Trò chuyện tháng 4
Hoàng Đăng Khoa
Tiến sĩ Lê Hải Minh
Lê Hải Minh sinh năm 1975 tại Đà Nẵng, nguyên quán Hà Nội, hiện công tác tại Học viện Múa Việt Nam. Là “con nhà nòi”, tiếp xúc với múa từ nhỏ, anh đã trúng tuyển và sang học múa ballet cổ điển tại Liên Xô, rồi về sau sang học ở Hong Kong... Đến nay, anh không chỉ thành danh với tư cách là một diễn viên múa, một giảng viên múa, mà còn là một nhà nghiên cứu về nghệ thuật múa. Nhân dịp ra mắt cuốn sách Múa đương đại Việt Nam (Nxb Khoa học xã hội, 3/2019) - công trình chuyên sâu đầu tiên ở Việt Nam về lĩnh vực đang ngổn ngang, bề bộn này - anh đã có những chia sẻ nghề nghiệp thú vị với bạn đọc VNQĐ. |
- Được biết, anh sinh ra trong một gia đình quân nhân, chắc hẳn tờ VNQĐ không xa lạ với anh?
+ Đúng vậy. Có lẽ không chỉ riêng tôi mà cả những độc giả trong và ngoài quân đội cũng rất quen thuộc với tạp chí VNQĐ.
Kí ức non nớt của một cậu bé tiểu học là tôi cũng kịp in tạc hình ảnh người cha công tác tại Phòng Văn hóa văn nghệ, Cục Tư tưởng văn hóa (nay là Cục Tuyên huấn - PV), Tổng cục Chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam rất cần mẫn, tâm huyết với công việc. Có lẽ bản chất của một người lính đã được tôi luyện qua nhiều năm ở chiến trường của bố có ảnh hưởng không nhỏ đến tôi. Rồi VNQĐ đã đồng hành cùng sự trưởng thành của tôi, góp phần nuôi lớn tâm hồn tôi với những cảm xúc đa chiều về cuộc sống, về nghiệp binh, về những người lính đồng đội của bố và mẹ tôi.
- Anh đến với nghệ thuật múa như thế nào?
+ Tôi là con nhà nòi mà. Bố mẹ tôi là những quân nhân - nghệ sĩ. Bố tôi là học viên khóa 1 Trường Múa Việt Nam, mẹ tôi là học viên khóa 3.
Những năm chiến tranh, bố mẹ tôi lên đường vào chiến trường khu 5. Sau này bố tôi được cử sang Liên Xô học rồi trở về làm việc tại số 4 Lý Nam Đế - nơi là bản doanh của Tạp chí VNQĐ và Phòng Văn hóa văn nghệ quân đội. Còn mẹ tôi, sau 11 năm chiến trường thì ra quân, học huấn luyện múa và trở thành giáo viên Trường Múa Việt Nam, về sau được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật…
Tiếp xúc với múa từ nhỏ, nhờ có sự động viên, khích lệ của gia đình, đặc biệt là mẹ, tôi đã trúng tuyển và sang học múa ballet cổ điển tại Liên Xô - nơi là cái nôi ballet nổi tiếng thế giới. Nghệ thuật múa là cuộc sống của tôi, đem lại cho tôi nhiều điều. Có những lúc tôi đã phải chuyển sang những nghề khác bởi chấn thương, bởi chính sách, bởi thu nhập…, nhưng sau cuối tôi lại quay về với cái nghề và cũng là nghiệp của mình: múa. Múa là con đường, là định mệnh của tôi.
- Và thế rồi, đến nay, anh không chỉ thành danh với tư cách là một diễn viên múa, một giảng viên múa, mà còn là một nhà nghiên cứu về nghệ thuật múa. Chúc mừng anh vừa trình xuất công trình Múa đương đại Việt Nam - công trình chuyên sâu đầu tiên ở Việt Nam về lĩnh vực đang ngổn ngang, bề bộn này. Anh có thể minh định, “múa đương đại” là gì, “múa đương đại” khác với “múa hiện đại”, khác với “múa thời đương đại” như thế nào?
+ Cảm ơn anh! Cuốn sách của tôi tập trung vào múa đương đại Việt Nam từ năm 1988 khi múa đương đại bắt đầu du nhập vào Việt Nam cho đến năm 2014 khi các tiết mục múa đương đại của thời đương đại khai thác một số đặc trưng của múa đương đại phương Tây thoái trào. Sau năm 2014, múa đương đại Việt Nam đã tiến triển rõ hơn; kiến thức, nhận thức về múa đương đại đã được các nghệ sĩ múa tìm hiểu sâu hơn trên các lĩnh vực đào tạo, biên đạo và biểu diễn.
Theo quan điểm của tôi, múa đương đại được phát triển lên từ múa hiện đại. Múa đương đại dựa vào hệ thống kĩ thuật của múa hiện đại, nhưng không có động tác cụ thể mà hướng đến kiến tạo, mang chở yếu tố triết lí với nhiều tầng ý nghĩa, được kết nối với nhiều cảm xúc giữa cơ thể người diễn viên và sự khám phá thông điệp của khán giả. Ngoài ra, múa đương đại có thể biểu diễn ở mọi nơi, tùy thuộc vào ý tưởng của biên kịch, biên đạo và được kết hợp với các phương tiện hỗ trợ, các loại hình nghệ thuật khác.
Múa đương đại Việt Nam có phần rơi vào tình trạng “quá độ” từ ballet cổ điển lên thẳng múa đương đại, bỏ qua/ đốt cháy giai đoạn múa hiện đại. Vì vậy, nền tảng chiều sâu văn hóa của các nghệ sĩ múa đương đại cần được nhìn nhận nghiêm túc và họ cần bổ sung kiến thức để hoàn thiện, biết kế tiếp, gối tiếp quá khứ, khai thác tinh hoa bản sắc dân tộc để vận dụng phù hợp, tương thích vào quá trình sáng tác…
Cần minh định, múa đương đại và múa của thời đương đại như hai vòng tròn giao nhau nhưng không đồng tâm. Nói đến múa đương đại là thiên về tính chất, còn nói đến múa của thời đương đại là thiên về thời gian. Trong khi múa đương đại có cả một bề dày lịch sử phát triển theo từng giai đoạn thì múa của thời đương đại là múa thể hiện trong một khoảng thời gian nhất định, từ gần với hiện tại cho đến hiện tại. Múa đương đại của những năm 60 thế kỉ XX khác so với múa đương đại ngày nay. Không phải tiết mục múa nào hiện diện trong thời đương đại cũng là múa đương đại. Chẳng hạn, chúng ta không thể coi vở ballet cổ điển Kẹp hạt dẻ được dàn dựng, biểu diễn gần đây là múa đương đại được.
- Thế các thuật ngữ như “múa thể nghiệm”, “múa ý niệm” thì sao?
+ Tôi nghĩ, “thể nghiệm” là tiến trình mà người ta làm những phép thử, “chạy” thử những phương án, để từ đó đúc rút kinh nghiệm nhằm hướng đến những phương án khả thi nhất.
Thể nghiệm là hành trình liên tục, tất yếu, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật. Nếu trong giai đoạn hiện nay, “múa thể nghiệm” sử dụng những đặc trưng của múa đương đại thì có thể gọi đó là múa đương đại; nhưng nếu “múa thể nghiệm” được thể nghiệm trước khi múa đương đại ra đời thì nó vẫn được gọi với những cái tên trước đó như múa hiện đại, múa tân cổ điển...
Còn “múa ý niệm” chỉ là một nội dung của múa đương đại, hay có thể nói “múa ý niệm” là sự khai thác, phát triển ý tưởng trong múa đương đại hoặc làm hiệu ứng, góp phần vào tư tưởng của tiết mục múa, tác phẩm múa đương đại.
- Cơ duyên gì khiến nghiên cứu của anh đi về phía múa đương đại Việt Nam?
+ Từ những năm đầu Đổi mới đến nay đã có nhiều tiết mục múa, tác phẩm múa mang hơi thở thời đại; mỗi tiết mục, tác phẩm thể hiện khuynh hướng sáng tác, sự tìm tòi khác nhau của các nghệ sĩ. Nhiều tiết mục, tác phẩm đã góp phần làm nên sự phong phú cho ngành múa Việt Nam bởi có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa tiếp biến một cách tinh tế những tinh hoa của nhân loại và phát huy hiệu quả tinh hoa của dân tộc. Trong đó, nghệ thuật múa đương đại được nhiều nghệ sĩ múa theo đuổi bởi sự thoáng mở của nó đã chắp cánh cho nhiều ý tưởng sáng tạo phá cách táo bạo của họ. Sự táo bạo ấy đưa đến những mới mẻ nhưng đồng thời cũng đặt ra cho múa đương đại nhiều vấn đề cần nghiêm túc bàn luận.
Các nghiên cứu về múa đương đại ở Việt Nam còn hạn chế. Trước khi cuốn sách của tôi ra đời, chưa có công trình, đề tài chuyên sâu nào nghiên cứu về vấn đề này. Do đó, nhận thức rõ và đầy đủ về múa đương đại, về vai trò, giá trị, ý nghĩa của nó trong ngôi nhà nghệ thuật múa cũng như trang bị, bổ khuyết những kiến thức nền tảng thiếu hụt trong nghiên cứu, lí luận, đào tạo và sáng tác múa là nhu cầu được đặt ra bức thiết. Cuốn sách Múa đương đại Việt Nam là sản phẩm bước đầu của tôi trong nghiên cứu dài hơi về đề tài này.
- Anh có thể khu biệt một chút về một bên là múa đương đại đích thực, chính danh và một bên là nhân danh, làm sai méo múa đương đại ở Việt Nam?
+ Lĩnh vực nào, bộ môn nghệ thuật nào ở thời nào cũng có chính danh và nhân danh, nghệ thuật múa nói chung và múa đương đại nói riêng cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Múa đương đại có thể phát triển theo từng giai đoạn, phụ thuộc vào sự phát triển chung của nhân loại, của xã hội…, nhưng nó phải hội tụ được những đặc trưng của múa đương đại, đặc biệt là yếu tố triết lí với nhiều tầng ý nghĩa. Hay nói cách khác, khán giả có thể tiếp nhận, diễn dịch tiết mục múa, tác phẩm múa theo cách riêng của họ, phụ thuộc vào tầm đón, cảm xúc, tâm trạng của họ. Chính danh và nhân danh ở múa đương đại khác nhau ở chỗ có hay không chiều sâu, tầm cao triết lí, tư tưởng của tác phẩm, sự rỗng nghĩa hay là đa nghĩa của tác phẩm.
Tiết mục múa Bến đợi thuộc Dự án nghệ thuật Việt Nam những năm 70 của đoàn múa Nơi Đến - Ảnh: Internet
Có thể kể đến dự án nghệ thuật Việt Nam những năm 70 do nghệ sĩ múa Lê Vũ Long làm giám đốc. Đây là dự án nghệ thuật đương đại được Quỹ trao đổi văn hoá Đan Mạch - Việt Nam (CDEF) tài trợ trong năm 2013. Một tập thể các cá nhân của biên đạo múa Lê Vũ Long với phần âm nhạc của nhạc sĩ Trí Minh là một trong năm tiết mục, vở múa nằm trong chương trình múa đương đại này. Vở múa được biểu diễn vào ngày 25/3/2014 tại Nhà hát Tuổi trẻ, Hà Nội. Đây là chương trình mà biên đạo múa Lê Vũ Long mong muốn khán giả sẽ hiểu sâu hơn về múa đương đại và “cái nhìn đúng đắn thế nào là múa đương đại” bởi đã có nhiều tiết mục “biến tướng nhân danh múa đương đại”.
- Múa đương đại Việt Nam, cũng như các loại hình nghệ thuật đương đại Việt Nam khác, có nguồn gốc phi dân tộc, nhưng những tác phẩm được coi là thành công, thuyết phục công chúng bản địa thì lại có vẻ như hàm chứa không ít tính dân tộc. Anh nói gì về điều này?
+ Rất nhiều môn nghệ thuật có nguồn gốc từ phương Tây, nhưng khi về Việt Nam, trải qua quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa cùng với trí tuệ, tâm hồn Việt, các nhà sáng tạo nghệ thuật đã Việt hoá, làm cho các môn nghệ thuật đó trở thành sản phẩm mang tính dân tộc. Múa đương đại Việt Nam cũng vậy, những tác phẩm được ghi danh trên sân khấu múa chuyên nghiệp nước nhà đã chứng minh yếu tố dân tộc là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên thành công của tác phẩm.
Chẳng hạn, chương trình múa Khám phá do bà Cheryl Stock tổ chức vào cuối năm 2000 tại Hà Nội đã gây ấn tượng mạnh với khán giả Việt Nam. Chương trình gồm vở múa của biên đạo Cheryl Stock và bảy tiết mục múa của biên đạo trẻ Việt Nam, trong đó đáng chú ý là tiết mục múa Trầu cau của NSND Minh Thông, âm nhạc của nhạc sĩ Trọng Đài. Tiết mục này có sự nhào nặn hợp lí trong ngôn ngữ múa hiện đại (NSND Minh Thông từng theo học ở Pháp) với ngôn ngữ múa dân tộc Việt Nam, tạo nên ngôn ngữ múa đương đại của riêng anh.
- Thế theo trải nghiệm của anh, những tác phẩm múa đương đại Việt Nam đi được ra thế giới thì sao, công chúng quốc tế có đón đợi sản phẩm múa đương đại “made in Vietnam” mang chở những giá trị thuần Việt Nam?
+ Đương nhiên rồi! Đối với thế giới, yếu tố dân tộc đã là sự khác biệt, tác phẩm có màu sắc riêng đã là thành công. Múa đương đại Việt Nam đã góp mặt trên thế giới như Đoàn múa Nơi Đến (châu Âu, châu Á và Mĩ) do nghệ sĩ, biên đạo múa Lê Vũ Long thành lập từ năm 2002 với những diễn viên múa khiếm thính, không chuyên. Bên cạnh đó, có thể kể đến vở múa Sương sớm của vũ đoàn Arabesque do nghệ sĩ Tấn Lộc biên đạo. Sương sớm mang đến cho người thưởng thức mùi vị của miền quê sông nước đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam qua một ngày bình dị như mọi ngày của những người nông dân lành như những hột cơm... Những vở múa này đã được khán giả quốc tế đánh giá cao về tư tưởng cũng như phẩm tính dân tộc. Tôi muốn lưu ý, yếu tố dân tộc không nhất thiết phải là động tác múa dân tộc, trang phục dân tộc... mà quan trọng là tâm hồn dân tộc, bản lĩnh dân tộc, cốt cách dân tộc…
- Múa đương đại là nghệ thuật không co mình vào tính tự trị mà mở ra, tích hợp, tận dụng sức mạnh bổ trợ của nhiều yếu tố ngoài nó, nhờ đó mà nó luôn đa bội về hiệu ứng thẩm mĩ. Theo anh, liều lượng yếu tố tự thân và yếu tố bổ trợ phải như thế nào thì tác phẩm múa vẫn là nó mà không trở thành tác phẩm nghệ thuật tổng hợp?
+ Cùng với sự phát triển của văn hóa nghệ thuật nói chung, nghệ thuật múa đã kết hợp với nhiều loại hình nghệ thuật khác, nhiều phương tiện khác để thể hiện rõ ý tưởng, làm phong phú thêm cho cách biểu hiện trong tiết mục múa, vở múa, cũng là cách để phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới. Có thể nói, múa là một loại hình nghệ thuật mang tính tổng hợp, đặc thù.
Múa đương đại có thể kết hợp với nhiều loại hình nghệ thuật, với nhiều phương tiện hỗ trợ; tùy thuộc vào ý đồ, ý tưởng của biên đạo mà có sự kết hợp với từng loại hình nghệ thuật, từng phương tiện cụ thể. Tuy nhiên, vì “múa là loại hình nghệ thuật dùng động tác múa làm phương tiện biểu hiện tư tưởng, tình cảm”, nên tiết mục múa, tác phẩm múa cần có yếu tố múa, tức động tác múa làm chủ đạo, nếu không sẽ gây nhầm lẫn với kịch hình thể, với các loại hình nghệ thuật đương đại khác như nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật thị giác, sắp đặt…
- Đâu là những bất cập trên các lĩnh vực lí luận, đào tạo, sáng tác… múa đương đại Việt Nam, theo anh?
+ Tôi từng tự đặt câu hỏi cho mình: Phải chăng múa đương đại Việt Nam đang xây từ nóc? Và câu hỏi đó đã thôi thúc tôi tìm hiểu, nghiên cứu chuyên sâu về múa đương đại nói chung và múa đương đại Việt Nam nói riêng. Với tôi, bất cập lớn nhất trong các lĩnh vực của nghệ thuật múa là sự thiếu hụt kiến thức nền tảng của những người tham gia thực hành bộ môn nghệ thuật này. Bên cạnh đó, là hệ thống chính sách, là sự trì trệ của các cấp quản lí, lãnh đạo trong tiếp thu những nét tinh hoa của thế giới.
- Hướng mở, con đường sáng của múa đương đại Việt Nam mà anh muốn đề xuất, kiến nghị là gì?
+ Bộ mặt xã hội đã thay đổi với nhiều nguyên nhân, trong đó, sự thay đổi trong tư duy, trong nhận thức, trong tâm lí, trong cách hành động của con người đương đại là trung tâm.
Tôi thường trăn trở về các vấn đề như biến đổi văn hóa, tiếp biến văn hóa, bảo tồn văn hóa… trong bối cảnh toàn cầu hóa. Theo góc nhìn, xu hướng toàn cầu hóa văn hóa, tôi mong muốn múa đương đại Việt Nam phải là sự hòa quyện giữa yếu tố nhân loại và yếu tố dân tộc, giữa hiện đại và truyền thống.
Phía các nhà quản lí cần có tư duy, quan niệm thoáng mở về nghệ thuật đương đại nói chung, múa đương đại nói riêng. Những chính sách đãi ngộ phù hợp sẽ góp phần khích lệ, giữ chân các nghệ sĩ tài năng, tâm huyết với nghề. Bên cạnh đó là tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về múa đương đại để “hướng đạo”, kéo hút công chúng.
Phía lực lượng sáng tạo cần có sự nỗ lực, tự trau dồi kiến thức chuyên môn và kĩ năng nghề nghiệp để có thể bắt kịp những bước tiến của múa đương đại thế giới, đáp ứng nhu cầu thưởng thức, đối thoại thẩm mĩ ngày càng cao của công chúng.
Marketing là một trong những vấn đề quan trọng của hoạt động sân khấu múa hôm nay. Các đơn vị nghệ thuật cần trang bị những kiến thức chuyên nghiệp, hiện đại về marketing nghệ thuật, từ đó có chiến lược tích cực trong giới thiệu, quảng bá, thu hút khán giả quan tâm đến sản phẩm nghệ thuật của mình.
Đối với lĩnh vực đào tạo cần trang bị cho người học tư duy chiều sâu, đa chiều, biện chứng, cùng với đó là những phong cách, kĩ thuật múa đương đại phổ biến trên thế giới.
- Đầu ra của sinh viên Học viện Múa Việt Nam như thế nào, anh nhỉ?
+ Là một cơ sở đào tạo nghệ thuật múa được mệnh danh là “cái nôi” đào tạo nghệ thuật múa trên cả nước, cho nên chất lượng đầu ra của các ngành đào tạo luôn được Học viện Múa Việt Nam đặt lên hàng đầu, do vậy cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội.
Hiện nay, Học viện Múa Việt Nam có ba ngành đào tạo chính. Đó là Diễn viên múa, Biên đạo múa và Huấn luyện múa. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ trở thành những diễn viên múa, biên đạo múa, huấn luyện múa của các nhà hát, các đoàn nghệ thuật, các cơ sở đào tạo nghệ thuật múa trong cả nước. Một số sinh viên còn đầu quân cho các đơn vị có phong trào văn hóa nghệ thuật mạnh như FPT, Viettel... hay được tuyển chọn về các nhà hát, đoàn nghệ thuật múa chuyên nghiệp ở nước ngoài. Bên cạnh đó, các em còn thành lập trung tâm nghệ thuật, thành lập các vũ đoàn, đem nghệ thuật múa tới công chúng. Tuy nhiên, không phải trung tâm nghệ thuật nào, vũ đoàn nào cũng thành công bởi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế thị trường thì sự cạnh tranh giữa múa và các loại hình nghệ thuật khác, các phương tiện nghe nhìn khác cũng như giữa các “thương hiệu” múa với nhau càng ngày càng khốc liệt.
- Lời cuối, tôi muốn hỏi vui: Anh nói gì về việc nhiều người vẫn định kiến, rằng con trai mà đi theo nghiệp múa thì dễ có khả năng không được… “chuẩn men”?
+ “Chuẩn men” là một quan niệm động, thay đổi theo thời gian. Cuộc sống càng phát triển thì quan niệm “chuẩn men” lại càng đa dạng. “Chuẩn men” hay không là phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thiên tư, tính cách, môi trường văn hoá, xã hội, nghề nghiệp…
Không ít người Việt Nam quan niệm đàn ông con trai không nên học múa, vì môi trường, nghề nghiệp dễ ảnh hưởng, tác động đến tâm sinh lí. Nhưng trên thế giới người ta không có định kiến ấy, người ta coi múa là một nghề bác học, là bộ môn nghệ thuật đỉnh cao. Ở các nước tiên tiến, nếu ai giới thiệu mình là một nghệ sĩ múa thì người đó sẽ nhận được sự ngưỡng mộ, kính nể. Bởi trở thành một diễn viên múa không đơn giản, phải hội tụ nhiều yếu tố: độ mềm, độ dẻo, sức bật, phom người, khả năng cảm thụ âm nhạc…, đặc biệt là khi người diễn viên phải thể hiện cảm xúc đa chiều. Ngày nay khoa học đã phân loại nhiều chỉ số thông minh khác nhau ở con người, trong đó khả năng làm chủ động tác cơ thể là một trong những chỉ số thông minh mà không phải ai cũng may mắn sở hữu.
- Cảm ơn anh đã chia sẻ với VNQĐ.
VNQD