bố cục tranh đã đạt tới sự toàn bích, từ nét vẽ đến các chi tiết đều toả sự mong manh. Cá tính lụa của Lựu cũng bắt đầu lộ ra từ bức tranh này: chiếc khăn voan trên cổ người mẹ, mảnh lụa bé gái đang tập thêu, chiếc khăn phủ rổ mây đựng đồ thêu, tất cả đều mềm mại uyển chuyển như dáng dấp người thiếu phụ Hà thành. Nàng mặc áo dài xanh, đầu vấn khăn xanh, cao sang mà không đài các, một mẫu người lí tưởng, ta chỉ dám yêu trộm nhớ thầm mà không dám ngỏ. Nàng bế đứa con trai đeo yếm hoa, bé gái mặc áo cánh hồng ngồi thêu cạnh mẹ. Chiếc rổ mây để lộ hai cuộn len màu nâu nhạt. Ba mẹ con ngồi trên thảm cỏ, bên dòng nước ẩn hiện, xa xa thấp thoáng bóng mấy mái nhà. Toàn bộ chìm trong không gian phơn phớt, như màu phấn trên má nàng, như màu da thơm hai đứa bé.


Đó là một thế giới đã qua, không bao giờ trở lại: thế giới Tự lực văn đoàn mà Lê Thị Lựu vừa là đối tượng được các văn nhân thi sĩ mơ ước, lại là người vẽ lại cuộc sống thơ mộng thời ấy qua chân dung những thiếu nữ, thiếu phụ, thiếu nhi trên toàn bộ tranh bà.


Bức Nửa chừng xuân, vẽ khoảng 1960-1962, là một trong những thành công khác của Lê Thị Lựu. Người mẹ Hà thành đầu vấn tóc trần, dịu dàng âu yếm ôm con vào lòng, khiến ta không khỏi liên tưởng tới Mai và bé Ái trên rừng đồi Phú Thọ trong Nửa chừng xuân của Khái Hưng. Thập niên 1960, Lê Thị Lựu ở thị xã Gentilly, ngoại ô Paris, trong căn nhà nhỏ có vườn, ông Ngô Thế Tân chồng bà là kĩ sư canh nông nên trồng đủ loại hoa quanh nhà. Bức Nửa chừng xuân treo trong phòng khách tỏa ánh sáng nghệ thuật cho căn nhà nhỏ, bà đã sáng tác trong không gian thu hẹp rất Monet từ hồi ấy. Rồi đến năm 1971, khi dọn nhà xuống An Trang, bà có hẳn một biệt thự, một cõi riêng trong khu vườn rộng mênh mông với hoa, trái, trời, nước Địa Trung Hải.


Màu sắc trong tranh Lê Thị Lựu phản ảnh hai không gian, hai tâm tưởng: ánh sáng Pháp, hồn dạ Việt.


Tranh lụa Lê Thị Lựu đặc biệt trong cách pha màu. Cũng như phái ấn tượng, bà dùng màu tươi mát làm bật ánh sáng, lấy nhật quang làm nền rực rỡ cho tranh, nhưng bà không chối bỏ kĩ thuật cổ điển, bà dùng cả sáng lẫn tối, rồi chuyển sắc độ dần dần. Thiếu nữ và cây đàn thập lục vẽ năm 1970 là một trong những bức tranh rất đẹp của bà, phản ảnh sâu sắc nghệ thuật ấn tượng. Bóng tối tứ phía bên nàng làm ta mường tượng đây là ban đêm, nhưng toàn thân thiếu nữ khoác ánh sáng, nguyệt quang chan hòa, tràn sang những đóa hồng thì thầm bên cạnh, một thứ ánh sáng bàng bạc, huyền ảo của một đêm trăng liêu trai. Nàng gảy đàn dưới trăng, trong trăng, trên trăng, hay trăng là nàng? Không sao biết được. Bức này làm tôi liên tưởng tới bức Cô Grimpel thắt nơ hồng (Mademoiselle Grimpel au ruban rose) của Renoir, vẽ năm 1880.


Bức tranh nổi tiếng nhất của Lê Thị Lựu, vì được in thành nhiều phiên bản (reproduction) cho cơ quan từ thiện bán lấy tiền, là bức Mẹ địu con. Tác phẩm này treo trong phòng khách biệt thự An Trang, không bán. Sau khi bà mất, ông Ngô Thế Tân để dành tặng viện bảo tàng ở Việt Nam. Người thiếu phụ rất trẻ mặc áo dài trắng, đội khăn vuông trắng. Nét mặt mang cả một trời dịu dàng âu yếm. Vai địu con, vải địu màu vàng, nàng đi trong rừng thưa, ánh vàng dội lên báo hiệu mùa thu đất Bắc. Bức tranh này bà đã vẽ trong khoảng 1965-1975, thời gian kiện toàn tranh lụa ấn tượng Lê Thị Lựu, có bố cục hầu như toàn bích, không khác gì những bậc thầy của ấn tượng như Renoir, nhưng bà vẽ trên lụa, nên đôi chỗ bút pháp còn mong manh, tế nhị hơn tranh sơn dầu của những bậc thầy. Người đẹp trong tranh Lê Thị Lựu có những mẫu mực lí tưởng, đúng như khuôn mẫu cổ điển: mặt trái xoan, cân đối theo tỉ lệ vàng.

Bức Mẹ địu con của họa sĩ Lê Thị Lựu

Cũng đề tài này, bà vẽ bức Sơn nữ địu em khoảng 1970-1975, tươi sáng hơn, người thiếu nữ miền núi mặc áo trắng, khăn trắng, váy đen, chừng là một cô gái Thái, địu em đi chơi trong rừng, màu sắc tung bay, gam vàng ngự trị trên toàn cảnh, gợi nhớ thơ Bích Khê Vàng rơi vàng rơi thu mênh mông!


Lê Thị Lựu thường đắn đo khi cầm bút, nhiều khi vẽ xong lại xóa đi, có bức vẽ đi vẽ lại trong mấy năm trời như Anh Trần bên suối, Kim Kiều gặp gỡ, Tam đại đồng đường..., có bức chỉ một buổi là xong, mà thông thường là những bức thành công, hoặc tiêu biểu cho đường lối hội họa của bà như Bến Honfleur, Giông tố...
Nhà điêu khắc Anh Trần nổi tiếng là người đẹp và có tài, ở Paris. Lê Thị Lựu đã từng vẽ chân dung cô An, thân mẫu của Anh Trần thập niên 1930, cũng là một giai nhân thuở trước. Tác phẩm Anh Trần bên suối chắc chắn sẽ được lưu lại như sự cộng hưởng của ba cái đẹp: giai nhân, tài năng và nghệ thuật.


Đề tài ba thế hệ được Lê Thị Lựu vẽ nhiều lần. Bức tranh hoàn tất cuối cùng Tam đại đồng đường của bà cũng trong đề tài ấy.


Kiều gảy đàn tì bà là một trong những tác phẩm nổi trội những năm cuối đời, Lê Thị Lựu vẽ cuối thập niên 1980, vẫn dùng ánh sáng làm nền giao cảm, từ những màu xanh đậm, hồng đào, vàng mimosa, trên hoa cỏ, bà hạ dần sắc độ để lưu lại màu trắng mong manh trên áo nàng Kiều, với đôi mắt bồ câu đen hiu hắt sáng, gợi tiếng đàn trong, buốt, lạnh và buồn:
Trong như tiếng hạc bay qua
Đục như nước suối mới sa nửa vời.


Kim Kiều gặp gỡ là bức tranh lớn nhất được Lê Thị Lựu vẽ lâu nhất, bắt đầu từ năm 1975, cho đến thập niên 80 vẫn chưa xong, thỉnh thoảng bà vẫn chữa lại. Bức tranh thể hiện lối viễn họa (perspective). Dưới cầu, dòng suối thướt tha uốn khúc tới tận chân rừng. Con đường mòn chạy dọc theo dòng nước. Bóng sâu hút lặng thinh của con đường và âm thanh thầm thì, róc rách của dòng suối trò chuyện với nhau trên những đường cong (arabesque) mềm mại, gợi thanh, gợi hình, giao hòa nơi vô tận. Tất cả gieo ấn tượng gặp gỡ và chia li. Đường im nghe suối nói hộ người những xao xuyến, luyến lưu thuở ban đầu.


Tranh khỏa thân Lê Thị Lựu chỉ thực hiện có vài bức, mà cũng đoan trang lắm. Bức Thiếu nữ tắm hồ sen vẽ khoảng 1970-1971. Bà băn khoăn lắm khi vẽ bức tranh này, vì những lời phê bình gắt gao của người chồng cũng là họa sĩ nghiệp dư làm bà nhụt chí. Cuối cùng bà quyết định đặt nàng trên cầu, bên bờ ao sen, dùng nền xanh non tươi mát, lót thảm cỏ hoa, vài cánh sen phớt hồng trôi trên mặt nước, như ẩn như hiện. Người con gái ngồi nghiêng, tóc ươn ướt xõa, quay đầu lại, khăn lụa mỏng che một phần thân hình, úp mở, đợi chờ. Dường như cỏ hoa, mây, nước cũng muốn tắm chung với nàng, trong màu xanh nhàn nhạt bất tuyệt ấy.


Bức họa một bé gái ngồi dưới trời giông. Bà yêu quý lắm, không bán và treo cạnh giường bà. Đôi mắt bé là cả một trời lo âu, thắc mắc. Họa sĩ không đặt tên cho bức tranh. Lần đầu tiên nhìn thấy, tôi gọi là Giông tố. Bà đồng ý. Bé đi lạc chăng? Bé đợi ai đây? Giông tố bên ngoài có cao bằng giông tố đang lên trong lòng bé? Giông tố là một trong những bức tranh hiếm hoi diễn tả tuyệt vời hội họa biểu hiện của Lê Thị Lựu, không khốc liệt kiểu Van Gogh mà dịu dàng êm ái như thơ. Theo Ngô Thế Tân, Lê Thị Lựu đã sáng tác trong một chiều nhớ quê hương. Nhưng khi đọc kĩ những ghi chép bà để lại, hợp cùng những lời tâm sự bà ngỏ trong nhiều năm gần cận, và nhìn lại bức tường bé gái ngồi, đúng là tường biệt thự An Trang, tôi mới hiểu rằng, bức tranh mà bà yêu quý nhất, luôn luôn treo cạnh giường, không bán cho ai, còn thể hiện tâm sự của chính bà qua những dòng thơ vô đề tan tác:
Nào biết về đâu biết ở đâu
Ở đâu cho hết tủi hờn đau
Tim không ai thắt mà nghe nhói
Ruột chẳng ai bằm vẫn thấy đau

Nào biết về đâu biết sống đâu
Sống đâu chôn hết hận hờn đau
Tim không muối xát mà sao xót
Ruột chẳng ai bằm cũng quặn đau

Qua sông sao nỡ chặt băng cầu
Vô tình hữu ý hỏi vì đâu
Năm mươi năm lẻ cùng chung sống
Nay nỡ cam lòng bạc đãi nhau.

(Vô đề 3(1))


Người phụ nữ tài hoa ấy, bề ngoài tưởng có đời sống vô vàn hạnh phúc, nhưng trong thâm tâm lại là người đàn bà “sinh nhầm thế kỉ”, định mệnh nhiều ngang trái. Từ nhỏ bị rèn luyện trong giáo lí Khổng Mạnh của gia đình nhưng trong thâm sâu vẫn là một tâm hồn “nổi loạn”. Tự học vẽ trong khi các em ngoan ngoãn vào trường sư phạm. Lập gia đình với một người chồng Tây học, rất đẹp đôi, nhưng hơn một lần bà phải chịu đựng - từ người họa sĩ nghiệp dư tự coi là thầy - những bắt bẻ vô lí, những phê phán gay gắt hội họa của bà. Nhiều khi bà cầm bút mà mắt đẫm lệ. Ra đi, tưởng chỉ tiếp xúc với nghệ thuật hiện đại của Pháp rồi về, nhưng chiến tranh ngăn chặn, đã phải sống cả đời bên Pháp. Người họa sĩ tài hoa đó còn là nhà thơ, và những câu thơ viết vội ghi vào sổ hay trên những mảnh giấy nhỏ cho thấy một tâm hồn luôn luôn hướng về quê cũ, nhớ các em, nhớ mẹ cha, nhớ ngày rời nước:
Bước lên xe, dạ ngẩn ngơ
Giời xanh núi bạc
Biết bao giờ gặp lại các em
Ngửng về phương Bắc xa xa quá
Chỉ thấy mây đùn với núi cao.
(Nhớ các em)

Còn nhớ không em,
nhớ những ngày
Những ngày được nghỉ,
gấp về ngay
Tiền ít, chị em ngồi chen chúc
Trên chuyến xe hàng
chật chội thay.

Nhớ hồi cha đón ngóng xe con
Thơ thẩn cầu Trầm mắt dõi trông
Mẹ nhà thúc giục Pheo cơm nước
Mau các cô về có thức ngon.

(Nhớ cha mẹ)


Chiếc cầu Trầm ở thôn Thổ Khối, Bắc Ninh; hình dáng người cha đứng trên cầu đợi bốn cô con gái có tên thảo mộc: cô Lựu, cô Cẩn (cây bầu), cô Chương (cây chương não), cô Đào, đi học ở Hà Nội về. Tất cả những hình ảnh ấy đều lẩn khuất trong tranh Lê Thị Lựu như một niềm thương nhớ quê hương đất nước không nguôi.


Năm 1975, đất nước thống nhất, Lê Thị Lựu trở về Hà Nội thăm quê hương gia đình, đợi chờ một niềm hạnh phúc tuyệt vời, nhưng định mệnh lại đưa bà trở lại Paris...


Vì vậy, tranh Lê Thị Lựu có màu vui, nét sáng mà vẫn thoảng buồn, như một vết thương đời không thể xoá: em bé hái hoa đồng biếu mẹ, thiếu nữ cõng em rong chơi trong rừng, thiếu phụ bồng con, ánh mắt hiền hòa âu yếm... Có gì hòa bình, an lạc, êm ả như thơ, mà vẫn buồn buồn. Một chốn đào nguyên chôn mộng dữ chăng? Ta cứ việc đi vào, chìm đắm trong bầu trời, trong ánh sáng, trong thanh sắc, trong yêu thương, trong hi vọng... Không cần thắc mắc hỏi xem bút thuật có thể hiện những rung động quằn quại nội tâm, cũng không cần biết nghệ sĩ có màng tới những ấm ức bên trong của tạo vật.


Người nghệ sĩ ấy đã sống trong khoảng trời Việt Nam đầu thế kỉ XX và đã khuất li đất nước vào những năm 1940. Bà đem khí quyển tâm hồn, đem cái hoàng hôn buồn bã rất Hồ Dzếnh ấy nhuộm với những nét u hoài của tỉnh nhỏ Gentilly, với màu vàng thu đất Pháp.


Tranh Lê Thị Lựu dan díu với thiên đường Việt Nam thơ mộng đài các tiền chiến xa biệt, thời sơn nữ ca, một đêm trong rừng vắng, ẩm thêm sắc thái nghiêm đài nhìn về đất cũ của những người cách nước lâu ngày, có những nhịp đời thương nhớ âm vọng trong thời khắc và lòng người như lời Hồ Dzếnh. Gần gụi với tâm tư chiều Hồ Dzếnh, tranh Lê Thị Lựu dấy lên trên nền năm tháng cũ một bóng hoàng hôn mơ hồ ôm trùm lên sự vật, khiến cho ai đó, mỗi lần tìm đến tác phẩm Lê Thị Lựu, lại thấy vang lên những bâng khuâng gió nhớ về qua lá đầy.

T.K

 

---------
1. Thơ Lê Thị Lựu không có tên; tên những bài thơ trích dẫn trong bài viết này là do tác giả bài viết tạm đặt.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)