.ĐỖ LAI THÚY
“Duy nhất chỉ thơ mới đứng cùng bình diện với triết học và suy tư triết học” (Heidegger)
Trương Đăng Dung, cũng như tôi, là đứa trẻ quê nghèo của một thời đói khổ. Khác chăng anh xứ Nghệ, tôi xứ Đoài; nhà anh nghèo thành nếp, còn nhà tôi nghèo nửa đời nửa đoạn. Trời cho anh một tâm hồn nhạy cảm, hay tổn thương nội tâm và dễ xúc động ngoại cảnh. Anh học văn rất giỏi, hẳn vì vậy. Và sớm có ý chí như bao người Nghệ khác. Sau khi tốt nghiệp trường Phan (chuyên văn Phan Bội Châu), anh thuộc diện được Nhà nước Việt Nam gửi sang Hungary học văn học.
Hungary là một đất nước nhỏ, nhưng lại có một nền văn hóa và văn học lớn. Thơ Petofi đã sớm phổ biến ở Việt Nam, rồi “tiếng tăm” kẻ xét lại Lukács, hoặc sau này là cuốn La Bureaucratie Céleste (Chế độ quan liêu Thiên triều) của Balasz… Nhưng, điều đáng nói hơn cả là đất nước này bấy giờ là một “thiên đường xã hội chủ nghĩa”, dĩ nhiên không phải về mặt vật chất (vì không thể so sánh được với Đông Đức), mà về tự do, về sự gần gũi với thế giới tư bản chủ nghĩa, nhất là văn hóa.
Thử hình dung, một cậu bé nhà quê nghèo khổ, sống trên một xứ sở bị bom đạn chiến tranh cày nát, đã quen với cuộc sống ấy như một điều hoàn toàn tự nhiên, giờ đây bị ném, bị đẩy xuống tàu (từ của chủ nghĩa hiện sinh) vào một thế giới hoàn toàn xa lạ, hoàn toàn khác biệt, thì sẽ choáng đến mức nào. Tôi gọi đây là sốc văn hóa. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cú sốc văn hóa, và kiểu dạng sốc văn hóa, nhưng với Trương Đăng Dung, tôi nghĩ, hẳn là sốc-thời-gian. Như ngồi trên một cỗ máy xuyên/vượt thời gian, trong một tích tắc, anh đã bay từ thời tiền hiện đại sang hiện đại. Sự nhảy cóc thời gian hàng thế kỉ này quả là quá sức chịu đựng với một tâm hồn non nớt. Anh rơi vào khủng hoảng. Nhiều bạn bè cùng học với Trương Đăng Dung thuở ấy kể lại, trong những năm đầu đại học anh sống khép mình, lạc lõng giữa bạn bè, cả Việt lẫn Hung.
Thời ấy, mỗi năm có hàng vạn học sinh Việt Nam ra nước ngoài học tập. Không phải ai cũng bị sốc, nhưng số người bị sốc hẳn cũng không ít, có điều là có biết mình bị sốc hay không. Tôi cũng có dịp chứng kiến một vài trường hợp sinh viên bị tâm thần phải gửi trả về Việt Nam. Một số khác, giỏi kìm nén, đến khi tốt nghiệp về nước mới phát bệnh. Trương Đăng Dung khác họ là anh nhanh chóng tự tìm được thuốc chữa. Một là, anh rất có ý thức nhanh chóng biến mình trở thành một người Tây, hoặc một người như Tây từ ăn mặc, ứng xử, cách sống, lối tư duy… để xóa bỏ mặc cảm người ta. Ở kí túc xá, Trương Đăng Dung chủ động xin ở cùng phòng với bạn Hungary, học giỏi hơn cả người Hung, kết thân với các nhà thơ Hung trẻ tuổi. Cái tôi lí tưởng hay lí tưởng cái tôi này ở Trương Đăng Dung là một quá trình phấn đấu không mệt mỏi, một vai phải diễn suốt đời. Hai là, chữa loại bệnh-vô-thức này không phải là diệt bệnh, mà là tìm cho nó một vật-thay-thế, tức hướng các xung năng vô thức ra bên ngoài nó, chuyển chức năng sinh học của nó thành chức năng văn hóa nghệ thuật, điều mà phân tâm học gọi là thăng hoa, vừa vô hại cho vật chủ, vừa có lợi cho xã hội. Và, với Trương Đăng Dung, vật thế vì đó là thơ.
Khủng hoảng tâm trí ở/của Trương Đăng Dung là do bị ám ảnh, trước hết là những ảnh tượng quê nhà, mà giờ đây ở quê người (lúc này Hungary chưa trở thành quê hương thứ hai của anh) thì chúng lại nổi lên sống động hơn bao giờ hết. Đó là hình ảnh người mẹ lam lũ, những người chị, người em suốt đời chịu đựng, những đứa trẻ ra đời không tã lót, những em thiếu nhi dùng ống xương người làm dùi đánh trống… Thời gian như ngừng trôi chảy, vón cục và hóa thạch. Không phải ngẫu nhiên mà Trương Đăng Dung tìm đến Heidegger, tác giả của Tồn tại và thời gian, và triết học hữu thể luận của ông với hai từ khóa tồn tại và thời gian. Trương Đăng Dung làm thơ để thoát khỏi những ám ảnh của thời gian nhằm khẳng định sự tồn tại người, nhưng, nghe có vẻ nghịch lí, anh lại kiến tạo nên một thế giới thơ đầy ám ảnh. Nhưng đấy là một thành công của Trương Đăng Dung, bởi thơ với anh không phải là để phản ánh mà trước hết là một vật chơi, theo nghĩa “trò chơi như tượng trưng cho vũ trụ” (Eugen Fink).
Trước Heidegger, người ta luôn đối lập tồn tại và thời gian. Tồn tại được coi như cái bất biến, thường hằng, phi thời gian. Còn thời gian là cái gì đó luôn di dộng, trôi chảy, “không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông” (Heraclitus). Cái nhìn lưỡng phân đối lập này bắt nguồn từ quan niệm về hai thế giới: cõi tự tại và cõi hiện tượng. Và thế giới tự tại/ẩn tượng được coi trọng, còn thế giới hiện tượng mặc nhiên bị khinh thị. Bởi, cái này biến dịch, thay đổi theo thời gian, còn cái kia nằm ở bên kia thời gian nên mới là tồn tại đích thực. Đến Heidegger, tồn tại và thời gian không còn đối lập nhau nữa, vì thời gian không nằm ngoài tồn tại mà là một chiều kích của tồn tại. Hơn nữa, chính tồn tại cũng thay đổi, cũng biến dịch như thời gian. Nắm bắt tư tưởng này của Heidegger, Trương Đăng Dung, mặt thực tế, chế ngự thời gian để chữa trị những tổn thương tâm lí, và mặt mơ mộng, suy tưởng về thời gian như một khái niệm triết học. Thời gian, bởi vậy, trong thơ Trương Đăng Dung như một nét đậm, một nhịp mạnh.
Người Việt, kể từ khi tiếp nhận văn minh phương Tây là bắt đầu từ giã thời gian truyền thống, thứ thời gian quay theo vòng của mùa màng hoặc sự tuần hoàn của vũ trụ, để chấp nhận thời gian khoa học, tuyến tính. Từ đó, với họ, thời gian, một mặt là sự thành công, là của cải, tiền bạc, mặt khác là cái chết, một cái chết không thể đảo ngược, không thể cứu vãn. Thời gian, vì thế, trở thành một ám ảnh. Thơ mới, nhất là thơ Xuân Diệu, là tiếng nói khắc khoải muốn vượt qua nỗi-ám-ảnh-thời-gian này. Thơ Trương Đăng Dung, đôi khi còn vương lại chút thời gian cũ như chiếc lá cuối cùng sót lại từ mùa đông trước, nhìn chung đã có một thời gian khác. Thời-gian-Thơ-mới là thứ thời gian, dù chi phối con người một cách rốt ráo, ở bên ngoài con người, là khung của một đời người. Trong khi đó, thời-gian-thơ-Trương-Đăng-Dung là thời gian bên trong con người, là chính con người, như Heidegger nói về mối quan hệ giữa tồn tại và thời gian, tồn tại là thời gian. Con người, bởi thế, là một động-vật-thời-gian, chỉ có thể trình hiện bằng và qua thời gian. Có lẽ, chính thứ thời gian có tính kiến tạo này đã làm cho mọi sự trên đời đều mang tính quy ước, đều là sự thỏa thuận của ngôn ngữ, đúng hơn, của trò chơi ngôn ngữ.
Với một nhìn nhận thời gian trong mối quan hệ với tồn tại như vậy, thơ Trương Đăng Dung cũng là thơ (về) tồn tại. Trước hết là sự hoài nghi tồn tại, đặc biệt là tồn-tại-người (Em có thực hay dòng sông có thực?). Tuy không bằng Thiên vấn, hỏi trời bằng 172 câu, của Khuất Nguyên, nhưng thơ Trương Đăng Dung cũng là một loại thơ-câu-hỏi. Đành rằng cuộc sống người là giả tạm, là tùy duyên, nhưng câu hỏi mà hoàng tử Hamlet nêu ra mấy trăm năm trước “Tồn tại hay không tồn tại?” đến nay còn vang vọng, đòi hỏi mỗi người phải tự trả lời. Hoài nghi tồn tại sẽ dẫn đến những suy nghĩ về cái chết, một gặp gỡ cuối cùng tạo ra sự “đoản mạch” của tồn tại và thời gian. Thơ Trương Đăng Dung, vì thế, bị ám ảnh bởi sự chết, đúng hơn, bởi một cái sống thắc thỏm chờ đợi cái chết đến gõ cửa. Điều này được thể hiện ở hai chữ kiếp người xuất hiện với tần suất cao trong tập thơ Những kỉ niệm tưởng tượng(1) của anh (Đã tan trong sương khói/ những kiếp người; Viết lên mặt đất thành lời/ về kiếp người ngắn ngủi; Có gì mới hơn sau mỗi kiếp người…). Những bận tâm, thắc mắc, câu hỏi của Trương Đăng Dung dường như ít được người khác chia sẻ, vì thế anh rơi vào cô đơn. Tôi nhớ khi cuốn Trăm năm cô đơn của Marquez dịch in ở Việt Nam thì trên báo Văn nghệ, nhà thơ P.H hớn hở tự hào rằng văn nghệ sĩ xã hội chủ nghĩa chúng ta không hề bị cô đơn, vì lúc nào cũng được sống trong đội ngũ. Lại nhớ đến câu thơ Đặng Đình Hưng: Cô đơn toàn phần mới sinh sáng tạo. Trong ánh cô đơn vào buổi hoàng hôn của các thần tượng, thơ Trương Đăng Dung nổi lên hình ảnh một người đi tìm nghĩa. Trên hành trình tìm nghĩa ấy, gần đây Trương Đăng Dung trở về với các nhân vật, sự kiện trong Kinh Thánh, như Job, Jonathan, để tìm trong nguyên ngôn những dụ ngôn của mình.
Quan niệm một cách triết học như vậy về tồn tại không thể không ảnh hưởng đến nghệ thuật thơ Trương Đăng Dung, mà xuất phát điểm của nó là thể thơ, như một ngưng đọng thẩm mĩ. Cảm xúc mĩ học hiện đại của Trương Đăng Dung đòi hỏi một thể thơ khác, một đoạn tuyệt truyền thống, không lục bát dân dã vần vè, không Thơ mới rung rinh vần điệu, mà thơ tự do, thơ của nhịp điệu hình ảnh và nhịp điệu ý tưởng. Thơ tự do đúng nghĩa lần đầu xuất hiện với Đèo Cả của Hữu Loan và Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em, Đêm mít tinh, Không nói… của Nguyễn Đình Thi thường được gọi là “thơ không vần”. Ở Hội nghị tranh luận văn nghệ Việt Bắc tháng 9/1949, mĩ học Thơ mới, thơ tự do bị phê phán nặng nề, thậm chí có người còn không coi đó là thơ nữa. Nguyễn Đình Thi sau đó đã tự sửa những bài thơ không vần thành có vần, cam phận lùi về làm một nhà Thơ mới kéo dài. Có nhà phê bình coi lí do “vụ việc” này là thuần túy chính trị, nhưng tôi nghĩ, xét cho cùng là thẩm mĩ. Bằng chứng là, ở thành thị miền Nam, năm 1955, tập thơ tự do Tôi không còn cô độc của Thanh Tâm Tuyền có chính trị gì đâu mà cũng bị quăng qua cửa sổ nhiều lần. Tạp chí/nhóm Sáng tạo ngày ấy thấy cần thiết phải “chôn tiền chiến”, tức “chôn” mĩ học Thơ mới.
Khi Trương Đăng Dung viết thơ tự do thì mĩ học hiện đại tuy chưa phải đã thống trị nhưng đã được thiết lập vững chắc. Không ai còn công khai phản đối thơ tự do nữa. Thơ tự do, tức hình thức của nội dung mang tính quan niệm nghệ thuật, từ tư cách một thể loại, mang tính cách mạng, chỉ còn là một thể thơ, tức hình thức của hình thức. Bởi vậy, giờ đây làm thơ tự do không còn là mới. Nên muốn mới không thể ỷ vào thể thơ được nữa, mà phải đi tìm những chiều kích khác, để nâng cao phẩm tính, chất lượng, chiều cao của thơ. Các nhà thơ hiện nay như Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn… ít nhiều đã khước từ chiều ngang xã hội để đến với chiều cao tâm linh. Họ cố gắng tìm chất thơ ở huyền thoại, tín ngưỡng dân gian, lễ hội… Còn Trương Đăng Dung thì đến với chiều triết học, cụ thể là triết học Heidegger hoặc các triết học từ Heidegger, như triết học ngôn ngữ chẳng hạn…
Không nói thơ Trương Đăng Dung là thơ triết học, chỉ nói thơ anh có tư tưởng triết học. Ở Việt Nam ít nhà thơ có tư tưởng. Những người làm thơ “nhân dịp”, làm thơ “phản ánh” thì khỏi nói. Có người được coi là có tư tưởng, nhưng thực chất chỉ là các cóp nhặt chưa qua trải nghiệm để biến thành máu thịt của mình, người khác thì chỉ là triết lí vụn chưa kết thành hệ thống. Trương Đăng Dung, tôi nghĩ, đã khắc phục được cả hai nhược điểm trên. Thơ anh xoay quanh những tư tưởng triết học hiện tượng luận. Anh là nhà thơ có tư tưởng triết học, một thứ triết đã từ tháp ngà trở về với đời sống, trở thành đời sống trong những biểu hiện đời thường. Nhân đây cũng nói thêm thơ triết học khác thơ triết lí. Nhà thơ triết lí thì có thể không cần đến triết học, chỉ “túi khôn dân gian” là đủ, thậm chí chỉ cần khoắng tay vào bị khôn của chính mình.
Tuy nhiên, người làm thơ tư tưởng dễ mắc vào một yếu huyệt chết người. Thường thì có một ý tưởng độc đáo nào đó rồi cố tìm lấy những lời hay hình đẹp để lột tả ý tưởng ấy thành thơ. Những thơ này dù khéo đến đâu vẫn là thơ không có ngôn ngữ, tức ngôn ngữ chỉ là ngôn ngữ công cụ, không phải ngôn ngữ tự thân - ngôn ngữ luôn tự quay về với chính nó - của thơ. Trương Đăng Dung là một người làm lí luận văn học, mà lí luận văn học đúng nghĩa chứ không phải đường lối chính sách thì bao giờ cũng là bà con của triết học, tức giàu tính tư biện. Ấy là chưa kể hiện nay lí thuyết văn học cũng trở thành triết học. Bởi vậy, nhà triết làm thơ rất dễ rơi vào tử huyệt trên. Thời kì đầu thơ Trương Đăng Dung đâu phải đã có ngôn ngữ ngay. Dần dần thơ anh đã có ngôn ngữ. Không phải là thơ ngôn ngữ, thơ vị chữ như của Trần Dần, Lê Đạt, ngôn ngữ thơ Trương Đăng Dung có cuộc sống tự nó, sự phát triển tự thân, có một sinh mệnh riêng.
Trương-Đăng-Dung-lí-luận-văn-học thường tuyên ngôn tác phẩm là một quá trình, thậm chí còn khăng khăng cho đó là phát hiện của riêng anh. Tôi không mấy quan tâm đến xuất xứ, lai lịch của một câu nói nào đó, mà chỉ chú ý đến ai đã cấp cho nó một đời sống, ai đã “đưa nó vào đời”(2). Nếu quan niệm như vậy thì Trương Đăng Dung đã thổi vào câu nói trên một sự sống, cấp cho nó một đời sống. Và, quan trọng hơn là chứng thực nó bằng cả quá trình sáng tác của mình. Thơ Trương Đăng Dung ngày nay, quả vậy, không phải nhất thành bất biến, mà là một quá trình. Trên quá trình đó, thơ anh luôn tự thay đổi. Hoặc là bài sau viết khác hơn bài trước. Hoặc là một bài nào đó khởi thảo từ thời sinh viên cứ được sửa đi sửa lại cho đến khi không sửa được nữa thì thôi. Đó hẳn là lí do Trương Đăng Dung làm thơ từ tuổi hai mươi mà đến quá tuổi “tri thiên mệnh” mới in tập đầu tiên. Không giống như truyền thống “trẻ Nho già Lão” của các cụ ngày xưa, và “trẻ văn xuôi già thơ” của “các cụ” ngày nay. Như vậy, thơ Trương Đăng Dung là một quá trình. Và, cùng với quá trình thơ ấy là quá trình người. Bởi, Trương Đăng Dung và thơ anh là một. Thơ anh có bao nhiêu chất Trương Đăng Dung thì con người anh cũng có bấy nhiêu chất thơ Trương Đăng Dung. Cả người và thơ đều ám ảnh.
Hãy nhìn Trương Đăng Dung lúc nào cũng ăn mặc đúng cách, đẹp đẽ, lịch thiệp. Hãy nghe Trương Đăng Dung ăn nói rõ ràng, khúc chiết, lên bổng xuống trầm, nhưng ẩn chứa nhiều suy tư sâu sắc. Hãy cùng Trương Đăng Dung vào một quán cà phê sạch nào đó để quan sát cái cách anh chọn cho mình chiếc ghế sạch, hướng ra view đẹp nhất. Hãy xem Trương Đăng Dung cần mẫn xây dựng một môi trường xung quanh “xanh - sạch - đẹp” ngăn không cho bụi bặm, bầm dập, ồn ào ảnh hưởng đến mình. Anh sống và sáng tác trong cái không gian vô nhiễm ấy.
Sau nhiều năm sống châu Âu, ăn châu Âu, ngủ châu Âu, Trương Đăng Dung, đứa trẻ le nha que ngày nào, đã trở thành một gentleman (quý ông) thực sự. Nhưng lí tưởng cái tôi của anh vẫn là thi sĩ, một quý-ông-thi-sĩ. Anh làm thơ là một cách để cái tôi lí tưởng trong anh được trình hiện. Như Heidegger nói, “con người, sống trên đời, như một thi sĩ”
Đ.L.T
---------
1. Tập thơ Những kỉ niệm tưởng tượng của Trương Đăng Dung được Nxb Thế giới in lần đầu năm 2011; năm 2013, Nxb Văn học in lại và thêm phần “dư luận”, thành Những kỉ niệm tưởng tượng - tác phẩm và dư luận; năm 2018, Nxb Europa in song ngữ Việt - Hungary có bổ sung.
2. Những người theo chủ nghĩa lí lịch thường bác bỏ công của Xuân Diệu khi tìm thấy danh “bà chúa thơ Nôm” không phải do ông định đầu tiên; bác bỏ công của Phan Ngọc khi tìm thấy từ bricolage (dung hợp, lắp ghép) không phải là ông dùng đầu tiên để nói về dân tộc tính của văn hóa Việt Nam mà là ông mượn của Feray (trong Le Vietnam), xa hơn là của Lévi-Strauss (trong Nhiệt đới buồn); bác bỏ công của Trần Đình Hượu khi phát hiện ra khái niệm nhà thơ tài tử không phải của ông mà trước đó đã được Trương Tửu dùng trong Tâm lí và tư tưởng Nguyễn Công Trứ… Họ quên mất rằng Xuân Diệu, Phan Ngọc, Trần Đình Hượu… đã đưa các cách định danh, các thuật ngữ, khái niệm trên vào “chương trình nghị sự” của đời sống học thuật.
VNQD