Hồ Chí Minh tiếp thu văn hoá Phật giáo, Công giáo

Thứ Hai, 22/07/2019 00:06

. THANH NGUYÊN

Văn hoá phương Đông đã thấm vào tâm hồn cậu bé Nguyễn Sinh Cung từ tuổi ấu thơ vì cậu may mắn được sinh ra trong một gia đình Nho học, khoa bảng, nền nếp. Truyền thống giáo dục của người Việt là “dạy con từ thuở còn thơ…”, thế cho nên văn hoá phương Đông, đặc biệt là Trung Quốc đã được Hồ Chí Minh tiếp thu từ rất sớm. Lớn lên tiếp xúc với phương Tây, tiếp thu những nét tinh hoa, bản chất nhất của đạo Công giáo, nhờ thế mà Người có những ứng xử rất mực tinh tế. Người nhận thấy những đặc điểm tích cực cơ bản nhất của mỗi tôn giáo:

“Chúa Giê-su dạy: Đạo đức là bác ái.

Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi.

Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa” 1

Có thể khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kế thừa, tiếp thu tinh hoa của các tư tưởng tiến bộ trên thế giới:

Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân.

Tôn giáo Giê su có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả

Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng

Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó, chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước

Khổng Tử, Giê su, Tôn Dật Tiên chẳng có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho mọi người, mưu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, nếu họ hợp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết

Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị”.

Trong tác phẩm Hồ Chí Minh có sự tinh tế của cái đẹp hài hòa phương Đông, có cái châm biếm thâm thúy Nho gia, có chất triết lý của ngụ ngôn triết học Trang Tử, Lão Tử, Mạnh Tử…có vẻ đẹp từ bi thoát tục của đạo Phật, vẻ đẹp hàm súc thơ Đường... Thơ Hồ Chí Minh có xu hướng vươn tới một thế giới “tiên”: “Hai mươi tư tháng sáu/ Lên ngọn núi này chơi/ Ngẩng đầu mặt trời đỏ/ Bên suối: một nhành mai” (Lên núi). Theo Phan Ngọc, “hai câu đầu nôm na để dẫn tới hai câu sau bất tử: một tứ thơ cách mạng hoà với một tứ thơ Phật giáo. Ngạn là cái bờ suối cụ thể nhưng cũng là cái bờ bên kia, cái bờ đạt đến sự giác ngộ. Mai là cây mai cụ thể nhưng cũng là kẻ thoát kiếp luân hồi” 2 . Nhất là trong các lá thư Người gửi đồng bào Phật tử thì càng cho thấy mạch nguồn văn hóa Phật giáo được tiếp thu rất tinh tế: “Cuối cùng tôi chúc các vị luôn luôn mạnh khoẻ, tinh tiến tu hành, phục vụ chúng sinh, phụng sự Tổ quốc, bảo vệ hoà bình” 3 . Văn bản có thể coi là sự phối hợp hai phong cách ngôn ngữ, ngôn từ của Phật giáo và ngôn ngữ toàn dân. Có những từ khó hiểu đối với ngôn ngữ toàn dân nhưng lại thân thuộc với ngôn ngữ Phật giáo như “tinh tiến tu hành” vẫn được tác giả sử dụng. Căn cứ vào đối tượng tiếp nhận thì đây lại là sự cần thiết, nếu thay bằng một cụm từ của ngôn ngữ toàn dân có nghĩa tương đương thì màu sắc nhà Phật sẽ bị giảm, người đọc sẽ không tìm thấy con người họ ở trong đó, hiển nhiên tính thuyết phục cũng nhạt.

Hồ Chí Minh đã nhận định: “…tôn chỉ, mục đích của đạo Phật nhằm xây dựng cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui và no ấm” 4 . Người nhận xét rất tinh tế là Phật giáo và dân tộc “như bóng với hình” 5 , về hình thức là hai (hìnhbóng) nhưng về bản chất thì là một (bóng từ hình mà có).

Đối với đồng bào phật tử, Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm và quan tâm theo một cách riêng, cách của nhà Phật. Những lá thư Người gửi cho đồng bào luôn là sự phối hợp hai phong cách, ngôn từ của Phật giáo và ngôn ngữ toàn dân. Có những từ khó hiểu đối với ngôn ngữ toàn dân nhưng lại thân thuộc với ngôn ngữ Phật giáo vẫn được tác giả sử dụng. Bài học của mọi bài học trong việc thu phục nhân tâm của Bác Hồ là tình yêu thương và sự chân thành. Hãy yêu thương đến hết mình, hãy chân thành tận đáy lòng thì tình người sẽ đến với tình người, niềm tin sẽ đến với niềm tin.

Hồ Chí Minh không phải là Phật tử nhưng là người làm theo giáo lý đạo đức tiến bộ của nhà Phật. Trả lời nhà báo, Người thẳng thắn bày tỏ:

- “Chủ tịch ghét gì nhất? Trả lời: Điều ác.

- Chủ tịch yêu gì nhất? Trả lời: Điều thiện” .

Người cũng cho rằng con người ta ai cũng có thiện có ác và nhiệm vụ người cách mạng là giúp “họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần THIỆN trong con người nẩy nở để đẩy lùi phần ÁC, chứ không phải đập cho tơi bời”. Ngày 5/1/1946, tại chùa Bà Đá, Hội Phật giáo Cứu quốc tổ chức tuần “Mừng Liên hiệp quốc gia” cầu nguyện cho nền độc lập. Trước thành viên Chính phủ, tăng ni, Phật tử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thành tâm đọc lời thề: “... Trước Phật đài tôn nghiêm, trước quốc dân đồng bào có mặt tại đây, tôi xin thề hy sinh đem thân phấn đấu để giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc. Hy sinh, nếu cần đến hy sinh cả tính mạng, tôi cũng không từ” 6 .

Như vậy Hồ Chí Minh không phân biệt tôn giáo, nhất là với Phật giáo đã đi sâu vào tâm thức dân tộc thì Người càng tôn trọng, coi trọng, coi đó như là một biểu tượng của đất nước, dân tộc. Ở ngày hôm nay chúng ta càng thấm nhuần tư tưởng triết học Phật giáo về giáo dục đã hoà nhập sâu vào văn hoá dân tộc, qua thời gian đã khẳng định đó là những yếu tố tích cực, tiến bộ, do vậy cần phát huy, kế thừa, phát triển và nâng cao các tinh hoa giá trị ấy để góp phần làm lành mạnh hóa xã hội.

Hồ Chí Minh tiếp thu mỹ học bác ái “kính Chúa yêu nước”, là yêu “hòa bình, tự do, hạnh phúc” của đạo Công giáo, một tôn giáo lớn ở phương Tây cũng như trên thế giới. Nhân dịp lễ Nôen 1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư gửi đồng bào công giáo, lá thư có đoạn: “Ngày lễ Nôen lần thứ hai đến trong hoàn cảnh hoà bình. Miền Bắc của ta đã hoàn toàn giải phóng. Nhân dân ta ở miền Bắc được vui sống tự do, làm ăn yên ổn, đồng bào công giáo thì được tự do thờ Chúa, không còn bị địch đóng chiếm nhà thờ, tàn sát dân lành, gây ra bao nhiêu khổ nhục.

Tiếng chuông nhà thờ năm nay mừng sinh nhật Chúa là tiếng chuông hoà bình, tự do, hạnh phúc trong lòng của mọi đồng bào công giáo ở miền Bắc ta” 7 .

Những câu văn được cấu trúc đều đặn, ngắt mệnh đề đều đặn tạo âm hưởng êm đềm như tiếng chuông nhà thờ ngân nga của cảnh hoà bình. Nhân dịp Lễ Thiên chúa giáng sinh 1956 Hồ Chí Minh cũng có thư gửi các hàng giáo sỹ và đồng bào công giáo: “Từ nay với sự cố gắng của đồng bào, sản xuất sẽ ngày càng phát triển, phần xác ta được ấm no thì phần hồn cũng được yên vui, việc đấu tranh giành thống nhất Tổ quốc, giữ gìn hoà bình càng chóng thắng lợi như bài hát: “Sáng danh Thiên Chúa trên các tầng giời, hoà bình cho mọi người lành dưới thế”.

Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới đồng bào công giáo. Có thể lý giải điều này là xuất phát từ quan niệm đoàn kết và tình thương nhân dân của Bác và tình hình công giáo nước ta trong những năm kháng chiến là đồng bào dễ bị kẻ thù lợi dụng nên Bác Hồ càng phải giúp họ hiểu về đường lối kháng chiến, về chính sách đoàn kết, về tinh thần nhân ái của người Việt. Lời thư Người gửi cho đồng bào thường có đặc điểm chung là câu thường dài, âm hưởng đều đặn, giọng điệu thường ngân nga, nếu cho phép có một so sánh thì giống như giọng một vị đức cha giảng kinh thánh vậy. Mới hay sự vĩ đại, trí tuệ, tâm hồn của Hồ Chí Minh thể hiện ngay ở cách viết câu văn!

Người mong muốn Công giáo cũng là dân tộc, ở trong sự đoàn kết toàn dân. Người gửi thư cho đồng bào:

“Nhân dịp lễ sinh nhật này, tôi mong các hàng giáo sĩ và đồng bào, đã đoàn kết nay càng đoàn kết hơn, đoàn kết giữa nhân dân và cán bộ, giữa đồng bào giáo và đồng bào lương để sửa chữa những sai lầm trong cải cách ruộng đất được tốt, thực hiện củng cố miền Bắc thắng lợi, do đó mà mau thống nhất nước nhà, cho Bắc Nam sum họp như lời cầu nguyện của Chúa Kirixitô: “Nguyện cho hết thảy đồng bào hoàn toàn hợp nhất với nhau” 8 .

Trong bức thư gửi cho đồng bào công giáo nhân dịp Noel năm 1945, năm độc lập đầu tiên của nước nhà Người đã viết: “Đức Thiên Chúa đã giáng sinh để cứu vớt nhân loại. Đức Thiên Chúa là một tấm gương hy sinh triệt để vì những người bị bóc lột, vì những dân tộc bị áp bức, vì hòa bình, vì công lý”.

Trong thư gửi các linh mục và đồng bào công giáo ngày Nô-en đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám thành công (1946) Bác Hồ viết: “Trong lịch sử Việt Nam lần này là lần đầu tiên đồng bào công giáo ta làm lễ Thiên chúa giáng sinh một cách hoàn toàn vui vẻ trong một nước Việt Nam độc lập. Tôi chắc chắn rằng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của các vị giáo mục Việt Nam, đồng bào công giáo sẽ cùng tòan thể đồng bào trong nước cương quyết chiến đấu để giữ vững quyền tự do, độc lập cho Tổ quốc”.

Hồ Chí Minh rất hiểu những thánh tích đạo Công giáo. Ngay từ những năm 1920 ở Pháp, Người đã kể những chuyện này để nhằm mục đích vạch trần bản chất xâm lược của thực dân Pháp, bản chất giả dối của những tên thực dân cáo già, lọc lõi: “Khói thuốc dày đặc thoát ra từ tẩu vây lấy Xôra như hương thơm của những ông chồng chung thuỷ bao quanh thánh Giôdép. Xôra chậm rãi bảo tôi: Cậu có biết là Anbe Xarô đã đổ bể rồi không?” 9 . Theo truyền thuyết đạo Thiên Chúa, thánh Giôdép vốn xuất thân là một người thợ mộc, sau này lấy Mari làm vợ. Thời Mari còn thiếu nữ có rất nhiều chàng trai đến dạm hỏi. Nhà Mari chọn rể bằng cách cho các chàng trai đặt một chiếc gậy của mình vào chung một chỗ, gậy của ai nở hoa thì người đó sẽ được lấy Mari. Chiếc gậy của chàng thợ mộc Giôdép nở hoa, thế là chàng được kết hôn cùng Mari. Họ cưới nhau, Mari được thần Gabrien báo cho biết nàng sẽ sinh ra Jêxu là con của Thượng đế và sẽ là Chúa Cứu thế. Chàng Jôdép thì mơ thấy mình được trao nhiệm vụ giữ Mari làm vợ còn Jêxu sẽ là con nuôi. Mari là mẹ nhưng vẫn là đồng trinh. Giôdép trở thành Thánh Giôdép, suốt đời là người chồng chung thuỷ của người vợ đồng trinh Mari mà con chiên luôn ngưỡng mộ gọi là Đức Mẹ Đồng Trinh Mari. So sánh“Khói thuốc dày đặc thoát ra từ tẩu vây lấy Xôra như hương thơm của những ông chồng chung thuỷ bao quanh thánh Giôdép” gợi bạn đọc nhớ về truyền thuyết ấy nhưng đặt trong ngữ cảnh câu chuyện của chàng Xôra ba hoa về “Viện Hàn lâm thuộc địa còn thiếu Ban… Đạo lý”, thì nó lại mang một hàm ý mỉa mai “những ông chồng chung thuỷ” trong xã hội tư sản Pháp đâu có chịu cảnh như Thánh Giôdép, mà là ngược lại, chơi bời, trăng gió, phù phiếm,… như… khói thuốc vậy!

Hồ Chí Minh đã thật hiểu giáo lý, bản chất tình thương con người của Công giáo để thể hiện tình cảm, quan niệm của mình. Bài học cho ta thấy phải hiểu rộng, sâu, hiểu để nắm được bản chất tôn giáo mới có thể có đối thoại văn hóa.

 


1. Hồ Chí Minh toàn tập (2002). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 6 tr 225.

2. Báo Văn nghệ, số 34, ngày 25/8/1990

3.  Hồ Chí Minh toàn tập (2002). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 8, tr 290, 291

4. Hồ Chí Minh toàn tập (2002). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 8, tr 290.

5. Thượng toạ Thích Đức Nghiệp (1/1991). Chủ tịch Hồ Chí Minh với Phật giáo Việt Nam. Nội san đặc biệt, Phân viện Nghiên cứu Phật học. Giáo hội Phật giáo Việt Nam

6.  Hồ Chí Minh toàn tập (2002). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 4, tr 148.

7.  Hồ Chí Minh toàn tập (2002). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 8, tr 99.

8.  Hồ Chí Minh toàn tập (2002). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 8, tr 285

9. Hồ Chí Minh toàn tập (2002). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 1, tr 164.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)