Con người có mặt trên trái đất này là ngẫu nhiên của tạo hóa. Tạo hóa sinh ra thế. Khoa học có giải thích đến mấy thì bản thân con người vẫn là một thế giới bí ẩn. Tình yêu của con người vô biên mà đời người thì hữu hạn. Mâu thuẫn ấy luôn giằng níu đời sống từ hai phía, có lúc đồng nhất có lúc không đồng nhất. Nếu tình yêu là thứ thần dược thăng hoa con người thì cuộc sống đôi khi là sản phẩm của sự hệ lụy. Vô tình(*) nghiệm về tình yêu và lẽ sống, hai mặt trong một con người.
Nhà thơ Nguyễn Phan Hách
1. Hàng nghìn năm nay không ai cắt nghĩa nổi tình yêu là gì. Tình yêu trong mỗi người dường như được ứng nghiệm từ nơi thiên nhiên, trong bao la vũ trụ. Tình yêu không ai giống ai, trẻ có tình yêu của trẻ, già có tình yêu của già. Nhà khoa học đến với tình yêu không như công việc họ đang làm, lúng túng vụng về, hồn nhiên đến nỗi không còn là nhà khoa học. Nhà thơ đến với tình yêu cũng vậy, ngơ ngác, có khi lẩn thẩn chẳng giống bài thơ viết ra. Nhưng thơ ca bao đời luôn giải mã tình yêu, tìm mọi cách để nói lên cái sâu kín của tình yêu. Nhờ vậy cái-vườn-tình muôn thuở của nhân loại ngày một xanh tươi. Theo suy nghĩ của Nguyễn Phan Hách, cái ta có được hôm nay vạn năm trước đã có, người ta gặp được hôm nay vạn năm trước đã gặp. Cho nên vòng tay tình yêu mới như ngày với đêm, như đường biên mơ hồ hư ảo. Anh đi tìm nguyên do, sự hiện diện, biến mất của tình yêu, đi tìm câu trả lời vì sao đau khổ, vì sao cách biệt, vì sao ngang trái:
Cuộc tình này hai đứa
Như vào đường ngược chiều
Mà không cưỡng lại được
Sẽ ra sao, tình yêu…
(Ngược chiều)
Đã vào đường ngược chiều, tất không thể gặp lại. Một cuộc tình không thành. Không thành, không cưỡng lại được, ấy thế mà vẫn dấn bước, có thế mới là tình yêu. Nhà thơ muốn tìm âm bản của tình yêu chăng? Không biết khi yêu người ta được gì, dẫu một lời hẹn nơi quán vắng: Đợi bão và đợi em/ Bão đến trước hay em đến trước. Có thể hai tình huống đều xảy ra. Có thể đón nhận hạnh phúc, cũng có thể đón nhận gối cô đơn với ôm ghì nỗi đau. Đôi khi cuộc khởi nghĩa của trái tim bé bỏng bất thành, như sói đồng hoang tru tiếng tru đói khát với một nỗi buồn mênh mang. Nhưng không sao, tình yêu vẫn an bài lắm chứ. Bởi vì tạo hóa đã sinh ra anh, thể nào cũng ban tặng tình yêu cho anh:
Vô tình có mặt trên đời
Vô tình tôi có một người để yêu
(Vô đề 1)
Chàng hiện diện trong cõi đời này, ắt sẽ hiện diện một nàng để chàng yêu. Rất công bằng đúng không? Nhưng lạ chưa, tất cả đều vô tình, có điều gì đó rất siêu thoát. Vì thế tình yêu luôn thánh thiện, xoa dịu nỗi đau con người, cứu rỗi con người. Tình yêu giống như thơ ca làm cho thế giới này cao lên, đẹp ra. Tình yêu làm hồ nước thêm trong, cây thêm xanh biếc. Ẩn dụ nhưng đúng với quy luật của muôn loài, của thiên nhiên và con người; về mặt nào đó là linh ngã của vũ trụ.
Nhưng rồi, những gì qua đi, những gì nằm lại, nhà thơ vẫn ngộ ra tất cả đều là hư vô. Sự gặt hái của tình yêu cũng không thoát ra ngoài quan niệm vô thường. Tình yêu không có sự kết thúc, tình yêu luôn là sự mở đầu. Có thể xem đây là một định nghĩa rất lí thú về tình yêu:
Ngày xưa anh hứa với em
Hái cho em đóa sao đêm sáng ngời
Bao nhiêu năm đã qua rồi
Ngôi sao ấy vẫn trên trời xa xăm
(Sao)
2. Song hành với tình yêu là cuộc mưu sinh của con người vận hành với những lốc xoáy chóng mặt. Không ai quả quyết rằng cuộc sống đồng nghĩa với khổ ải, bi thương. Nhà thơ cũng vậy. Nguyễn Phan Hách đã tìm thấy những gì uẩn khúc, cay nghiệt mà cuộc sống luôn đối mặt với mỗi người. Chiêm nghiệm về lẽ sống, ý thức về thời cuộc đã bật lên những câu thơ không mấy chải chuốt. Anh bóc trần thế thái nhân tình bằng ngôn từ thẳng đứng vỗ mặt, cô lại như một chân lí. Nhìn con sên bò, anh tưởng tượng đến tiến trình lịch sử nhân loại đang đi: Mày bắt chước mô đen lịch sử/ Hay lịch sử bắt chước mày. Bởi con người trong thời hiện đại với những cuộc tranh giật, chém giết nhau không thương tiếc. Đạo làm người biến hóa suy đồi trầm trọng. Cái thời: Nền văn minh vật chất/ Nuốt chửng văn minh tinh thần. Cái thời: Những câu chuyện đạo đức/ Đã trở thành cổ tích. Đến nỗi cảm thán: Chơi với con người/ Có lúc hóa điên. Trịnh Công Sơn có một câu hát rất hay: Thôi về đi, đường trần đâu có gì. Không thể lí giải vì sao, tại sao ở đây, cũng như đặt câu thơ trong phạm trù tư tưởng. Nhà thơ thấy mình như con bò nhai lại thời gian trong trạng thái mệt mỏi, cô đơn và buồn bã. Sự đổi thay của cuộc sống có thể diễn ra như ánh chớp. Nhưng làm thay đổi bản chất một con người, giúp con người từ bỏ những xấu xa, ích kỉ không dễ dàng diễn ra trong thời gian ngắn. Chế nhạo, cười cợt thói đời là cách phản kháng của văn học. Nếu văn học chỉ minh họa một chiều sẽ hẫng hụt, què quặt, không thúc đẩy lương tri xã hội. Nguyễn Phan Hách thẳng thừng sòng phẳng với đời sống mà anh là một thực thể. Đấy là động thái tích cực của thơ anh. Trong Cá tháng tư, ngày nói dối, một tứ thơ hàm chứa, anh viết:
Nói dối quanh năm
Nói dối cả đời
Nói dối hết thế kỉ này
Sang thế kỉ khác
Lại còn khoác lác
Bày đặt ra Ngày Nói dối
mồng Một tháng Tư
Để chữa thẹn
Để nói dối rằng
Cả 364 ngày ta nói thật
Chỉ có một ngày nói dối thôi…
Ô hay, thì ra trong 365 ngày đã có 364 ngày nói dối thiên hạ đủ điều, còn một ngày nữa thôi, ngày Một tháng Tư lẽ ra phải nói thật chứ. Không ngờ ngày ấy thiên hạ cũng rủ nhau nói dối. Hãy nhìn nhận mặt tích cực trong tính chất phản kháng của văn học. Vì nó lột tả cái thế giới đi ngược chiều tinh thần nhân văn của con người, phơi bày những trò đời giả tạo. Tính phản kháng, mục đích cuối cùng, nhằm đề cao chân thiện mĩ trong mọi hoàn cảnh xã hội.
Ý thức làm thơ chính là ý thức sống. Thơ là tiếng lòng của thi sĩ, khiêm tốn với cuộc đời: Những ý nghĩ của tôi/ Lóe như vầng sao biếc/ Mà những câu thơ viết/ Như đàn đom đóm bay.
Có nghìn con đường đến với thơ và cũng có nghìn con đường để độc giả tiếp nhận. Đường dây nghệ thuật trực tuyến của Nguyễn Phan Hách chưa đi tới cùng sự rung cảm, nhưng ta vẫn nghe được giọng nói tự nhiên trung thực, đúc kết như một cách ngôn, không tỉa tót, không hoa mĩ của một hồn thơ từng trải, dạn dày với cuộc đời.
HOÀNG VŨ THUẬT
_________
(*) Tập thơ của Nguyễn Phan Hách, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2007
VNQD