Tìm thêm một vẻ đẹp trong thơ Bác Hồ

Thứ Năm, 04/07/2019 10:43

Trong thơ của Bác có sự kết hợp kỳ diệu giữa nội dung và hình thức, giữa hiểu biết, khám phá và sáng tạo. Các mặt đó lại được thể hiện tổng hòa trong một vẻ đẹp giản dị hết mực.

Hẳn chẳng ai còn để tâm vào kỹ xảo, kỹ thuật trong một bài thơ như thế này nói về niềm vui của người nông dân trong dịp được mùa:

Tới đây khi lúa còn con gái

Gặt hái hôm nay quá nửa rồi

Khắp chốn nông dân cười hớn hở

Đồng quê vang dậy tiếng ca vui.

Chỉ thấy đằng sau đó là tình cảm sâu xa của Bác, và Bác với những người nông dân ấy hòa làm một. Bác cùng reo ca, cười vui mừng vụ gặt mùa.

Cũng như vậy, trong bài thơ khác kể chuyện một người bạn tù vừa chết:

Thân anh da bọc lấy xương

Khổ đau đói rét hết phương sống rồi

Đêm qua còn ngủ bên tôi

Sáng nay anh đã về nơi suối vàng.

Không có những thủ pháp cầu kỳ, nhịp điệu thơ không thảng thốt, không cần những câu tạo hình ảnh mới lạ và cũng không có các câu đối thanh, đối ý vốn thường thấy trong thơ tuyệt cú, nhưng bài thơ vẫn xoáy mạnh vào lòng ta. Bác đã truyền trực tiếp nỗi đau của Bác sang chúng ta. Và có lẽ sự tìm tòi, sáng tạo trong thơ cao nhất, đẹp nhất chính là ở tính trực tiếp của sự truyền cảm đó. Và phải chăng cũng có thể nghĩ rằng nghệ thuật trong thơ Bác là nghệ thuật tự ẩn mình để cho nội dung bằng cách đó đến với người đọc một cách toàn bộ và trực tiếp.

Một số lớn bài thơ của Bác thường kể lại những sự việc, hiện tượng, sự vật mà Bác đã gặp trong cuộc sống. Trong hai bài thơ trên, bốn câu thơ trong bài là sự kể chuyện, tả lại cái có thật. Nhưng không phải đó là toàn bộ cách cấu tứ của thơ Bác. Thơ Bác lại có những bài mà tứ thơ được phát triển theo hướng liên tưởng, suy tưởng, rất mạnh và xa. Thử dừng lại ở một bài thơ quen thuộc:

Bỗng nghe trong ngục sáo vi vu

Khúc nhạc tình quê chuyển điệu sầu

Muôn dặm quan hà khôn xiết nỗi

Lên lầu ai đó ngóng trông nhau.

Bài thơ bắt đầu từ "nghe", nghe tiếng sáo của người bạn tù. Sau chi tiết nghe rất thực ấy, nhà thơ cảm thấy được tình điệu nhớ quê hương đang chuyển dần trong âm thanh của cây sáo. Từ sức mạnh của sự cảm thông đồng điệu đó, nhà thơ nhìn thấy ở một nơi rất xa có một người thiếu phụ bước lên thêm một tầng lầu cao để lắng nghe âm vang da diết nhớ thương của người chồng qua tiếng sáo. Từ một sự việc có thực, dứt ra khỏi nó, nhà thơ bằng sự liên tưởng rất xa và mạnh đưa chúng ta vào chiều sâu của tâm trạng và nỗi lòng. Không phải kể và tả mà là sự phát triển của những trạng thái cảm xúc (từ nghe đến cảm thấy và nhìn thấy qua sức tưởng tượng) được nâng cao dần. Cái có thực và cái tưởng tượng quyện chặt vào nhau trong bài thơ. Trong bài thơ, có âm thanh của nhạc, có đường nét của họa và hai yếu tố nhạc họa đó hòa hợp với nhau tạo nên bức tranh có hình khối và khúc hát chứa chan nhạc điệu. Từ bài thơ rất đẹp ấy của Bác, ta nghĩ đến một nhận xét của nhà thơ Sóng Hồng về đặc trưng của thơ. "Thơ là thơ, đồng thời cũng là vẽ, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng". Đây là một dạng khác của mạch tư duy trong khi sáng tạo hình tượng thơ của Bác.

Chúng ta lại có thể tìm thấy một mạch tư duy khác qua bài thơ làm theo thể thất ngôn bát cú: bài Đêm thu.

Mở đầu bằng hai câu thơ miêu tả cảnh thực:

Trước cửa lính canh bồng súng đứng

Trên trời trăng lướt giữa làn mây.

Hai câu thơ còn giữ kín thái độ và tâm trạng của nhà thơ. Hai câu "thực" tiếp theo chuyển hướng một cách đột ngột:

Rệp bò lổm ngổm như xe cóc

Muỗi lượn nghênh ngang tựa máy bay.

Nét trào phúng đột phá bài thơ làm cho bức tranh miêu tả ở bốn câu ấy mang sắc điệu mới hoàn toàn. Rồi bỗng nhiên hướng phát triển của tứ thơ lại quặt rẽ một lần nữa, có lẽ còn bất ngờ hơn trước. Từ tả chuyển hẳn sang tự biểu hiện trực tiếp, từ âm hưởng trào phúng đùa vui chuyển sang âm hưởng trữ tình đậm sâu:

Nghìn dặm bâng khuâng hồn nước cũ

Muôn tơ vương vấn mộng sầu nay.

Từ nỗi lòng thương nhớ vô cùng Tổ quốc và giấc mộng sầu buồn như mối tơ vò ấy, bài thơ đi đến kết thúc bằng hai câu thơ tả thực làm xé đau lòng ta:

Ở tù năm trọn thân vô tội

Hòa lệ thành thơ tả nỗi này.

Bài thơ đối thanh, đối ý đầy đủ. Nhưng điều đó không phải là quan trọng nhất. Kết cấu bài thơ là sự tổng hợp của nhiều mặt: kể, tả và tự biểu hiện, trào phúng và trữ tình đối lập đồng thời phản chiếu nhau. Tứ thơ này là sự kết hợp của hai mạch tư duy ở hai bài thơ trên, trong đó nhân tố trào phúng vừa tạo nên một màu sắc lạ cho hình tượng thơ, vừa rất hòa hợp trong bức tranh chung do bài thơ tạo nên.

Một số bài thơ khác của Bác lại không dừng ở việc tả quá trình sự vật, hiện tượng, vẽ ra các mặt, các nét khác nhau của chúng, mà chủ tâm khai thác ý nghĩa sâu xa toát lên từ sự vật, hiện tượng đó. Mục đích kể, tả lùi về phía sau, mục đích triết lý và suy tưởng hiện lên sắc sảo, cô đúc; nhưng hai mặt lại gắn bó chặt chẽ với nhau.

Gạo đem vào giã bao đau đớn

Gạo giã xong rồi trắng tựa bông

Sống ở trên đời người cũng vậy

Gian nan rèn luyện mới thành công.

Các bài "Cột cây số", "Nghe gà gáy" thuộc loại bài này. Loại thơ này thường có hai tầng rõ rệt: tầng miêu tả, dừng lại ở sự việc, hiện tượng; và tầng triết lý rút ra từ đó. Hai tầng này nằm trong hai phần kết cấu của bài thơ, ý nghĩa triết lý được rút ra trực tiếp thường ở hai câu cuối, nhưng bản thân sức thuyết phục của sự triết lý ấy lại nằm sâu trong phần thứ nhất của bài thơ.

Như vậy, phù hợp với những cảm hứng nghệ thuật khác nhau, thơ Bác có những cấu tứ khác nhau. Và điều quan trọng là: đó không phải là sự sắp xếp, bố trí bề ngoài của bài thơ, không phải là việc "cố ý" nặn bóp của người "làm văn, làm thơ", mà là thể hiện tính đa dạng, phong phú của mạch tư duy của Bác khi Bác suy nghĩ, bộc lộ mình bằng thơ. Tìm hiểu cấu tứ, kết cấu trong thơ Bác chính là tìm hiểu vấn đề đó, chứ không phải mổ sẻ kỹ xảo, kỹ thuật này khác.

Về thể loại, thơ Hồ Chí Minh chủ yếu theo thể thơ đường luật, trong đó phần lớn là tứ tuyệt. Trong khuôn khổ bốn câu thơ với rất nhiều quy định chặt chẽ về niêm luật, đối thanh, đối ý..., thể tứ tuyệt không có khả năng miêu tả nhiều sự việc, biểu hiện nhiều mặt trạng thái cảm nghĩ... Vấn đề mấu chốt là nhà thơ có bắt trúng những nét điển hình nhất hay không để cho tứ thơ xuyên suốt được một cảm xúc, một suy tưởng, một nét bản chất cần biểu hiện. Để có được những tứ thơ như vậy, dòng mạch tư duy của Bác trong thơ thường có một nét nổi bật. Đó là sự phát hiện những dạng đối lập đứng cạnh nhau giữa các sự vật, hiện tượng hay trong bản thân một sự vật, hiện tượng và cả trong chính thái độ, tâm trạng của tác giả.

Toàn bộ bài thơ "Vợ người bạn tù đến thăm chồng" được phát triển trong một hệ thống kết cấu đối lập, tương phản giữa các hình ảnh được miêu tả.

Mở đầu, hai hình ảnh đối lập có thật được vẽ ra:

Anh đứng trong cửa sắt

Em đứng ngoài cửa sắt.

Từ cái có thật nhưng bên ngoài đó, một sự đối lập gay gắt hơn, đối lập bên trong được miêu tả:

Gần nhau trong tấc gang

Mà biển trời cách mặt.

Cái thực chuyển hóa thành cái hư, nhưng cái hư ấy lại thật hơn, sâu hơn cái thật bề ngoài. Rồi cuối cùng, sự đối lập trên lại được thể hiện theo hai chiều xuyên thấm nhau:

Miệng nói chẳng nên lời

Nói lên bằng khóe mắt

Chưa nói lệ tuôn đầy.

Dưới bức tranh hiện thực với nhiều hình khối và đường nét đối chọi nhau đi từ ngoài vào trong ấy, nhà họa sĩ tài hoa đề một câu ngắn gọn và chân tình: "Tình cảnh đáng thương thật". Từng cặp hai câu thơ một, đứng cạnh và kế tiếp nhau luôn luôn ở dạng đối lập, phản chiếu để đẩy nhau đi tới đích; đó là một đặc điểm nổi bật của kết cấu bài thơ. Nếu tách riêng một câu nào trong bài, coi như không biết đến những câu trước và sau nó thì bản thân câu bị tách ra đó sẽ không có giá trị biểu hiện như khi nó nằm trong hệ thống kết cấu chung của bài thơ. Kết cấu thơ đã thâm nhập mạnh và sâu vào cảm hứng nghệ thuật của bài thơ đến mức như vậy.

Thực ra, trong thể thơ đường luật, tính chất đối thanh, đối ý đã trở thành một quy ước cố định, chặt chẽ. Trong thơ của Bác, cũng có những lúc Bác vận dụng cách đối này rất chỉnh như:

Ngoại cảm Hoa thiên tân lãnh nhiệt

Nội thương Việt địa cựu sơn hà[1].

So với thể thất ngôn bát cú, trong thơ tứ tuyệt, yêu cầu vế đối có phần linh động hơn. Mặt khác, tính chất đối trong kết cấu thơ của Bác đã mang những nét đổi mới.

Nhìn chung, yêu cầu của đối trong thơ cổ là: cân xứng với nhau về thanh, đối xứng với nhau về ý. Nếu xét kỹ về mặt đối ý, ta thấy ý nghĩa của từng từ thường đối lập nhau (cao - thấp, đen - trắng, mới - xưa), ý nghĩa của hai câu thì có thể chỉ đối xứng mà không có tính đối lập, nhưng vẫn biểu hiện hai mặt trái ngược nhau, đối chọi nhau trong một hay nhiều sự vật và trong trạng thái tình cảm của nhà thơ. Trong cấu tứ của thơ Bác, dạng đối xứng cả thanh và ý không nhiều (xem bài "Lên núi" nổi tiếng viết trong thời kỳ kháng chiến):

Hai mươi tư tháng sáu

Lên ngọn núi này chơi

Ngẩng đầu: mặt trời đỏ

Bên suối: một nhành mai.

Nhưng dạng đối lập giữa hai ý nghĩa toát ra từ hình ảnh thơ lại là chủ yếu.

Khi Bà Huyện Thanh Quan viết:

Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.

hoặc Nguyễn Gia Thiều tả:

Chìm đáy nước, cá lờ đờ lặn.

Lửng da trời, nhạn ngẩn ngơ sa.

thì kết cấu thơ góp phần dựng lên sinh động hai hình ảnh đối xứng với nhau theo kiểu "đồng dạng".

Nhưng khi Bác Hồ miêu tả buổi sớm trong tù:

Trong ngục giờ đây còn tối mịt

Ánh hồng trước mặt đã bừng soi

hay khi Bác triết lý về "ánh sáng" mua được trong nhà lao:

Vào chỗ tối tăm mù mịt ấy

Quang minh đánh giá bấy nhiêu tiền.

thì hai câu thơ tạo nên hai hình ảnh đối chọi nhau gay gắt và vì thế sức phản chiếu để làm nổi bật cảm hứng chủ đạo của bài thơ được thể hiện rất mạnh và sắc. Để cảm hứng ấy có sức chinh phục lớn, trong cấu tứ nhiều bài thơ dạng này, hai câu cuối (3, 4) thường là hai câu có dạng đối lập ấy. Lúc mà sự va chạm giữa hai mặt đối lập được miêu tả sáng rõ nhất là lúc cảm hứng nghệ thuật cũng được thể hiện hình và bài thơ dừng lại.

Sau hai câu thơ tạo hình sinh động:

Đi khắp đèo cao khắp núi cao

Ngờ đâu đường phẳng lại lao đao.

Đến hai câu sau, tứ thơ dấn lên một bước để kết thúc:

Núi cao gặp hổ mà vô sự

Đường phẳng gặp người, bị tống lao.

Hoặc trong một bài thơ khác. Sau hai câu thơ đầu miêu tả vừa thực vừa phóng khoáng:

Hai giờ ngục mở thông hơi

Tù nhân ngẩng mặt ngắm trời tự do.

Bài thơ được khép lại với hai hình ảnh đối chọi và một câu hỏi tu từ độc đáo, bất ngờ:

Tự do tiên khách trên trời

Biết chăng trong ngục có người khách tiên?

Chính vì thế mà bài thơ đã đóng lại rồi, nhưng dư âm và những điều suy nghĩ trong người đọc lại như bắt đầu vụt lớn lên.

Có lúc, những dạng đối lập ấy bộc lộ rất sâu những nét tâm trạng rất khác nhau trong lòng Bác. Có lần, trong tù, Bác bị ốm nặng. Bệnh bên ngoài vì khí hậu, đói khổ, giam cầm, và bệnh bên trong vì lòng nhớ thương giang sơn, đất nước. Sau khi mượn hai hình ảnh đó trong một bài thơ của Trương Lương để nói tâm trạng của mình, Bác viết:

Trong tù mắc bệnh càng đau khổ

Đáng khóc mà ta cứ hát tràn.

Hai vế đó của câu thơ kết đã gói trọn tâm trạng sâu kín của Bác. Câu thơ làm nhức nhối lòng ta. Ta như thấy chính ta đau cái nỗi đau khôn tả của Bác. Đó là nỗi đau bên trong, đau vì yêu nước, thương nhà. Trong một bài thơ khác, Bác lại viết:

Đáp thuyền thẳng xuống huyện Ung Ninh

Lủng lẳng chân treo tựa giảo hình.

Một cực hình tàn bạo đang đè lên thân thể Bác. Tưởng như câu thơ sẽ tiếp tục nói về điều đó. Bỗng nhiên tứ thơ chuyển hẳn sang hướng mới:

Làng xóm ven sông đông đúc thế

Thuyền câu rẽ sóng nhẹ thênh thênh.

Tứ thơ đột ngột chuyển cảm xúc của chúng ta quay hướng và ta bỗng thốt lên sướng vui vì một sự phát hiện: Bác Hồ của chúng ta yêu sự sống đến mức kỳ diệu. Sau câu thứ hai, tình cảm của ta như bị gò siết lại, nghẹn tắc vì căm giận kẻ thù và thương Bác vô hạn. Nhưng rồi trong hai câu 3 và 4, hồn thơ Bác mở tung cho chúng ta. Cái giảo hình kia trở nên vô nghĩa, bé nhỏ đến trơ trẽn. Tâm hồn Bác và cuộc sống mênh mông, đẹp vô chừng. Câu thơ thứ hai đè nặng bao nhiêu, câu 3 và 4 bỗng nhấc ta lên, lòng ta nhẹ tênh. Thơ Bác đưa ta đến một cái đẹp như thế đấy.

Do phát hiện ra những mặt đối lập nhau biện chứng trong cuộc sống, mà trong cấu tứ thơ Bác có những hình ảnh thơ chạm va nhau làm bật sáng lên cảm hứng chủ đạo của nhà thơ. Đó là một dạng kết cấu dễ nhận ra trong thơ Bác. Song đó không phải là duy nhất. Không phải chỉ đối lập và phản chiếu nhau, trong thơ Bác còn nhiều câu thơ tương ứng, gọi nhau làm thành một tứ thơ hòa hợp nâng nhau lên đến tới đích suy nghĩ hoặc xúc cảm. Dường như ta có cảm tưởng các câu thơ cứ kín đáo gọi nhau đi tới:

Đi đường mới biết gian lao

Núi cao rồi lại núi cao trập trùng

Núi cao lên tới tận cùng

Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.

Hình ảnh trước gợi mở hình ảnh sau, câu thơ sau bước cao hơn câu thơ trước, tứ thơ được đẩy đi lên tự nhiên, thanh thoát nhưng cũng rất sâu và thâm thúy. Cái gian lao ban đầu biến đi, những dãy núi và đỉnh cao tận cùng chót vót rồi cũng bỗng như thấp xuống, khi nhà thơ đã đứng trên đỉnh núi cao ấy thu vào tầm mắt của mình cả muôn trùng nước non.

Khi mô tả thiên nhiên, thơ Bác thường có những hình ảnh rực rỡ, chói sáng. Những cảnh đó thường gắn với buổi sáng, bình minh ("Giải đi sớm", "Cảnh buổi sớm", "Trời hửng"). Khi miêu tả thiên nhiên lúc ban đêm, có những bài, hình ảnh thiên nhiên sâu lắng, trầm ngâm và rất có thần vì chúng hòa hợp như hình bóng với tâm trạng, cảm xúc của Bác. Trong bài thơ "Đi thuyền trên sông Đáy" làm vào mùa thu năm 1949, bốn câu đầu Bác tả:

Dòng sông lặng ngắt như tờ

Sao đưa thuyền chạy, thuyền chờ trăng theo

Bốn bề phong cảnh vắng teo

Chỉ nghe cót két tiếng chèo thuyền nan.

Vừa cao rộng vừa sâu lắng, tất cả như yên tĩnh nhưng rất khêu gợi. Giữa khung cảnh ấy, từ khung cảnh ấy, tứ thơ chuyển sang tự biểu hiện. Hơi thơ sau đây phảng phất âm hưởng của một đoạn thơ trong "Truyện Kiều":

Lòng riêng riêng những bàn hoàn

Lo sao khôi phục giang san Tiên Rồng.

Hai phần của kết cấu trên hòa hợp với nhau, tựa vào nhau phát triển. Nỗi lòng trắc ẩn, nghĩ lo cho đất nước kéo theo những giây phút suy tư, đọng lắng lại trong cái đêm thanh tĩnh ấy. Bài thơ kết thúc bằng hai câu miêu tả rạng đông, cái rạng đông của thời gian và cái "rạng đông" của nỗi lòng và nghĩ suy:

Thuyền về trời đã rạng đông

Bao la nhuốm một màu hồng đẹp tươi.

Dạng tương ứng gọi nhau trong cấu tứ của một số bài thơ được thể hiện cả trong những ý thơ đối xứng hòa hợp với nhau.

Trong bài "Ngắm trăng", hai câu đầu tương phản nhau để dẫn tới hai câu sau đối xứng hòa hợp với nhau:

Trong tù không rượu cũng không hoa

Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ

Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.

Dạng đối xứng có khi được thể hiện trong hai vế của một câu thơ:

Quế Lâm không quế không rừng

Sông sâu thăm thẳm trập trùng núi cao

Bóng đa đè nặng nhà lao

Đêm sao lặng ngắt ngày sao tối sầm.

Bài thơ như có tầng có lớp. Không phải là dạng tầng lớp giữa miêu tả và triết lý như đã phân tích ở trên mà là tầng lớp của bản thân hiện thực được biểu hiện theo tính đối xứng.

Dạng kết cấu tương ứng gọi nhau trong thơ Bác không phải để đạt tới sự miêu tả bề rộng, bề mặt của hiện tượng, sự vật mà để hướng tới cái đích duy nhất: chiều sâu của tâm hồn, tình cảm. Đây là điểm chốt của cấu tứ thơ Bác. Có thể cho rằng, kết cấu thơ Bác mang đặc tính hướng tâm rất nhanh, mạnh. Trong hầu hết các bài thơ miêu tả thiên nhiên, từ bề rộng của khung cảnh, thường bất ngờ mà lại rất tự nhiên, chuyển sang bề sâu của tâm trạng:

Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

Những bài như "Trung thu" (I và II), "Nắng sớm", "Cảnh buổi sớm", "Trời hửng",... đều có dạng kết cấu này. Trong dạng này, có những bài vừa miêu tả vừa suy tư rất sâu. Bề mặt của khung cảnh hình như vừa là chính nó lại vừa chứa đựng trong đó những mầm giống ngẫm nghĩ, suy tưởng:

Hoa hồng nở, hoa hồng lại rụng

Hoa tàn hoa nở cũng vô tình

Hương hoa bay thấu vào trong ngục

Kể với tù nhân nỗi bất bình.

Bài thơ đi tới đích thật đột ngột, nhưng từ cái đích ấy, tứ thơ lại gợi mở cho chúng ta nhiều điều mới mẻ, đưa sự suy nghĩ của ta đi xa và sâu hơn rất nhiều cảnh "hoa nở, hoa tàn".

Trong bài thơ trên, câu thơ cuối vừa khép lại tứ thơ, nhưng hình như lại vừa bỏ lửng. Nỗi bất bình gì của bông hoa hồng? Tác giả không nói thêm nhưng với cảm giác tức tối ấm ức mà những hình ảnh thơ, tứ thơ đã đạt tới rồi, thì sự kết thúc ấy là trọn vẹn.

Do những đặc điểm trên của kết cấu thơ Bác, mà trong hầu hết các bài thơ của Bác các câu thơ kết thường rất độc đáo và có một giá trị biểu hiện lớn. Khi bàn về thơ ca, nhà bác học Lê Quý Đôn đã có nhận xét: "Tô Đông Pha nói: ý hết mà lời dừng, ấy là cái lớn rất mực trong thiên hạ, lời dừng mà ý không hết lại càng hay tuyệt". Những câu kết trong thơ Bác mang rất rõ cả hai đặc điểm này. Thơ Bác không bao giờ công thức. Ngay trong những bài thơ lấy mục đích trực tiếp làm tuyên truyền cách mạng, chủ trương, chính sách, những lời thơ kết của Bác cũng chứa đầy tình cảm:

Yêu nhau xin nhớ lời nhau

Việt Minh hội ấy mau mau tìm vào.

Đây là chưa kể sức chinh phục của những lời kết ấy đã có ngay từ ở những câu mở đầu rất thơ, kín đáo, duyên dáng như một lời tâm sự nhỏ nhẹ.

Mẹ tôi là một đóa hoa

Thân tôi trong sạch, tôi là cái bông.

"Nhật ký trong tù" có nhiều dạng đóng khép bài thơ thật độc đáo, nhiều bất ngờ thú vị để đẩy cảm xúc, suy tưởng lên tới đỉnh cao:

Một canh... hai canh... lại ba canh

Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành

Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt

Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh.

Ba câu ở dạng miêu tả, nói về cái thực: sự băn khoăn thao thức của Bác. Câu kết bỗng từ cái thực ấy bay đến với cái mộng, đẩy mạnh hình tượng thơ vụt trở thành lớn lao, rực rỡ. Thế giới tình cảm và ước mong da diết được vẽ ra như nhìn thấy được: một ngôi sao vàng - lý tưởng hiện lên sáng tỏa.

Nhưng rồi lại có những cách đóng khép bài thơ theo cách khác hẳn:

Trong tù khoan khoái giấc ban trưa

Một giấc miên man suốt mấy giờ

Mơ thấy cưỡi rồng lên thượng giới

Tỉnh ra trong ngục vẫn nằm trơ.

Tứ thơ vận động ngược hẳn với tứ thơ trên. Từ cái mơ cái mộng có pha chút vui đùa tỉnh táo ở ba câu đầu, câu thơ kết ngoặt rẽ hẳn về với cái thực 100%. Hai mặt trên của bài thơ phản chiếu nhau rất mạnh làm sáng lên hình tượng cảm nghĩ của bài thơ. Bài thơ chấm hết nhanh gọn quá, ta từ ngỡ ngàng đến với sự tỉnh táo và sáng suốt. Cái điều Bác muốn nói là ở đó.

Trong những bài thơ mang sức mạnh tố cáo bộ mặt và chế độ nhà tù, tứ thơ vận động cũng rất đặc biệt và theo những hướng rất khác nhau.

Độ đậm đặc của cảm hứng đả kích kẻ thù được tăng lên dần dần và bỗng tung phá lên mạnh mẽ ở câu kết:

Đánh bạc ở ngoài quan bắt tội

Trong tù đánh bạc được công khai

Bị tù con bạc ăn năn mãi

Sao trước không vô quách chốn này.

Câu kết tạo nên một cái cười rất Việt Nam, cái cười thoải mái của truyện cười dân gian, của những người bình dân Việt Nam. Cũng có lúc cảm hứng đả kích không được tăng dần như thế. Tứ thơ rẽ sang âm hưởng đả kích rất bất ngờ nhưng cũng rất biện chứng.

Ta vừa kịp cảm thông, đồng điệu với nỗi đơn chiếc, buồn tủi của người phụ nữ:

Biền biệt anh đi không trở lại

Buồng the trơ trọi thiếp ôm sầu.

thì tứ thơ kéo ta thêm một chặng mới, đưa ta sang một cung bậc khác cao hơn của tình cảm:

Quan trên xót nỗi em cô quạnh

Nên lại mời em tạm ở tù.

Sự mỉa mai chua cay bọn thống trị, hòa với lòng thương xót đến đau xé thân phận người thiếu phụ kia là kết quả của một tứ thơ phát triển rất độc đáo. Cảm xúc của nhà thơ trong bài trên hiện ra rất rõ. Tứ thơ được bản thân cảm xúc ấy dẫn dắt. Nhưng cũng có những bài hình như chỉ là một bức tranh với những hình ảnh rất khách quan, tỉnh táo:

Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc

Giải người, cảnh trưởng, kiếm ăn quanh

Chong đèn, huyện trưởng làm công việc.

Ba hình ảnh đứng cạnh nhau nhằm vẽ ra chính xác sự thật như bản thân nó trong cuộc sống. Dưới bức tranh ấy, nhà thơ rất kín đáo ghi chú thêm:

Trời đất Lai Tân vẫn thái bình.

Xét trên bề mặt, độ đậm của cảm hướng đả kích hình như giảm đi, nhạt đi, tứ thơ có vẻ rộng dài, bỏ lửng. Nhưng xét từ bên trong, sức công phá lại căng lên tột độ. Một nụ cười hóm hỉnh, không thành tiếng nhưng sâu cay và sắc nhọn hiện lên.

Trong những bài thơ mà cảm hứng chủ đạo hướng vào việc bộc lộ tâm trạng, tình cảm, nghĩ suy của mình, tứ thơ và những câu kết trong thơ Bác cũng có những dạng vận động và kết thúc rất lạ. Ngay khi nói về đời sống của mình, âm hưởng hài hước, đùa vui trong một số bài thơ vẫn giữ một vị trí độc đáo:

"Đôi ngựa" ngày đi chẳng nghỉ chân

Đêm "Gà năm vị" lại thường ăn

Thừa cơ rét rệp xông vào đánh.

Bỗng nhiên, trong câu thứ tư, cung bậc chuyển hẳn:

Mừng sáng nghe oanh hót xóm gần.

Đằng sau cái hài hước đùa vui đó là cả một tâm hồn thăm thẳm, là một nỗi lòng và trái tim dễ dàng rung động mạnh sâu trước những biểu hiện nhỏ nhất của cuộc sống. Câu kết như một tia sáng mạnh rọi chiếu vào chiều sâu của tấm lòng nhà thơ. Ta đến với chiều sâu ấy, vừa kinh ngạc vừa gần gũi.

Trong một bài thơ không đề, vui vui dí dỏm, Bác viết:

Đã lâu không làm bài thơ nào

Nay lại thử làm xem ra sao

Lục khắp giấy tờ vẫn chửa thấy

Bỗng nghe vần "thắng" vút lên cao.

Vần "thắng" là vần điệu, là yếu tố hình thức của bài thơ. Và câu thơ có vần "thắng" ấy xuất hiện trong tư duy của Bác chính là do một cảm xúc mạnh sâu vụt lớn lên trong lòng Bác: cảm xúc về sự chiến thắng, tất thắng. Bài thơ tưởng như là nói cho vui nhưng lại hàm một ý rất sâu sắc. Bài thơ dí dỏm ấy bộc lộ rất rõ đặc điểm thơ của Bác. Vần điệu và cảm xúc hòa quyện với nhau khăng khít, hay nói rộng ra, thơ Bác là sự hài hòa sâu sắc mà rất tự nhiên giữa nội dung và hình thức. Khi ta đến được, hiểu được nội dung ấy cũng chính là lúc ta cảm thụ được giá trị của các yếu tố hình thức nghệ thuật biểu hiện nội dung ấy. Cả nội dung và hình thức hiện ra như có thể nhìn thấy được: sâu xa phong phú trong sự bình dị hết mực, có khi tưởng như ta xuất phát từ việc tìm hiểu hình thức, nhưng chính là ta đến với nội dung thơ Bác. Từ trong chiều sâu nhất của tư duy, cảm xúc và bản chất sáng tạo của Bác, hai cái đó thống nhất hữu cơ. Trong một bài thơ của Bác đồng thời chứa đựng chất thép, vẻ đẹp kỳ diệu của tâm hồn và cả những sắc màu lung linh muôn vẻ của tâm hồn ấy. Đi sâu vào mối quan hệ khăng khít, phong phú giữa cấu tứ, kết cấu và cảm xúc chủ đạo trong thơ Bác, bài viết này muốn góp phần tìm thêm một vẻ đẹp trong rất nhiều vẻ đẹp của thơ Bác.

 

1972

ĐINH XUÂN DŨNG

______________________________________

[1]. Dựa theo hai câu thơ của Trương Lương.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)