Phạm Xuân Trường và câu chuyện về bà má anh hùng ở cửa ngõ Sài Gòn

Thứ Năm, 23/05/2019 14:52

.KHẢI HOÀNG

Với thế mạnh là ghi chép lại những câu chuyện người thật việc thật một cách văn chương, dễ đọc, dễ cảm, dễ thấm, mảng truyện ký về những người anh hùng trong chiến tranh từng tạo nhiều thiện cảm đối với các thế hệ bạn đọc. Tuy nhiên gần đây, thể loại này có phần vắng bóng trên văn đàn, nếu có cũng ít gây được ấn tượng, có lẽ vì tính thông tin của những cuốn sách đó kém “độc, lạ” và các nhân vật được khắc họa cũng chưa tạo nên những giá trị mang tính biểu tượng phổ quát.

Chính vì vậy, khi có trong tay cuốn truyện ký nhan đề Ngọn đèn trong bão lửa của tác giả Phạm Xuân Trường do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành nhân dịp 44 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/2019), tôi đọc với một thái độ dè dặt. Nhưng rồi tôi đã đọc một mạch gần 250 trang sách với một niềm thích thú xen lẫn hào hứng. Đã lâu lắm rồi mới lại có dịp gặp lại mẫu nhân vật “bà má Nam Bộ” sinh động và thú vị trên những trang sách nặng tình tri ân như thế này. Hình ảnh bà má Nam Bộ vốn được khắc họa rất thành công qua các tác phẩm nổi tiếng như Bà má Hậu Giang của Tố Hữu, Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi, Gia đình má Bảy của Phan Tứ... nay như được bổ sung, tiếp nối với hình ảnh má Sáu Ngẫu trong tác phẩm Ngọn đèn trong bão lửa của nhà văn quân đội Phạm Xuân Trường.

Bìa cuốn sách

Má Sáu Ngẫu tên thật là Huỳnh Thị Sáu, sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở vùng cây trái Lái Thiêu, tỉnh Thủ Biên (thuộc Bình Dương ngày nay). Năm 1948, khi vừa 18 tuổi, má bắt đầu tham gia hoạt động bí mật với nhiệm vụ của một chiến sĩ giao liên. Từ đó cho đến ngày 30/4/1975, má Sáu Ngẫu đã có 27 năm hoạt động liên tục, qua lại như con thoi tại vùng giáp ranh Sài Gòn với nhiều nhiệm vụ khác nhau. Không chỉ làm giao liên, má Sáu Ngẫu còn tham gia xây dựng cơ sở bí mật, tuyên truyền địch vận, đi đầu trong các cuộc biểu tình phá ấp chiến lược, tham gia các trận đánh cùng biệt động Sài Gòn… Hầu hết những trận đánh vang dội của các đơn vị đặc công hay biệt động tại địa bàn Thủ Dầu Một,Tân Uyên, Phú Lợi, Bến Cát, Lộc Ninh, Biên Hòa, Phước Long hay vùng ven Sài Gòn đều có sự tham gia của má ở những vai trò khác nhau.

Cuốn sách chia thành hai phần (không kể phần Phụ lục là hình ảnh và những bài báo viết má Sáu Ngẫu). Phần một được tác giả tập trung miêu tả cuộc đời má Sáu Ngẫu trong thời kỳ hoạt động bí mật rất ác liệt mà điểm nhấn khép lại chính là chiến công vào đêm 29/4/1975. Chiến công này cũng chính là chi tiết cao trào của cuốn truyện ký khi Trung đoàn 27 (Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1) trong bước tiến thần tốc vào giải phóng Sài Gòn, đến xã Thuận Giao thì khựng lại vì không làm chủ được địa hình tiến công. Đúng vào thời điểm nước sôi lửa bỏng đó, Trung đoàn 27 đã tiếp nhận từ má Sáu Ngẫu tấm bản đồ đô thành Sài Gòn với đầy đủ các chi tiết đánh dấu đường đi, vị trí đóng quân, bố trí trận địa, các chốt hỏa lực… Nhờ tấm bản đồ được vẽ rất cụ thể, chi tiết này, Trung đoàn 27 chỉ trong buổi sáng ngày 30/4 đã liên tục đánh xuyên từ quận lỵ Lái Thiêu, diệt trại lính Huỳnh Văn Lương, cầu Vĩnh Bình, Bộ Tư lệnh thiết giáp, căn cứ lục quân công xưởng Gò Vấp, Tổng Y viện Cộng hòa và đến 9 giờ 30 sáng tiến vào Bộ Tổng tham mưu quân đội Việt Nam Cộng Hòa.

Phần hai của truyện ký được tác giả đặt nhân vật trung tâm là má Sáu Ngẫu qua các điểm nhìn tham chiếu từ đồng đội, người thân, góp phần tái hiện chân dung bá má Nam Bộ qua những lăng kính khác nhau, tạo cảm giác khách quan, chân thực hơn cho cuốn sách.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu và con gái má Sáu Ngẫu trong buổi ra mắt truyện ký Ngọn đèn trong bão lửa

Với lối viết giản dị, mộc mạc, văn phong ngắn gọn, dồn nén, sử dụng phương ngữ địa phương vừa đủ, tác giả Phạm Xuân Trường đã làm khá tốt cả phần truyện và phần . Ở phần ký, tác giả đã tỏ ra rất công phu trong sưu tầm tư liệu, gặp gỡ nhân chứng, lựa chọn các sự kiện, các trận đánh, các tình huống hiểm nghèo một cách chắt lọc, ấn tượng và giàu sức thuyết phục. Trong số các nhân chứng mà Phạm Xuân Trường gặp gỡ để thực hiện cuốn truyện ký này có Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên trung đoàn trưởng Trung đoàn 27 ở thời điểm tiếp nhận tấm bản đồ dẫn vào cửa ngõ Sài Gòn của má Sáu Ngẫu. Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã kể lại rằng: “Tối 29/4/1975, vào tới Búng, cách Lái Thiêu 10 km, qua trinh sát nắm tình hình tại bắc ngã tư Hòa Lân, 19 giờ tôi và anh Trịnh Văn Thư, chính ủy trung đoàn cùng tổ trinh sát đã bắt được liên lạc với cơ sở cách mạng. Tại xã Thuận Giao, gia đình bà Huỳnh Thị Sáu đã lấy tấm bản đồ đô thành Sài Gòn cất giữ từ lâu trao cho chúng tôi, má Sáu còn chỉ tường tận từng đường đi, các chốt đóng quân, trận địa hỏa lực của địch mà má đã đánh dấu”.

Tác giả Phạm Xuân Trường

Ngoài phần với sự tuân thủ nghiêm túc tính chất “người thật việc thật” thì ở phần truyện, tác giả Phạm Xuân Trường cũng dành những tâm tư sâu lắng cho nhân vật má Sáu Ngẫu. Khi chồng má bị địch bắt, tra tấn và bắn chết, Phạm Xuân Trường đã viết những dòng như thế này: “Để giữ bí mật, má thường gửi hai con về nhà ông ngoại trông giữ. Bao nỗi đau, má nén lại. Bao nhớ nhung, má đành giữ trong lòng. Có những đêm, má thảng thốt cất lên lời ru: Ví dầu cầu ván đóng đinh/ Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi/ Khó đi mẹ dắt con đi/ Con đi trường học, mẹ đi trường đời”… Má hát cho mình nghe. Má ru cho mình ngủ. Rồi sáng ra má bật dậy lấy công việc làm nguồn sống.

Hoặc hình ảnh bá má ốm yếu, đơn thân, đêm đêm nằm một mình trong vườn cây Lái Thiêu với ngọn đèn dầu chờ “đằng mình” về được, Phạm Xuân Trường viết: “Đèn sáng suốt đêm. Có kẻ mật vụ nằm vùng săm soi hỏi: Tại sao để đèn sáng thâu đêm vậy? Tín hiệu cho Việt Cộng hả? Má Sáu thở dài, buồn bã nói: Các ông biết rõ hoàn cảnh của tui mà. Tui cô đơn hiu quạnh trong cái vườn này. Tui sợ bóng tối lắm. Không có ánh đèn thì tui khác chi người chết trong bóng đêm” Thực ra, ngọn đèn đó má thắp là vì công việc. Đèn ấy như tín hiệu báo với cấp trên, rằng má vẫn an toàn, cũng là ám hiệu để cán bộ, chiến sĩ đi công tác qua hay làm nhiệm vụ gần đó có cần đến má thì yên tâm mà đến ở…

Má Sáu Ngẫu mất năm 1989. Tâm sự trong buổi ra mắt sách, tác giả Phạm Xuân Trường chia sẻ: “Tôi chưa được gặp má Sáu Ngẫu, chỉ thấy di ảnh và nghe nhiều người kể chuyện về má. Qua đó tôi có thể hình dung được phần nào về con người và những công lao của má trong hai cuộc kháng chiến. Không chỉ là một chiến sĩ cách mạng tài trí, kiên trung, quả cảm, với tôi, hình ảnh má gắn liền với hình ảnh ngọn đèn luôn cháy sáng trong vườn cây vào đêm tối mà không bao giờ tắt. Ngọn đèn trong bão lửa là nén tâm nhang tôi xin kính dâng má Sáu Ngẫu cùng các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thông nhất non sông”.

Với thái độ trân trọng quá khứ ấy, tôi tin tác giả Phạm Xuân Trường còn thành công hơn nữa ở những cuốn truyện ký về đề tài chiến tranh cách mạng mà anh đang dày công ấp ủ để hoàn thành trong thời gian tới.

K.H

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)