Khúc bi tráng trong Vở chèo “Bến nước Ngũ Bồ”

Thứ Tư, 24/07/2019 15:01

. LÊ DANH TOÀN, HUY QUANG

 

Để chuẩn bị tham gia “Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2019” tổ chức tại TP Bắc Giang vào tháng 9, Nhà hát Chèo Quân đội đã báo cáo tổng duyệt và ra mắt khán giả vở chèo “Bến nước Ngũ Bồ”.

Tác giả vở chèo là cố nhà văn Hoàng Công Khanh; Đạo diễn: NSND Lê Hùng; Trợ lý đạo diễn: NS Cao Cường; Âm nhạc: Nhạc sĩ, NSƯT Hạnh Nhân; Thiết kế mỹ thuật: Họa sĩ, NSƯT Nguyễn Đạt Tăng; Chỉ đạo nghệ thuật: Đại tá, Đạo diễn, NSND Nguyễn Quốc Trượng – Giám đốc Nhà hát Chèo quân đội.

Câu chuyện diễn ra vào khoảng đầu thế kỉ XV, giặc Minh phương Bắc xâm lược nước ta, nhân dân nhiều nơi đứng lên khởi nghĩa nhưng đều bị đàn áp đẫm máu. Trước tình hình đó, Lê Lợi cùng Nguyễn Trãi đã đứng lên phất cờ khởi nghĩa, chiêu tập anh hùng hào kiệt để chống quân xâm lược. Nhằm tăng thêm binh lực, tìm kiếm những người yêu nước phải tránh sang Chiêm Thành ẩn náu, Lê Lợi – người anh hùng của cuộc khởi nghĩa đã phái người em họ thân tín của mình là Lê Liêm - một tráng sĩ yêu nước sang Chiêm Thành để kết nối những nghĩa sĩ Việt còn ẩn náu bên đó từ khi Hồ Quý Ly thất trận, đưa họ trở về Tổ quốc, cùng ông đánh giặc cứu nước.

Để đến được Chiêm quốc, Lê Liêm phải vượt sông Ngũ Bồ - Con sông hiểm trở nơi biên giới chia đôi bờ Chiêm - Việt. Để vượt qua được Ngũ Bồ giang sang Chiêm Quốc là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, khi quân địch luôn truy lùng gắt gao, kiểm soát và phá nát mọi thuyền bè qua lại. Xoay quanh câu chuyện vượt sông sang Chiêm quốc của Lê Liêm, hành động của các nhân vật trong Bến nước Ngũ Bồ được phân hóa theo hai hướng đối lập: hướng hành động tìm mọi cách để bắt bằng được Lê Liêm (đại diện là Đặng Ích) và hướng hành động tìm mọi cách để giúp Lê Liêm thoát khỏi vòng truy đuổi, sang được Chiêm quốc (đại diện là ông lái đò). Chính sự đối lập giữa hai hướng hành động này đã tạo nên xung đột của vở diễn gắn với quá trình chạy - đuổi của hai tuyến nhân vật, tác động đến các nhân vật, là căn cứ để các nhân vật trong kịch bộc lộ tâm lí, tình cảm, tính cách, hành động của mình.

Ở tuyến đối lập, đại diện là nhân vật Đặng Ích (NS Xuân Được) – Viên thám binh người Việt làm tay sai cho giặc Minh, có nhiệm vụ lần theo dấu vết, tìm cách vây bắt bằng được Lê Liêm, nhằm ngăn chặn kế hoạch “vượt Ngũ Bồ giang”. Để hoàn thành nhiệm vụ, Đặng Ích đã dày công bám theo dấu tích của Lê Liêm từ suốt kinh thành tới tận Ngũ Bồ giang, hắn dùng binh lực, rượu ngon, danh lợi để mua chuộc lòng dân nhằm tìm ra nơi Lê Liêm ẩn náu.

Cũng ở tuyến đối lập đó, Trần Bạch (NS Chí Cường) - Con trai ông Lái đò, vốn là một chàng trai yêu nước mang khát vọng độc lập non sông, sang Chiêm quốc theo lời dặn của cha, tìm và kết giao với các hào kiệt, cùng họ làm việc lớn, trả hận cho đất nước. Nhưng khi ở Chiêm quốc, ngày ngày đắm chìm trong đàn ca, cờ bạc, trong rượu thơm và gái đẹp.

Trần Bạch đã quên mất lời cha già căn dặn, quên đi cả nỗi nhục mất nước để cho Thị Trinh (em gái Trần Bạch) phải than rằng:

Anh quá mải chơi quên mất cả lời cha già căn dặn

Phụ cả ý của tiền nhân gửi gắm

Của người con mang tuổi lớn non sông

Rửa sạch hận thù quốc phá gia vong”.

Một cảnh trong vở diễn

Để rồi trở thành kẻ tham sống, sợ chết “Lúc quá bước đã đâm đầu theo giặc” tiếp tay cho Đặng Ích đi tìm bắt Lê Liêm và cuối cùng phải chịu cái chết thảm hại dưới chính tay Đặng Ích. Như lời ông Lái đò :

“Chơi dao sắc tất có ngày dao cắt

Giặc giết anh con, tránh nỗi âu lo

Khi đã biết hết mọi điều cần biết”.

Đại diện cho những người dân yêu nước, Ông Đồ (NSƯT Đình Óng) – Người lái đò với ý chí quật cường, bền lòng vững chí, mang lòng căm thù giặc sâu sắc và tình yêu nước nồng nàn. Đêm ngày gọt dũa mái chèo, chờ đợi để đưa nhưng tráng sĩ vượt sông…

“Mái chèo đây còn nguyên vẹn

Đò vẫn buông sào trên bến Ngũ Bồ

Đợi trang anh hùng nức tiếng thành đô

Vượt biên giới đem binh về rửa nhục

Phá ngục tù, bẻ ngọn cờ khuất phục

Đuổi thù, sát nịnh, diệt ác, trừ gian”.

Ông đã không tiếc thân mình, chấp nhận hi sinh, để giúp Lê Liêm thoát khỏi vòng vây của kẻ thù, sang được Chiêm quốc.

“Thị Trinh, con hãy cầm lấy mái chèo

Thay chân cha trên sóng nước gieo neo

Chở tráng sỹ qua sông ngay lập tức

Còn tráng sỹ Lê Liêm, hãy theo bước nữ nhi

Đò đã có rồi, người kíp đi mau”

Sự nghiệp! Giang sơn! Quốc dân trông đợi!

Kìa! Hồn thiêng nước non vẫy gọi!

Vầng dương đang le lói

Chân mây sắp rạng rồi”.

Cũng như cha mình, Thị Trinh (NS Quỳnh Sen) – con gái ông lái đò, là phận nữ nhi, nhưng biết đau trước nỗi đau của sơn hà xã tắc. Hàng ngày bán rượu bên bến Ngũ Bồ, cùng với cha tìm mọi cách để giúp những người yêu nước sang sông. Nhìn tờ cáo thị vẽ hình Lê Liêm treo trước quán, trong lòng nàng đã nhen lên tình cảm đối với người tráng sĩ chưa hề gặp mặt. Để rồi khi gặp Lê Liêm, với sự cảm phục, tình yêu và lòng yêu nước đã khiến nàng không ngại nguy hiểm, tìm mọi cách để giúp Lê Liêm sang Chiêm quốc, hoàn thành trọng trách trên vai.

“Đây nắm đất con, tiên tổ muôn đời

Chàng giữ lấy khỏi quên tình đất nước

Đất nước còn, không còn em cũng được

Đất nước không, em có cũng bằng không”.

Với mục đích ngợi ca lòng yêu nước, ý chí quật cường của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, tác giả đã chọn kết quả chiến thắng về ông lái đò – Đại diện cho lòng yêu nước, niềm tin vào chính nghĩa. Để làm được điều này, ông sẵn sàng hi sinh thân mình trong một cuộc chiến không cân sức với quân giặc mà ông biết trước kết quả. Nhân vật ông lái đò chính là hiện thân của những người dân Việt yêu nước, giản dị, mộc mạc nhưng gân góc, quật cường, mang khát vọng non sông, lòng căm thù giặc sâu sắc, sẵn sàng hi sinh thân mình vì sự tồn vong của dân tộc.

Là vở chèo dã sử, với nội dung câu chuyện diễn ra vào bối cảnh cách đây hơn 600 năm nhưng giá trị tư tưởng vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay, đó chính là lòng yêu nước của mọi người dân đất Việt mà đại diện chính là nhân vật Lê Liêm, ông lái đò, Thị Trinh. Hơn cả chính là sức mạnh của quần chúng nhân dân, mọi thành bại đều phải dựa vào quần chúng nhân dân, phải biết gần dân, bám dân, dựa vào dân, như Nguyễn Trãi – Quân sư của Khởi nghĩa Lam Sơn đã từng nói: “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”, “Lật thuyền mới biết sức dân như nước”.

L.D.T
H.Q

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)