Bình luận văn nghệ  Diễn đàn văn nghệ

Nghệ thuật đưa con người thoát khỏi đám đông

Thứ Tư, 29/05/2019 09:40

 

Bức tranh “Lắng nghe giao hưởng của Beethoven” (Eugene Louis Lami, mầu nước, 1840) với lời bình luận đầy sắc sảo của Nicholas Cook “Âm nhạc đã đưa họ ra khỏi đám đông con người và đồ vật” (Dẫn luận về âm nhạc, Nxb Hồng Đức, 2016, tr. 45) đã gián tiếp nói lên tình thế tiếp nhận nghệ thuật của con người. Theo đó, Âm nhạc mà rộng hơn là nghệ thuật là một cách để nhận thức thế giới, một cách để con người được làm người khi trở về trong thế giới của chính mình.

Mĩ học tiếp nhận khởi sinh trên nền tảng của triết học ngôn ngữ và hiện tượng học. Bởi vậy, con người dần nhận thức được rằng không có gì nằm ngoài ngôn ngữ, ngay cả đối với những thứ không thể diễn đạt một cách trọn vẹn bằng ngôn ngữ như Âm nhạc, Hội họa, Múa…. Chủ thể tính có thể được xem là một hạt nhân của hiện tượng học góp phần đẩy mĩ học tiếp nhận về chân trời của cá thể. Nicholas Cook đã diễn đạt khá sâu sắc ý tưởng về những kẻ đang đeo Headphone trong khán phòng nghe giao hưởng Beethoven. Headphone là hình dung mang tính tượng trưng về tình trạng cá nhân hóa trong hành vi tiếp nhận âm nhạc – nghệ thuật. Nghe một bản nhạc hay đọc một bài thơ, một cuốn tiểu thuyết, xem một bộ phim, nhìn ngắm một bức tranh, đa phần cái mà chúng ta thấy, nghe là những gợi dẫn ban đầu sẽ rất nhanh trượt trôi, nhạt nhòa. Đọng lại hoặc tiếp tục diễn tiến trong thế giới tinh thần, cảm xúc là sản phẩm đặc thù, sinh ra trong nội giới của chủ thể tiếp nhận gắn với kinh nghiệm thẩm mĩ của anh ta. Không bao giờ có sự trùng khít giữa kinh nghiệm của người này với người khác, bởi vậy, tiếp nhận nghệ thuật luôn luôn là hành vi mang tính cá nhân. Nhờ vậy mà nghệ thuật sống trong các chân trời khác nhau, dưới quyền uy của chủ thể tính. Dĩ nhiên, sẽ có những mẫu số chung nhưng chắc chắn đó chỉ là một cấp độ, một hoàn cảnh, một tình huống hay một trạng thái nhất thời (có tính mô tả) trong tiếp nhận. L.V Beethoven đã không thể nghe được. Bệnh điếc của ông đã trở thành cơ hội để ông hình dung một thứ âm nhạc hoàn toàn khác với những người có đôi tai lành lặn, bình thường. Ai đó, ở một thời điểm nào đó cho rằng Beethoven đã mang tới một thứ âm nhạc khác thường, nhưng có lẽ vì thế mà ông trở thành một nhà soạn nhạc lừng danh. Cũng như vậy, chính Picasso đã từng nhấn mạnh rằng, ông vẽ cái mà ông thấy chứ không vẽ cái mà người khác thấy.

Triết học ngôn ngữ có thế đã tạo nên bước ngoặt để đưa nhân loại tỉnh giấc, đặt họ vào một bình minh diễn giải đầy tính riêng tư, cá nhân thậm chí là phi lịch sử. Nhưng, chúng ta cũng phải thấy rằng, ngôn ngữ không bao giờ có thể diễn đạt đầy đủ trọn vẹn thế giới. Tình trạng bất lực của ngôn ngữ không phải là điều gì xa lạ, tuy nhiên vấn đề ở đây chính là chúng ta vẫn phải dùng ngôn ngữ để nói rằng ngôn ngữ đang bất lực. Ngôn ngữ bất lực ngay chính trong địa hạt của nó là nghệ thuật ngôn từ. Dường như triết học ngôn ngữ đã vô tình đưa con người vào một cơn mơ khác với cái bóng đầy ám ảnh của ngôn ngữ. Những cuộc tranh luận suốt cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX có phần cực đoan khi cho rằng ngôn ngữ đã làm vấy bẩn lên âm nhạc thuần khiết (Thứ âm nhạc không kèm theo lời). Và nếu vậy, trong một hình dung khác, ngay văn học – nghệ thuật của ngôn từ cũng cần phải cảnh giác với khả năng phản bội, khả năng trì hoãn hay xuyên tạc, của ngôn ngữ. Chính ở đó, hiện tượng học với khả năng đề cao chủ thể tính, với phương thức giảm trừ hiện tượng luận, với quan điểm lấy yếu tính của hiện tượng là cốt lõi đã định hình lại những khả năng kiến tạo. Nói cách khác, khi thế giới được tạo nên bởi ngôn ngữ, không có gì nằm ngoài ngôn ngữ, thì chủ thể của lời, chủ thể tiếp nhận và diễn giải sẽ đóng vai trò là thượng đế. Thượng đế thì chỉ có một và thế giới là thế giới của cá nhân tách biệt với đám đông.

Thưởng thức một bài thơ, một tiểu thuyết, đắm chìm trong một bản nhạc, chiêm ngưỡng một bức tranh… hoàn toàn là hành vi cá nhân. Yếu tố đám đông và các mẫu số chung thuộc về biểu kiến chỉ có tính chất khởi đầu, không quyết định đến việc tác phẩm đó sống như thế nào trong thế giới tinh thần của chủ thể tiếp nhận. Bởi vậy, nhờ nghệ thuật, may mắn thay, chúng ta có cơ hội trở về trong ngôi nhà của chính mình. Và, nếu đó là ngôi nhà của hữu thể thì phải chăng M. Heidegger còn muốn nhấn mạnh hơn đến những ưu tư phía sau ngôn ngữ - hiện hữu chính là hiện hữu cá thể. Đám đông, không gì khác là tình thế bị bức tử, hoặc tự vẫn tập thể của hiện hữu.

NGUYỄN THANH TÂM

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)