Hồi kí báo chí và những chuyện bên lề trang báo

Chủ Nhật, 30/06/2019 15:22

.TRẦN THỊ HỒNG HOA

Với nhiệm vụ phản ánh và cập nhật những vấn đề xã hội, nhà báo luôn là người tiên phong trên mọi mặt trận để mang đến cho bạn đọc những tin tức, ấn phẩm chất lượng. Nhưng đối với bạn đọc, báo chí chỉ giúp họ hiểu được tư cách công dân và vai trò xã hội của người làm báo. Đằng sau những trang viết còn ẩn giấu biết bao nỗi niềm của những con người bằng xương bằng thịt, có những cuộc đời, những tâm sự riêng. Hồi kí là nguồn tư liệu quý giá giúp công chúng hiểu về cuộc đời của những nhà báo và những câu chuyện “hậu kì” của làng báo chí, từ đó có cái nhìn “tổng quan” về nghề.
Viết về hành trình nghề nghiệp của mình, có người dùng giọng tự trào hài hước như Vũ Bằng, Trần Công Tấn; có người lấy giọng trữ tình mượt mà làm chủ đạo như Bùi Ngọc Tấn, Trần Bá Lạn, Lý Quý Chung, Sao Mai; có người lại dùng giọng triết lí suy nghiệm như Hồ Hữu Tường, Bà Tùng Long, Tô Hoài, Hữu Thọ, Hà Minh Đức… Dù bằng cảm hứng hay giọng điệu khác nhau thì xuyên suốt trong những trang viết của các nhà báo vẫn là thái độ cầu thị nghiêm túc và niềm say mê, tâm huyết với nghề.
Không chỉ kể chuyện đời mình, hồi kí của các nhà văn và nhà báo còn mang đến những câu chuyện thú vị về đồng nghiệp, bạn bè - những cây cổ thụ trong làng báo. Khảo sát các tác phẩm hồi kí viết về nhà báo, chúng tôi nhận thấy có hai hướng khai thác chính: hướng thứ nhất, tác giả chủ định tái hiện, dựng chân dung các nhân vật bằng cách cung cấp nguồn thông tin phong phú, nhiều chiều về đời tư, tiểu sử, quá trình làm báo qua sự trải dài của dòng thời gian và sự mở rộng của các mô hình không gian (hướng này khá gần gũi với cách xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết); hướng thứ hai, tác giả chỉ tập trung nhấn mạnh một vài nét nổi bật nhất trong tính cách những người bạn của mình và đặt nhân vật trong những “lát cắt” của cuộc sống, những khoảnh khắc ngắn ngủi của thời gian (hướng này khá giống cách viết truyện ngắn). Dù bằng cách nào, hồi kí cũng là nơi tác giả thể hiện tình cảm tri âm sâu sắc và mối quan tâm đặc biệt dành cho những người bạn. Vì lẽ đó, ngay trong những hình tượng tưởng chừng nhếch nhác, xo xúi, trong những “thói hư tật xấu” bị “tố cáo” thẳng thừng, không giữ kẽ, ta vẫn thấy biết bao yêu thương, trìu mến của những người “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.
Với hướng thứ nhất, có thể kể ra trường hợp tiêu biểu là phần viết về Nguyên Hồng trong hồi kí Một thời để mất của Bùi Ngọc Tấn. Tác giả đã sử dụng những hình ảnh rất gần gũi với cuộc đời và tính cách nhà văn để dựng nên chân dung ông như hình ảnh biển, gắn liền nơi chôn nhau cắt rốn của Nguyên Hồng, hình ảnh bóng đêm, vốn thường xuất hiện trong các sáng tác của ông, và đặc biệt là hình ảnh nước mắt. Nguyên Hồng qua ngòi bút của Bùi Ngọc Tấn hiện lên với chỉ toàn nước mắt: “Nguyên Hồng cười giàn giụa nước mắt”; “hai má Nguyên Hồng ướt đẫm nước mắt vì cười”; “chưa bao giờ tôi thấy Nguyên Hồng khóc nhiều như lần ấy”; “anh òa khóc”, “những giọt nước mắt mặn xót”… Những giọt nước mắt đã lột tả tính cách mềm yếu, hay xúc động của ông, gợi nên những bất hạnh mà ông phải gánh chịu trong cuộc đời.
Với hướng thứ hai, bằng cách viết “điểm nhãn”, các tác giả đã tái hiện những gương mặt, tên tuổi của làng báo chỉ bằng một vài chi tiết điển hình đặc sắc. Cái tài của người viết là không cần miêu tả dài dòng mà vẫn tóm bắt được thần thái của bạn bè mình, chỉ qua vài hành động, lời nói, hình ảnh, làm cho bạn đọc thích thú. Bốn mươi năm nói láo của Vũ Bằng là bức tranh tái hiện sinh động cả một thế hệ những người làm báo của thời kì trước với một cái nhìn tinh tế, hài hước. Đó là Phùng Tất Đắc “mặt lạnh như tiền”, “vén tay áo sơ mi lên ngồi rung đùi khảo cứu Nho giáo”. Đó là Nghiêm Xuân Hiến “miệng nói cứ chúm lại như sắp huýt gió, và bất cứ chuyện lạ hay không cũng trợn tròn đôi mắt to quá cỡ, dễ làm cho trẻ con bị sài”, là Nguyễn Văn Vĩnh “lúc nào cũng đội cái cát cô lô nhần ở trên đầu không chịu bỏ ra, kể cả những khi viết bài, tiếp khách”. Và còn những Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nam Cao, Ngô Tất Tố..., chỉ bằng một vài nét miêu tả của Vũ Bằng, chân dung vừa là bạn văn vừa là bạn báo của họ đã được tái hiện một cách tài tình.
Đặc biệt, qua hồi kí, các nhà báo còn hé lộ cho bạn đọc những câu chuyện mang đậm tính giai thoại về bút danh, về những chuyện “bên lề” trang báo của các nhà báo nổi tiếng. Trong Bốn mốt năm làm báo, Hồ Hữu Tường đã nhắc đến nhóm “Ngũ long” của làng báo Việt trong những năm đầu thế kỉ XX và sự xuất hiện của bút danh Nguyễn Ái Quốc. Nhóm “Ngũ long” gồm Phan Văn Trường, Tây Hồ, Phan Châu Trinh, Nguyễn Tất Thành và Nguyễn An Ninh. Khi viết báo chống thực dân, cụ Tây Hồ thường đưa ý kiến đề xuất, các cụ Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh sẽ biên ra tiếng Pháp, cuối cùng giao cho Nguyễn Tất Thành hiệu đính và gửi đến tòa báo với bút hiệu chung là “Nguyễn Ố Pháp” (nghĩa là “Nguyễn ghét người Pháp”). Tên này được độc giả hoan nghênh nhưng lại bị các đồng sự Pháp phản đối vì cực đoan, đề nghị đổi, “Từ đó, bút hiệu Nguyễn Ố Pháp bị đổi ra là Nguyễn Ái Quốc. Về sau, bốn vị kia tách ra, tên Nguyễn Ái Quốc còn lại riêng cho Hồ Chí Minh”(1). Bút hiệu đó sau này không chỉ là bút hiệu dành cho việc viết báo mà đã gắn liền với tên tuổi, sự nghiệp của một vĩ nhân của dân tộc. Câu chuyện cây cổ thụ của làng báo - Nguyễn An Ninh vừa đi bán dầu cù là vừa đọc báo giúp nhân dân cũng hiện lên với những chi tiết miêu tả đắt giá: “Nguyễn An Ninh chạy phăng phăng trên chiếc xe đạp, khắp nẻo đường đất nước để bán dầu cù là An Ninh cả ngày, đến tối dừng chân nơi một nhà quen, thiên hạ bu chung quanh mà nghe Ninh giải thích những bài vở được đăng trong số rồi. Bởi báo viết bằng tiếng Tây mà người đọc lại không đọc được rất nhiều, thêm Ninh có biệt tài diễn tả rất bình dân”(2). Câu chuyện nhà báo nổi tiếng Đoàn Văn Trương quyết tâm “tử về nghề” cũng được kể lại bằng những chi tiết đậm chất… giai thoại: “Số là hai vợ chồng anh mới cưới nhau mà bà vợ vừa cấn thì xảy ra việc cơm chẳng lành, canh không ngon. Trương buồn rầu, bỏ vợ, thì coi không phải. Mà còn ở, thì cắn đắng nhau hoài chịu không nổi. Trương hỏi tôi có cách gì để tính cho êm đẹp. Khai thác cơ hội, tôi mới đề nghị cho anh ta hi sinh vì đại nghĩa, đứng tên làm quản lí tờ Le Miliant, chịu vào tù để mượn bàn tay đế quốc mà rẽ thúy chia loan”(3).
Tương tự, trong hồi kí Một thời để mất, Bùi Ngọc Tấn chỉ bằng vài dòng đã “điểm mặt chỉ tên” một loạt nhà báo nổi tiếng trong thời kì kháng chiến với những câu chuyện đời tư dí dỏm, ví như chuyện nhà báo Nguyễn Trí Tình đột nhiên được chú cún con yêu quý: “Nguyễn Trí Tình vừa ngồi một lúc thì chị chủ nhà đi chợ về. Chị thả từ cái rọng ra một con chó con mới mua ở chợ. Con chó từ ngoài sân ngoe nguẩy cái đuôi ngắn ngủn, ngỏng đầu hít hít và chạy thẳng vào trong nhà, tới chỗ Nguyễn Trí Tình ngồi rồi cứ quấn quýt lấy hai bàn chân đi bít tất của anh lúc ấy đã rút ra khỏi giày ba ta. (...) Vì sao lại có tình bạn tuyệt vời này. Rồi anh chợt hiểu nguyên nhân của mối tình tiền kiếp đó: chân anh, bít tất anh đi giày vải lâu ngày không giặt, có mùi quá nặng”(4); hay chuyện trêu chọc giữa nhân viên và thủ trưởng của tờ báo Tiền phong nổi tiếng: “Cũng có số báo Tất Vinh chỉ cho đăng một mẩu quảng cáo: “Nếu bạn và người yêu bạn cùng hơi bị vổ thì hôn nhau như thế nào? Trong số báo sau bạn TD vui lòng giải đáp”. Bạn TD là đồng chí Tổng biên tập báo Tiền phong của chúng tôi, hai vợ chồng đồng chí đều có hàm răng hơi hô. Tất nhiên độc giả TD xem báo của chúng tôi chỉ có thể cười”(5). Những câu chuyện đời tư xuất hiện trong hồi kí về các nhà báo đã kéo gần khoảng cách giữa họ và độc giả, giúp người đọc hiểu và yêu mến hơn con người đời thường của họ.
Không chỉ là những lời tán dương, hồi kí còn xuất hiện những lời vạch trần thói tật một cách đích đáng, không bao che, không khoan nhượng. Qua những trang hồi kí, ta hiểu nhà báo cũng chỉ là người bình thường với đủ những thói hư tật xấu. Khi chỉ ra những thói tật của bản thân và đồng nghiệp, có lẽ không nhà báo nào muốn “vạch áo cho người xem lưng” mà chỉ xem đây là cơ hội để bộc bạch với bạn đọc, mang đến những góc nhìn đa diện về mỗi cá nhân. Vũ Bằng không ngần ngại vạch trần tật hút thuốc phiện của nhiều nhà báo: “Trong tất cả các anh em viết báo thời ấy, Ngọc Thỏ là một kí giả ghiền hút vào bực “lâm li quy phụng” nhất, gầy lõ cả điến bộ ra (...) hút thâu đêm thuốc sang ở nhà Francois hay nhà Triệu”(6). Ông cũng kể chuyện về một Lê Văn Hòe với tật “nói nhiều không chê được, nói thiên hô bát sát, nói không để cho ai nói xen vào một câu. Thậm chí có lần, không nhớ đề cập đến vấn đề gì, anh nói nhiều đến nỗi phát ho hen lên. Một người, thừa dịp anh ho, lắp bắp sắp xen vào thì... không, các bạn không thể tưởng tượng được Lê Văn Hòe xử sự ra sao! Anh giơ cả hai tay lên xua xua, ra hiệu bảo ông kia đừng nói, để cho anh... ho nốt rồi nói tiếp”(7).
Có thể thấy, bằng việc dựng chân dung các đồng nghiệp, kể những câu chuyện bên ngoài trang báo, hồi kí của các nhà báo đã có ý nghĩa như một nhịp cầu đưa công chúng đến gần hơn với những người làm một nghề gian khổ, cực nhọc nhưng cũng rất mực tôn quý này
T.T.H.H


--------
1, 2, 3. Hồ Hữu Tường (2017), Bốn mốt năm làm báo, Nxb Hội Nhà văn, tr. 21, 112, 135.
4, 5. Bùi Ngọc Tấn (2012), Viết về bè bạn, Nxb Hội Nhà văn, tr. 281, 282.
6, 7. Vũ Bằng (2000), Bốn mươi năm nói láo, Nxb Hội Nhà văn, tr. 62, 196.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)