Bác Hồ - Một trí nhớ siêu việt của nghệ sỹ lớn

Thứ Sáu, 26/04/2019 09:45

. MAI HOÀNG

Một nghệ sỹ không thể thiếu phẩm chất trí nhớ. Vì phải lăn lộn, phải sống sâu sắc với cuộc đời nên trí nhớ càng được rèn luyện. Phẩm chất này phải được coi là thuộc tính ở bất cứ nghệ sỹ nào. Nghệ sỹ càng lớn thì càng có trí nhớ tốt, như một tỉ lệ thuận vậy. Hồ Chí Minh là một nhà thơ, nhà văn kiệt xuất, và Người có một trí nhớ tương ứng.

Trí nhớ là do rèn luyện chứ không tự nhiên mà có. “Là một thiếu nhi thông minh, Nguyễn Sinh Cung thích nghe chuyện và hay hỏi những điều mới lạ. Điều gì đã biết thì Nguyễn Sinh Cung nhớ rất lâu, đặc biệt là những chuyện cổ tích, những câu hát phường vải mà bà ngoại và mẹ thường kể”.

Theo lời kể của người nhà ông Nguyễn Sỹ Khuyến, có một hôm ông Nguyễn Sinh Sắc đi vắng, Nguyễn Sinh Cung cất sách đi chơi. Bạn bè khuyên Cung vào học bài thì Cung đã đọc thuộc lòng một mạch bảy trang sách (chữ Hán) cho các bạn nghe. Chị Trần Thị Nhâm (tức Lý) kể, có lần vào thăm Bác, chị được đồng chí thư ký riêng của Bác cho biết Người đang làm việc trên nhà sàn. Tiện tay chị ngắt năm bông hồng ở vườn lên tặng Bác. Khi nhận hoa, Bác nói: “Bác chỉ còn 19 bông hồng. Cô gái miền Nam ngắt mất 5 bông vậy là chỉ còn có 14 bông ở phía bên trái...”. Vì sao Bác nhớ như vậy? Đơn giản là Bác yêu hoa, dành nhiều tâm trí cho hoa, ngày nào cũng tưới hoa, chăm hoa.

Câu chuyện Cô Tô đón Bác sau càng củng cố cho quan niệm trí nhớ tốt trước hết là do người nghệ sỹ phải có trải nghiệm sâu sắc với cuộc sống. Huyện đảo Cô Tô tiếp Bác bằng thứ rượu “đặc biệt”:

“Nhấp rượu, Bác khẽ bảo Chim Chím:

- Men rượu Cô Tô đặc biệt lắm. Nhấp rượu này Bác nhớ rượu Thiệu Hưng ở Quảng Đông lắm!

Chim Chím sung sướng thật thà đáp:

- Buổi nay được Bác cùng các anh ở Hà Nội ra thăm, chúng cháu lấy rượu của Quảng Đông ra để Bác dùng đấy ạ! Cô Tô chưa nấu được rượu loại này đâu”.

Nhà thơ Nguyễn Đình Thi kể: “Trong câu chuyện vui với các đại biểu, Bác có dẫn mấy câu Kiều, hình như là Đến bây giờ, mới thấy đây/ Mà lòng đã chắc những ngày một hai. Một đại biểu nói: “Bác xa nước lâu thế vẫn nhớ Kiều!”. Bác vui vẻ trả lời: “Càng xa mới càng nhớ chứ!”. Bác không nói về khoảng cách không thời gian mà ý nói: phải yêu nước, phải yêu Kiều thì mới nhớ như vậy. Càng yêu thì càng nhớ. Nghệ sỹ Trần Vượng kể, vở Chị Trầm được diễn phục vụ ở Hội nghị tuyên truyền chính sách ruộng đất. Bác đã không quản mệt nhọc ngồi xem hết vở, và lúc màn chót buông xuống, Bác đứng dậy, nói: "Cái phường này hát hay đấy!". Rồi Bác lên sân khấu bắt tay khen ngợi các diễn viên... Điều làm tôi kinh ngạc là 12 năm sau, Bác vẫn còn nhớ mặt người diễn viên trong vở diễn đêm ấy!”. Cũng dễ hiểu, vì Bác yêu nghệ thuật, quý các nghệ sỹ, thấm thía nội dung của tác phẩm nên không quên.

Trung tuần tháng 10-1962, trong cuộc nói chuyện với đoàn đại biểu miền Nam, nhà thơ Thanh Hải xin ngâm bài thơ Cháu nhớ Bác Hồ:

Đêm nay bên bến Ô Lâu

Cháu ngồi cháu nhớ chòm râu Bác Hồ

Nhớ hình Bác giữa bóng cờ

Hồng hào đôi má, bạc phơ mái đầu

Khi tác giả ngâm tới đoạn Càng nhìn lại càng ngẩn ngơ/ Ôm hôn ảnh Bác mà ngờ Bác hôn thì nhà thơ quên, không ngâm tiếp được. Thấy nhà thơ lúng túng, Bác Hồ ôm lấy Thanh Hải, hôn lên má:

“- Đây, hôm nay thì Bác hôn thật đây này…”. Tức là Bác đã đọc, đọc kỹ, thuộc bài thơ này, hiểu được tâm trạng tác giả trong bài thơ và cả hôm đọc thơ ấy.

Như là bạn đồng hành với trí nhớ mà ở Bác tinh thần kiên trì và bản lĩnh vượt khó luôn thường trực trở thành một phẩm tính tự nhiên. Đã có rất nhiều người viết về vấn đề này, chúng tôi xin chứng minh những phẩm chất ấy cũng do rèn luyện mà nên. Có điều ở Bác Hồ, phẩm chất ấy được rèn tập từ thời niên thiếu. Có lần cậu bé Nguyễn Tất Thành làm chung cùng các bạn trong làng chiếc sáo diều. Làm xong, đem thả, diều không lên. Sửa mấy cũng không được, các bạn nản, bàn phá đi làm cái khác. Thành không chịu, quyết sửa và thành công. Các bạn hỏi bí quyết, Thành chỉ vẽ cách sửa và nói: “Cứ kiên trì chịu khó là được”.

Một lần cùng các bạn câu cá ở ao gần nhà bà ngoại ở làng Trùa. Một bạn giật mạnh cần câu, lưỡi câu mắc vào tai Thành, máu ra nhiều. Thành nén đau, bình tĩnh rút lưỡi câu, nhờ các bạn lấy “lá niệt” rửa sạch, rịt vào vết thương cầm máu. Vết thương về sau thành sẹo, để lại dấu ấn ở tai".

Câu chuyện của tác giả Minh Huệ kể Bác Hồ dạy chúng tôi cất cao tiếng hát cho thấy Bác coi ngôn ngữ quê hương như là máu thịt mình: “ Bác hỏi tên tuổi, quê quán, trình độ văn hoá, ngày nhập ngũ...từng người một trong đoàn. Bác chỉ chị Mai Tư:

- Còn cháu?

Nghe Mai Tư báo cáo tên tuổi, quê quán...biết Mai Tư quê ở Đô Lương, Bác cười:

- A, trai Cát Ngạn, gái Đô Lương...”

Đến khi có một người hát cho Bác nghe hát ví đò đưa:

Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục, thì biết cuộc đời răng là nhục là vinh...

Bác chữa ngay:

“ - Ở Nghệ An, người ta gọi là “nác” chứ không phải là “nước”.

Một nghệ sỹ hát điệu “ru con”, nghệ sỹ khác “hò khoan”, đến lượt Mai Tư hát dặm đò đưa. Bác hỏi Mai Tư:

“- Trong ta chừ có dệt vải nữa không?

- Dạ thưa Bác có ạ...

- Có phường vải không?

....

- Rứa cháu có biết hát phường vải không?...

Bác bảo Mai Tư hát một câu mà các cụ ngày xưa thường hay hát.

Mai Tư thưa với Bác:

- Dạ thưa Bác, có phải “dài lưng tốn vải ăn no lại nằm” không ạ...

- Giờ cháu tiếp tục câu thứ hai đi...

Mai Tư lúng túng không biết, Bác nhắc:

“ Lưng dài có võng đòn cong

Áo dài đã có lụa hồng vua ban”.

Mai Tư hát câu Bác vừa nhắc theo điệu ví Nghệ An, nhưng nhớ sai đòn cong thành vòng tôm.

Bác cười:

- Đòn cong chớ...”

Bôn ba cả tuổi trẻ, đi hầu khắp năm châu bốn biển vì dân vì nước mà không hề quên một điệu hát lời ru, đó là một trí nhớ siêu việt, nhưng cái chính là một tấm lòng sâu nặng với quê hương nguồn cội. Thật cảm động và sâu xa ý nghĩa biết bao, trước khi từ giã nhân dân, đất nước Bác muốn nghe một khúc dân ca xứ Nghệ, một câu hò Huế, để nhớ về nơi mình sinh ra, nơi tuổi thơ của mình đã sống, nơi người mẹ thân yêu của mình qua đời. Bài học từ Bác là bài học của một tình yêu, bài học hiểu sâu, nắm vững ngôn ngữ, văn hoá dân tộc mình, quê hương mình. Còn là bài học về giữ gìn, bảo tồn lời ăn, tiếng nói, rộng hơn là văn hoá dân tộc. Một nghệ sỹ hát:

À ờ ơ ...ru em em ngủ cho muồi...”

Được Bác chữa ngay:

Ru tam tam théc cho muồi...”

Vì tiếng miền Trung, “tam” có nghĩa là “em”; “théc” có nghĩa là “ngủ”. Người nghệ sỹ đó hát lại:

Ru tam tam théc cho muồi...

Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu...”

Bác lại sửa:

“- Để mạ chứ không phải để mẹ”

Nghệ sỹ hát lại:

“... Để mạ đi chợ mua vôi ăn trầu

Mua vôi chợ Quán chợ Cầu

Mua cau chợ Sải, mua trầu chợ Dinh

Bác cười:

“- Mua cau Cam Phổ chớ không phải chợ Sải”.

Đó là bài học về giữ gìn, bảo tồn nguyên trạng ngôn ngữ văn hoá cũng như các di sản vật thể, phi vật thể khác. Nhìn dưới góc độ Folklore học chúng ta thấy cách Bác dùng ngôn ngữ lại là bài học tuân theo nguyên tắc căn bản của folklore: nó như thế nào thì giữ nguyên dạng như thế.

MH


[1]. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử- Nxb Chính trị Quốc gia, 2006, tập1, tr 5.

[2]. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử- Nxb Chính trị Quốc gia, 2006, tập1, tr 8.

[3]. Trần Đương - Ánh mắt Bác Hồ. Nxb Thanh niên,1999 tr 165.

[4]. Nguyễn Ngọc Châu (biên soạn) - Đưa Bác về Pắc Bó. Nxb Lao động Xã hội, 2007. tr 234.

[5]. Nhiều tác giả - Bác Hồ ở Việt Bắc - Nxb Chính trị Quốc gia, 2011.tr 309.

[6]. Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 1, tr 331.

[7]. Bác Hồ sự cảm hoá kỳ diệu - Nxb Thanh Niên, 2007. tr 126.

[8]. Trần Dân Tiên - Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch. Nxb Văn hóa dân tộc, 2000, tr 48.

[9] Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ... - Nxb Hội Nhà văn, 2010, tr 360,361.

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)