.NGUYỄN THANH TÂM
Tình dục và ức chế ở xã hội man dã là một cuốn sách của Bronislaw Malinowski (Nhà nhân học người Anh gốc Ba Lan) do Phạm Minh Quân chuyển ngữ, được Nhà xuất bản Thế giới và Song Thủy Bookstore liên kết phát hành năm 2019. Được đánh giá là một trong những nhà nhân học nổi tiếng nhất của thế kỉ XX, Bronislaw Malinowski trong công trình của mình (và những công trình khác) đã đem đến cho cộng đồng đọc – nghiên cứu văn hóa, văn học, nhân học những nhận thức mới mẻ, độc đáo cùng lối viết giàu chất văn chương. Cùng với cuốn sách này, những suy tư mang đầy tính chất vấn, đặc biệt là chất vấn các mô hình lý thuyết khoa học, mỹ học, sự nhấn mạnh đến những biểu hiện sinh động, luôn trượt ra ngoài các nguyên lý hay khuôn khổ được tái xác lập. Thông qua cuốn sách của Bronislaw Malinowski, từ những hành vi có liên quan đến tính dục, vai trò của văn hóa trong việc kiến tạo thực tại xã hội được nhấn mạnh trong thế không ngừng đối chiếu với các diễn biến đời sống.
Trong công trình Tình dục và ức chế ở các xã hội man dã, Bronislaw Malinowski đã trình bày những phân tích của mình trên các dữ liệu điền dã tại quần đảo Trobriand, nơi sinh sống của cộng đồng người Melanesia. Quan điểm khoa học dẫn dắt Bronislaw Malinowski chính là từ thực tế của cộng đồng người man dã vùng đảo san hô Trobriand, soi chiếu lại các quan điểm phân tâm học bắt nguồn từ S. Freud, đặc biệt là phức cảm Oedipus và các biểu hiện khác của vô thức. Theo đó, ông cực lực phản đối S. Freud trong việc nhấn mạnh vấn đề tính dục trong mối liên hệ vô thức có tính phổ quát. Bằng thực tế quan sát, điền dã ông chỉ ra rằng, vô thức như một sản phẩm mang tính bản năng, tự nhiên, chỉ là những suy luận “trong phòng khám bệnh”. Khai sinh khái niệm và phương pháp “quan sát tham dự” trong nghiên cứu dân tộc học, nhân học, Bronislaw Malinowski nhấn mạnh đến quá trình kiến tạo văn hóa cũng như ảnh hưởng của thiết chế văn hóa lên việc hình thành bản năng tính dục hay các phức cảm khác. Dường như, với công trình này, mà thực chất là từ trong tư tưởng học thuật của Bronislaw Malinowski, ông đã đặt ra cuộc tranh luận - soi xét giữa những nghiên cứu sinh học và văn hóa học, nhân học. Từ chính những cứ liệu tham dự, những luận điểm của ông mang đầy sức mạnh.
Là một công trình dân tộc học – nhân học, cuốn sách của Bronislaw Malinowski đặt ra nhiều vấn đề trong thế đối thoại với phân tâm học. Luận điểm cốt lõi của ông chính là văn hóa như một nền tảng kiến tạo con người. Phần I (Sự hình thành của một phức cảm) tập trung vào vấn đề hình thành phức cảm đặt trong cấu trúc của xã hội mẫu quyền. Bronislaw Malinowski lựa chọn xã hội mẫu quyền để kiểm nghiệm phức cảm Oedipus chính là một đối thoại mạnh mẽ với S. Freud. Ông chủ động đưa ra nhận định từ quan sát thực tế rằng luận điểm của S.Freud đã không chính xác ngay chính trong xã hội mẫu quyền là nơi mà phức cảm Oedipus có điều kiện sinh sôi nhất.
Bằng chứng là khao khát lấy mẹ giết cha không nảy sinh trong cộng đồng mẫu hệ Melanesia. Thay vào đó là một khao khát khác được nhận ra từ thực địa chuyên sâu rằng đứa bé trai đến tuổi trưởng thành khao khát lấy chị em gái và giết người anh em của mẹ. Ông cũng lý giải rằng, vì sao S. Freud nhận ra đứa bé trai ghét cha và yêu mẹ, đó là vì một sự chia tách mẹ con từ bé và buộc phải gắn bó – có tính năng sinh tồn vào người cha.
Những diễn giải của Malinowski thách thức trở lại truyền thống phân tâm học khai sinh từ Freud nhưng cũng không quên công lao của học thuyết này trong việc tạo ra những vùng đất mới của sự quan sát.
Phần II (Sự phản chiếu của truyền thống) tiếp tục đặt ra những luận điểm quan trọng về vai trò của truyền thống – sự kiến tạo lên tồn tại của cộng đồng người. Chẳng hạn, Malinowski nhấn mạnh đến những huyền thoại mẫu quyền và phức cảm, bệnh tật và sự lệch lạc, giấc mơ và hành vi thực tế… Cấu trúc này rõ ràng luôn trong thế đối sánh và soi xét lại phân tâm học của Freud.
Phần III được phát triển dựa trên những ranh giới bất cập của hai bộ môn Phân tâm học và Nhân học. Malinowski cho rằng có những sự tách biệt không phù hợp hay thỏa đáng giữa phân tâm học với thực tế, do đó đã dẫn đến những kết luận không thực sự chính xác. Lật lại câu chuyện của những phức cảm hay xung đột con trai với người cha, Malinowski cho rằng phân tâm học đã không soát xét đến các mâu thuẫn khác trong diễn tiến đời sống cộng đồng giữa cha – con trai, thay vì đó lại quá ư nhấn mạnh đến ẩn ức tình dục. Phân tích hành vi giết cha hay các nền tảng nguyên thủy của văn hóa,… Malinowski đã cảnh báo việc phải đưa phân tâm học vào thực tế nhằm kiểm định khả năng vận hành cũng như bao quát của nó.
Phần IV, Bản năng và văn hóa, Malinowski tiếp tục làm rõ những điểm thiếu phổ quát, thiếu thuyết phục của phân tâm học Freud. Ông cho rằng các phức cảm mà Frued nhấn mạnh chỉ là phái sinh từ văn hóa. Luận điểm của Malinowski trở nên sắc sảo khi ông cho rằng những luận thuyết giả tưởng của Frued không tương thích trong cộng đồng – xã hội loài người vốn phát triển trên các diễn trình văn hóa khác nhau.
Loạn luân hay các phức cảm vô thức biểu thị một sự bất khả nào đó của văn hóa và giáo dục trong quá trình kiểm soát cộng đồng. Nó đồng nghĩa với việc yêu cầu một sự cưỡng chế trong việc tiến hành các hoạt động văn hóa, giáo dục nhằm hạn chế các hành vi có tính bản năng như trong các “gia đình động vật đích thực”. Thứ uy quyền kiểm soát và cưỡng chế này hiện hình trong vai trò của người đứng đầu gia đình – Mà Bronislaw Malinowski gọi là “người cha”.
Như vậy, nghiên cứu của Bronislaw Malinowski xuất phát từ thực tiễn văn hóa của một cộng đồng người còn mang nhiều dấu ấn hoang dã, nhằm soi chiếu lại tính phổ quát của những phức cảm nguyên thủy (Oedipus…). Từ nghiên cứu của ông, vai trò của văn hóa, của nền tảng gia đình – xã hội trở nên rất quan trọng trong việc định hình các bản dạng tồn tại của con người – cộng đồng. Ngay khi Bronislaw Malinowski phản biện S. Freud thì có lẽ chính ông cũng hình dung được những phản biện của cộng đồng về quan điểm của mình. Tuy nhiên, với những gì gợi lên từ cuốn sách của nhà nhân học vĩ đại này, với những hiện diện thực tế trong đời sống của chúng ta, văn hóa đang ngày càng cho thấy uy quyền của nó trong việc xác lập các hình thái – cấu trúc của xã hội.
N.T.T
VNQD