. NGUYỄN THANH TÚ
Cách dùng từ của Hồ Chí Minh luôn tuân theo nguyên tắc: chính xác, giản dị, dễ hiểu, có từ trong dân, nói để dân hiểu, dân mến, dân tin. Hai chữ “đày tớ” được Người dùng 57 lần (thống kê trong Hồ Chí Minh toàn tập) là một từ ghép, chỉ người phục vụ vô điều kiện, tuyệt đối trung thành. Từ này thì ai cũng hiểu vì đã trở nên quen thuộc trong truyện cổ dân gian, trong tục ngữ ca dao và cả trong đời thường nên được tác giả sử dụng để nói về bổn phận, trách nhiệm, nghĩa vụ của người cách mạng phục vụ vô điều kiện, tuyệt đối trung thành với nhân dân:
“Dân tin cậy ai thì người ấy trúng cử và bổn phận những người trúng cử là làm đày tớ công cộng cho dân chứ không phải làm quan phát tài” (Hồ Chí Minh toàn tập. 2002. Nxb Chính trị Quốc gia. Tập 5, tr 30).
Thậm chí có lúc Người nhắc đi nhắc lại hai chữ này để nhấn mạnh: “Chính phủ Cộng hoà Dân chủ là gì? Là đày tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ. Làm việc ngày nay không phải là để thăng quan, phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Nhưng khi dân dùng đày tớ làm việc cho mình, thì phải giúp đỡ Chính phủ. Nếu Chính phủ sai thì phải phê bình, phê bình nhưng không phải là chửi (Sđd. Tập 5, tr 60). Nhưng Người cũng dùng hai chữ này để khẳng định tinh thần độc lập tự chủ của nước Việt Nam trong đối ngoại. Tháng 5/1947, trả lời phỏng vấn của thông tín viên của hãng Roitơ(Anh) Người vừa mềm mỏng vừa cương quyết nói: “…Tuy chúng tôi rất có cảm tình với dân Pháp, nhưng nước Việt Nam không phải đày tớ của Pháp, vậy vấn đề Việt Nam không phải là một việc nhà của Pháp…” (Sđd.Tập 5, tr 137). Dĩ nhiên lời của Người không chỉ tác động tới dư luận quốc tế mà còn tác động cả đến tinh thần nhân dân trong nước. Chúng tôi nhận thấy Người dùng hai chữ này nhiều nhất vào các năm 1953-1955 (Sđd.Tập 7), 1955- 1957 (Sđd.Tập 8), 1960-1962 (Sđd.Tập 10), 1966-1969 (Sđd.Tập 12). Cũng dễ hiểu vì đây là những năm rất quan trọng để chúng ta kháng chiến giải phóng và xây dựng chủ nghĩa xã hội nên rất cần “ những con người xã hội chủ nghĩa”.
Hồ Chí Minh cũng thường dùng những ẩn dụ, hoán dụ quen thuộc của nhân dân. Ví dụ để nói về sự quý giá, thiêng liêng của thân xác con người, của tình người, từ vựng tiếng Việt có nhiều thành ngữ tục ngữ dùng hình ảnh máu, máu mủ, ruột, thịt…: “Quý như máu”; “Giọt máu đào hơn ao nước lã”; “Tay đứt ruột xót”; “Máu chảy ruột mềm”; “Xót tình máu mủ thay lời nước non” (Kiều)... Những hoán dụ này đi vào trong lời văn Hồ Chí Minh đậm một sắc thái biểu cảm về tình thương, về lẽ phải, lương tâm của con người:
“Các chiến sỹ đã hy sinh máu mủ để giữ gìn đất nước” (Sđd.Tập 5, tr13).
“Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột” (Sđd.Tập 5, tr 40).
“Máu Pháp và máu Việt chảy đã nhiều. Nhiều thành thị, làng mạc Việt Nam đã bị tàn phá, nhiều doanh nghiệp Pháp đã bị phá sản. Cuộc chiến tranh càng kéo dài ngày nào, thì tang tóc càng nhiều thêm, đổ nát càng chồng chất” (Sđd.Tập 5, tr 51).
“Nếu chiến tranh kéo dài, thì khối Liên hiệp Pháp cũng hỏng, lợi quyền Pháp ở Á Đông cũng mất, nước ta sẽ bị tàn phá tiêu điều. Nhưng dù tiêu điều đến đâu, non nước này vẫn là non nước Việt Nam. Trên đống xương máu, trên đống tro tàn, thanh niên ta, con cháu ta, sẽ xây dựng một nước Việt Nam hoàn toàn độc lập” (Sđd. Tập 5, tr 86).
“Chiến tranh sẽ tiếp tục. Máu người Pháp và người Việt sẽ đổ thêm nữa, khối Liên hiệp Pháp sẽ bị tiêu tan, tất cả những điều đó, bọn quân phiệt thực dân phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Chúng tôi muốn hoà bình. Chúng tôi muốn nước chúng tôi độc lập và thống nhất trong Liên hiệp Pháp” (Sđd.Tập 5, tr 129).
“Thân ái gửi đồng bào các tỉnh bị bão lụt ở miền Nam,
Vừa qua, mấy tỉnh miền Nam bị bão lụt dồn dập. Hàng nghìn đồng bào bị hy sinh. Hàng vạn nhà cửa bị đổ nát. Làng mạc xơ xác, vườn ruộng tơi bời.
Máu chảy ruột mềm, được tin tức đó, tôi và toàn thể đồng bào miền Bắc rất là đau xót như muối xát vào lòng.
Hội chữ thập đỏ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chuẩn bị gửi tặng đồng bào bị nạn một số gạo, vải và thuốc gọi là no đói có nhau, sẻ cơm nhường áo” (Sđd. Tập 11, tr 342).
Có cả một hệ thống ẩn dụ dân gian quen thuộc rất hay được Hồ Chí Minh sử dụng nhằm mục đích kêu gọi tuyên truyền, động viên cổ vũ như “hòn đá”( chỉ công việc nặng), “con cáo” (chỉ sự khôn ranh, tàn ác), “lửa” (chỉ sức mạnh)… từ đầu những năm 40 ở thế kỷ trước. Những ẩn dụ này đã có mặt trong thành ngữ: Nặng như đá; Trơ như đá; Khôn ranh như cáo; Cáo mượn oai hùm; Cáo nào tử tế với gà…nên lời cổ vũ tuyên truyền thấm rất sâu vào quần chúng. Để chỉ kẻ thù Người thường dùng thành ngữ “Chó dại cắn càn”( 5 lần) đã lột trần bản chất của kẻ xâm lược mà ý của thành ngữ đã nói lên: sự ngang ngược bất chấp phải trái của kẻ hung hăng. Người Việt dùng biểu tượng con rắn để chỉ những kẻ ác tâm, gian xảo, thường là để chỉ kẻ thù: Đánh rắn giập đầu; đánh rắn giữa khúc; Rắn đến nhà chẳng đánh thì quái… Bác Hồ cũng lấy hình tượng này để nói về kẻ xâm lược: “ Đánh địch phải đánh cho đúng, như "đánh rắn phải đánh dập đầu" (Sđd.Tập 8, tr 119), “Con rắn thực dân đã bị ta đánh gẫy lưng, song nó chưa bị đánh giập đầu. Còn đầu thì nó còn có thể cắn. Vì vậy, ta cần phải cẩn thận hơn, đề phòng hơn, chuẩn bị hơn nữa, để đánh cho giập đầu nó. Khi đó ta mới hoàn toàn thắng lợi!” (Sđd. Tập 5, tr 618). Khi nói về hình tượng kẻ thù ẩn dụ của Người luôn trong xu hướng vật hoá: “lũ chó tranh xương”, “chó săn”, “thay ngựa”…Đây cũng là ẩn dụ dân gian.
Có cả một hệ thống biểu trưng rất phong phú trong ngôn ngữ tiếng Việt. Những biểu trưng này là những tín hiệu thẩm mỹ mà càng khám phá nó người ta càng nhận ra những vẻ đẹp mới. Sân đình, bến nước, cây đa… là những mô típ quen thuộc nhưng đặt trong những văn cảnh khác nhau chúng lại sáng lên những ý nghĩa mới. Chữ “xuân”đã trở thành một biểu trưng của người Việt, vượt ra khỏi nghĩa chỉ thời gian (Xuân bất tái lai…) để chỉ niềm vui, ước mong, hạnh phúc, niềm tin, tuổi trẻ (Có nam có nữ mới nên xuân…). Thơ Bác Hồ nhiều “xuân”, để chỉ thời gian: Xuân này kháng chiến đã năm xuân/ Nhiều xuân kháng chiến càng gần thành công (Thơ Chúc Tết 1951); chỉ sức sống, sự sống, sức trẻ, tuổi trẻ: Sáu mươi tuổi còn xuân chán; là niềm vui, niềm tin, lạc quan: Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn/ Một năm là cả bốn mùa xuân; chỉ cuộc sống đang đà sinh sôi phát triển: Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân…Một câu nói của Bác Hồ vừa nói đến quy luật của tự nhiên vừa là niềm tin vào thế hệ trẻ: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội” (Sđd.Tập 4, tr 167). “ Đồng chí Titốp chúc Tết chúng ta không những đưa cái Xuân của quả đất đến cho chúng ta mà còn đưa mùa Xuân từ hơn 70 vạn cây số đến với chúng ta” (Sđd.Tập 10, tr 502). “Mừng Xuân, Xuân cả thế gian/ Phải đâu lãng phí cỗ bàn mới Xuân” (Sđd.Tập 10, tr 39). Mùa xuân không còn là thời gian vật lý đơn thuần mà là niềm vui, hy vọng: “Tết bây giờ khác trước rồi. Mùa xuân của chúng ta không phải là ba tháng mà dài hơn. Gia đình, họ hàng của ta cũng đông hơn trước rất nhiều vì gia đình ta là gia đình cộng sản chủ nghĩa” (Sđd.Tập 9, tr 329). “…các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa đều tiến bộ rực rỡ như hoa nở mùa Xuân. Phe đế quốc, nhất là tên trùm đế quốc Mỹ thì chẳng Xuân chút nào” (Sđd.Tập 10, tr 46).
“Các cháu yêu quý,
Là người theo dõi tổ chức thanh niên từ bước đầu hiếm hoi chỉ có tám cháu, ngày nay trông thấy có hàng triệu đoàn viên thanh niên, hàng triệu cháu bé nhi đồng, phát triển mơn mởn như hoa nở mùa xuân” (Sđd.Tập 12, tr 66). “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng” (Sđd.Tập 12, tr 558).
Trong Di chúc, Người cũng dùng từ “xuân” với nghĩa vừa chỉ thời gian vừa nói về về sức trẻ, niềm yêu đời: “ Khi người ta đã ngoài 70 xuân…”. Đặc biệt Hồ Chí Minh rất hay dùng biểu trưng “hoa” của người Việt. Sống ở xứ nhiệt đới nên cảm quan cỏ cây hoa lá của người Vịêt đã tìm đến “hoa” làm biểu trưng cho những cái gì đẹp, quý giá, thánh thiện: Đẹp như hoa; Tươi như hoa; Người ta là hoa đất; Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa…Để chỉ người con gái đẹp, thành ngữ có câu: Hoa cười ngọc thốt; Hoa dung ngọc mạo…; nói về người con gái còn trong trắng thì: Hoa xuân đương nhuỵ, Hoa còn ngậm nụ, Hoa thơm phong nhị…Lời nói câu văn hay thì: Hoa thêu dệt gấm…Những gì quý giá bao giờ cũng được coi trọng: Hoa thơm ai chẳng nâng niu… Hoa thơm ai nỡ bỏ rơi…Theo sự khảo sát của chúng tôi, trong bộ Toàn tập có 2499 trang có chữ “hoa” thì khoảng trên 200 lần Người dùng “hoa” theo nghĩa biểu trưng. Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra trong thơ Hồ Chí Minh hình tượng “hoa” là một tín hiệu thẩm mỹ truyền thống mà hiện đại, luôn toả sáng những ý nghĩa mới mẻ, sâu sắc, thâm trầm. Không chỉ có trong thơ mà trong văn xuôi, hình tượng này cũng mang những ý nghĩa đặc biệt, tinh tế, nhân văn.
“ Đã có những người làm nên sự tích oanh liệt được Đảng và Nhà nước tuyên dương. Đó là những bông hoa rất đẹp trong vườn hoa chung của dân tộc" (Sđd.Tập 12, tr.547, 548).“Đó là những bông hoa tươi thắm của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nhân dân ta và Đảng ta rất tự hào có những người con xứng đáng như thế” (Sđd. Tập 12, tr 438).
Trong Điện gửi Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua và dũng sĩ các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam lần thứ hai Bác coi những tấm gương đó là "tinh hoa của dân tộc": "Là tinh hoa của dân tộc, các anh hùng, chiến sĩ thi đua và dũng sĩ các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam đã nêu cao tinh thần trung với nước, hiếu với dân, dũng cảm, mưu trí, khiêm tốn, giản dị, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, khó khăn không ngại, gian khổ không sờn, quyết hoàn thành mọi nhiệm vụ cứu nước, góp phần vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc ta" (Sđd.Tập 12, tr.293). Bác đã dùng hình ảnh "những bông hoa rất đẹp", dùng tính từ "tinh hoa" để chỉ những con người được tôn vinh là anh hùng, chiến sĩ thi đua, điển hình tiên tiến… Đó là sự đánh giá rất cao, một sự ghi công của vị Chủ tịch nước đối với những con người xuất chúng. Hình ảnh những bông hoa rất đẹp không chỉ vì bản thân nó đẹp mà còn ở một ý nghĩa khác, ý nghĩa tuyên truyền giáo dục vì "hoa" luôn gợi đến ở người xem sự tác động đến thị giác (màu sắc), khứu giác (hương thơm). Quan niệm của Bác trong việc giáo dục nhân rộng những tấm gương điển hình là: "Một người phải biết học nhiều người. Hơn nữa, cần làm cho món ăn tinh thần được phong phú, không nên bắt mọi người chỉ được ăn một món thôi. Cũng như vào vườn hoa, cần cho mọi người được thấy nhiều loại hoa đẹp" (Sđd.Tập 12, tr.551).
Chúng tôi tìm thấy một biểu trưng xuất hiện với tần số cao trong tác phẩm Hồ Chí Minh: biểu trưng gốc rễ.
Truyền thống nhân nghĩa của người Việt đã quy định một nét tâm lý kính trọng tiền nhân, biết ơn nguồn cội: Có cội mới có cành; Lá rụng về cội; Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra...Bác Hồ kế thừa đạo lý này và dĩ nhiên tạo ra một màu sắc ý nghĩa mới cho phù hợp với thời đại mới trong việc giáo đục đạo đức cách mạng:
“Máu xương của các tiên liệt đã thấm nhuần gốc rễ của Đảng ta, làm cho cây nó càng vững, ngành nó càng to, và kết quả khai hoa ngày càng rực rỡ” (Sđd.Tập 5, tr 548,549).
Bác Hồ là một biểu hiện tuyệt vời về đức khiêm tốn: Mong manh áo vải hồn muôn trượng (Tố Hữu), Người nhắc nhở mọi người đức tính này: "Các chú có biết biển cả do cái gì tạo nên không?
Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông. Biết bao nhiêu giọt nước nhỏ hợp lại mới thành biển cả. Một pho tượng hay một lâu đài cũng phải có cái nền rất vững chắc mới đứng vững được. Nhưng người ta dễ nhìn thấy pho tượng và lâu đài mà không chú ý đến cái nền. Như thế là chỉ thấy cái ngọn mà quên mất cái gốc!" (Sđd.Tập 12, tr.549). Một chân lý về quan hệ giữa cá nhân và quần chúng, giữa bộ phận và toàn thể được Người diễn đạt rất dễ hiểu bằng những hình ảnh giản dị.
Biểu trưng “gốc rễ” được Hồ Chí Minh diễn đạt một cách hình tượng nói về những vấn đề căn bản nhất, quan trọng nhất:
“Cần, Kiệm, Liêm, là gốc rễ của Chính. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có ngành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm, nhưng còn phải Chính mới là người hoàn toàn” (Sđd.Tập 5, tr 643).
Như vậy người đọc hiểu ngay: một người có đạo đức cách mạng ví như cái cây vậy, có gốc là Cần, Kiệm, Liêm, còn ngành, lá, hoa, quả là Chính. Hiểu theo lôgich của hình tượng thì gốc Cần, Kiệm, Liêm có vững có bền thì ngành, lá, hoa, quả là Chính càng tốt tươi, hoa càng thơm trái càng ngọt.
Hồ Chí Minh có những ẩn dụ bất ngờ mà giàu sắc thái biểu cảm:
“Hôm nay, trông thấy rừng cây đại đoàn kết ấy đã nở hoa kết quả và gốc rễ nó đang ăn sâu lan rộng khắp toàn dân, và nó có một cái tương lai "trường xuân bất lão". Vì vậy cho nên lòng tôi sung sướng vô cùng” (Sđd.Tập 6, tr 181).
“Rừng” thì bao giờ cũng có nét nghĩa chỉ một không gian rộng tập hợp của nhiều loại cây, dáng cây, thế cây. Nói “rừng cây đại đoàn kết” vừa đảm bảo tính chính xác của hình tượng vừa phù hợp với cái ý diễn tả phong trào đại đoàn kết mà “gốc rễ nó đang ăn sâu lan rộng khắp toàn dân”.
“Miền Bắc là nền tảng, là gốc rễ của lực lượng đấu tranh của nhân dân ta. Nền có vững, nhà mới chắc. Gốc có mạnh, cây mới tốt” (Sđd.Tập 8, tr 67).
Một ẩn dụ nói rất sâu sắc về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của miền Bắc là “gốc rễ” trong cái cây đất nước, là “nền tảng” của ngôi nhà dân tộc. Cái cây là một cơ thể, ngôi nhà là một chỉnh thể. Còn một ý nữa toát ra: miền bắc, miền trung, miền nam dù đâu là gốc, đâu là cành… thì cũng là chung một khối, một cơ thể.
Hồ Chí Minh dùng biểu trưng “gốc rễ” để nói về một đơn vị nòng cốt, hạt nhân: “Tổ chức gốc rễ của Đảng là chi bộ” (Sđd.Tập 7, tr 240); để nói đến bản chất chất, nguyên nhân sâu xa, căn cốt của vấn đề:
“Tự kiểm thảo và kiểm thảo người khác phải thật thà, phải dựa vào sự thực, phải đào tận gốc rễ những khuyết điểm. Không nên thoa vẽ, che giấu. Không nên "ít thít ra nhiều", càng không nên nói việc nhỏ bỏ việc lớn, nói việc cũ quên việc mới” (Sđd.Tập 6, tr 492).
“Có khi phê bình, thì cũng "đánh trống bỏ dùi", không đi sâu xét kỹ tận gốc rễ vì sao có khuyết điểm ấy?...” (Sđd.Tập 7, tr 271).
“Chúng ta phải thay đổi triệt để những nếp sống, thói quen, ý nghĩ và thành kiến có gốc rễ sâu xa hàng ngàn năm” (Sđd. Tập 8, tr 493).
Có một hình tượng “tiên” trong thơ Hồ Chí Minh:
Tự do tiên khách trên trời
Biết chăng trong ngục có người khách tiên.... (Ngọ hậu - Quá trưa)
Thuốc kiêng rượu cữ đã ba năm,
Không bệnh là tiên sướng tuyệt trần... (Vô đề ).
Ăn khoẻ, ngủ ngon, làm việc khoẻ
Trần mà như thế kém gì tiên... (Sáu mươi tuổi ).
Như vậy “tiên” là một hình tượng mang ước mơ khát vọng của người ở cõi trần hướng về thế giới ‘tiên” đầy sung sướng, hạnh phúc, viên mãn... Mà trong tín ngưỡng người Việt thì tiên cũng là phật, cảnh tiên là cảnh phật. Trong bài Ngọ hậu Bác tự coi mình là một “khách tiên”, ở hai bài còn lại thì “tiên” được coi như là một chuẩn mực thẩm mỹ để so sánh với thế giới trần gian. Ở trần cũng có thể được coi là “tiên” nếu “không bệnh” và “ăn khoẻ, ngủ ngon, làm việc khoẻ”. Toát ra một quan niệm biện chứng về một cuộc sống hạnh phúc: là không bệnh tật ốm đau, tinh thần thư thái và làm việc hết mình, hăng say. Có thể nói ở con người Hồ Chí Minh đã kết hợp hài hoà con người “tiên” và con người trần thế để tạo ra bức chân dung một bậc vĩ nhân, thánh thiện, đẹp đẽ nhưng cũng rất mực đời thường dung dị.
Hình tượng “bụt” có nghĩa là Phật, trong truyện cổ thường để chỉ một thế lực siêu hình luôn cứu giúp người nghèo khó lúc hoạn nạn, trong cách nói dân gian để chỉ những người hiền lành, đạo đức (Hiền như bụt). Bác Hồ dùng hình tượng này để nói về nhân cách cao cả của đồng chí Vinhem Pích, Chủ tịch nước cộng hoà dân chủ Đức:
“Cũng như đối với các lãnh tụ cách mạng khác, kẻ địch của nhân dân lao động sợ đồng chí Pích như sợ cọp. Nhưng với những người cách mạng thì đồng chí Pích hiền hậu như ông bụt. Ai đã được làm việc gần đồng chí Pích cũng đều yêu mến đồng chí, vì tính đồng chí rất giản dị, thân mật, vui vẻ, trẻ trung” (Sđd.Tập 8, tr 110).
Bài học Bác Hồ cho ta thấy trong nói và viết cũng phải lựa chọn lượng từ vựng ít nhất nhưng nói được nhiều ý nghĩa nhất.
NTT
VNQD