Chuyện đời - Chuyện nghề của Võ Đắc Danh

Thứ Tư, 11/09/2019 16:49

 Võ Đắc Danh được biết đến là một nhà văn chuyên viết bút ký ở Việt Nam. Văn nghiệp của ông cũng được gắn liền với tên gọi “Người nông dân cầm bút” với các tác phẩm viết về người nông dân đồng bằng sông Cửu Long.

Chuyện đời - Chuyện nghề là cuốn hồi ký kể lại những câu chuyện về tuổi thơ với những đau thương, mất mát do chiến tranh, những câu chuyện đói nghèo của thời niên thiếu, những câu chuyện về những mối tình vụng dại, những câu chuyện về cuộc đời mưu sinh và nợ nần chồng chất của anh... Đặc biệt là các câu chuyện nghề với những buồn vui, đau đớn, hạnh phúc. Đó cũng là những năm tháng cầm bút đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu, cái bất công của nhà văn. Nhà văn Võ Đắc Danh quan niệm: “Nguyên tắc của bút ký là luôn tôn trọng sự thật. Trong 30 năm từ khi gác cày cuốc làm báo, tôi luôn trung thành với nguyên tắc ấy”. Bởi vậy nên Chuyện đời - Chuyện nghề hấp dẫn người đọc bởi tính chân thực của cảm xúc cũng như những câu chuyện được nói đến. Cũng qua đó, những trăn trở của tác giả về đời sống, xã hội, con người được bộc lộ; lòng trắc ẩn và tính nhân văn được khơi mở.

Quê hương, xứ sở in đậm dấu ấn trong những câu chuyện và giọng văn Võ Đắc Danh. Nơi đó như là cơn cớ cũng như là hồn cốt để nhà văn gọi ra những nỗi niềm. Nơi đó anh được sinh được dưỡng, cũng nơi đó lớp cha anh đã hi sinh, và nơi đó bao thăng trầm, được mất, bao chìm nổi phận người chìm nổi phận quê. Những niềm vui và vẻ đẹp ấu thơ cứ hiện lên như một tiếng cười hồn nhiên quá đỗi, để rồi qua năm tháng tiếng cười ấy trở thành hồi ức khỏa lấp một khung trời bé dại. Những mối tình chớm nở tuổi mới lớn, gắn với quê hương, làm đẹp thêm cho quê hương và lẽ sống của mỗi người cho dù rồi cũng bàng bạc màu chia phôi.

Chuyện đời - Chuyện nghề không chỉ là câu chuyện của cá nhân tác giả, bạn đọc còn hình dung ra một chặng đường lịch sử thăng trầm của đất nước. Đất nước của nhân dân đi qua thảm họa của chiến tranh, đói nghèo và những bất công, nhưng kiên cường, bất khuất, giàu lòng nhân văn, nhân ái. Là nhà văn, nhà báo nên bên cạnh yếu tố trữ tình, lãng mạn, da diết thì khi chạm vào những vấn đề gai góc, những câu chuyện xã hội trái ngang anh vẫn cho thấy một giọng điệu sắc sảo, ngang tàng, khí phách của người con Nam Bộ.

Bút ký Võ Đắc Danh thấm đậm chất văn hóa, lịch sử, xã hội Nam Bộ trầm tích, nhưng cũng nóng hổi tính thời sự và nhân ái, nhân văn. Trong tận cùng thâm tâm nhà văn luôn nghĩ mình chỉ là người nông dân cầm bút, hơn chín mươi phần trăm trang viết của anh là chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với người nông dân, nói thay họ những tiếng nói khổ đau và oan khuất. Văn phong Võ Đắc Danh giản dị, chân thực. Văn chương anh sử dụng ngôn ngữ thuần miền Tây như lối nói chuyện dân dã đời thường của người Nam Bộ. Giọng kể, tả tâm tình, thủ thỉ, lại có khi bùng lên phẫn uất mỗi khi bất công ngang trái, nhưng cũng đầy cảm thông, chia sẻ, nhân bản. Thông tin sự kiện đầy ắp, song cũng nhiều da diết, và giàu hình ảnh, chi tiết văn học.

Là người có tầm nhìn, nhạy cảm, hồi ký Võ Đắc Danh cho thấy anh là người có sự bao quát lớn về đời sống, xã hội, con người, cùng với đó là sự tinh tế, mẫn cảm để đi sâu vào những chiều kích, những góc khuất của mọi vấn đề, mọi số phận. Những thô ráp, trần trụi kếp hợp với những trữ tình, tha thiết làm nên Chuyện đời - Chuyện nghề hết sức sinh động và sâu sắc.

AN CHI

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)