Sải cánh én bay cao

Thứ Ba, 04/06/2019 10:23

.KHÁNH TÌNH

(Đọc Chim én liệng trời cao, tiểu thuyết của Ma Văn Kháng -
Nhà xuất bản Kim Đồng, 2017)

Chim én liệng trời cao viết về cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược và tay sai của đồng bào dân tộc Tày ở xã Cam Đồng thuộc huyện Bảo Trang tỉnh Lào Cai. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, vùng đất này bị giặc Pháp tái chiếm. Chúng thiết lập ở đây một chính quyền cai trị độc đoán, tàn bạo, bóc lột và kìm kẹp đồng bào dân tộc rất nặng nề. Trước tình hình đó, Lê Văn Tố - một chiến sĩ cách mạng ưu tú đã được Đảng cử vào hoạt động gây dựng cơ sở ở đây. Bằng nhiệt huyết tuổi trẻ, trí thông minh, khôn khéo và sự chân thành của mình, anh đã vận động được nhiều đồng bào dân tộc Tày theo cách mạng, tiêu biểu là hai anh em Trần Văn Sào, Trần Văn Tiển. Trần Văn Tiển, mặc dù tuổi còn nhỏ nhưng đã có những hành động cụ thể, thiết thực góp phần vào công cuộc đấu tranh với kẻ thù giải phóng quê hương. Khi cuộc đấu tranh vũ trang bùng nổ, Tiển đã lập được một chiến công lớn là bắt sống tổng đoàn Nông Văn Ngao - một tên đại gian đại ác khi y đang trốn chạy. Quê hương được giải phóng, Tiển tạm biệt làng quê, theo bộ đội tiếp tục cuộc chiến đấu giải phóng miền tây của tỉnh còn bị địch chiếm đóng. Như một cánh én quả cảm, giờ đây, Tiển bay liệng trên bầu trời giông bão. Em vẫn làm công việc liên lạc, đưa tin… nhưng trên một địa bàn rộng lớn, phức tạp hơn và phải đối mặt với một kẻ thù vô cùng gian hiểm. Qua quá trình tham gia cách mạng, từ một em nhỏ của bản làng, Tiển đã trưởng thành, trở thành một chiến sĩ thiếu niên gan dạ, dũng cảm, thông minh, lập nhiều chiến công góp phần vào thắng lợi của phong trào đấu tranh giải phóng tỉnh nhà.
Mặc dù viết về thanh thiếu niên, lại được ấn hành ở một nhà xuất bản dành cho bạn đọc nhỏ tuổi nhưng Chim én liệng trời cao không đơn thuần là tác phẩm dành riêng cho lứa tuổi này. Tiếp nối đề tài chống Pháp, tiễu phỉ trong các tiểu thuyết trước của Ma Văn Kháng như Đồng bạc trắng hoa xòe, Vùng biên ải, Một mình một ngựa..., tiểu thuyết Chim én liệng trời cao là bản “trường ca” tái hiện một cuộc đấu trí, đấu lực gay go quyết liệt nhưng vô cùng sinh động và lí thú giữa ta và địch, nhằm bổ sung cho lịch sử thành văn của các dân tộc miền núi trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do, tự giải phóng mình. Một tiểu thuyết có tầm vóc như thế, tất yếu sẽ không tự bó hẹp trong việc dành riêng cho một lứa tuổi mà hướng đến đông đảo bạn đọc, nhất là bạn đọc yêu thích đề tài miền núi và chiến tranh cách mạng.
Với gần 400 trang in, miêu tả một vùng không gian rộng lớn, trải dài từ một làng quê đến cả một vùng núi phía tây dãy Phan Xi Păng, nhà văn Ma Văn Kháng đã khắc họa thành công công cuộc đấu tranh của nhân dân các dân tộc Lào Cai trong kháng chiến chống Pháp với bao hi sinh gian khổ, đầy máu và nước mắt. Trong tác phẩm này, Ma Văn Kháng một lần nữa khẳng định chân lí cơ bản: ngọn nguồn làm nên chiến thắng của dân tộc ta chính là sức mạnh của tinh thần đoàn kết các dân tộc với nguyện vọng tha thiết được giải phóng. Chủ đề rất quen thuộc này, may thay đã không trở nên quen nhàm, vì được biểu hiện cụ thể bằng một câu chuyện hấp dẫn với sự hội tụ của đông đảo nhân vật và đậm đặc những chi tiết gợi lên không gian văn hóa - xã hội đặc sắc của miền đất Tây Bắc.
Xưa nay, viết về chiến tranh cách mạng trên tầm vĩ mô thật không dễ dàng. Nó không đơn giản là miêu tả những trận đánh với kết cục ta thắng - địch thua theo một công thức mòn sáo. Trong tác phẩm, nhà văn phải trình bày cả một quá trình diễn tiến, với các bước đi có tính quy luật của lịch sử, phải có khả năng phân tích - tổng hợp, dò tìm đến ngọn nguồn bản chất của chiến tranh, của cuộc sống và mỗi thân phận. Viết về chiến tranh ở vùng đất nào, nhà văn phải thông thạo địa bàn, lại cần ít nhiều biết đến các chiến lược, chiến thuật, binh pháp của cuộc chiến cùng các tình huống đặt ra và cách xử lí chúng. Nói cách khác, tác giả phải là người có tầm hiểu biết sâu rộng, lịch lãm, từng trải của một vị chỉ huy. Cái uyên bác, sự thông tỏ tường tận những điều mình viết ấy, Ma Văn Kháng đã bộc lộ rõ ở cuốn sách này.

Linh hồn của tiểu thuyết là nhân vật. Có thể nói, nhân vật là nhân tố quan trọng bậc nhất trong việc quyết định sự thành bại của tiểu thuyết. Ý thức rất rõ điều này, trong Chim én liệng trời cao, nhà văn Ma Văn Kháng đã dày công xây dựng nên một hệ thống nhân vật độc đáo. Có mặt trong mấy trăm trang sách là hàng chục nhân vật với đủ các bước thăng trầm của số phận, mỗi người có một cuộc đời và cá tính riêng. Vi Văn Cắm, một bí thư tận tụy và sâu sắc. Lò Văn Lẳng với kiếp người lao khổ nhưng quật cường. Ông Yểng, tuổi già khảng khái. Ông cụ Tả gắn bó cả đời với truyền thống dân tộc. Hoàng Thị Va, thiếu nữ Tày xinh đẹp, giàu tình thương. Tổng đoàn Ngao hung bạo. Lí trưởng Tăm thâm hiểm. Tri châu Dẻn gian ngoan. De Bernad khôn ngoan. Brusex hiếu thắng… Đặc biệt, trong hệ thống nhân vật còn xuất hiện hình ảnh sinh viên trí thức như một nét đẹp riêng của cuộc sống thời kháng Pháp. Không thể quên bí thư Lê Văn Tố tài trí thao lược, đại đội trưởng Trần Hòa với tài năng quân sự và Nguyễn Kim, chàng thanh niên Hà thành đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi, lãng tử hào hoa. “Vâng. Một thế hệ thanh niên biết tiếng Pháp, một ngôn ngữ của thế giới văn minh, đánh nhau với người Pháp. Dưới quyền họ thì có gì phải hổ thẹn, thưa đại úy” - đó là lời viên sĩ quan Pháp khi giơ tay hàng capitaine Trần Hòa.
Không thể không kể đến nhân vật trung tâm của tiểu thuyết: Trần Văn Tiển. Có mặt trong suốt tiến trình của tiểu thuyết, Tiển là hình ảnh tiêu biểu của tuổi trẻ vùng cao trong những năm kháng chiến chống Pháp. Ở Tiển vừa có sự ngây thơ cần phải có ở độ tuổi của mình, vừa có những phẩm chất khiến bao người yêu mến, khâm phục. Tiển - một tâm tình hồn nhiên, một tấm lòng trong sáng, một sức sống trẻ trung - đã trở thành điểm nhấn tươi tắn nổi bật nhất trong bức thêu thổ cẩm đa sắc màu của toàn tiểu thuyết. Có thể nói, tài xây dựng nhân vật với khả năng đặc tả cả về ngoại hình và tính cách, sáng tạo nên những hình tượng đặc sắc, sinh động để lại dấu ấn lâu dài trong kí ức người đọc là điểm sáng ưu trội nhất trong phong cách nghệ thuật Ma Văn Kháng. Điều đó cũng bộc lộ rõ nét trong hệ thống nhân vật ở nhiều tác phẩm khác của Ma Văn Kháng, đặc biệt các tác phẩm viết về miền núi của ông, như các truyện ngắn Vệ sĩ của quan châu, Seo Ly - kẻ khuấy động tình trường, Móng vuốt thời gian, Mã Đại Câu - người quét chợ Mường Cang..., các tiểu thuyết Đồng bạc trắng hoa xòe, Vùng biên ải, Gặp gỡ ở La Pan Tẩn, Một mình một ngựa... Sinh thời, nhà văn Nguyễn Đình Thi từng nói rằng một cuốn tiểu thuyết có đứng được hay không là bởi “người ta có nhớ được nhân vật hay không”. Nhà văn Nguyễn Minh Châu cũng khẳng định, cái khó nhất khi viết, là “làm sao cho người trong truyện hiện ra lồ lộ giữa trang sách như hình người trên một bức phù điêu”. Trong tác phẩm của mình, Ma Văn Kháng đã làm được điều đó.
Bên cạnh hệ thống nhân vật đông đảo, độc đáo, người nào cũng đều “có hình, có tiếng, có thanh, có nét”, một điểm làm nên sức hấp dẫn của Chim én liệng trời cao là những trang miêu tả phong cảnh thiên nhiên, sinh hoạt thường ngày, phong tục tập quán trong các bản làng Tày, Mông, Dao, Hà Nhì. Là người sống lâu năm ở Lào Cai, Ma Văn Kháng rất hiểu, thuộc và yêu mảnh đất này. Những trang viết của ông về miền núi Lào Cai luôn sinh động, có hồn, gợi nên cái đặc trưng riêng rất duyên dáng của một xứ sở hữu tình. Trong Chim én liệng trời cao, thiên nhiên Tây Bắc hiện lên thật nên thơ với hình ảnh làng Nhớn. Ngôi làng có dãy cối gạo bên bờ tỏa hương lúa thơm, có mùa cốm thơm như một lời hò hẹn bên suối và những đêm giã cốm tưng bừng, huyền ảo ở nhà ông lão Yểng, có phong tục tắm nước nóng buổi chiều độc đáo ở U Sung. Không chỉ nên thơ, thiên nhiên ấy còn thật hoang sơ, hùng vĩ. Non nước Lào Cai hiện lên như một vùng sơn lâm hoang dã qua những bước chân của nhân vật Tiển trong cuộc “trường chinh” trên rặng Thiên Sơn, qua việc Tiển cứu nguy cho Giàng Câu thoát khỏi cuộc vây hãm của con hổ ở Ngài Thầu. Mảnh đất ấy cũng thật giàu có, trù mật, phong túc. Mùa làm ăn ở làng Mông Ngài Thầu là một minh chứng.
Khả năng vận dụng ngôn ngữ phong phú vốn là một ưu thế của tác giả, một lần nữa được phát huy ở cuốn sách này. Chim én liệng trời cao có sự xuất hiện của nhiều thứ tiếng như Kinh, Tày, Mông, Pháp..., tất cả đều được Ma Văn Kháng xử lí rất nhuyễn, vận dụng thích hợp trong lời nói thường ngày của nhân vật, trong những câu tục ngữ, thành ngữ của dân tộc Tày, Mông hay những câu tiếng Pháp vừa lịch thiệp vừa hài hước… tạo nên bầu không khí lịch sử của một thời đã qua. Đây cũng là một điểm nhấn quan trọng của cuốn sách.
Là một thầy giáo từng dạy học ở Lào Cai trong những năm đầu gian khó của tỉnh, tôi may mắn có thời gian sống và làm việc cùng nhà văn Ma Văn Kháng nên có cơ hội hiểu rõ về tuổi trẻ của ông trên mảnh đất này. Đó là quãng thời gian Ma Văn Kháng gắn bó sâu sắc với cuộc sống của bà con các dân tộc vùng cao và tận lực, tận tâm dấn thân vào nhiều lĩnh vực, địa bàn công tác khác nhau của tỉnh. Lúc là một thầy giáo, khi là cán bộ chính trị, rồi trở thành nhà báo, nhà văn chuyên nghiệp... ông đã có một tuổi trẻ phong phú, sôi động, cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng của Lào Cai với phương châm “Sống rồi hãy viết”. Đây chính là một trong những cội nguồn nuôi dưỡng sức sáng tạo mãnh liệt của ông, khi đó và cả sau này. Ông nặng lòng với Lào Cai và gọi đây là “miền đất vàng của văn chương” cũng vì lẽ đó.
Đọc gần như toàn bộ tác phẩm của Ma Văn Kháng, nay lại đọc Chim én liệng trời cao - cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông, tôi càng tin vào nhận định “gừng càng già càng cay” như nhiều bạn đọc nói về Ma Văn Kháng. Không ít lần ra sách, ông đã nói rằng đó là cuốn cuối cùng của đời, nhưng rồi ông vẫn tiếp tục viết, vẫn không ngừng “sải cánh én bay cao” trên bầu trời văn học. Viết nhiều mà vẫn hay, số lượng luôn đi cùng chất lượng. Ông không chỉ có một mà nhiều đỉnh cao. Đây là điều rất ít nhà văn làm được
K.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)