Từ trào lưu đến lỗ hổng văn hóa

Thứ Tư, 10/07/2019 11:11

.LÊ PHONG

 

Văn hóa là sản phẩm do con người tạo ra trong quá trình sống, nhằm đưa cá nhân, cộng đồng vào các quy ước, các hệ thống giá trị, thích ứng tốt hơn với điều kiện tồn tại của mình. Những gì không có giá trị sẽ bị đào thải, bị quên lãng, nhường chỗ cho những giá trị mới hợp lí hơn, giúp ích con người nhiều hơn trong đời sống. Hiểu theo nghĩa đó, những xu hướng hành vi, sự kiến tạo nào đó ở con người là một tất yếu, nhưng để trở thành giá trị văn hóa, lớn hơn là di sản… chúng phải được kiểm chứng bằng chính khả năng đem đến cho con người sự hữu ích, tốt đẹp hơn. Bộ lọc của văn hóa sẽ giữ lại phần tốt đẹp đó, bồi đắp vào hệ thống giá trị được tạo dựng trong lịch sử. Đó là những xu hướng đúng, hợp lí, có giá trị. Tuy nhiên, bên cạnh đó, phần không nhỏ là những xu hướng lệch lạc, nhất thời, thiếu văn hóa, thậm chí đi ngược các giá trị văn hóa mà cộng đồng đã tạo dựng.

Chụp ảnh cùng sen - Ảnh: internet

Những ngày qua, trên các phương tiện truyền thông đã lan truyền những hình ảnh thiếu nữ khỏa thân cùng hoa sen, kéo theo đó là rất nhiều hình ảnh khác, ăn theo nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp cận xu hướng hoặc phê phán, giễu nhại xu hướng. Xét trên bình diện văn hóa, thẩm mĩ, chúng tôi nhận thấy có những biểu hiện lệch lạc, rất cần phải điều chỉnh, nhằm tìm ra hướng đi hợp lí cho trào lưu cũng như thỏa mãn thị hiếu ngày càng đa dạng, sinh động của con người đương đại.

Cuộc sống đương đại tạo ra nhiều khả năng, cơ hội để con người bày tỏ sự hiện diện của mình. Nói theo triết học hiện sinh, đó là cơ hội để con người được sống thành thực nhất với từng phút giây của mình, ở hiện tại. Tuy nhiên, một khi con người lạm dụng cơ hội, bày tỏ mình một cách tùy tiện, hiện hữu của họ bỗng chạm đến những lằn ranh của cộng đồng, khiến cho các giá trị mà cộng đồng tạo dựng, gìn giữ bị xâm phạm, khi đó chúng ta cần phải lên tiếng, ngõ hầu có thể đánh động đến ý thức văn hóa của con người khi tham gia vào môi trường văn hóa đương đại.

Văn hóa bao giờ cũng mang tính tập thể, nó là sản phẩm của tập thể, nhưng lại lại hiện hình rất khác nhau ở mỗi cá nhân, tùy theo khả năng lĩnh hội, khả năng thẩm thấu của cá nhân đến đâu. Có một nhà văn khi nhận được câu hỏi anh nghĩ sao về hiện tượng khỏa thân chụp ảnh cùng hoa sen, nhà văn đã trả lời ngay: Họ thích thì họ làm. Dĩ nhiên, cuộc sống đương đại với đặc tính của nó đã triển hoạt mạnh mẽ các nhu cầu biểu tỏ của con người. Nhưng, nếu ai cũng cứ muốn là làm thì thiết chế văn hóa bị triệt tiêu. Nguy cơ con người rơi vào hồng hoang là điều có thể lường trước.

Như chúng tôi đã nói, văn hóa là sản phẩm của con người, do con người tạo nên trong quá trình sống. Văn hóa vừa là kết tinh mang tính quá trình, nhưng đồng thời cũng điều chỉnh các hành vi của con người. Bởi thế, tính kế thừa (lưu giữ) và chọn lọc (đào thải) là biểu hiện rất rõ của văn hóa. Không có văn hóa, đánh mất văn hóa đồng nghĩa với việc con người phủ nhận lịch sử tiến hóa của mình, kéo cộng đồng trở lại thời kì mông muội, bầy đàn.

Từ việc một số thiếu nữ chụp ảnh khỏa thân ở Tuyệt tình cốc, lò gốm; cặp đôi chụp ảnh cưới khỏa thân ở Đà Lạt đến việc gần đây nhất là việc xu hướng chụp ảnh khỏa thân ở hồ sen đã lên tiếng cảnh báo về một xu hướng rời xa văn minh và lệch lạc về văn hóa. Sự phân hóa quan điểm của cộng đồng khi nhìn về các hiện tượng, xu hướng này là khá rõ. Có người tán thành, ủng hộ, cổ vũ; có người phê phán, tẩy chay… Tuy nhiên, tôi đồ rằng, trong thâm tâm những người ủng hộ, cổ vũ kia vẫn le lói những hoài nghi, chất vấn về giá trị của những hành vi “thách thức văn hóa” như đã nói.

Nếu hiểu, văn minh là điều kiện để con người sống sung sướng hơn, văn hóa là vốn liếng, điều kiện để con người sống tốt đẹp hơn, thì những biểu hiện như vừa nêu đã đi ngược lại cả hai phạm trù này. Những con người văn minh đã từ bỏ vật chất của mình - khỏa thân, trở lại với thiên nhiên. Có lẽ, trong ý tưởng, những nhân vật chính của các sự kiện này đã hình dung như thế. Tuy nhiên, con người buổi sơ khai, gần gũi với tự nhiên, sống giữa tự nhiên, thậm chí ăn lông, ở lỗ, trong quá trình tiến hóa đã biết khoác lên người vỏ cây, lá cây, da thú, nhằm che chở cho cơ thể của mình.

Huyền thoại Adam - Eva cũng đã tự thấy xấu hổ mà rời bỏ địa đàng sau khi ăn trái cấm và phát hiện ra sự khác biệt của mình. Ý niệm trở lại với nguyên sơ cần một sự hiểu biết để không biến hành vi của mình thành sự bồng bột, thậm chí là ngốc nghếch. Có thể, trong quan điểm của một số nhà dân tộc học, cơ thể con người là tác phẩm nghệ thuật hoàn mĩ. Do vậy, việc phô bày cơ thể được xem là sống trọn vẹn với vẻ đẹp bản nguyên.

Điều đó hiếm gặp trong các thiết chế văn hóa. Văn hóa điều chỉnh hành vi để thích ứng, thậm chí nó chi phối sự hình thành các giá trị của văn minh với đòi hỏi ráo riết về việc con người hiện diện như thế nào thì tốt hơn trong tổ chức cộng đồng mà anh ta thuộc về. Xem ảnh nóng mặt, cảm thấy bị xúc phạm (xúc phạm thiên nhiên, người xem), không cảm thấy đẹp, thanh mà cảm thấy thô, tục… là hệ quả của việc rời bỏ văn minh một cách thiếu văn hóa.

Chúng ta nhớ lại, trong văn nghệ thuật, từng có những nhà văn, nhà thơ kêu gọi trở về với thiên nhiên, tiền sinh, tiền sử (Henry David Thoreau, A.Rimbaud, Đinh Hùng…). Tuy nhiên, người ta từ chối văn minh, trở về với thiên nhiên là khi nhận ra cuộc sống đã sa đọa, đã trở nên thù địch với con người. Đó là sự rời bỏ đầy văn hóa, đặt văn hóa trong thế đối đầu với văn minh, kháng cự sự cơ giới, nghèo nàn của văn minh vật chất… Còn, những hành vi lệch lạc như chúng ta đang nói lại là biểu hiện của sự thiếu vắng văn hóa mà con người do sự ấu trĩ của mình vô tình phạm phải.

Nghệ thuật khỏa thân không phải là xa lạ với công chúng đương đại (thậm chí nó từng là chủ điểm của nghệ thuật Phục hưng ở châu Âu – lấy vẻ đẹp hình thể của con người làm trung tâm, điểm nhấn), tuy nhiên, ngay bản thân những nghệ sĩ (họa sĩ, nhiếp ảnh gia, người mẫu) cũng luôn đi trên sợi dây giữa nghệ thuật và sự khiêu dâm, thanh và tục. Vì thế, những trào lưu, xu hướng có tính tự phát luôn ẩn chứa khả năng lớn của việc lơi lỏng ý thức văn hóa.

Đơn cử như trường hợp thiếu nữ chụp ảnh khỏa thân ở hồ sen (danh tính đã được công bố) chúng ta không hề thấy tính thẩm mĩ hay chí ít là dụng công nghệ thuật cho thấy cả người chụp và nhân vật có am hiểu, có chuẩn bị cho một tạo lập giá trị. Công chúng đã lên tiếng về một hình ảnh làm xấu đi vẻ đẹp cao khiết của hoa sen - quốc hoa, làm ô uế nét thanh tịnh của sen, thậm chí còn có ý kiến xuất phát từ khía cạnh vệ sinh - dầm mình trong hồ sen ảnh hưởng đến sức khỏe…

Rất nhiều trường hợp khác trong hot trend (xu hướng (đang) nóng) chụp ảnh cùng hoa sen… đã cho thấy sự ấu trĩ và lỗ hổng trong ý thức văn hóa của nhân vật (không riêng gì với sen, nhiều câu chuyện bi hài xung quanh việc chen lấn, xô đẩy, dẫm đạp chụp hình với hoa tam giác mạch, hoa hướng dương, đến mức tàn phá cả cảnh quan thiên nhiên) mà cộng đồng cùng các cơ quan quản lí văn hóa cần lên tiếng.

Chức năng của văn hóa là lưu giữ hành trình sống của cộng đồng, đồng thời điều chỉnh, tái thiết hoặc định hình các giá trị ở hiện tại và tương lai. Trước các diễn biến ngày càng phù phiếm, vô nghĩa, thậm chí phản giá trị như chúng ta đã nói, có lẽ cần phải gióng lên hồi chuông về sự xuống cấp hay coi thường văn hóa của một bộ phận trong xã hội, nhất là giới trẻ.

Toàn cầu hóa hay các động thái hội nhập, mở cửa, tự do không phải là cơ chế của sự xóa nhòa hay hòa tan, mà chính ở đó, bản sắc, ý thức về văn hóa lại càng phải mạnh mẽ. Văn hóa là cái khác biệt mang giá trị, không phải là những xu hướng tạm thời, bồng bột hay đua đòi - vì bản thân nó sẽ bị lịch sử đào thải. Tuy nhiên, chứng kiến những gì đang diễn ra, không phải không có lúc chúng ta e ngại về một thế hệ đang dần đánh mất bản sắc.

L.P

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)