Hồ Chí Minh với quá trình "Việt hóa" các tư tưởng lớn của thế giới

Thứ Năm, 01/08/2019 08:09

"Việt hóa" những lý luận, tư tưởng của bên ngoài, có lẽ là một trong những quy luật, đặc điểm bao trùm, xuyên suốt trong lịch sử của dân tộc ta. Và, phải luôn luôn dựa trên cái gốc Việt, cái hồn Việt để thực hiện sự "Việt hóa" đó. Cuộc đời và tư tưởng Hồ Chí Minh là một minh chứng tiêu biểu nhất, điển hình và sáng ngời nhất về quá trình và thành tựu độc đáo của sự "Việt hóa" đó. Phải chăng, ngay từ giờ phút đầu tiên lên tàu ra nước ngoài ngày 5-6- 1911, cách đây đúng 100 năm, từ trong chiều sâu nhất của tư duy và sự mẫn cảm của Người, Hồ Chí Minh đã có khát vọng đó. Và suốt cuộc đời mình, Người không bao giờ ngừng nghỉ thực hiện điều đó.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: phương Đông hay phương Tây có cái gì hay, có cái gì tốt là phải học lấy để tạo ra nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam. Luận điểm trên đây là sự tổng kết cực kỳ sâu sắc một quy luật, một đặc điểm của toàn bộ quá trình hình thành, phát triển và tự khẳng định của hệ thống tư tưởng, lý luận và văn hóa Việt Nam, đồng thời cũng chính là nhu cầu tất yếu, nội tại bảo đảm cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam trong tương lai.

1. Cuộc đời, sự nghiệp Hồ Chí Minh, bắt đầu từ thuở ấu thơ, đến 30 năm bôn ba khắp năm châu, bốn biển là cả một quá trình vĩ đại tích lũy, tiếp nhận, làm giàu có cho mình những tri thức lớn, sâu sắc, phong phú của thế giới.

- Thời thơ ấu, thiếu niên: tiếp xúc với văn hóa gốc Việt quê nhà, tiếp nhận những tri thức của Nho học.

- Bắt đầu tiếp xúc, tiếp nhận và xuất hiện nhu cầu phân tích, đánh giá để nhận biết bản chất của văn hóa Pháp (thời kỳ học ở Quốc học Huế).

- Mục tiêu ra nước ngoài để học cái hay của người, tìm chân lý, cái có ích cho dân tộc, cho đồng bào, từ đó tìm đường, xác định con đường cứu nước, cứu dân tộc.

- Những tri thức khổng lồ, sâu sắc, vô cùng phong phú trên hầu hết các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội được Nguyễn Ái Quốc tích lũy trong suốt 30 năm bôn ba ở nước ngoài.

2. Một năng lực sàng lọc, chọn lọc cực kỳ tinh tế và sâu sắc, sự tổng hợp các tri thức và cao hơn, đó là sự "khúc xạ" (chữ dùng của cụ Vũ Đình Hòe) và vượt gộp (chữ dùng của GS. Phan Ngọc), là tài năng phi thường hiếm có của Hồ Chí Minh khi tiếp xúc, tiếp nhận, chọn lọc các tri thức nhiều mặt của nhân loại.

“Bất cứ khía cạnh nào của chân lý ló ra, xuyên qua bộ óc phi thường của người thanh niên này là đều như tia sáng mặt trời xuyên qua một vật thể trong suốt nào đều phải chịu sự khúc xạ thôi”[1]. Phan Ngọc nhìn kết quả, hiệu quả của sự khúc xạ: Tia sáng xuyên qua vật thể kia của vật lý học hiện đại, đã hòa mình với ánh sáng trong suốt của vật thể đồng thời biến nó thành một vật có ánh sáng tinh khiết, long lanh hơn trước. Cái chất sáng hiện ra sau khúc xạ đó là một sự vượt gộp.

Có lẽ nhận xét trên đây đã làm rõ kết quả, thành tựu, sản phẩm đạt được của sự Việt hóa các tư tưởng, lý luận, văn hóa của nước ngoài của Hồ Chí Minh.

Như vậy ở Hồ Chí Minh là sự kết hợp và vượt gộp tuyệt vời những tinh hoa của nhiều nền văn hóa thế giới với những giá trị bền vững, độc đáo và cao quý nhất của văn hóa dân tộc. Sự đánh giá sâu sắc và sự lựa chọn cực kỳ mẫn cán, tinh anh của Người về những giá trị mà Người chọn lọc và tiếp nhận trong các học thuyết của Khổng Tử, Giêsu, Các Mác và Tôn Dật Tiên là một minh chứng vô cùng thuyết phục không chỉ về kinh nghiệm ứng xử văn hóa của bản thân Người, mà đã trở thành một quan niệm tiếp nhận, sàng lọc, Việt hóa của dân tộc ta đối với văn hóa thế giới: Học thuyết Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêsu có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó là thích hợp với điều kiện nước ta... Tôi cố gắng làm học trò nhỏ của các vị ấy.

3. Sự Việt hóa những học thuyết, chủ nghĩa, tư tưởng lý luận lớn của các nền văn hóa tiêu biểu trên thế giới của Hồ Chí Minh để hình thành, phát triển và định hình "học thuyết", hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực cơ bản, trọng yếu của cách mạng, của đất nước và dân tộc ta. Ở phần này, chúng tôi dự định tìm hiểu quá trình Việt hóa các học thuyết, tư tưởng, triết lý sau:

- Việt hóa các giá trị tư tưởng trong các học thuyết của Trung Quốc cổ đại, đặc biệt là Nho giáo. Bước đầu, chúng tôi đã thống kê được hàng trăm dẫn chứng sinh động, đầy sức thuyết phục về những thành tựu, kết quả độc đáo của sự Việt hóa này trong tư tưởng Hồ Chí Minh. (Ví dụ nhỏ nhưng ý nghĩa và nội dung lớn: tư tưởng "Trung quân" của Nho giáo (Trung với vua và người nuôi mình trở thành tư tưởng "Trung với nước" của Hồ Chí Minh,...).

- Tuyên ngôn độc lập (1945) là thành tựu tuyệt vời về sự sáng tạo, tầm trí tuệ, chiều sâu lý tưởng và tình yêu dân tộc của Hồ Chí Minh. Đó là kết quả của sự đứng vững trên mảnh đất Việt, "cốt cách" Việt (chữ dùng của Hồ Chí Minh), hồn Việt, đồng thời là sự tiếp nhận qua việc sàng lọc những giá trị bất hủ của bản Tuyên ngôn độc lập 1776 của Hoa Kỳ và tư tưởng tự do - bình đẳng - bác ái của cách mạng tư sản châu Âu (xin lưu ý, sau khi trích dẫn một “lời bất hủ” (chữ dùng của Hồ Chí Minh) trong Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ: "Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ…", Hồ Chí Minh đã viết, thực ra trình bày và khẳng định một tư tưởng mới: "Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là tất cả các dân tộc trên thế giới sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do").

- Việt hóa những thành tựu, giá trị của triết lý, học thuyết châu Âu (nhất là Pháp, Anh), thông qua các bài viết của Hồ Chí Minh từ 1919-1924, quá trình học tập, tiếp thu, tiếp nhận những giá trị văn hóa châu Âu và sự nỗ lực "Việt hóa" những tri thức đó trong tư duy và trong hoạt động của Nguyễn Ái Quốc.

- Việt hóa những tư tưởng của Mác là một trong những thành tựu tuyệt vời của tư duy Hồ Chí Minh (chúng tôi đã trình bày nội dung này trong bài báo đã đăng tải trên một vài tạp chí: "Trí tuệ siêu việt trong một báo cáo của Nguyễn Ái Quốc", trong đó có tìm hiểu suy nghĩ của Hồ Chí Minh về vấn đề đấu tranh giai cấp ở Việt Nam và phương Đông khác với phương Tây, về "chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước",...).

- Sự vận dụng sáng tạo và phát triển những tư tưởng vĩ đại của Lênin kể từ khi Hồ Chí Minh tiếp nhận và khẳng định chủ nghĩa Lênin đối với sự nghiệp cách mạng của Việt Nam.

- Hồ Chí Minh và quá trình nhận biết và "Việt hóa" quan niệm về chủ nghĩa xã hội (phân tích sự tìm tòi trong tư duy Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội).

- Hồ Chí Minh và sự "Việt hóa" quan điểm về bản chất, tính chất của Đảng Cộng sản ở Việt Nam (Đảng với giai cấp và dân tộc - tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng trình bày tại Đại hội lần thứ II năm 1951).

- Khi nào Hồ Chí Minh chưa hoàn thành quá trình "Việt hóa" là lúc có thể dẫn tới sai lầm (Hồ Chí Minh và vấn đề sửa sai trong cải cách ruộng đất ở nước ta).

2011

ĐINH XUÂN DŨNG


[1]. Vũ Đình Hòe: Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2007, tr.184.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)