.THU SANG
Từ xưa đến nay, phụ nữ luôn là nguồn cảm hứng bất tận của nghệ thuật. Trong mĩ thuật, phụ nữ cũng luôn là đề tài chính, thu hút sự sáng tạo của nhiều thế hệ họa sĩ. Nền mĩ thuật hiện đại Việt Nam ngay từ những ngày đầu - với lá cờ đầu là các họa sĩ của trường Cao đẳng Mĩ thuật Đông Dương - đã rất chú trọng đến việc tái hiện vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam đầu thế kỉ XX trên nhiều chất liệu khác nhau như lụa, sơn mài, sơn dầu... Nhiều tác phẩm về đề tài này đã trở thành những viên ngọc quý của hội họa nước nhà, như bức Thiếu nữ bên hoa huệ của họa sĩ Tô Ngọc Vân. Bức họa mô tả chân dung một người thiếu nữ mặc áo dài trắng đang nghiêng đầu rất tự nhiên về phía lọ hoa huệ trắng (hoa loa kèn). Hình dáng cô gái cùng những chi tiết và màu sắc xung quanh tạo thành một hình khối giản dị, toát lên một nét buồn vương vấn, nhẹ nhàng. Bên cạnh tác phẩm nổi tiếng này, chúng ta cũng bắt gặp những vẻ đẹp của người phụ nữ Việt trong các sáng tác khác của Tô Ngọc Vân như Thiếu nữ bên hoa sen, Hai thiếu nữ và em bé, Thiếu phụ ngồi bên tranh tam đa… Mỗi bức tranh gợi lên một vẻ đẹp riêng của người phụ nữ Việt: khi đài các kiêu sa, lúc dịu dàng đằm thắm, khi chất phác thuần hậu, lúc duyên dáng mặn mà.
Danh họa Nguyễn Gia Trí cũng tạo cho mình một phong cách riêng trong việc khai thác hình ảnh người phụ nữ. Chủ đề quen thuộc trong tranh ông là những thiếu nữ duyên dáng, nhàn tản trong khung cảnh thiên nhiên thơ mộng. Các bức họa nổi tiếng của ông về đề tài này có Thiếu nữ bên cây phù dung, Thiếu nữ trong vườn… Dương Bích Liên là một trong nhóm tứ kiệt của làng hội họa Việt Nam: Nghiêm, Liên, Sáng, Phái. Sự nghiệp sáng tác của ông có đến hai phần ba số tác phẩm vẽ về đề tài phụ nữ, trong đó có những tác phẩm là tuyệt tác của hội họa Việt Nam hiện đại như Thiếu nữ và hoa cúc trắng, Thiếu nữ và hoa phong lan, Thiếu nữ bên hồ, Thiếu phụ, Chân dung, Tuyết Mai... Các nhân vật nữ của ông rất đa dạng, họ đẹp một vẻ đẹp thánh thiện, trong trẻo, nữ tính và… rất Việt Nam. Cô gái trong tranh Dương Bích Liên rất sang, một cái sang không lung linh hào nhoáng mà kín đáo e ấp, khiến nét đài các, kiêu sa của người con gái càng thêm phần giá trị.
Trong thời kì kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ, do những yếu tố xã hội - chính trị, các họa sĩ thường miêu tả người phụ nữ với trang phục nâu sồng cần cù, chịu khó trong các tư thế lao động sản xuất, chiến đấu, là “hậu phương xã hội chủ nghĩa” vững chắc cho tiền tuyến như trong các bức Rửa rau cầu ao, Cô hàng xén, Sau giờ trực chiến, Chị chăn vịt, Rê lúa của Nguyễn Phan Chánh hay Nữ dân quân vùng biển của Trần Văn Cẩn. Tác phẩm có bố cục chắc theo lối cổ điển với nhân vật nữ chính da sẫm, vai đeo súng toát lên vẻ đẹp vừa khỏe khoắn vừa dung dị, làm nổi bật tinh thần quyết tâm chiến đấu, bảo vệ biển trời Tổ quốc của tác giả. Từ sau năm 1975, đất nước hòa bình, thống nhất, các loại hình nghệ thuật nói chung và mĩ thuật nói riêng nhờ đó cũng phát triển đa dạng, phong phú hơn về đề tài và chất liệu. Hình ảnh người phụ nữ được lớp họa sĩ mới như Lê Huy Tiếp, Lê Anh Vân, Nguyễn Khắc Chinh, Bùi Trọng Dư, Nguyễn Văn Hè, Bùi Tiến Tuấn, Lê Thúy, Vũ Đình Tuấn, Doãn Hoàng Lâm, Phương Bình… cách tân với những nét lạ, phản ánh tâm tư, thần thái của họ trong thời hiện đại.
Đợi (Tranh Lê Huy Tiếp)
Các bức Cô gái và chú chó trắng, Đợi, Cô gái bên cửa sổ, Cầu phúc, Dung, Ly… của Lê Huy Tiếp đã trở thành những tác phẩm hội họa mẫu mực trong giới học đường và giới nghề, mở đầu cho phong cách hiện thực ảnh lãng mạn. Phụ nữ trong tranh Lê Huy Tiếp buồn và thường chỉ đứng một mình với sự ưu tư, trăn trở lấp đầy không gian dù nơi đó đầy hương vị và màu sắc. Giống như một làn hương hoa, một tiếng chim thánh thót, một bản nhạc dập dìu, giống như một món ăn hợp khẩu vị đặt trên chiếc bàn trong căn phòng trang nhã, mỗi bức tranh của Lê Huy Tiếp đánh thức các giác quan của người thưởng lãm, đưa họ trở về với giấc mộng đẹp đẽ nhưng cũng đầy xót xa, hoài niệm, trầm buồn về những gì đã qua. Mỗi người một vẻ, nhưng ta luôn tìm thấy điểm chung ở những người phụ nữ của Lê Huy Tiếp là sự cam chịu, nhẫn nhịn, chờ đợi, thủy chung - tính cách đặc trưng của người phụ nữ Việt truyền thống.
Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn lại chọn một hình mẫu riêng để khắc họa khi vẽ phụ nữ nude. Series tranh những cô gái trên lụa đã làm nên thương hiệu riêng cho anh. Cô gái trong các tranh của Bùi Tiến Tuấn như Đàn bà, Mặt nạ và bóng tối, Sự cám dỗ, Khỏa thân với cây trâm cài, Cô nàng quyến rũ, Đỏng đảnh… bắt nhịp với đời sống hiện đại, gấp gáp, ồn ào, náo nhiệt của phố thị. Những cô gái thành thị thời trang, phù phiếm hay những cô nàng ta bắt gặp đâu đó ở quán bar, cà phê hay bi-a… thường xuyên xuất hiện trong tranh Bùi Tiến Tuấn. Khởi đầu là những chủ thể đầy nhục cảm, họa sĩ họ Bùi muốn phô diễn cái tình, gợi dục hay thỏa đùa với sắc dục? Có thể thấy một phần muốn thể hiện, phần khác các cô gái ấy cốt chỉ làm duyên làm dáng, nghịch ngợm, bỡn cợt. Lụa đến Bùi Tiến Tuấn đã mang hơi thở khác biệt và mới mẻ, những yêu cầu về thời trang hiện đại đều có thể diễn tả tinh tế.
Là một phụ nữ trẻ nhưng họa sĩ Lê Thúy luôn mang trong mình nhiều trăn trở day dứt về cuộc sống. Chất liệu lụa được khai thác tối đa giúp cô biểu hiện những rung cảm tinh tế đến huyền bí. Trong sáng tác của mình, họa sĩ thường chọn hình ảnh phụ nữ căng tràn, tươi trẻ, đầy nhục cảm kèm theo các loài động vật đặt vào những bối cảnh siêu tưởng. Nhìn vào tranh, người xem nhận ra ngay sự ám ảnh về không gian, có cảm giác thực mà hư, hư mà thực, ở đó tiềm ẩn những nguy cơ không an toàn, những cuộc tranh đấu, sự cô độc và ước muốn về một nơi chốn có cuộc sống tốt đẹp hơn. Ngày của tương lai, Dẫn lối, Con mắt còn lại… là những tác phẩm tiêu biểu đã giúp cho Lê Thúy tạo nên một giai điệu tươi trẻ mới cho nền mĩ thuật đương đại Việt Nam.
Tất cả các họa sĩ kể trên chỉ là một phần nhỏ của nền mĩ thuật Việt Nam hiện đại. Họ là những hiện tượng tiêu biểu và đại diện cho sự thành công ở đỉnh cao nghệ thuật khi đã được công chúng công nhận và khẳng định. Số còn lại vẫn đang đi tìm con đường riêng cho mình bởi nghệ thuật là sự không lặp lại. Vẽ về đề tài gì cũng đều cần sự khám phá không mệt mỏi, vẽ về phụ nữ - mảng đề tài “gây ra sự đau đầu” muôn thuở càng là một biển trời mênh mông hơn. Mỗi họa sĩ đều có phong cách, trường phái và sự thể hiện khác nhau, mà khi đến với từng người, ta như thể đến với miền đất lạ, mỗi miền đó đều mang một mảnh ghép tâm hồn của người nghệ sĩ, chờ đợi người thưởng thức chạm đến và cảm nhận bằng trái tim mình
T.S
VNQD