Máu vẫn chảy trong mắt

Thứ Ba, 18/06/2019 09:36

.NGUYỄN THẾ TƯỜNG

Mươi năm trở lại đây, trong công chúng đọc có vẻ có hiện tượng lạnh nhạt dần với dòng văn học hư cấu, đặc biệt là nhóm tác phẩm viết về chiến tranh. Một mạch chảy văn học khác xuất hiện như một phương pháp sáng tác mới về chiến tranh dần dần chiếm được cảm tình của độc giả: lối viết trực diện, chân thực, hấp dẫn bằng chính sự kiện và chi tiết, những chi tiết và sự kiện lưu lại trong kí ức người lính trận, kết tinh như hạt ngọc trong con trai, trầm hương trong cây dó... nguyên chất, điển hình và lấp lánh hơn mọi thủ pháp hư cấu.
Có vẻ như những trí thức cầm súng vào những năm cuối của cuộc chiến tranh giải phóng khi sắp bước vào tuổi “thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ” bỗng bừng sáng. Một loạt tác giả cựu lính trận xuất hiện và lập tức tạo được chỗ đứng: Nguyễn Xuân Sùng, Nguyễn Trọng Luân, Như Thìn, Nguyễn Xuân Diệu, Trung Sĩ, Nguyễn Khắc Diệu... Và, lúc này, đọc Yên Ngựa sau cuộc chiến của một cựu sinh viên trường Đại học Sư phạm Vinh, một trong bảy chiến sĩ sống sót trong tiểu đội Văn Sử mười lăm tay súng sau bốn năm tham chiến ở chiến trường Trị Thiên - Huế, tôi muốn ghi tên ông vào danh mục những tác giả trên đây: nhà giáo Hoàng Đình Bường.
Là một sinh viên nhập ngũ và tham chiến những năm cuối của cuộc chiến tranh giải phóng, như nhiều sinh viên văn khoa khác, Hoàng Đình Bường mang theo trong bản thể cái “hội chứng chữ nghĩa” trên mỗi bước hành quân vào chiến trường và trong từng trận đánh, trong mỗi giờ “giải lao” giữa hai đợt phản kích. Với con mắt của một sinh viên năm thứ ba chuyên ngành văn, mới bập vào ngày hành quân đầu tiên trên cung đường Trường Sơn, Hoàng Đình Bường đã thấy cái mà có thể cả đơn vị hành quân qua vô tình không để ý, một chi tiết cận cảnh độc đáo dành cho trái tim và phong cách của người trí thức gác bút nghiên: “Ở những bãi khách (binh trạm) chưa bị đánh phá còn hằn nguyên dấu vết người qua lại. Trên những thân cây khắc đầy tên tuổi, địa chỉ, năm tháng và có cả những câu thơ xưa phảng phất buồn, triết lí: Cổ lai chinh chiến địa/ Bất kiến kỉ nhân hồi”.
Yên Ngựa sau cuộc chiến như luôn tựa theo sườn của một cuốn nhật kí chiến trường, nhưng, may mắn là rất “văn”, trong câu chữ, trong tiết tấu, trong khắc họa chân dung... Không tuân theo mạch truyện và số phận nhân vật của tiểu thuyết, nhưng cái chức năng lớn nhất của văn xuôi dung lượng lớn thì cuốn sách đã thực hiện xuất sắc: dựng lại chân dung một chiến trường thuộc vào hàng ác liệt nhất của cuộc chiến tranh giải phóng. Bốn năm, xấp xỉ một nghìn năm trăm ngày đêm. Ở chân dung tác giả (cũng là nhân vật chính của tác phẩm) luôn hiện hữu mâu thuẫn điển hình của cả một thời đại: Dù rằng đời ta thích hoa hồng/ Kẻ thù buộc ta ôm cây súng. Một chàng trai chỉ biết yêu thương cả nhành cây ngọn cỏ, tưởng suốt đời chỉ “cúi đầu trước hoa mai”, chú mục trước trang giấy với những giá trị nhân văn vĩnh cửu, lại phải nheo mắt ngắm mục tiêu và ngón tay siết cò, mỗi lần cho một viên đạn B-41 phóng ra có thể phá tan một lô cốt, tiêu diệt một xe tăng hay một cụm bộ binh chừng... hai chục mạng người. Bốn năm như thế với vài lần trả giá bằng những vết thương chảy máu khắp cơ thể, không lạ để thấy phải hơn bốn mươi năm sau, Hoàng Đình Bường mới lắng lại, mới đủ độ kết tinh và bình tĩnh để tái dựng chân dung cả chiều rộng chiều sâu của không gian và chiều dài của thời gian một cuộc chiến đẫm máu từng ngày. Dựng lại, với rất nhiều gam màu, đường nét, khuôn hình từ đại cảnh, toàn cảnh rộng, toàn cảnh hẹp, trung cảnh đến cận cảnh. Và nữa, không thể không ghi nhận ở trong những trang văn có sự diễn giải thành công biến động tâm lí của nhân chứng - nhân vật.
Đây là một đoạn văn ngắn có đủ các cỡ cảnh được vẽ với một tiết tấu nhanh khiến trái tim người đọc cũng đập theo dồn dập: “Mươi phút sau, chiếc xe tăng thứ ba trong tốp thứ hai cũng đã xuất hiện trong kính ngắm, tôi bấm cò. Gần như cùng một lúc, bốn quả đạn lao ra nổ rền, khói lửa trùm kín tốp xe tăng địch. Vừa lắp xong quả đạn thứ hai vào nòng súng thì đạn DK và 20mm của địch nổ chát chúa vào sườn đồi, quét phăng từng vạt cây, lộ rõ hầm hào công sự. Đạn thẳng và mảnh trái phá bay vèo vèo. Một số chiến sĩ bị thương kêu gào cả hai phía trận địa. Địch nổ súng liên tục áp đảo, không cho quả B-40, B-41 nào thứ hai được bắn ra. Đoàn xe tăng hướng nòng lên đồi bắn thẳng, bụi khói mù mịt. Cây cối, đất đá bay lên trời như bị một trận bão lớn càn qua quét lại”. Chưa đầy mươi dòng mà miêu tả đủ một trận đánh xe tăng địch “không thắng lợi”, mà trong đó kịp đếm cả “viên đạn thứ hai” chưa thể bắn. Đây là đoạn văn có độ nén lớn. Đúng là “chiến tranh không phải trò đùa”.
Hoàng Đình Bường đoạn tuyệt hẳn với phong cách phản ánh hiện thực lạc quan tếu một thời. Tư liệu được tác giả soi chiếu dưới con mắt của một người đã “có nghề” lính chiến sau bốn mươi năm nhìn lại. Tiểu đội Văn Sử của tác giả tham gia chiến đấu có mười lăm tay súng sinh viên. Sau bốn năm, tám người (hơn một nửa) đã nằm lại mảnh đất Trị Thiên. Bốn người, trong đó có tác giả, ôm đầu máu vào quân y viện. Phiên hiệu Trung đoàn 6 của tác giả sau mười năm chinh chiến (1965-1975) con số liệt sĩ gấp mười lần con số phiên chế (12.000/1.200). Từng nhiều lần nhặt thi thể đồng đội và phải sau bốn mươi năm, tác giả mới đủ dũng cảm (và lạnh lùng) để viết: “Đồng chí Tạo vẫy tay ra hiệu nghỉ một chút để định hình và lấy lại sức. Mới vài phút thì một quả M-79 nổ, xé tan vùng hạ bộ, cướp mất sinh mạng đồng chí đại đội phó. Chúng tôi đặt xác đồng chí chỉ huy trong một lùm cây ven khe, đi tiếp”; “Tiểu đội phó Phạm Thế Hùng (cán bộ trường Đại học Sư phạm Vinh) cùng đồng đội di chuyển thoăn thoắt cản bước quân giặc bằng những loạt đạn AK điểm xạ chắc nịch... Đảo mắt về bên trái khoảng năm mươi mét, Phạm Thế Hùng ngã vật xuống đất, tay ôm ngực, máu phun tung tóe... Chiến sĩ anh nuôi đến băng bó nhưng Hùng đã tắt thở”; “Một số chiến sĩ hi sinh tại chỗ trong đó có Lê Ngọc Sỹ. Sỹ nằm ở tư thế nghiêng, chân duỗi chân co, tay vờn ra phía trước, máu, mưa ướt đẫm”… Đó là những dòng văn tả chân, trực diện, không cần hư cấu nên không thể chân thực hơn.
Là người trong cuộc, giữa cuộc, cây bút cựu chiến binh Hoàng Đình Bường không ngại ngần đề cập đến một hiện tượng rất nhạy cảm ở chiến trường: sự đấu tranh tâm lí giữa cái sống và cái chết, giữa bảo mạng và nghĩa vụ. Con người, không phải sắt đá, có đủ ái ố hỉ nộ, cái cao thượng và cái thấp hèn. Chạm đến trạng huống này, vẫn là phản ánh trực diện nhưng trái tim nhân đạo của chàng sinh viên khoa Văn, của người cầm bút có hơn ba mươi năm trên bục giảng vẫn nghiêng về chiều thông cảm tha thứ. Đây là tình cảnh những người lính mới ra khỏi quân y viện dã chiến ở chiến trường: “Có tốp tìm về các đơn vị 559 gần đó. Có tốp xin nhập vào bộ đội phòng không và có những nhóm nhỏ quay lui tìm đường tẩu thoát, không về mặt trận, trong đó có cả lính sinh viên”; “Địch ta vào thế cài răng lược, giành giật nhau từng quả đồi loang lổ máu. Thắng thua diễn ra liên tục. Lính cũ lộ vẻ mệt mỏi, ngán ngẩm chiến tranh. Lính mới ngơ ngác, có người hoang mang khi nghe lính cũ kể về những trận đánh ác liệt”; “Chính sự gian khổ và nguy hiểm đã làm không ít chiến sĩ bỏ ngũ vượt lên miền Tây nhập vào các đơn vị khác. Thậm chí có một số chiến sĩ đã chiêu hồi theo giặc, trong đó có cả ba lính sinh viên khoa Sinh và khoa Lí (xin phép không nêu tên)”; “Có chiến sĩ không chịu nổi tiếng nổ đinh tai và sự ác liệt, giơ tay lên cửa phụ xin một vết thương, may ra thoát khỏi chiến trường”… Đây có lẽ là “vết thương chiến tranh” lần đầu được vén lên “thăm” lại, tuy nhiên tác giả biết dừng lại ở lằn ranh vừa đủ, không mổ xẻ thêm.
Vẫn là với trái tim của người lính sinh viên khoa Văn, giữa những trang văn thản nhiên miêu tả sự tàn khốc của chiến tranh, tác giả không khỏi có cảm giác bàng hoàng cảm khái: “Chiến tranh đã đánh cắp tuổi thanh xuân một cách man rợ trong bão tố đạn bom và cả thời hậu chiến”; “Dù sao, đánh xe tăng đường 12 cũng là một kỉ niệm buồn đáng nhớ. Lịch sử không ghi những điều vụn vặt lại tổn thất nặng nề nhưng những người lính trực tiếp tham gia chiến trận thì máu vẫn chảy trong mắt, không thể quên lãng”; “Việc chuẩn bị vũ khí súng đạn gạo cơm và điều nghiên trận địa là chuyện bình thường. Đào huyệt chuẩn bị cho cái chết của chính mình thì thật khó tin, kiêng cữ vô cùng. Vậy mà ở đơn vị chúng tôi việc đó diễn ra gần như bình thường”…
Là kí tư liệu, hấp dẫn người đọc bởi tính chân xác của sự kiện, chi tiết, Yên Ngựa sau cuộc chiến bất ngờ có được một chương nhỏ xây dựng nhân vật (nhân chứng) rất giản dị lại rất thành công. Tiêu đề Người lính giữ kho đưa ta làm quen với một người lính sinh viên văn khoa quê xứ Nghệ “nhỏ con, sức khỏe yếu, mắt kém... trúng tuyển trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Đậu Công Nhân đến với chiến trường Trị Thiên trong dáng hình tiều tụy, hốc hác, luôn đi cuối đội hình”. Những dòng văn kể lại chuyện hai người lính khoa Văn gặp nhau giữa rừng già, và người lính nhỏ bé nhút nhát giữ kho gạo đã liều mình phá kỉ luật bớt ít gạo sấy để đồng đội, đồng môn mang về cứu nguy cho đơn vị chiến đấu khiến độc giả rơi lệ. Người lính ấy có bốn năm ở một mình giữa rừng già với kho gạo, chống chọi với cô đơn, buồn nhớ. Hết chiến tranh, anh trở về học tiếp đại học, ra trường đành phận dạy cấp hai ở một huyện miền núi “vẫn cần mẫn, cẩn thận và chu tất như những ngày làm thủ kho ở chiến trường, ai cũng mến mộ...”. Thật kì lạ, cả một tập văn hừng hực lửa chiến trận với những chiến công và những cái chết bi hùng như tiểu thuyết mà nước mắt độc giả lại rơi vào một chiến sĩ vô danh làm công việc giữ kho bình thường. “Bốn năm ở chiến trường, ở rừng. Gần bốn mươi năm nữa Nhân vẫn ở rừng. Chiêm nghiệm chuyện đời, chuyện người, chuyện mình, biết đâu Đậu Công Nhân ở bên đó (cũng) đang viết hồi kí chiến tranh và thời hậu chiến”. Chân dung cuộc đời người lính - nhà giáo Đậu Công Nhân chỉ mươi dòng chấm phá mà lay động tâm can người đọc.
Cuốn sách không chỉ đề cập số phận những cựu chiến binh trí thức thời hậu chiến, mà còn nói đến gia cảnh những người lính không trở về. Cuộc sống của những thành viên trong gia đình có cha và ông nội đều là liệt sĩ (mà tác giả đến thăm sau gần bốn mươi năm cách biệt) cũng đủ để tác giả ghi lại những trang văn ám gợi. Câu hỏi đột ngột của người con gái đầu của liệt sĩ Hoàng Đình Bách không chỉ khiến tác giả mà cả độc giả giật mình: “Răng chú về mà không rủ ba cháu về với? Đến bựa ni mà chị em cháu vẫn không biết mặt ba”.
Không bao giờ nữa, con gái ạ, vì ba cháu, Đại đội trưởng Nguyễn Đình Bách đã vĩnh viễn nằm lại dưới chân đồi Mồ Côi, chiến trường Trị Thiên -Huế.

N.T.T

 



 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)