Trước hết, chúng tôi thấy cần suy nghĩ những đặc điểm lịch sử, xã hội và cá nhân của quá trình hình thành các quan điểm của Hồ Chí Minh về văn hóa - văn nghệ.
Thứ nhất, quá trình đó diễn ra trong khoảng 50 năm, từ đầu thập niên 1920 đến cuối thập niên 1960 - một thời kỳ lịch sử vô cùng đặc biệt đối với thế giới mà đặc trưng xuyên suốt, cơ bản của nó là sự biến đổi long trời chuyển đất từ thế giới cũ sang thế giới mới, là cuộc đấu tranh quyết liệt, phức tạp diễn ra hằng ngày, hằng giờ trên mọi bình diện của đời sống xã hội giữa cách mạng và phản động, giữa tiến bộ và lạc hậu, giữa hòa bình và chiến tranh, giữa nhân đạo và dã man, giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản,… Hồ Chí Minh là người trực tiếp chứng kiến và góp phần to lớn trên phạm vi quốc tế vào bước ngoặt vĩ đại ấy của lịch sử.
Thứ hai, các quan điểm đó gắn bó máu thịt với quá trình đấu tranh vĩ đại của dân tộc ta vì mục đích cao đẹp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc trong 50 năm ấy, từng yêu cầu và nhiệm vụ cụ thể - lịch sử của các giai đoạn trong quá trình đó.
Thứ ba, các quan điểm đó là một bộ phận hữu cơ, không thể tách rời với toàn bộ các quan điểm của Hồ Chí Minh về các vấn đề chính trị, triết học, kinh tế, xã hội, đạo đức, quân sự,… với cuộc đời hoạt động cách mạng tuyệt vời và độc đáo của Người vì một ham muốn tột bậc "Trước kia cũng như hiện nay là làm sao cho toàn thể dân tộc được giải phóng. Đó là mục đích của tôi từ khi còn trẻ và cho tới ngày từ giã cõi đời, mục đích đó sẽ không thay đổi…"[1].
Tất cả các ý kiến, suy nghĩ của Hồ Chí Minh về các lĩnh vực khác nhau của văn hóa - văn nghệ đều chịu sự chi phối sâu sắc của các đặc điểm cơ bản trên. Cũng chính vì thế mà nguyên lý cơ bản nhất, quan trọng nhất, là linh hồn của tất cả các quan điểm, ý kiến cụ thể về văn hóa - văn nghệ của Hồ Chí Minh là: "Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân"[2].
Nguyên lý này hoàn toàn không phải là sự áp đặt đối với văn nghệ, sự áp đặt mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị, mà chính là bản chất xã hội của mọi hoạt động văn nghệ, là một quy luật khách quan của mối quan hệ trên như Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Văn hóa nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị"3. Nắm vững quy luật và thấu hiểu sâu sắc những đòi hỏi bức xúc nhất của lịch sử và của dân tộc ta 50 năm ấy, Hồ Chí Minh đã rút ra một kết luận có ý nghĩa cực kỳ to lớn nhằm định hướng cho toàn bộ sự phát triển của văn nghệ nước ta: tham gia cách mạng là con đường duy nhất, là nhu cầu tất yếu của văn nghệ và những người hoạt động văn nghệ ở nước ta, "Rõ ràng là dân tộc bị áp bức, thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng"[3]. Tham gia cách mạng không chỉ vì để đóng góp tích cực vào tiến trình và thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, mà còn vì nhu cầu tồn tại và phát triển của chính bản thân văn nghệ, vì sự tự do chân chính của văn nghệ. Đó là một kết luận hiển nhiên, giản dị mà thực sự có ý nghĩa lớn lao đối với văn nghệ cách mạng ở nước ta.
Quan điểm gốc trên đây của Hồ Chí Minh về văn hóa - văn nghệ xuất phát từ sự lựa chọn hệ tư tưởng của Người. Ai cũng đã biết, vào những năm 1920, Hồ Chí Minh đã phải chịu đựng biết bao gian nan, khổ ải để tìm con đường cứu nước. Lúc đó, biết bao nhiêu học thuyết, biết bao nhiêu chủ nghĩa, biết bao nhiêu đảng phái. Lúc đó, hệ tư tưởng Mác - Lênin còn đang trong cuộc đấu tranh không cân sức với các trào lưu tư tưởng đối lập và thù địch khác. Nhưng, bằng cả cuộc đời từng trải, bằng toàn bộ trí tuệ, sự mẫn cảm, nhạy bén và tâm huyết của mình, ngay từ những năm 1925-1927, Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cánh mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin"2. Cách đây mấy năm thôi, sự khẳng định đó, có lẽ ít cần bàn cãi. Nhưng gần đây, do tác động của những biến đổi phức tạp của đời sống quốc tế và trong nước, người ta bắt đầu hoài nghi, biên độ dao động về mặt hệ tư tưởng đã tăng lên, đôi khi không còn giới hạn. Cuộc đời Hồ Chí Minh, tấm gương
Hồ Chí Minh, trí tuệ, tâm hồn và đạo đức Hồ Chí Minh củng cố cho chúng ta niềm tin không chỉ vào cá nhân Người, mà vào sự lựa chọn và khẳng định của Người về chân lý ấy.
Từ kinh nghiệm của cuộc đời mình, Hồ Chí Minh luôn luôn nhắc nhở, khuyên nhủ văn nghệ sĩ cần học tập chủ nghĩa Mác - Lênin: "Công việc cách mạng là nghìn điều, muôn loại phức tạp, khó khăn. Để cân nhắc mọi hoàn cảnh phức tạp, nhìn rõ các mâu thuẫn, để giải quyết đúng các vấn đề, thì chúng ta phải cố gắng học tập lý luận Mác - Lênin"[4], nhưng đồng thời, nhiều lần, Người phê phán những người chỉ "học thuộc lòng một số sách vở về chủ nghĩa Mác - Lênin… Song khi gặp việc thực tế, thì họ hoặc là máy móc, hoặc là lúng túng… Họ học sách vở Mác - Lênin, nhưng không học tinh thần Mác - Lênin"2. Sự nhắc nhở trên đây của Hồ Chí Minh đồng thời bao hàm cả hai ý nghĩa, sự kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin và tìm tòi, đổi mới, sáng tạo phù hợp với những biến đổi mới của thực tiễn xã hội trên tinh thần Mác - Lênin.
Xuất phát từ nguyên lý "Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng", Hồ Chí Minh đã yêu cầu văn nghệ phải bám sát và phụng sự tốt nhất những nhiệm vụ cơ bản và cụ thể của dân tộc và nhân dân ta trong từng giai đoạn khác nhau của 50 năm ấy. Từ trong nhiệm vụ có tính chất lịch sử - cụ thể đó của mỗi giai đoạn phát triển của văn nghệ nước nhà, bao giờ Hồ Chí Minh cũng chỉ ra một thiên chức riêng biệt của văn nghệ là bám sát đời sống con người, miêu tả và khám phá con người, bảo vệ và khẳng định con người mới đang hình thành trong cuộc chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ và vĩ đại vì sự chiến thắng của xã hội mới: "Quần chúng đang chờ đợi những tác phẩm văn nghệ xứng đáng với thời đại vẻ vang của chúng ta, những tác phẩm ca tụng chân thật những người mới, việc mới chẳng những để làm gương mẫu cho chúng ta ngày nay, mà còn để giáo dục con cháu đời sau"[5]. Trong những năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cứu nước, sự định hướng trên đây của Hồ Chí Minh đã có sức cổ vũ và tác động to lớn đối với nền văn nghệ cách mạng và những nghệ sĩ - chiến sĩ của chúng ta. Gần đây, phải chăng đã có ý nghĩ cho rằng, sự định hướng đó không còn phù hợp nữa? Tất nhiên, văn học, nghệ thuật của chúng ta phải đi sâu vào con người hơn nữa với tất cả tính chất phong phú, đa dạng, phức tạp và các cấp độ khác nhau vốn có, ngày càng phát triển của bản thân đời sống con người. Nhưng bản chất nhân đạo sâu xa của sáng tạo nghệ thuật cách mạng chính là, trong điều kiện của cuộc đấu tranh cực kỳ phức tạp, nan giải ngày hôm nay, phải dồn hết năng lực và trí tuệ để bảo vệ, nuôi dưỡng và khẳng định những cái tốt đẹp, trong sáng, cao cả của con người. Hơn một năm trước khi qua đời, Hồ Chí Minh đã nhắc nhủ với chúng ta: "Mỗi người đều có cái thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở con người nảy nở như hoa mùa Xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng"2.
Khi nói Hồ Chí Minh yêu cầu văn nghệ "ca tụng chân thật những người mới, việc mới"3, nhiều lúc người ta chỉ nhấn mạnh từ Ca tụng, mà quên mất từ Chân thật ngay sau đó. Cũng như đối với cụm từ "miêu tả cho hay, cho chân thật và cho hùng hồn"4, người ta không chú ý quan hệ không thể tách rời của ba từ hay, chân thật và hùng hồn. Chỉ có sự thống nhất của ba yêu cầu đó mới tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đích thực, tạo nên giá trị bền vững của chúng, và đó là tư tưởng biện chứng của Hồ Chí Minh về các giá trị văn hóa mà Người gọi là sự "phong phú về tư tưởng và nghệ thuật"[6]. Về phương diện này, đã nhiều lần với một thái độ ân cần, gần gũi, rất mực khiêm tốn và cũng rất thẳng thắn, Người đã phê bình một số tác phẩm văn nghệ là "nhạt nhẽo thế nào ấy", "cách viết thường ba hoa, dây cà dây muống…"2, xa lạ với đời sống thực của con người.
Khi nói Hồ Chí Minh yêu cầu biểu dương người mới, việc mới, điều đó hoàn toàn không có nghĩa là Người đòi hay khuyên văn nghệ sĩ tô hồng hiện thực hoặc tạo ra những hình ảnh xa rời đời sống. Thật là thú vị khi Người phê bình một số bức tranh trong đó người vẽ "không muốn đi ở dưới đất mà cứ muốn vút lên trời: chất mơ mộng nhiều quá, mà cái chất thật của sự sinh hoạt rất ít"3. Từ đó, Người gợi ý một cách dí dỏm: "Người trần lên tiên có lẽ cũng thích thật. Nhưng nhìn thấy mãi cái đẹp không thay đổi rồi cũng chán nản, nhạt nhẽo và mới biết: muốn tìm thấy sự thay đổi, sự ham mê thật, phải trở về với cuộc sinh hoạt thực tại của con người"4. Điều mà mấy năm gần đây, nhiều văn nghệ sĩ đang trăn trở tìm kiếm nhằm làm cho văn nghệ lúc này hiện thực hơn nữa, chân thật hơn nữa, sát gần với đời sống hằng ngày hơn nữa, đã được Hồ Chí Minh chỉ ra từ nhiều năm trước đây. Đâu phải đi tận đâu xa khỏi mảnh đất này để tìm một sự đổi mới. Trở về với cội nguồn Hồ Chí Minh, chúng ta sẽ gặp được những chỉ dẫn cực kỳ giản dị mà sâu sắc lạ thường.
Cả cuộc đời Hồ Chí Minh, trong từng việc làm, cử chỉ nhỏ nhất, Người luôn luôn nâng niu, chắt chiu, nuôi dưỡng, bảo vệ từng biểu hiện tốt đẹp - dù là rất nhỏ - của mỗi con người. Từ đó, Người đòi hỏi sáng tạo văn học, nghệ thuật "cần hiểu thấu, liên hệ và đi sâu vào đời sống của nhân dân. Như thế, mới bày tỏ được cái tinh thần anh dũng và kiên quyết của quân và dân ta, đồng thời để giúp phát triển và nâng cao tinh thần ấy"[7]. Gắn liền với đòi hỏi đó, như là một mặt không thể thiếu được của nó, là việc cần phải kiên quyết phê phán những cái xấu, cái ác, cái hèn kém, cái đê tiện… trong con người và xã hội - "Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta. Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt, thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy. Bộ đội và nhân dân ta cũng đủ nhiều cái hay để nêu lên, không cần phải bịa đặt ra"2. Trong một đoạn rất giản dị đó thôi đã có thể tìm thấy những quan điểm chủ yếu nhất về định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho mối quan hệ giữa khẳng định và phủ định, ca ngợi và phê phán trong sáng tạo văn hóa, nghệ thuật hôm nay.
Tham gia vào cuộc đấu tranh cách mạng vĩ đại của cả dân tộc, miêu tả cho hay, cho chân thật, cho hùng hồn cái mới, cái tốt đẹp đang nảy sinh trong đời sống hiện thực và dũng cảm, nghiêm khắc phê bình, lên án những cái xấu, khuyết điểm, sai lầm, qua đó góp phần tích cực vào sự thắng lợi của cuộc chiến đấu giải phóng, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, đó chính là nhiệm vụ chủ yếu của văn hóa - văn nghệ. Đó cũng chính là sức mạnh chiến đấu đặc biệt của văn hóa, văn nghệ mà nhiều lần Hồ Chí Minh đã khẳng định và cũng chính bằng các tác phẩm của mình, Người đã chứng minh chân lý đó. "Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà mà anh em văn hóa và tri thức phải làm..."[8].
Gắn bó máu thịt với dân tộc, "phải mang cốt cách dân tộc", gắn bó mật thiết với nhân dân đang đấu tranh và xây dựng, và phải thể hiện sự gắn bó đó trên tất cả các mặt, các quy trình của hoạt động văn hóa - văn nghệ, từ đề tài đến mục đích, từ nội dung đến hình thức, từ phong cách đến ngôn ngữ, từ suy nghĩ, tình cảm đến sự tham gia trực tiếp của người nghệ sĩ vào đời sống và cuộc đấu tranh của nhân dân, từ việc đem văn hóa phục vụ trực tiếp nhân dân đến việc tạo mọi điều kiện để nhân dân trực tiếp sáng tạo các giá trị văn hóa... Đó là quan điểm xuyên suốt tất cả các bài báo, bài phát biểu, nói chuyện, thư từ, sáng tác,... của Hồ Chí Minh về văn hóa - văn nghệ. Chính từ quan điểm đó mà Người luôn luôn đòi hỏi rất cao đối với chất lượng hoạt động của văn hóa - văn nghệ. Người thường nhắc nhở thẳng thắn những thiếu sót của hoạt động đó: "Phong trào văn hóa có bề rộng, chưa có bề sâu, nặng về mặt giải trí mà còn nhẹ về mặt nâng cao tri thức của quần chúng. Về mặt tổ chức và lãnh đạo còn thiếu chặt chẽ chưa dựa hẳn vào lực lượng của nhân dân, chưa dùng hết khả năng của các nhà trí thức"2. Sự nhắc nhở đó cách đây đã 33 năm, nhưng chúng ta thấy đó như là sự phê bình trực tiếp những thiếu sót, khuyết điểm của hoạt động văn hóa - văn nghệ nước ta trong những ngày gần đây nhất.
Quy tụ mục tiêu lớn nhất của mọi hoạt động văn hóa - văn nghệ là phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc, tham gia cách mạng, điều đó đối với Hồ Chí Minh hoàn toàn không có nghĩa là biến các hoạt động đa dạng đó thành những công thức rập khuôn, máy móc. Hồ Chí Minh đã nhiều lần nói đến tính đa dạng, phong phú của văn hóa - văn nghệ, coi đó là một đặc trưng, là một đòi hỏi nội tại của bản thân văn hóa - văn nghệ, và cũng là một đòi hỏi khách quan của công chúng đối với hình thái hoạt động tinh thần đặc biệt này: "cần làm cho món ăn tinh thần được phong phú, không nên bắt mọi người chỉ được ăn một món thôi. Cũng như vào vườn hoa, cần cho mọi người được thấy nhiều loại hoa đẹp"[9].
Vai trò và sự lãnh đạo của Đảng đối với văn hóa - văn nghệ đang là một vấn đề được tranh luận sôi nổi vài năm gần đây. Đọc lại những ý kiến của Hồ Chí Minh về vấn đề này cho phép chúng ta rút ra những kết luận mang ý nghĩa thời sự sâu sắc.
Hồ Chí Minh đã chỉ ra rất rõ rằng, vai trò lãnh đạo của Đảng ta là do chính sự phấn đấu của Đảng và do nhân dân từ thực tiễn đấu tranh mà thừa nhận. Đảng ta đã trải qua biết bao thử thách to lớn để làm tròn sứ mệnh lịch sử của mình trước dân tộc, trước nhân dân, để gánh vác và cũng là để giành và giữ quyền lãnh đạo cách mạng của mình. Điều đó hoàn toàn không phải là áp đặt, là độc tài, mà là trách nhiệm nhân dân giao phó cho Đảng ta. "Đảng ta không ngừng đấu tranh chống những khuynh hướng cải lương của giai cấp tư sản và những khuynh hướng manh động của tầng lớp tiểu tư sản...; chống những khuynh hướng hữu và "tả" trong Đảng khi quy định và chấp hành chiến lược và sách lược cách mạng của Đảng ở mỗi thời kỳ. Chủ nghĩa Mác - Lênin đã giúp Đảng vượt qua những trận thử thách ấy. Nhờ vậy, Đảng ta không những đã giành được quyền lãnh đạo cách mạng trong cả nước, mà còn giữ vững được quyền lãnh đạo đó trên mọi lĩnh vực..."2. Hồ Chí Minh đã đúc kết một chân lý cụ thể - lịch sử về quyền, uy tín và khả năng lãnh đạo cách mạng của Đảng ta và đồng thời Người chỉ ra con đường vượt qua thử thách để giữ vững những cái đó.
Đã là chân lý cụ thể - lịch sử thì tất nhiên không phải bất biến. Vấn đề là ở chỗ năng lực và phẩm chất để bảo đảm giữ vững quyền đó, khả năng vượt qua những thử thách mới trong những điều kiện lịch sử mới. Trước khi qua đời một năm, Người đã chỉ rõ: "Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân"[10]. Và Người đòi hỏi: "Từ nay về sau, nhân dân ta và Đảng ta phải giữ gìn và phát huy mãi mãi đạo đức trong sáng ấy"2. Ngày hôm nay, trước những đòi hỏi và những điều kiện mới của cuộc đấu tranh, Đảng ta từng bước nỗ lực vượt qua những thử thách nặng nề mới để tiếp tục gánh vác trách nhiệm lãnh đạo của mình trên các bình diện chủ yếu của đời sống xã hội, trong đó văn hóa - văn nghệ là một lĩnh vực cực kỳ quan trọng.
Lúc này, chúng ta đang bàn nhiều về quan hệ giữa Đảng lãnh đạo so với quyền dân chủ, quyền tự do tư tưởng và tự do sáng tác. Những khía cạnh mới, chất lượng mới của mối quan hệ trên đang được tiếp tục nghiên cứu và đề xuất để bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng gắn liền nhu cầu dân chủ, tự do sáng tạo của mỗi người. Hồ Chí Minh đã lý giải vấn đề tự do tư tưởng, tự do sáng tác ở một cấp độ khác, mang ý nghĩa triết học sâu sắc. Người viết: "Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý"[11]. Một cách lý giải độc đáo và đầy sức thuyết phục. Có lẽ, chưa phải mọi người đều đã được tự do bày tỏ ý kiến của mình về mọi vấn đề. Mặt khác, lại có người lợi dụng tự do để xuyên tạc những chân lý lịch sử đã được kiểm nghiệm, để đánh giá vào niềm tin chân lý của nhân dân đang đứng trước những thử thách ngày hôm nay. Quan điểm mang ý nghĩa biện chứng sâu sắc trên đây của Hồ Chí Minh là cơ sở phương pháp luận về mặt tư tưởng cực kỳ quan trọng đối với lĩnh vực sáng tạo văn hóa - văn nghệ, nơi mà quyền tự do phải được phát huy đến cao độ để đi tới khám phá những sự thật và chân lý của đời sống đang vận động.
Hồ Chí Minh không bàn nhiều và trực tiếp những nội dung cụ thể về sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ. Nhưng những định hướng về tư tưởng và triết học trên đây có một giá trị thuyết phục sâu sắc. Chúng ta nhất thiết và cần phải tiếp tục đi sâu, phát triển nhiều mặt hơn nữa những vấn đề của khoa học về văn hóa - văn nghệ. Thực tiễn sôi động, phong phú và phức tạp của hoạt động văn hóa - văn nghệ những năm qua đòi hỏi như vậy. Mặt khác, không phải Hồ Chí Minh đã bàn về tất cả những vấn đề của lĩnh vực này. Cùng với văn hóa - văn nghệ, Người đã bao quát những phạm vi hết sức rộng lớn khác của đời sống xã hội. Người đã dành phần lớn sức lực, trí tuệ, tình cảm cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Mặc dầu vậy, chắc chắn rằng, mọi sự tìm tòi, khám phá mới, mọi sự phát triển và đổi mới về mặt tư duy lý luận về văn hóa - văn nghệ đều nhất thiết phải thấm nhuần tư tưởng, quan điểm của Hồ Chí Minh. Trở về với cội nguồn Hồ Chí Minh, chúng ta sẽ vững tâm đi tới, đi xa và đi đúng hơn nữa, hôm nay và mai sau.
1995
ĐINH XUÂN DŨNG
[1]. Hồ Chí Minh: Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1981, tr.11.
[2], 3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.246.
[3], 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.504; t.2, tr.289.
[4], 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.610, 611.
[5], 2, 3, 4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.504; t.15, tr.672; t.13, tr.504; t.13, tr.392.
[6], 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.505; t.12, tr.164.
3, 4. Hồ Chí Minh: Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận, Sđd, tr.344, 345.
[7], 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.246; t.8, tr.206.
[8], 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.157; t.10, tr.514.
[9], 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.665; t.12, tr.416.
[10], 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.672.
[11]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.378.
VNQD