Bác Hồ - Một tâm hồn vui vẻ, lạc quan

Thứ Bảy, 20/04/2019 09:40

. NGUYỄN HÀ THANH

Đồng chí Lý - cận vệ của Bác cho biết: “Tôi đi với Bác kể đã mười bảy năm, gian nan vất vả không phải là ít, nhưng chưa bao giờ, phải, chưa bao giờ nghe thấy Người thở dài một tiếng, kêu khổ lấy một lời…”. Để được là một người như thế phải là một bản lĩnh vô song, một tâm hồn lạc quan cách mạng tuyệt vời, nhưng cũng phải kể đến một phẩm chất nghệ sỹ luôn vui vẻ, hóm hỉnh đã giúp Bác.

Bác hay đùa vui, nhưng đó là thứ đùa vui trí tuệ, thứ đùa vui kéo con người lại gần với con người. Một đồng chí làm việc ở văn phòng của Bác kể Bác “chia phần”, là đùa vui biểu hiện tình đoàn kết gắn bó cũng là động viên khuyến khích anh em: “Đi công tác, Bác và anh em chúng tôi đều ăn chung với nhau. Một hôm đồng chí cấp dưỡng tìm được con chim rất béo, đem quay để phần Bác. Lúc ăn Bác lại đem chia đều cho tất cả mọi người và chỉ nhận cho mình một phần bằng những người khác. Xong, Bác gắp cái đầu cho đồng chí bác sĩ:

- Chú suy nghĩ nhiều cho cái đầu.

Bác gắp đôi cánh cho đồng chí vận tải:

- Chú mang vác nhiều cho đôi cánh.

Bác gắp cho đồng chí lái xe:

- Chú chạy nhiều cho cái “giò”.

Tiếng cười đùa vui của Bác thường được kiến tạo chủ yếu qua lối chơi chữ hóm hỉnh. Năm 1946, Bác sang Pháp, khi làm hộ chiếu, đến mục tiểu sử, người làm thủ tục hỏi cụ thân sinh, Bác trả lời: “Bác là Hồ Chí Minh thì ông cụ thân sinh là Hồ Chí Thông”. Có lần một nhà báo nước ngoài hỏi Bác: “Có phải Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc không?”. Bác trả lời: “Ông cứ đến ông Nguyễn Ái Quốc mà hỏi”. Bác đến thăm nhà chị Loan ở chiến khu (sau này là phu nhân Đại tướng Hoàng Văn Thái), thấy đông trẻ con, Bác nói vui: “Ồ tưởng đây là nhà cô Loan, hóa ra mình vào nhầm nhà trẻ”. Nhà thơ Xuân Diệu nhớ lại những ngày buổi đầu kháng Pháp, có mấy cậu lính trẻ hay đùa Bác, cứ gạn hỏi: - “Thưa Bác, những năm trước Bác ăn Tết ở đâu?”. Bác trả lời: “Ăn Tết ở mồm”.Thế là các đồng chí trẻ chịu!”. Cùng là động từ “ăn” nhưng là chơi chữ, hỏi ăn ở đâu (hỏi địa danh), trả lời ăn ở mồm (vị trí), dựa vào sơ hở của câu hỏi không rõ ràng mà lời đáp bật ra tiếng cười.

Tháng 4-1945 đồng chí Hoàng Quốc Việt từ Trung Quốc về gặp Bác, Bác nói vui: “Vất vả gian lao làm cho “ông hoàng nước Việt” trẻ khoẻ hẳn ra”. “Ông hoàng nước Việt” là dịch nghĩa Hán Việt từ tên Hoàng Quốc Việt. Cuối 1952, cơ quan báo Lao động di chuyển địa điểm từ Thái Nguyên sang Tuyên Quang, gặp Bác Hồ. Bác chỉ tay về phía chúng tôi: “Báo lao động hả… báo ở trong rừng có sợ hổ không?”. Ở đây Bác chơi chữ đồng âm “báo” (Lao động) với “con báo” (động vật).

Một lần tiếp các chiến sỹ miền Nam ra, những lời mở đầu rất hóm, rất vui, Bác đã tạo nên bầu không khí chan hoà, thân mật ấy: “Hôm nay, Bác ăn Tết với các cháu miền Nam. Bác đãi các cháu ba món: bánh, kẹo và nước chè. Bánh thì mỗi người một cái, kẹo thì hai cái một người. Còn nước chè... nước chè thì... (Bác bỏ lửng, dừng một tí rồi mới nói tiếp)... nước chè thì... uống tự do!”. Hàng trăm tiếng cười giòn cùng cất lên một lúc...

Một nghệ sỹ chụp ảnh vội vã đi đến chỗ Bác Hồ đứng: “Thưa Bác, cháu xin lỗi đã để Bác và các đồng chí phải chờ lâu vì cháu phải tìm cái “Chân máy” ạ. (Một bộ phận của máy ảnh cỡ lớn, thường gọi bằng tiếng Pháp là “trépied”, tức là cái giá ba chân).

Anh phóng viên nhiếp ảnh đang lo sợ bị khiển trách. Anh không ngờ lại được nghe Bác Hồ nói đùa rất vui: Ờ, chỉ có điều là: đứng đợi cho chú tìm được cái “chân máy” thì cái “chân của người” mỏi nhừ, e đứng không nổi”... Những tiếng cười giòn giã lại cất lên. Anh phóng viên nhiếp ảnh, tuy đang áy náy vì sự chậm chạp của mình, cũng phải bật cười theo”. Lần ấy Bác đến thăm một đơn vị quân đội: “- Hôm nay Bác tới thăm đại đoàn thổ công...”. Cả hội nghị đều ngạc nhiên, cười theo Bác. Bác giải thích: “- Gọi các chú là thổ công, vì các chú lấy tên là sư đoàn Sông Lô. Các chú sinh ra, lớn lên ở đó. Chú nào cũng thuộc sông Lô như thổ công thuộc bếp. Vì vậy Bác gọi sư đoàn các chú là thổ công”. Tiếng reo, tiếng vỗ tay nổi lên...”.

Đây là câu chuyện Bác chơi bóng chuyền. “Người búng bóng, phát bóng chắc chắn, nhưng tuổi già nên chậm, chỉ đỡ được những quả nhẹ nhàng và ở phía trước thôi. Do đó hễ bên kia bị thua là cánh trẻ cứ nhằm Bác bỏ nhỏ, mà bỏ thì họ cứ bỏ bên trái, hoặc sau lưng Bác. Những lúc ấy Bác thường cười và kêu lên: “- A nó truy “tủ”, Kháng, Chiến, Trường, Kỳ đâu? Hay Nhất, Định, Thắng, Lợi đâu? Bảo vệ “tủ”mau!

Bác cháu cười vang cả khu rừng.

Những lúc bơi lội, chúng tôi thường bơi quanh Bác để giúp Người những khi qua dòng nước mạnh. Bác thường đùa, Người chỉ vào mình và chúng tôi mà nói: “- Đây là “bà già”, còn đây là các tàu bay khu trục”.

Hôm khai mạc lớp học chỉnh huấn, một đồng chí lên đọc thơ Huy Cận. Bác hỏi vui: “Tác giả bài thơ có ở đây không?” Nhà thơ Huy Cận thưa có. Bác nói: “Thế thì mời “tác thật” lên đọc thơ của mình cho nó thật hơn!”.

Một đồng chí đi cùng Bác kể: “Chúng tôi mệt nhưng không dám đề nghị Bác cho nghỉ. Đến một đoạn đường có cây to, thấy nhân dân treo khẩu hiệu: “Hồ Chủ tịch muôn năm!”, Bác cười vui vẻ hỏi: “Đố các chú đồng bào treo bảng gì kia?”. Anh em trả lời : “Thưa Bác, khẩu hiệu: Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Bác cười và nói: “Không phải, Hồ Chủ tịch muốn nằm đấy!”…

Đường lên Cao Bằng lên càng dốc. Hết lên đèo lại xuống đèo. Một lần ngồi nghỉ giải lao, Bác chỉ đồng chí cùng đi người Cao Bằng và bảo: “Tỉnh chú lấy tên là Cao Bằng là không đúng”. Đồng chí kia chưa hiểu Bác định nói gì, thì Bác cười vui nói tiếp: “Cao Bằng gì mà càng lên cao càng dốc, theo Bác phải đặt tên là Cao Cao mới đúng”. Hiểu ý Bác đùa, Bác cháu cùng cười vang, quên cả mệt nhọc”.

Năm 1946 Bác đến thăm một đơn vị bộ đội. Biết Bác hay đùa vui, một số chiến sỹ giới thiệu đồng chí có tên là Thùng Văn Rùa lên gặp Bác. Bác ngạc nhiên hỏi: “- Họ chi lạ vậy?”. Anh em cười. Đồng chí chỉ huy thưa vì ăn khỏe “thùng bất chi thình” nên anh em mới đặt tên như vậy. Bác đề nghị gặp. Một đồng chí béo lùn bước ra. Bác xoa bụng Thùng Văn Rùa và nói vui:

“- Chú Rùa này tốt bụng với anh em lắm đấy! Tướng Thùng Văn Rùa mà cầm quân chống giặc đói thì chắc là gay go quyết liệt lắm nhỉ?

Tất cả bung ra một trận cười thoải mái”. Bác đùa đồng âm dị nghĩa: “tốt bụng” là tốt tính và cũng có thể hiểu là bụng to béo. Kết hợp với tính thời sự “chống giặc đói” càng gợi ra ý vị: những người to béo càng phải cố gắng lao động, tiết kiệm để... chống “giặc đói”.

Bác còn cách đùa kết hợp phong cách hóm hỉnh của cử chỉ, điệu bộ với cách dùng ngôn từ giàu tính bất ngờ. Câu chuyện sau do nhà văn Hồ Phương kể là một ví dụ. “Thế rồi đúng ngày mùng một Tết Bác tới. Cả Đại đoàn vui như hội. Bác được mời tới phòng khánh tiết. Trước ban thờ Tổ quốc và tấm chân dung của mình, Bác chăm chú ngắm nhìn. Tôi - tác giả của bức hình ấy không khỏi vô cùng hồi hộp. Mọi người cũng theo dõi từng cử chỉ, lời nói của Bác. Thế rồi Bác mỉm cười, gật đầu:

- Giống! Giống đấy!

Tôi chỉ còn thiếu bay lên vì sung sướng. Mọi người cũng đều đổ dồn mắt về phía tôi với những nụ cười rất tươi để chia sẻ niềm vinh dự.

Vẫn ngắm bức chân dung, Bác gật gù tiếp:

- Giống! Ừ, giống lắm! Giống y như… đồng chí Hồ Tùng Mậu vậy!

Ngạc nhiên và hết sức bất ngờ, nhưng rồi tiếng cười lập tức vỡ oà khắp phòng khánh tiết. Mặt tôi nóng bừng. Ôi, Bác hóm quá, vui tính quá. Bác Hồ Tùng Mậu là ai, mọi người ai đều biết cả. Đó là một đồng chí Trung ương khi ấy, cũng trạc tuổi Bác và cũng để râu y như Bác… Bác quả là bậc thầy humour (hài hước). Nhưng rồi Bác kéo tay tôi lại gần, ân cần:

- Dẫu sao, thế cũng là tốt rồi! Phải không nào? Bác cám ơn chú đấy!

Mọi người lại vỗ tay ran, lần này còn to và kéo dài hơn cả lần trước…”.

Một lần đến dự Đại hội nọ. Bác bắt đầu nói chuyện với đại hội. Bác hỏi:

- Có bao nhiêu người tham luận rồi?

- Thưa Bác, chín mươi chín rồi ạ. Một đồng chí đáp.

Bác cười:

- Thế này là vừa đúng một trăm. Nhưng các cô, các chú đừng sợ, có ba trang thôi! Bác cầm tờ giấy giơ lên trước mặt, cả hội trường lại cười reo vui vẻ”…

Bác có cách đùa vui theo lối nhại rất có duyên. Lần gặp các cháu văn công quê nhà, Bác rất vui. Lần đầu tiên vào Phủ Chủ tịch, đoàn đang bỡ ngỡ, lo lắng thì đột nhiên Bác vào phòng hóa trang. Bác hỏi quê quán từng người, Bác gật đầu nhại tiếng: “Nghi Lộc à? Con “méo” phải không?”. Đến anh Ngoạn, Trưởng đoàn, quê Thừa Thiên, Bác lại giả lắc đầu: “Rứa là không phải Nghệ An nhà choa!”. Cả đoàn cười rộ. Đoàn diễn phấn khởi, hào hứng chưa từng thấy. Và diễn rất tự nhiên, mặc dù Bác ngồi xem cách diễn viên chỉ hai bước chân vì không có sân khấu riêng”. Đồng chí Phạm Thanh Đàm kể, Bác đi thăm Quảng Bình, lúc ngồi nghỉ mấy cô quân y chạy tới vây lấy Bác. Một cô cảm động nói:

- Bác ơi! Được gặp Bác, chúng cháu sung sướng lắm!

Bác vui vẻ:

- Bác cũng thế. Được gặp các cháu, Bác vui lắm.

Một cô khác:

- Thật từ bé đến giờ, đây là lần đầu tiên cháu được thấy Bác.

Bác cũng vậy, từ bé đến giờ, lần này là lần đầu tiên Bác mới thấy cháu”.

Chỉ là lối nhại vui nhưng rất có ý nghĩa: sự hòa đồng; sự vui đùa không khoảng cách giữa lãnh đạo và dân.

Tâm hồn vui vẻ, lạc quan giúp Bác vượt qua những nghịch lý của người yêu nước phải chịu cảnh tù đày thực dân, đế quốc, vượt qua những khó khăn, trở ngại của cuộc sống kháng chiến gian khổ.

NHT


[1]. Ngọc Châu - Bài học Bác dạy .Nxb Công an nhân dân, 2005.tr 82.

[2]. Đinh Đăng Định kể. Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 1, tr 166.

[3]. Ban Tuyên giáo Trung ương - Những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nxb Chính trị Quốc gia, 2009, tr 67.

[4]. Xuân Diệu. Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 1, tr 66.

[5]. Nhiều tác giả- Bác Hồ trong trái tim các nhà ngoại giao - Nxb Chính trị Quốc gia, 1999. tr 164.

[6]. Nhiều tác giả - Bác Hồ ở Việt Bắc - Nxb Chính trị Quốc gia, 2011, tr 555.

[7]. Lưu Trùng Dương kể - Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 2, tr 155, 157.

[8]. Ngọc Châu - Bài học Bác dạy .Nxb Công an nhân dân, 2005. tr 129.

[9]. Ngọc Châu - Bài học Bác dạy .Nxb Công an nhân dân, 2005. tr 75.

[10]. Ban Tuyên giáo Trung ương - Những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nxb Chính trị Quốc gia, 2009, tr 67.

[11]. Nhiều tác giả - Bác Hồ ở Việt Bắc - Nxb Chính trị Quốc gia, 2011, tr 423.

[12]. Trần Văn Giang - Bác Hồ kể chuyện Tây du ký. Nxb Trẻ, 2004, tr 18.

[13]. Hồ Phương kể. Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 1, tr 133,134, 137.

[14]. Trà Giang kể. Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 1, tr 259.

[15]. Lệ Vinh kể - Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 2, tr 299.

[16]. Nhiều tác giả - Những chuyện vui và cảm động về Hồ Chủ tịch . Nxb Công an Nhân dân, 2000.tr 285.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)