Ca từ âm nhạc và vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

Thứ Năm, 22/08/2019 15:12

. TRẦM NGƯ

Kể từ 1946, tiếng Việt được bản Hiến pháp đầu tiên khẳng định là ngôn ngữ chính thức của Việt Nam. Từ đó đến nay, cùng với công cuộc phát triển đất nước, tiếng Việt đã thực sự khẳng định được vai trò và vị trí của mình trên tất cả mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Tiếng Việt đồng thời cũng phát triển, tự mình hoàn thiện hơn, trở nên đẹp đẽ hơn. Tình yêu tha thiết với tiếng Việt có sẵn trong mỗi người con đất Việt, đồng thời nó được chăm sóc, vun xới bởi những tác phẩm văn học nghệ thuật. Tuy thế, cùng với sự phát triển như vũ bão của đời sống kinh tế, đây đó cũng đã xuất hiện những trường hợp sử dụng tiếng Việt chưa chuẩn xác, chưa hay, hoặc quá lạm dụng tiếng nước ngoài chêm xen vào tiếng Việt một cách vô lối, làm giảm đi vẻ đẹp, sự trong sáng của tiếng Việt. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ phác họa một hành trình của ca từ tiếng Việt cùng những băn khoăn nhất định về tình trạng gây phản cảm của một số ca khúc hiện nay.
Theo Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, 2010), ca từ được định nghĩa rất ngắn gọn là “lời của bài hát”. Nhìn lại lịch sử âm nhạc Việt Nam, ở góc độ ca từ, chúng ta có điều kiện nhận diện vẻ đẹp của tiếng Việt cũng như nhìn ra những bất cập, đáng ngại (về ngôn từ) trong một số hiện tượng âm nhạc, từ đó có ý thức tốt hơn trong việc giữ gìn và phát huy vẻ đẹp của tiếng Việt.
Nếu tính từ mốc 1930 - năm nhạc sĩ Đinh Nhu sáng tác bài Cùng nhau đi hồng binh tại nhà tù Côn Đảo, lịch sử ca khúc của Việt Nam có thể chia thành năm thời kì lớn: 1930 - 1945, 1945 - 1954, 1954 - 1975, 1975 - 1995, sau 1995.

Thời kì 1930 - 1945
Thời kì 1930 - 1945 được gọi là thời kì tân nhạc Việt Nam với các sáng tác hầu hết theo khuynh hướng lãng mạn. Bên cạnh tình yêu đôi lứa, tình quê hương, những tâm trạng và cảm xúc liên quan đến thời cuộc, chính trị được thể hiện một cách kín đáo. Ca từ của ca khúc giai đoạn này còn mang nhiều tính chất ước lệ, sử dụng những từ ngữ hoa mĩ cổ điển, các hình ảnh so sánh và liên tưởng từng gặp nhiều trong văn học truyền thống. Tuy nhiên, có thể nói, không ít ca khúc đã có sức sống vượt thời gian. Chẳng hạn, nhắc đến Văn Cao của thời kì này, người ta nhớ ngay đến những Suối mơ, Thiên thai, Đàn chim Việt, Cung đàn xưa, Trương Chi. Nhạc sĩ Đặng Thế Phong tài hoa mệnh bạc để lại ba ca khúc bất hủ: Giọt mưa thu, Con thuyền không bến và Đêm thu. Đoàn Chuẩn - Từ Linh được biết đến với những ca khúc quyến rũ: Gửi gió cho mây ngàn bay, Tà áo xanh... Có những người chỉ cần một bài duy nhất cũng đủ lưu danh, như trường hợp nhạc sĩ Dzoãn Mẫn với ca khúc Biệt li. Có những lời ca được viết cách đây gần tám mươi năm mà bây giờ nghe lại, đọc lại vẫn thấy thật đẹp, thật lung linh huyền ảo: Suối mơ bên rừng thu vắng, dòng nước trôi lững lờ ngoài nắng/ Ngày chưa đi sao gió vương, bờ xanh ngát bóng đôi cây thùy dương...

Thời kì 1945 - 1954
Thời kì 1945 - 1954 là thời kì của ca khúc kháng chiến chống Pháp. Âm hưởng của một số ca khúc thời kì này vẫn lưu dấu vết của cảm hứng lãng mạn trong thời kì trước đó như những bài Dư âm (1950) của Nguyễn Văn Tý hay Sơn nữ ca (1948) của Trần Hoàn. Tuy thế, chất lãng mạn thuần túy đã dần nhường chỗ cho lãng mạn cách mạng trong những ca khúc như Con kênh xanh xanh của Ngô Huỳnh hay Nhạc rừng của Hoàng Việt. Ca từ của thời kì này bắt đầu bỏ dần ước lệ để tăng thêm những chất liệu dồi dào của đời sống: Thuyền ai lướt qua hàng chuối với bờ kênh/ Thuyền ai lướt qua bông lúa thướt tha/ Tiếng ai hò khoan vẳng đưa những câu tình ca/ Ngả nghiêng hàng tràm vang hòa tiếng hò xa xa/ Chiến khu bừng vui ấm bao lòng dân quê tôi/ Tiếng ai giã bàng nhịp nhàng như tiếng lòng tôi (Con kênh xanh xanh). Chất hùng ca, tráng lệ trong ca từ cũng được thể hiện thành công, điển hình nhất qua tuyệt phẩm Tình ca của Hoàng Việt: Khi hát lên tiếng ca gửi về người yêu phương xa/ Ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba/ Em ơi nghe chăng lời trái tim vọng ra/ Rung trong không gian mặt biển sôi ầm vang/ Qua núi biếc trập trùng xa xa/ Qua áng mây che mờ quê ta/ Tiếng ca ngàn đời chung thủy thiết tha...

Thời kì 1954 - 1975
Ở thời kì này, hiện thực cuộc sống được phản ánh sinh động với ngồn ngộn các chất liệu trong âm nhạc. Phan Ngọc đã nhận xét rằng, “lời ca là nhạc đệm cho toàn bộ cuộc hành quân cách mạng của dân tộc”. Có những chất liệu được coi là khó có thể đưa vào tác phẩm âm nhạc trong những thời kì trước, thì lúc này đi vào ca khúc một cách nhuần nhuyễn và tự nhiên. Nói về không khí chiến trường, ta bắt gặp một loạt từ ngữ như bom nổ, bom lửa, bom đạn, giặc thù, giặc điên cuồng, lửa đốt, vót chông, trực chiến... Nói về phẩm chất con người, xuất hiện các từ ngữ như anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang, kiên gan, ngoan cường, rắn chắc... Nói về những người ở hậu phương làm nhiệm vụ, ta bắt gặp một hệ thống từ vựng “dị thường” được đưa vào ca từ như máy reo, búa khoan, chăm bón, phơi muối, nồi cám lợn, phân gio: Tôi đứng trông sang nhà người giỏi chăn nuôi, bếp nồng hơi ấm nồi cám lợn (Người giỏi chăn nuôi - Nguyễn Văn Tý); Trưa nào bắt sâu lúa cào rát mặt/ Chiều nào gánh phân quang giành quét đất (Hạt gạo làng ta - nhạc: Trần Viết Bính, thơ: Trần Đăng Khoa); Ruộng đồng quê ta mương máng dọc ngang nước đủ phân gio nhiều (Đường cày đảm đang - An Chung). Có thể nói, âm nhạc thời kì này đã hoàn thành được sứ mệnh lịch sử vô cùng trọng đại của nó là một vũ khí tinh thần nâng bước con người qua muôn vàn gian khó. Kết hợp cùng những tiết tấu và giai điệu mạnh mẽ, hùng tráng, bao tác phẩm như thúc giục bước chân người chiến sĩ ra tiền tuyến, chiến đấu không ngừng để hướng về một ngày hòa bình thống nhất của dân tộc. Có thể kể đến các bài điển hình như Bước chân trên dải Trường Sơn, Bài ca Trường Sơn, Đường chúng ta đi, Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân...

Thời kì 1975 - 1995
Sau 1975, non sông thống nhất, bên cạnh những ca khúc mang âm hưởng xây dựng đất nước trong thời kì mới, các tác phẩm lại có cơ hội quay về những vấn đề xoay quanh đời sống cá nhân như tình yêu, thân phận, nỗi buồn... Nhiều nhạc sĩ đã thành danh trong thời kì trước vẫn tiếp tục sáng tác và để lại nhiều tác phẩm có giá trị. Có thể kể đến các tên tuổi như Hoàng Hiệp, Hoàng Vân, Phan Huỳnh Điểu, Trần Tiến... Một loạt nhạc sĩ khác dần thành danh sau 1975 như Phú Quang, Thanh Tùng, Vũ Hoàng, Nguyễn Ngọc Thiện, Dương Thụ... Thử so sánh giữa hai ca từ cùng viết về nỗi nhớ của Thẩm Oánh (trước 1945) và Phú Quang (sau 1975), ta sẽ thấy những thay đổi vượt bậc về biểu hiện ngôn ngữ của tác phẩm. Bài Nhớ nhung của Thẩm Oánh: Nhớ nhung ngập trời/ Buồn vương khắp nơi/ Gió trăng lạc lối.../ Sắt se lòng quá/ Phía tây mây mờ/ Sầu lắng trong mơ/ Bóng dáng mây huyền lướt như tóc ai. Bài Nỗi nhớ của Phú Quang: Nỗi nhớ dâng đầy trong anh/ Gương mặt em nụ cười em vồng ngực ấm/ Tưởng như máu trong tim đông đặc, nỗi nhớ dâng đầy dâng đầy/ Ôi chẳng có dòng sông mặt biển nào ngăn cách, mà sao anh không thể đến bên em... Sự khác biệt về cảm thức và nhịp điệu đời sống, vùng mĩ cảm khác nhau của hai thế hệ hiện hình qua từng lời ca đẹp, quyến rũ mà vẫn ẩn chứa nhiều riêng khác, tạo nên dấu ấn của những thời đại trong âm nhạc Việt Nam.

Sau 1995 đến nay
Những năm 1997 - 1998 có thể xem là thời hoàng kim của âm nhạc Việt Nam. Đó là thời kì chương trình Làn sóng xanh của Đài Tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh luôn có bảng xếp hạng những ca khúc được yêu thích, giành được nhiều sự mến mộ của thính giả bởi sự công tâm, khách quan và chất lượng của chương trình. Hầu hết các ca khúc lọt vào bảng xếp hạng Làn sóng xanh đều có giai điệu đẹp, ca từ chọn lọc, trau chuốt, xứng tầm của ngôn ngữ văn học. Có thể kể đến các tác phẩm như Tạm biệt mùa đông (Nguyễn Nam), Em muốn sống bên anh trọn đời (Nguyễn Cường), Những nẻo đường phù sa (Bảo Phúc), Khoảnh khắc (Trương Quý Hải), Dòng sông lơ đãng (Việt Anh), Góc phố dịu dàng (Trần Minh Phi), Xe đạp ơi (Ngọc Lễ)…
Sau 1997 - 1998, phải đợi đến bảy năm sau, ca khúc Việt Nam mới có sự khởi sắc trở lại nhờ sự xuất hiện của sân chơi Bài hát Việt (Đài Truyền hình Việt Nam) năm 2005. Có thể kể đến các tác phẩm thuyết phục thính giả trên cả phần nhạc lẫn phần lời trong năm như Bà tôi, Giọt sương bay lên (Nguyễn Vĩnh Tiến), Giấc mơ trưa (nhạc: Giáng Son, lời: Nguyễn Vĩnh Tiến), À í a (Lê Minh Sơn). Sự thành công này còn được giữ vững và phát huy trong hai năm tiếp theo (2006, 2007) qua những ca khúc như Thềm nhà có hoa (Thanh Tâm), Để dành (Nguyễn Xinh Xô), Cơn mưa tình yêu (Mạnh Quân), Giấc mơ mang tên mình (Văn Phong), Ngày từ đêm trắng sinh ra (Tăng Nhật Tuệ), Nồng nàn Hà Nội (Nguyễn Đức Cường), Cánh buồm phiêu du (Sơn Thạch)... Có thể dẫn vài đoạn ca từ thật đẹp trong những tác phẩm nói trên để làm minh chứng: Em nằm em nhớ, một ngày trong veo một mùa nghiêng nghiêng/ Cánh đồng xa mờ, cánh cò nghiêng cuối trời/ Em về nơi ấy, một bờ vai xanh một dòng tóc xanh/ Đó là chân trời hay là mưa cuối trời (Giấc mơ trưa); Người yêu ơi, cỏ mềm đã héo khô/ Mặt hồ lá xác xơ, những con đường vắng sương mờ/ Từng bước chân, cuốn đi mùa thu xa lắm, để nỗi buồn cứ thế đến bao giờ (Cơn mưa tình yêu). Nhưng, Bài hát Việt từ sau 2007 cũng như ca khúc đương đại nói chung không có nhiều tác phẩm gây được ấn tượng như trước, trừ một trường hợp: Lê Cát Trọng Lý. Âm nhạc của Trọng Lý có hơi thở riêng, thu hút được một số lượng đông đảo công chúng, phần nhạc dễ thấm vào lòng người và nhiều dòng ca từ đẹp như thơ: Có ước mơ tựa như cánh buồm chờ cơn gió vút lên/ Có vết thương mười năm đứng âm thầm vì cơn mưa sống lại/ Có trái tim tựa như tiếng đàn làm tôi yêu xiết bao/ Có bước chân dài hơn những con đường về nơi tâm vắng lặng (Tám chữ có).
Những quan ngại về ca từ trong ca khúc Việt Nam
Nếu như từ 1995 trở về trước, khi xét ca từ trong ca khúc Việt, ta có thể đơn giản chia tách làm hai loại: hay và chưa hay; thì từ 1995 đến nay đã xuất hiện thêm khá nhiều vấn đề bất cập, gây phản cảm, thậm chí đôi khi là cả những lo lắng bi quan về mặt sáng tạo nghệ thuật.
Một là, đã xuất hiện khá nhiều sự chêm xen lời tiếng Anh trong một ca khúc tiếng Việt. Đây là điều mà trong các giai đoạn trước chưa hề có. Mức độ chêm xen từ chỗ chỉ một vài từ phát triển lên thành hẳn một vài câu hoặc thậm chí hàng đoạn, gây cảm giác khó chịu, lai căng và lố bịch. Nếu dừng ở mức độ vừa phải còn có thể tạm chấp nhận, chẳng hạn bài Katy katy (nhạc và lời: Đức Trí) chỉ dùng duy nhất một danh từ riêng là Katy, bài Email tình yêu (nhạc và lời: Trần Minh Phi) chỉ dùng duy nhất một danh từ chung là email, bài Tình bạn (nhạc và lời: Nguyễn Phương Uyên) có các từ và cụm từ you, and you, you and I… lặp lại ở đầu các câu hát. Tuy nhiên, người nghe đã bắt đầu cảm thấy hơi chướng. Đến bài Nụ hôn bất ngờ (nhạc và lời: Mỹ Tâm), cả câu tiếng Anh được đưa vào trong ca từ, thậm chí lặp lại hai lần: Oh first you make me happy, you make me crazy. Một bài khác có tên Lang thang internet (nhạc và lời: Hoàng Tuấn), ngay mở đầu ca khúc đã là một lô một lốc tiếng Anh: Internet world wide web/ Internet world wide web/ Music/ Com to love com… Một vài năm gần đây, việc đưa tiếng Anh vào phần lời của ca khúc Việt Nam ngày càng bị lạm dụng. Điển hình nhất có thể kể đến trường hợp ca sĩ Sơn Tùng M-TP, một ca sĩ có số lượng fan theo dõi vô cùng đông đảo. Một loạt ca khúc do anh sáng tác hoặc trình bày đều có chêm xen các câu, từ tiếng Anh. Có thể kể đến các bài Cơn mưa ngang qua, Cơn mưa thoáng qua, Em của ngày hôm qua… với các câu, cụm từ tiếng Anh được đưa vào như: Can you feel me, my girl girl girl, my lady, oh baby, goodbye forever, my girl… Có những nhạc sĩ người Việt trẻ tuổi còn tỏ ra sính ngoại đến mức không chỉ chêm xen tiếng Anh vào ca từ bừa bãi mà còn dùng luôn nghệ danh là một cái tên Tây: Why it’s me. Làm sao đây? Trước mắt tôi là... Tell me/ Khi tất cả những yêu thương sau lưng chỉ là dối trá/ I can’t suffer unpredictable things you did to me (Không cần thêm một ai nữa - Mr. Siro ft. BigDaddy)...
Hai là, nhiều ca khúc có phần ca từ tiếng Việt được viết quá dễ dãi, ngây ngô, tùy tiện, sai ngữ pháp, lủng cà lủng củng: Qua bao ngày gian truân ngày xưa kia, giờ đây mới được em yêu kề bên anh mà ngu sao làm chi để vụt bay mất tình sẽ đau... (Tình yêu trong âu lo - Phúc Khánh Cường). Có bài hát dùng những từ quá dung tục, mang đậm chất khẩu ngữ hàng chợ, ngay từ nhan đề tác phẩm: Vô tư đi cứ bám vào anh này, suy tư anh u não cả tháng ngày, không may cho em yêu tìm đến phải đúng thằng điên rồ trên khinh khí cầu (Không phải dạng vừa đâu - nhạc và lời: Sơn Tùng M-TP). Ngay cả một ca khúc được giải cao của chương trình Bài hát Việt (2014) cũng có phần ca từ quá dễ dãi: Yêu lắm... thương lắm... mà xa lắm... đau lắm/ Ai buồn... ai buồn em buồn vì ai/ Yêu lắm thương lắm... mà xa lắm... chứ đau lắm (Bốn chữ lắm - nhạc và lời: Phạm Toàn Thắng).
Chúng ta tự hào về những thành tựu mà âm nhạc Việt Nam đã từng có được trong lịch sử với nhiều nhạc sĩ danh tiếng, nhiều ca khúc sống mãi với thời gian. Giá trị văn học nghệ thuật trong ca từ của các ca khúc thậm chí còn có thể được sử dụng để giảng dạy văn chương trong nhà trường phổ thông và đại học. Vẻ đẹp của ca từ cũng đã được các nhà giáo dục sớm nhận ra qua việc đưa môn âm nhạc thành một trong những môn cơ bản của chương trình tiểu học, giới thiệu tới các em những ca khúc thiếu nhi chọn lọc, có nhiều nét đặc sắc trên cả phần nhạc và phần lời. Thế nhưng, sự phát triển tràn lan của ca khúc âm nhạc thị trường có phần ca từ dễ dãi trong những năm gần đây khiến nhiều người trong chúng ta không khỏi chạnh lòng. Việc một số ca khúc đương đại sử dụng tiếng Việt một cách cẩu thả, chêm xen vô lối ngoại ngữ vào ca từ là một hiện tượng có thật, gây khó chịu và nhức nhối đến nhiều người, trong đó có tầng lớp trí thức. Muốn hạn chế và uốn nắn tình trạng này, phải có sự vào cuộc của những nhà quản lí văn hóa, những đơn vị chức năng chịu trách nhiệm xuất bản, cấp phép. Tiếp đến, và quan trọng nhất, chính là ý thức và lòng tự trọng, tình yêu tiếng Việt của người sáng tác ca khúc. Một khía cạnh khác cũng rất quan trọng góp phần bảo tồn và phát huy sự trong sáng của tiếng Việt trong ca từ âm nhạc chính là thị hiếu của công chúng nghe nhạc. Sự ý thức và hành động một cách đồng bộ trên mọi phương diện quản lí, sáng tạo, tiếp nhận văn hóa, văn học nghệ thuật là cơ sở để giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt của chúng ta

T.N

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)