.NGUYỄN THANH HÀ
1. Cụ già – biểu tượng “của quý vô giá của dân tộc”, “một tượng trưng phúc đức của nước nhà”.
Theo sự khảo sát của chúng tôi, xét dưới góc độ tuổi tác, giới tính ở loại hình ngôn ngữ nhân dân lao động thì ngôn ngữ các cụ già có tần số xuất hiện cao nhất. Điều này thật đúng với văn hoá “trọng xỉ” của người Việt. Tục ngữ có câu: “Ra đường hỏi già về nhà hỏi trẻ”, ý nói các cụ luôn là tấm gương mẫu mực đức độ nghiêm túc trong cách ứng xử. Trong lịch sử có ghi, trước khi quyết định đánh giặc Nguyên, Vua Trần đã mở Hội nghị Diên Hồng xin ý kiến các bô lão Đại Việt. Hồ Chí Minh đã kế thừa nét văn hoá rất đẹp này nên luôn lấy những tấm gương các cụ già vừa để khuyến khích động viên các Cụ vừa để giáo dục tính học tập kế thừa ở thế hệ trẻ.
Bác Hồ lấy câu chuyện cổ Trung Quốc để động viên cổ vũ những cụ già "lão đương ích tráng", tuổi già mà chí khí lại càng mạnh mẽ. Tấm gương ông Tô Lão Tuyền ngày xưa 72 tuổi mới bắt đầu học, tiếng thơm sống mãi với thời gian, thì cụ Nguyễn Ban đã 77 tuổi, tiếng thơm còn hơn thế, “sẽ truyền khắp cả nước”, xứng đáng là “một tượng trưng phúc đức của nước nhà”. Qua đây còn toát lên một quan niệm về “phúc đức” của Hồ Chí Minh: phải có học, có sức khoẻ, có ý chí, có đạo đức, là tấm gương cho người khác. Đầu những năm kháng chiến chống Pháp, Chính phủ phát động phong trào “bình dân học vụ”. Nhiều tấm gương “diệt giặc dốt” cho thấy tính hiệu quả cao của phong trào.
Tháng 8-1949 Bác Hồ có thư gửi cụ Nguyễn Ban ở Quảng Nam là tấm gương sáng về tuổi cao mà vẫn quyết học. Thư có đoạn:
“Cụ gửi thư cho tôi biết rằng cụ đã học xong chữ quốc ngữ. Đọc bức thư cụ, tôi rất lấy làm vui sướng, cụ đã 77 tuổi mà còn gắng học trong 3 tháng đã được thành công như vậy là cụ chẳng những làm kiểu mẫu siêng năng cho con cháu mà lại còn tỏ cái ý chí hùng mạnh của dân tộc Việt Nam. Noi gương cụ, con cháu cụ, đồng bào Việt Nam từ 7 tuổi đến 70 tuổi ai mà nỡ lòng làm biếng, ai mà chẳng cố gắng học hành. Đời xưa bên Trung Quốc có ông Tô Lão Tuyền 72 tuổi mới bắt đầu học, tiếng thơm còn để đến ngày nay.
Bây giờ ở nước Việt Nam ta cụ 77 tuổi mới đi học, chắc tiếng thơm sẽ truyền khắp cả nước. Cụ thật xứng đáng bốn chữ "lão đương ích tráng". Cụ là một tượng trưng phúc đức của nước nhà. Đó là một thành công to lớn và ý nghĩa sâu xa”[1]. Hướng phát ngôn của lời văn đi tới hai đích, một là thể hiện sự kính trọng, ngưỡng mộ một người cao tuổi nhưng đầy ý chí; hai là giáo dục mọi người gắng noi gương cụ. Tính mục đích ở bài học sau nổi bật hơn nhờ có hai ngụ ngôn, một của thời trước (ông Tô Lão Tuyền) và một của thời nay (cụ Nguyễn Ban) chồng lên nhau
Trong Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, tác giả Trần Dân Tiên lấy hình ảnh, lời nói của hai cụ già để chứng minh tinh thần hăng hái tham gia bầu cử của toàn dân ta trong lần bầu cử đầu tiên:
“Ngày hôm ấy, có những cảnh tượng thực cảm động. Một ông cụ tám mươi tư tuổi, nhờ người dắt đến phòng tuyển cử và sau khi bỏ phiếu, vuốt bộ râu bạc và nói: “Ngày nay được hưởng quyền dân chủ thì già có nhắm mắt cũng thoả lòng rồi”.
Một ông cụ khác nói rất hiên ngang:
“Tuy lão đã bảy mươi tuổi, nhưng là một công dân trẻ vì lần đầu tiên lão đi bỏ phiếu cũng như các chú thanh niên”[2].
Bạn đọc thấy một hình ảnh con người mới mẻ của đất nước: tuổi thì già nhưng tinh thần thì trẻ, từ đấy nhìn ra một tương lai sán lạn, tươi vui của cả dân tộc.
Với các cụ già, theo đúng truyền thống “xưng khiêm hô tôn”, Người gọi cụ, các cụ xưng “tôi”. Ngay tên những bài thơ cũng nói lên tình cảm này: Tặng Bùi Công (Tặng Cụ Bùi), Tặng Võ Công (Tặng Cụ Võ). Có trường hợp Người xưng “cháu” với một cụ tuổi cao:
“Thưa cụ,
Những vị Thượng thọ như cụ là của quý vô giá của dân tộc và nước nhà...
Cháu xin thay mặt Chính phủ cảm ơn cụ và trân trọng chúc cụ sống lâu và luôn luôn mạnh khoẻ để kêu gọi các con cháu ra sức tham gia công việc kháng chiến và cứu quốc”[3]. Đó là lời thư của vị Chủ tịch nước Hồ Chí Minh gửi cụ Phùng Lục ở huyện Ứng Hoà, Hà Đông (cũ). Nhưng qua sự xưng hô ta lại thấy đó còn là lời của một người cháu yêu viết cho người ông đáng kính của mình.
2. Cụ già – biểu tượng của chí khí yêu nước chống giặc đòi lại tự do
Trong Lịch sử nước ta Bác Hồ trân trọng ca ngợi Lý Thường Kiệt là “hiền thần” tiêu biểu cho tuổi già chí lớn:
“Lý Thường Kiệt là hiền thần
Đuổi quân nhà Tống, phá quân Xiêm thành
Tuổi già phỉ chí công danh
Mà lòng yêu nước trung thành không phai...”[4].
Đối với Hồ Chí Minh, các cụ là hình tượng tiêu biểu cho chí khí quật cường của dân tộc này, đất nước này:
“Cuối năm ngoái, giặc càn quét ở Hà Nam. Khi chúng đến làng A, nhân dân đã tản cư, bộ đội đã mai phục hết. Chỉ còn các cụ già ở lại.
Giặc bắt các cụ ra hỏi: "Việt Minh ở đâu ?". Cụ nào cũng lắc đầu nói "không biết!".
Giặc tra tấn. Các cụ cũng cứ nói "không biết!"…
Giặc giết hết 25 cụ. Một cụ còn lại thét lên "Tao không biết!" rồi chửi vào mặt chúng.
Tuy rất vắn tắt, hai tiếng "không biết" ấy đã tỏ rõ tấm lòng nồng nàn yêu nước và gan vàng dạ sắt của các cụ. Nó là đại biểu cho tinh thần quật cường bất khuất của dân tộc Việt Nam”[5].
Có lẽ không một lời bình luận nào sâu sắc hơn lời bình luận của chính tác giả, chỉ là hai tiếng "không biết" thôi nhưng trong hoàn cảnh lịch sử ấy “nó là đại biểu cho tinh thần quật cường bất khuất của dân tộc Việt Nam”.
Lời của cụ già trong dẫn chứng dưới đây không chỉ là tiếng nói tiêu biểu cho khí tiết anh hùng yêu nước của một con người cụ thể, một tầng lớp người cụ thể mà đã trở thành tiếng nói của cả dân tộc, của lịch sử:
“Ở Tuyên Quang một cụ già ngoài 70 tuổi bị giặc Pháp bắt, hỏi: Bộ đội V.N. ở đâu? Cụ già ngang nhiên trả lời: Dân Việt Nam ai cũng đánh Pháp, ta đây cũng là một người trong bộ đội Việt Nam. Giặc tức giận đem cụ ra bắn. Trước khi chết cụ già còn hô to: Việt Nam độc lập muôn năm, Hồ Chủ tịch muôn năm”[6].
Không chỉ là đồng bào trong nước mà còn cả Việt kiều cũng tham gia cách mạng trong nước. Lời của cụ già Việt kiều ở Thái Lan là tấm lòng của bà con hướng về Tổ quốc, giúp cách mạng bằng tiền bạc và bằng cả xương máu nữa:
“Hồi đó kiều bào rất tin tưởng vào đoàn thể. Ví dụ như cụ L. bán thịt lợn có vốn liếng khá, đã nói với cán bộ: "Vợ chồng tôi xin gửi mấy đứa con nhờ đoàn thể dạy dỗ để mai sau chúng nó tham gia chống Tây cứu nước. Chúng tôi cũng xin giao cả gia tài tuỳ ý đoàn thể sử dụng. Từ nay vợ chồng tôi tự coi mình như người "làm tài chính" cho đoàn thể..."[7].
3. Cụ già – biểu tượng của niềm tin, lẽ phải, tình nghĩa
Thời kỳ ở Việt Bắc gian khổ Người luôn chia sẻ cái ấm áp của mình cho bạn bè đồng chí. Ngày 15-1-1948 Người gửi thư cho ông Đinh Công Phủ, người Mường, lang đạo vùng Mai Đà (Mai Sơn, Đà Bắc, Hoà Bình): “Tôi gửi biếu Cụ một chiếc áo trấn thủ. Áo này là của đồng bào Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây biếu tôi. Cụ mặc ấm, cũng như tôi mặc ấm”[8]. Đúng là không có ranh giới giữa vị Chủ tịch Nước và người dân thường, nói khác đi Bác Hồ đã coi cái ấm lạnh của dân cũng là cái ấm lạnh của mình.
Hồ Chủ tịch còn trích lời các Cụ, coi đó là những phản ánh trung thực nhất, sâu sắc nhất để nhắc nhở, giáo dục cán bộ:
“Mỗi đồng chí diễn thuyết mất một giờ. Diễn thuyết xong, đồng bào vỗ tay hoan hô. Lúc đó Bác ở trong quần chúng. Bác mới hỏi một cô: Có hiểu gì không? Cô ta trả lời: Không. Bác lại hỏi một cụ. Cụ ấy trả lời: Các đồng chí nói rất hay, nhưng tôi không hiểu gì cả. Đó là kinh nghiệm tuyên truyền”[9].
Để tạo nên một không khí gần gũi, thân ái, chân tình, ý nhị, vui vẻ, Bác Hồ rất chú ý tới đối tượng tiếp nhận khi dẫn ngữ. Với đối tượng người già thì không có thành ngữ nào thích hợp hơn: “Các cụ phụ lão hãy làm gương mẫu, "lão đương ích tráng", đôn đốc con cháu thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để xứng đáng là người chủ nước nhà mai sau”[10].
Sâu thẳm trong trái tim Người là khát vọng độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho dân, còn riêng mình là một khát vọng bình yên, thanh thản. Cuối 1945, một hôm cùng đi với nhà văn Đặng Thai Mai, Bác chỉ vào một cụ già đang ngồi câu cá và nói: “Thật tình, mình chỉ mong sao việc nước sắp xếp được ổn thỏa, rồi về ngồi trên một hòn đá như ông già câu cá ấy là mình rất vui rồi”[11]. Điều ấy hoàn toàn phù hợp với ước nguyện của Người: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”[12].
N.T.H
-------------
[1] Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, tr 674.
[2] Nxb Văn học, 1970, tr 122.
[3] Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, tr 427.
[4] Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 3, tr 223.
[5] Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập7, tr 301.
[6] Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, tr 366.
[7] Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 10, tr 24,25.
[8] Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, 2006, Tập 4, tr 149.
[9] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 11, tr 129.
[10] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 10, tr 244.
[11]. Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ, văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, tập 4. Nxb Hội Nhà văn, 2012, tr 40.
[12]. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 4, tr 161.
VNQD