Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa

Thứ Năm, 11/07/2019 10:51

Để chỉ ra tính biện chứng trong tư duy Hồ Chí Minh, sự gắn bó không thể tách rời giữa kinh tế và văn hoá, giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần, Văn kiện Đại hội IX của Đảng đã khái quát bản chất và sự độc đáo của tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá, đó chính là "tư tưởng về phát triển kinh tế và văn hoá, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân".

1. Thấu hiểu sâu sắc các giá trị văn hóa dân tộc, chủ nghĩa Mác - Lênin và tinh hoa văn hóa thế giới, Hồ Chí Minh đã nhận rõ vị trí đặc biệt quan trọng ý nghĩa lớn lao của văn hóa

Từ năm 1943, Hồ Chí Minh đã nêu ra định nghĩa về văn hoá: "Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá. Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn"[1]. Định nghĩa của Hồ Chí Minh khẳng định lý do tồn tại và phát triển của văn hoá "vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống", nhấn mạnh đặc trưng quan trọng nhất là "sáng tạo và phát minh", đồng thời chỉ ra các lĩnh vực, loại hình chính của văn hoá với ý nghĩa rộng lớn của nó.

Cùng với việc chỉ rõ nội hàm của văn hoá, Người phân tích và luôn nhấn mạnh mối quan hệ biện chứng giữa văn hoá và cơ sở hạ tầng, văn hoá với kinh tế, chính trị, xã hội; văn hoá là một kiến trúc thượng tầng; những cơ sở hạ tầng của xã hội có kiến thiết rồi, văn hoá mới đủ điều kiện phát triển được. Mặt khác, Người khẳng định nhiều lần ý nghĩa, vai trò của văn hoá là động lực của sự phát triển kinh tế, phát triển xã hội, “Văn hoá phải soi đường cho quốc dân đi”[2].

Từ cách nhìn nhận rất biện chứng trên, Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, "trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau là chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội"[3]. Đồng thời, trong quan hệ của bốn thành tố trên, Hồ Chí Minh chỉ rõ vai trò quyết định của chính trị và kinh tế đối với sự phát triển của văn hoá.

Khi dân tộc và đất nước còn bị nô lệ thì văn hoá cùng chung số phận nô lệ đó, vì vậy theo Hồ Chí Minh, phải tiến hành cách mạng chính trị trước để giải phóng chính trị, giải phóng xã hội, từ đó, giải phóng văn hoá, mở đường cho văn hoá phát triển. Xưa kia chính trị bị áp bức, nền văn hoá của ta vì thế không nảy sinh được. Khi đất nước đã được giải phóng, bước vào thời kỳ xây dựng, Hồ Chí Minh chỉ rõ kinh tế là nền tảng của việc xây dựng văn hoá, vì vậy phải xây dựng kinh tế làm cơ sở hạ tầng cho sự phát triển văn hoá. "Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải phát triển kinh tế và văn hoá. Vì sao không nói phát triển văn hoá và kinh tế? Tục ngữ ta có câu: Có thực mới vực được đạo; vì thế kinh tế phải đi trước... Phát triển kinh tế và văn hoá để nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân ta"[4].

Văn hoá thuộc kiến trúc thượng tầng, gắn bó hữu cơ với cơ sở hạ tầng, vì thế, từ trong bản chất và tuân thủ quy luật chung, văn hoá ở trong kinh tế và chính trị, văn hóa không thể đứng ngoài, mà có nhiệm vụ góp phần thúc đẩy xây dựng và phát triển kinh tế, phục vụ sự nghiệp cách mạng của nhân dân, trở thành một động lực to lớn, chủ động tác động tích cực trở lại đối với kinh tế và chính trị. "Văn hoá, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”2. Nguyên lý này hoàn toàn không phải là sự áp đặt đối với văn hoá, văn nghệ, mà chính là bản chất xã hội của văn hoá, là một quy luật khách quan của mối quan hệ biện chứng trên. Từ luận điểm cơ bản trên, ngay trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Hồ Chí Minh đã rút ra một kết luận có ý nghĩa cực kỳ quan trọng nhằm định hướng cho toàn bộ sự phát triển của văn hoá nước ta: tham gia cách mạng là con đường duy nhất, là nhu cầu tất yếu của văn hoá, văn nghệ và những người hoạt động, sáng tạo trên lĩnh vực này: "Rõ ràng là dân tộc bị áp bức, thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn được tự do thì phải tham gia cách mạng"3. Tham gia cách mạng không chỉ để đóng góp tích cực vào tiến trình và thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, mà còn vì nhu cầu tồn tại và phát triển của bản thân văn nghệ, vì sự tự do chân chính của văn nghệ. Kết luận hiển nhiên, giản dị đó của Hồ Chí Minh thực sự có ý nghĩa lớn lao đối với văn hoá, văn nghệ nước ta.

2. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nhiệm vụ xây dựng "một nền văn hóa mới" và chỉ rõ tính chất, đặc trưng và chức năng chủ yếu của nền văn hóa đó

a. Ngay sau ngày Quốc khánh 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho thành lập Ủy ban văn hoá lâm thời Bắc Bộ. Tại buổi tiếp đại biểu của Ủy ban này ngày 7-9-1945, Hồ Chí Minh chỉ rõ: Bổn phận của các ngài là lãnh đạo tư tưởng quốc dân, đấu tranh cho độc lập và kiến thiết một nền văn hoá mới. Từ đó tuỳ theo nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng, Hồ Chí Minh và Đảng ta nhấn mạnh các tính chất, đặc trưng của nền văn hoá đó và phù hợp với tiến trình cách mạng, với kết quả tổng kết thực tiễn và từng bước điều chỉnh, bổ sung, hoàn chỉnh các quan điểm cơ bản của mình. Song, tựu trung, đó là nền văn hoá bao hàm các tính chất dân tộc, hiện đại nhân văn để tạo nên một nền văn hoá mới đa dạng và thống nhất - nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được Đại hội lần thứ VII (1991) của Đảng đúc kết và khẳng định. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, yêu nước là nấc thang giá trị cao nhất của dân tộc Việt Nam và của nền văn hoá Việt Nam. Kế tục phẩm chất bền vững đó của văn hoá dân tộc trong quá khứ, nền văn hoá mới phải tiếp tục phát triển nó với những đặc trưng mới. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó chính là sự gắn bó mật thiết và trở thành một bộ phận của sự nghiệp cách mạng, là sự hài hoà giữa lý tưởng độc lập dân tộc với lý tưởng xã hội chủ nghĩa trong nền văn hoá đó, trở thành nội dung cốt lõi của nó trong thời kỳ mới. Như vậy, chứa đựng trong nền văn hoá mới của chúng ta, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, là những giá trị bền vững, cao quý và những tinh hoa của văn hoá và truyền thống dân tộc cùng với những giá trị mới được xây đắp và phát triển trong thời kỳ hiện đại của dân tộc ta. Điều đó có nghĩa là, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là nhân tố và phẩm chất hoà quyện hữu cơ trong nền văn hoá, tạo nên tổng thể giá trị của nền văn hoá đó.

Về phẩm chất dân tộc, đậm đà bản sắc dân tộc của nền văn hóa mới, trước hết là nền văn hóa có gốc rễ dân tộc, mang tâm hồn, diện mạo, đặc tính cốt cách dân tộc. Đó là những giá trị bền vững và những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, "lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống... "[5].

Trong rất nhiều bài nói, bài viết của mình, Hồ Chí Minh ân cần nhắc nhở chúng ta phải giữ gìn và phát huy những truyền thống và bản sắc tốt đẹp ấy của dân tộc. Người khẳng định, văn hoá phải "lột cho hết tinh thần dân tộc", "phát huy cốt cách dân tộc"... không chỉ ở chiều sâu của nội dung văn hoá mà còn thể hiện đậm đà trong các hình thức, phương thức biểu hiện nội dung đó.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá, nói giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc không đồng nghĩa với dân tộc hẹp hòi, đóng cửa, khép kín và cũng hoàn toàn xa lạ với kiểu bắt chước, học đòi, lai căng để đánh mất đi cái độc đáo, cái đặc trưng của dân tộc mình. Phải biết kế thừa, phát huy có chọn lọc những truyền thống văn hoá tốt đẹp phù hợp với điều kiện lịch sử mới, kiên quyết phê phán và loại bỏ những tập tục lạc hậu, cổ hủ, đủ bản lĩnh để mở rộng giao lưu với thế giới, tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái tốt đẹp, tiến bộ của văn hoá nhân loại, tỉnh táo chống lại sự xâm nhập của mọi thứ văn hoá độc hại... "Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hoá Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hoá xưa và văn hoá nay, trau dồi cho văn hoá Việt Nam thật có tinh thần thuần tuý Việt Nam"[6].

b. Nền văn hoá mới, theo quan điểm của Hồ Chí Minh, phải là một nền văn hoá thấm sâu phẩm chất nhân văn và dân chủ, "hợp với tinh thần dân chủ", mà trước hết là sự tôn trọng và yêu thương con người, góp phần vì sự phát triển toàn diện của con người, đặc biệt là bồi dưỡng và nâng cao đời sống tinh thần, tư tưởng, tình cảm phong phú, cao đẹp của con người. Đây chính là sứ mệnh, là chức năng chủ yếu của văn hoá. Trong quan niệm của mình về văn hoá, Hồ Chí Minh thường xuyên nhấn mạnh một chức năng có vị trí đặc biệt của văn hoá là bám sát và thấu hiểu cuộc sống, miêu tả và khám phá con người, bảo vệ và khẳng định, góp phần trực tiếp xây dựng con người mới đang hình thành trong cuộc chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ và vĩ đại vì sự ra đời và chiến thắng của xã hội mới. Thấu hiểu đặc trưng và sức mạnh riêng của văn hoá, Hồ Chí Minh luôn luôn có niềm tin sâu sắc về khả năng của văn hoá có thể và cần phải nuôi dưỡng, xây đắp cho con người những lý tưởng cao quý, những tư tưởng và tình cảm lớn, những phẩm chất tốt đẹp cho con người để giúp con người vươn tới cái chân, cái thiện, cái mỹ và từ đó con người có năng lực và khát vọng không ngừng hoàn thiện bản thân. Quá trình tự hoàn thiện ấy chính là quá trình con người vươn lên cái tốt đẹp, tiến bộ và đấu tranh với cái xấu xa, đen tối, lạc hậu. Vai trò cao quý của văn hoá, với tư cách là động lực của sự phát triển, trước hết là thông qua chức năng chủ yếu và đặc trưng này của văn hoá. Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh: "Phải làm thế nào cho văn hoá vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hoá phải sửa đổi được tham nhũng, được lười biếng, phù hoa, xa xỉ... văn hoá phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do... làm thế nào cho một người dân Việt Nam từ trẻ đến già, cả đàn ông và đàn bà ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình và biết hưởng hạnh phúc của mình nên được hưởng"[7].

Nói đến văn hoá là nói đến phẩm chất, đến giá trị, đồng thời cũng là nói đến trình độ của con người. Nuôi dưỡng các phẩm chất, xây đắp các giá trị tinh thần, tư tưởng, tình cảm và nâng cao trình độ dân trí là những chức năng không thể tách rời của văn hoá. Theo yêu cầu của từng thời kỳ của cuộc đấu tranh cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhấn mạnh các nhiệm vụ lớn lao trên của văn hoá. "Chúng ta phải biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước văn hoá cao và đời sống tươi vui, hạnh phúc”[8], Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định như vậy ngay khi đất nước ta kết thúc cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và miền Bắc bắt đầu bước vào thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chính từ quan điểm đó mà Người luôn đòi hỏi rất cao đối với chất lượng của hoạt động văn hoá, đáp ứng các nhu cầu đa dạng của con người - nhận thức, tiếp nhận, hưởng thụ văn hoá và nâng cao trình độ hiểu biết toàn diện của mình thông qua văn hoá, bằng văn hoá. Người nhắc nhở: "Phong trào văn hoá có bề rộng, chưa có bề sâu; nặng về mặt giải trí mà còn nhẹ về mặt nâng cao tri thức của quần chúng"[9].

Sự nhắc nhở đó cách đây đã hơn 40 năm, nhưng chúng ta thấy đó như là sự phê bình trực tiếp những thiếu sót, khuyết điểm của công tác văn hoá nước ta trong những tháng ngày gần đây nhất.

Chính do tính chất, đặc trưng và chức năng đặc biệt trên của văn hoá, theo lời dạy và chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nên cần phải làm mọi cách để phát huy tối đa sức mạnh của văn hoá, làm cho các nhân tố văn hoá thấm sâu vào mọi lĩnh vực, mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, pháp luật, kỷ cương... và mọi quan hệ của con người với tự nhiên, xã hội và với chính mình..., biến văn hoá thành nguồn lực nội sinh quan trọng của phát triển.

3. Văn hoá bao gồm nhiều lĩnh vực rộng lớn và phong phú. Xét về đặc trưng của các khu vực hoạt động tinh thần, văn hoá bao gồm các lĩnh vực như văn hoá chính trị, văn hoá đạo đức, văn hoá giáo dục, văn hoá nghệ thuật, văn hoá pháp luật, văn hoá lao động, đời sống văn hoá cụ thể, văn hoá lối sống,... Có thể nghĩ rằng, Hồ Chí Minh quan tâm và có nhiều ý kiến sâu sắc về hầu hết các lĩnh vực đó. Xét về loại hình hoạt động cụ thể, chúng ta lại có thể thấy Người đã đề cập và cho ý kiến chỉ đạo cụ thể từng loại hình, từ báo chí đến văn học, nghệ thuật, từ khoa học đến giáo dục, từ đạo đức đến lối sống, nếp sống, xây dựng đời sống mới, từ các hoạt động văn hoá quần chúng đến lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật chuyên nghiệp, từ truyền thống văn hoá quá khứ đến văn hoá, nghệ thuật hiện đại, đương đại, từ cách nói, cách viết đến ngôn ngữ và chữ viết,...

Điều đặc biệt quan trọng là, xuất phát từ sự am hiểu sâu sắc, toàn diện bản chất xã hội và đặc trưng của văn hoá nói chung, Hồ Chí Minh đã chỉ ra rất rõ ràng, sinh động, đầy sức thuyết phục tính đặc thù sức mạnh riêng của một lĩnh vực, một loại hình hoạt động văn hoá cụ thể, từ đó chỉ đạo chính xác, khoa học các quan điểm cơ bản đối với từng lĩnh vực và hoạt động đó. Ở đây chỉ xin nêu vắn tắt một vài dẫn chứng về lĩnh vực văn nghệ (được hiểu là văn học và các loại hình nghệ thuật). Văn nghệ là biểu hiện tập trung nhất của văn hoá, là đỉnh cao của đời sống tinh thần, là hình ảnh của cốt cách, tâm hồn, đặc tính dân tộc. Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng văn nghệ, Người đã khai sinh ra nền văn nghệ cách mạng và chính Người là ngọn cờ đầu, là người thầy, người chiến sĩ mở đường, tiên phong trong sáng tạo văn nghệ, cả thơ ca, truyện ký, kịch, chính luận và lý luận văn nghệ.

Bằng cả cuộc đời mình, Hồ Chí Minh đã đúc kết và khẳng định một chân lý, một quan điểm sâu sắc: văn nghệ là mặt trận, người nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy, tác phẩm văn nghệ là khí sắc bén trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, xây dựng con người mới và xã hội mới.

Quan điểm trên đây của Hồ Chí Minh đã có một ý nghĩa đặc biệt to lớn và sâu sắc trong việc tập hợp, rèn luyện, xây dựng và phát triển một đội ngũ văn nghệ sĩ kiểu mới, làm cho họ trở thành những nghệ sĩ - chiến sĩ, chiến sĩ - nghệ sĩ tự nguyện tham gia vào sự nghiệp cách mạng bằng tài năng và sự sáng tạo của mình. Để hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình, Hồ Chí Minh thường xuyên căn dặn văn nghệ sĩ phải bồi dưỡng đồng thời cả phẩm chấttài năng, hai nhân tố quyết định cho thành công trong hoạt động sáng tạo của mình "phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân"[10].

Văn nghệ cần hiểu thấu, liên hệ đi sâu vào đời sống của nhân dân, gắn bó và am hiểu sâu thực tiễn đời sống lao động, sản xuất, chiến đấu, sinh hoạt, học tập và xây dựng cuộc sống mới để có thể phản ánh chân thật, sinh động thực tiễn ấy, "bày tỏ được cái tinh thần anh dũng và kiên quyết của quân và dân ta, đồng thời để giúp phát triển và nâng cao tinh thần ấy"[11].

Thực tiễn phong phú trong lao động và đấu tranh của nhân dân luôn luôn là nguồn sinh khí, nguồn nhựa sống vô tận cho sáng tạo văn học và nghệ thuật, chính vì thế, Hồ Chí Minh nêu lên yêu cầu văn nghệ sĩ phải thật hoà mình với quần chúng, gắn bó máu thịt với đời sống, vì chỉ có nhân dân mới nuôi dưỡng cho sáng tác của nhà văn bằng nguồn nhựa sống, còn nếu nhà văn quên điều đó, nhân dân cũng sẽ quên anh ta.

Phải có những tác phẩm văn nghệ xứng đáng với thời đại mới của dân tộc và đất nước và các tác phẩm đó phải phản ánh cho hay, cho chân thật, cho hùng hồn sự nghiệp cách mạng của nhân dân, đó là một đòi hỏi, đồng thời là một nguyện vọng, mong chờ sâu xa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp văn nghệ và đối với đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng của chúng ta. Sáng tác cho hay, cho chân thật là những yêu cầu tạo ra những giá trị về tư tưởng và nghệ thuật đối với tác phẩm văn nghệ. Theo Hồ Chí Minh, ca tụng chân thật những người mới, việc mới không đồng nghĩa với việc tô hồng hiện thực, tạo ra những hình ảnh xa rời đời sống hoặc lẩn tránh việc phê phán cái sai, cái tiêu cực, cái xấu trong xã hội. Người khẳng định: "Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta,... Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại"[12]. Chỉ vài câu rất giản dị trên đã có thể tìm thấy những quan điểm chủ yếu của Hồ Chí Minh về định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho mối quan hệ giữa khẳng định và phủ định, ca ngợi và phê phán trong sáng tạo văn học, nghệ thuật.

Đồng thời với việc khẳng định văn nghệ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, tham gia cách mạng, Hồ Chí Minh đã nhiều lần nói đến tính đa dạng, phong phú của văn nghệ, coi đó là đặc trưng, là một đòi hỏi nội tại của bản thân văn nghệ và cũng là đòi hỏi khách quan của công chúng đối với hình thái hoạt động đặc thù này: "cần làm cho món ăn tinh thần được phong phú, không nên bắt mọi người chỉ được ăn một món thôi. Cũng như vào vườn hoa, cần cho mọi người được thấy nhiều loại hoa đẹp"2.

4. Một luận điểm cơ bản và rất quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá là: xây dựng và phát triển văn hoá là sự nghiệp của toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Toàn dân tham gia sáng tạo văn hóa, toàn dân làm nghĩa vụ và đóng góp cho sự phát triển văn hoá, toàn dân tham gia xây dựng và tự quản đời sống văn hoá của mình và toàn dân được quyền hưởng thụ, tiếp nhận, lưu giữ và truyền bá những giá trị văn hoá tốt đẹp, lành mạnh.

Theo Hồ Chí Minh, chỉ khi nào được mọi người dân, mọi tầng lớp nhân dân, mọi tổ chức chính trị, xã hội, các đoàn thể, các dân tộc, tôn giáo,... tham gia tự nguyện, thường xuyên, chủ động vào công tác văn hoá thì lúc đó, văn hoá mới phát triển bền vững và mạnh mẽ. Đồng thời, Người yêu cầu làm cho văn hoá thấm sâu vào toàn bộ đời sống, vào mọi lĩnh vực, mọi quan hệ của con người, lúc đó văn hoá mới hoàn thành được chức năng, nhiệm vụ của mình, trở thành động lực và sức mạnh nội sinh của sự phát triển kinh tế - xã hội.

Văn hoá Việt Nam là nền văn hoá đa dạng và phong phú của cộng đồng các dân tộc anh em sống trên đất nước ta. Vì vậy, phát triển văn hoá Việt Nam chính là phát triển tính đa dạng, bản sắc dân tộc phong phú, đặc sắc của các dân tộc, đồng thời là sự chung sức xây dựng nền văn hoá chung, thống nhất trong đa dạng đó. Hồ Chí Minh nhiều lần căn dặn: muốn phát triển văn hoá các dân tộc, phải tẩy trừ những thành kiến, phải thương yêu, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau như anh em ruột thịt một nhà.

Văn hoá là sự nghiệp của toàn dân, vì thế, trong suốt cuộc đời mình, đặc biệt từ ngay sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công cho đến ngày qua đời (tháng 9-1969), Hồ Chí Minh thường xuyên cổ vũ một cách kiên trì, đầy sáng tạo cho nhiệm vụ xây dựng "đời sống mới" bao gồm đạo đức mới, nếp sống mới, lối sống mới, thuần phong mỹ tục mới,... Cuộc vận động độc đáo này của Hồ Chí Minh đã tạo nên những chuyển biến to lớn, sâu sắc trong đời sống văn hoá của nhân dân ta.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá đã và đang là những định hướng lớn cho việc xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của chúng ta hiện nay. Đó vừa là những tư tưởng có ý nghĩa chiến lược sâu sắc, vừa có tác dụng chỉ đạo cụ thể trong hoạt động thực tiễn của chúng ta. Hồ Chí Minh là nhà lý luận văn hoá, đồng thời chính Người là danh nhân văn hoá kiệt xuất. Ở Người, nói thống nhất với làm, chính vì vậy, những chỉ bảo của Người có sức thuyết phục cao. Đó cũng chính là niềm tự hào và hạnh phúc đối với sự nghiệp văn hoá cách mạng của đất nước và dân tộc ta.

2005

ĐINH XUÂN DŨNG


[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.3, tr.458.

[2]. Hồ Chí Minh: Về văn hóa, Bảo tàng Hồ Chí Minh xuất bản, Hà Nội, 1997, tr. 320.

[3]. Báo Cứu quốc, ngày 8-10-1945.

[4], 2, 3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr. 470; t.7, tr.246; t.13, tr.504.

[5]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.56.

[6]. Hồ Chí Minh: Về văn hóa, Sđd, tr.350.

[7]. Hồ Chí Minh: Về công tác văn hóa, văn nghệ, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1997, tr. 90.

[8]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.92.

[9]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.514.

[10]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.246.

[11]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 246.

[12], 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr. 206; t.15, tr.665.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)