. NGUYÊN THANH
1. Tiếp thu mỹ học thần thoại Hy Lạp
“Cậu không biết là cả trường đại học y khoa nhốn nháo cả lên vì cái bản tuyên ngôn khoa học của Cụ lớn à? "Ngài yêu quý nhiệm vụ đến quặn cả lòng. Niềm say đắm đối với nỗi cùng cực cao cả gắn những cơn sốt nóng của nó vào da thịt ngài. Nó hoà lửa của nó vào máu ngài, trong huyết quản ngài, cũng như vào đường gân ngài, thớ thịt ngài, cứ như chiếc áo lửa của Nétxuy bám lấy hông lấy cật" (1)
Cụ lớn( ngài) ở đây là Anbe Xarô, Thượng thư thuộc địa trong Chính phủ Pháp, chúng ta chú ý tới phép so sánh: cứ như chiếc áo lửa của Nétxuy bám lấy hông lấy cật. Theo thần thoại Hy Lạp, Nétxuy là một con vật mình ngựa đầu người (nhân mã) cướp nàng Đêjania, vợ của dũng sỹ Hecquyn nên bị Hecquyn dùng tên tẩm máu long xà bắn chết. Trước khi chết Netxuy bày cho Đêjania lấy máu của mình tẩm vào chiếc áo cho Hecquyn mặc nếu khi nào Hecquyn phản bội. Quả nhiên về sau Hecquyn ruồng bỏ Đêjania mà yêu nàng Iôn. Đêjania làm theo lời Netxuy, Hecquyn mặc áo thì người nóng như lửa. Đau đớn, quằn quại, biết không thể tránh khỏi cái chết, chàng lên núi Etna lập giàn lửa, tự thiêu. Hiểu thần thoại này chúng ta lại thấy ý mỉa mai cay độc “Quan Thượng thư” (Cụ lớn), thì ra những ngôn từ sáo rỗng trên, những tinh thần “cao cả”, “đắm say” của ngài cũng chỉ là để… giết người mà thôi, và có khi giết chết chính cả ngài!
2. Tiếp thu tinh hoa văn hóa Mỹ
Năm 1925 Nguyễn Ái Quốc viết Lịch sử cách mạng Mỹ, sự hiểu hiểu biết sâu sắc này cho thấy chắc chắn Người đã biết về nước Mỹ rất sớm. Khi con tàu anh Ba làm bồi bếp đi qua cảng New York anh đã được ngắm tượng thần Tự Do và lên thăm thành phố, đi vào các khu ổ chuột ở Harlem. Năm 1918 khi Tổng thống Mỹ W. Wilson công bố Chương trình 14 điểm với Hội nghị hòa bình quốc tế. Được đọc trên đất Anh nhưng anh Thành mừng quá về vội Pháp cùng với Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường thảo Yêu sách 8 điểm của nhân dân An Nam tiếp thu, nhưng cái chính là lấy Chương trình 14 điểm làm điểm tựa pháp lý để gửi Hội nghị. Cũng chắc chắn Người đã tiếp thu tư tưởng dân chủ, tư tưởng pháp quyền, tư tưởng tự do và bác ái, quyền bình đẳng, quyền sống và mưu cầu hạnh phúc không chỉ từ trong Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ.
Nguyễn Ái Quốc say mê tiểu thuyết Cái lều của chú Tôm (Uncle Tom’s Cabin) bởi tư tưởng “đã dám bênh vực người da đen”, đặc biệt khâm phục tác giả Harriet Beecher Stowe (1811-1896) với tấm lòng nhân văn cao cả, mãnh liệt tình thương yêu con người đã kể về cuộc đời thống khổ của một người nô lệ da đen là chú Tôm: phải lìa bỏ vợ con, bị bán từ nơi này sang nơi khác, bị đánh đập tàn nhẫn. Cuối cùng chú bị đánh chết trong đồn điền trồng bông ghê rợn ở miền Nam nước Mỹ, nơi chôn vùi bao thân phận đau khổ như cuộc đời chú. Tác phẩm còn kể về Êlida, một người mẹ cực kỳ nhân hậu thương con, một người vợ cực kỳ vị tha. Với tác phẩm này, nhà văn Stowe đã đóng góp tiếng nói vào công cuộc giải phóng nô lệ ở nước Mỹ; tố cáo chế độ vô nhân đạo, kêu gọi những người Mỹ có lương tâm đấu tranh đòi quyền sống. Thể hiện tình cảm với tác phẩm này, ngay từ những năm trên đất Mỹ Nguyễn Ái Quốc đã kêu gọi lương tri nhân loại, nhất là những nhà văn hãy cùng nhau đoàn kết đấu tranh vì quyền con người hãy góp phần loại bỏ chính sách đàn áp người da màu trên toàn thế giới.
3. Tiếp thu văn hóa Pháp
Với quan niệm tất cả vì mục đích “tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi” nên khi còn hoạt động ở nước ngoài, đặc biệt là trên đất Pháp, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh rất có ý thức tiếp thu văn hóa nước ngoài, để rồi coi đấy là thứ vũ khí đấu tranh để phục vụ cho mục đích cao cả của mình. Nhưng vượt lên điều ấy, ở ngày hôm nay khi mà xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra ồ ạt, đứng trên quan điểm tiếp biến văn hóa chúng ta càng nhận thấy rõ hơn tư tưởng này của Hồ Chí Minh là đi trước thời đại. Việc làm chủ ngôn ngữ, am hiểu văn học Pháp như một phương tiện hiệu quả đã góp phần giúp Người sáng tạo những kiệt tác văn chương viết bằng tiếng Pháp, đồng thời có được sự thành công vẻ vang trong công tác hoạt động cách mạng.
Và một thái độ tôn trọng các sắc thái văn hóa, qua ví dụ sau, khi Người khi sang thăm Pháp năm 1946: “Tướng Tetit còn mời Bác đi coi các vũ nữ nhảy điệu Cancan ở Pôli Bécgierơ, một rạp tạp kỹ lừng danh, được cả thế giới biết đến. Nhìn các vũ nữ đẹp, khá hở hang, nhảy múa uyển chuyển, Bác cười vui, chứ không chê bai, kể cả khi đã về tới nhà. Rất dân tộc, Bác biết cái đẹp của dân tộc khác, không bao giờ lấy mình ra làm thước đo” (2)
Xin chứng minh việc Hồ Chí Minh tiếp thu vẻ đẹp văn học Pháp ở ba phương diện: văn học dân gian, văn học hiện đại và các biểu trưng, khái niệm văn hóa.
Báo L’Humanite’ ngày 30 và 31-5-1922 đăng tiểu phẩm Pari mang một phong cách lạ. Bằng lối kể trữ tình, thân mật hoá, người gửi thư kể cho cô em họ biết về một Pari bên cạnh cái vẻ sang trọng là những cảnh nghèo hèn thảm hại: “Một bên là giàu sang và nhàn rỗi, một bên là cần cù và thiếu thốn. Lôi thôi và gầy guộc như ngón tay khoằm khoằm của con mụ phù thuỷ già” (3) . Trong truyện cổ dân gian Pháp hay xuất hiện hình tượng con mụ phù thuỷ già “lôi thôi và gầy guộc”. Hình tượng này để miêu tả cảnh nghèo khổ khốn cùng ở xóm thợ nghèo hiện lên với so sánh đặc sắc: ống lò sưởi, cũng xấu xí và khó tính, từ đó làm bật ra liên tưởng dành cho bạn đọc: xứ Êpinét như một “mụ phù thuỷ già” vậy.
Trong Thư trả lời ông H.(Thượng Huyền) tác giả lấy một câu tục ngữ Pháp để làm rõ quan niệm về tác phẩm văn chương: “Một câu tục ngữ Pháp có nói: "Hứa hẹn nhiều bơ hơn là bánh mì". Tôi nghĩ rằng một tác phẩm văn chương không cứ dài mới hay. Khi nào tác phẩm ấy chỉ diễn đạt vừa đủ những điều đáng nói, khi nó được trình bày sao cho mọi người ai cũng hiểu được, và khi đọc xong độc giả phải suy ngẫm, thì tác phẩm ấy mới xem như là một tác phẩm hay và biên soạn tốt” (4) . Ý của câu tục ngữ Pháp thật hay: không nên hứa hẹn nhiều, hứa hẹn nhiều mà không làm thì chỉ là vô nghĩa, không giá trị. Tác phẩm văn chương, trong lúc Tổ quốc lâm nguy thì cần sự thiết thực hơn là bóng bẩy. Quan niệm về tác phẩm văn học này hoàn toàn nhất quán với quan niệm sau này của Hồ Chí Minh: văn hoá cũng là một mặt trận. Nhà văn là chiến sỹ trên mặt trận ấy. Điều ấy cho thấy một trong những khía cạnh biểu hiện bản lĩnh Hồ Chí Minh là sự nhất quán về quan niệm trong suốt cuộc đời!
Say mê tìm hiểu, học tập ngôn ngữ văn hoá, ngoài văn học viết, Hồ Chí Minh có một vốn liếng lớn về lời ăn tiếng nói của người Pháp. Sự hiểu biết ấy đóng vai trò rất quan trọng cho cả cuộc đời hoạt động cách mạng vĩ đại của Người. Ví như để diễn tả sự thắng lợi của Đảng Cộng sản Pháp trước sự “la ó” cua báo chí phản động Pháp và Mỹ, Người dùng một tục ngữ Pháp thật đích đáng: "Chó sủa mặc chó, xe cứ tiến lên". Năm 1929 từ châu Âu về nước Xiêm, một hôm trên đường đi công tác Bác kể một ngụ ngôn Pháp Trẻ con không nên nghe trộm. Chuyện rằng: “Có hai em bé vào chơi trong rừng. Mải mê nghe chim kêu, xem bướm lượn cùng những thú rừng kỳ lạ khác, trời sập tối lúc nào không hay. Hai em đang lo lắng thì gặp một ông cụ tiều phu. Cụ đưa hai em về nhà cho ăn và ngủ. Đến đêm, cụ ông bàn với cụ bà làm thịt gà để ngày mai thết hai em bé. Cụ ông nói: “Thịt con lớn hay con bé?”. Cụ bà bảo: “Nói khẽ chứ! Nói to, chúng nghe, chúng chạy mất…”. Lúc này hai em vẫn còn thức, nghe thấy thế, đinh ninh là các cụ bàn cách thịt mình, nên lo sốt vó…” (5) . Tưởng chỉ là câu chuyện vui nhưng đấy lại là một bài học chính trị về nhận định con người để gây dựng cơ sở cách mạng, mà như lời bình luận của Bác, có những người “có thái độ bề ngoài tuy thô lỗ như cục sắt nhưng bên trong lại là một tấm lòng vàng”. Những câu chuyện như vậy sinh động và thuyết phục hơn nhiều những bài học lý thuyết chay về mối quan hệ giữa hiện tượng và bản chất, giữa hình thức và nội dung…trong việc nhận xét cá nhân, xây dựng tổ chức cách mạng.
Hồ Chí Minh đặc biệt ưa thích ngụ ngôn của La Phông ten (La Fontaine), nhà ngụ ngôn Pháp nổi tiếng thế giới với những câu chuyện đậm tính chất giáo dục, triết lý đã trở thành cổ điển cho mọi dân tộc trên thế giới. Tác giả lấy ngụ ngôn La Phôngten để mỉa mai "những con chuột An Nam" đớn hèn: “Khi tôi đọc đến phần này, tôi liên tưởng ngay đến bài thơ ngụ ngôn của La Phôngten: Hội đồng chuột. Thơ ngụ ngôn ấy đại thể kể như sau: Trong một nhà kia có một chú mèo cật lực săn diệt chuột không thương tiếc. Chuột ra quyết định sẽ treo chuông lên cổ mèo để khi bị mèo săn bắt, nghe tiếng chuông, chuột biết mà kịp chạy trốn. Nhưng không có chuột nào dám tình nguyện treo chuông lên cổ mèo cả.
Phải, không một con chuột nào của La Phôngten nói trong thơ ngụ ngôn dám buộc chuông lên cổ mèo; tuy vậy, chúng đều căm ghét kẻ thù của chúng và đồng tình sẽ treo cổ nó lên. Những con chuột ấy thật là hơn hẳn "những con chuột An Nam" không biết căm thù "những con mèo Pháp" vì những con chuột này không biết đoàn kết lại để bàn việc tiêu diệt những con mèo kia, chúng sợ rằng trong hàng ngũ chuột của chúng sẽ có con đi báo với mèo Pháp.
Những người tự hào là dòng giống Rồng Tiên lại không bằng chuột! Thật là hổ thẹn, có phải không thưa ông!” (6) .
Bác Hồ đã coi truyện ngụ ngôn như là một thứ vũ khí cách mạng, để phê phán, tố cáo kẻ thù, vạch trần thủ đoạn, âm mưu, phản bác luận điệu...
“Lại cũng phải nhận rằng các nhà đi khai hoá của chúng ta đã không từ một sự cố gắng nào để cắm cho mấy con chim sẻ bản xứ- rất dễ bảo và rất ngoan ngoãn - vài cái lông công làm cho chúng trở thành những con vẹt hay những con chó giữ nhà. Và nếu nhân dân châu Phi và châu Á mà được "hoà bình" và "thịnh vượng" đến như thế này, thì chính những "vị đi gieo rắc dân chủ" không biết mỏi mệt đó là con nhặng đánh xe chứ còn ai vào đó nữa?” (7). Con nhặng đánh xe (la mouche du coche), tức câu chuyện con nhặng trong ngụ ngôn La Phôngten tự khoe mình đã có công đẩy chiếc xe nặng vượt lên con dốc. Mượn câu chuyện này để mỉa mai những kẻ đi khai hoá thuộc địa cũng chẳng khác gì con nhặng ấy. Cái xe “dân chủ” châu Phi châu Á phải tự nhân dân ở đó kéo lên dốc chứ đâu cần (và cũng không thể là) những “con nhặng” các nhà khai hoá!
“Hãy nói đến vụ âm mưu gần đây nhất. Trong khi ở mẫu quốc có một vụ âm mưu bônsêvích nổi tiếng thì ở Đông Dương các ngài thực dân cũng muốn có một vụ âm mưu tương tự và... cuối cùng các ngài ấy cũng nặn ra một vụ âm mưu thật sự, chẳng khác nào như trong câu chuyện ngụ ngôn con nhái muốn phình to bụng như con bò”(8) . Một ngụ ngôn của La Phôngten: con nhái nhìn thấy con bò to hơn mình liền cố sức phình bụng để cũng to bằng con bò, rốt cuộc nhái vỡ bụng mà chết. Tác giả chỉ so sánh “một vụ âm mưu” với câu chuyện ngụ ngôn nhưng người đọc sẽ hiểu ngay kết cục của nó: câu chuyện bịa đặt âm mưu “bônsêvích” nọ cũng như con nhái vỡ bụng kia, tức là vì không có sự thật, dựa vào ảo tưởng nên thất bại, lại để cho mọi người chê cười.
Khoảng năm 1906, 1907 Nguyễn Tất Thành đang học tiểu học tại Huế đã đọc, học văn học Pháp. Sau này, trong một hồi ký, nữ văn sỹ Xtécnơ nhớ lại: “Tôi được biết rằng, Người rất am hiểu văn học Pháp, và trong thời thanh niên đã từng đọc với tất cả niềm say mê tác phẩm của Huygô, Dôla, Anatôn Franxơ” (9). Chính Hồ Chí Minh kể lại thời kỳ ở Pháp Người “có ý muốn là viết truyện ngắn”. Rồi “Dám viết thử, là vì có một hôm xem hai quyển truyện nhỏ, một quyển của Anatôn Phrăngxơ, một quyển nữa là của ông Tônxtôi. Xem thấy các ông ấy viết giản đơn lắm, dễ hiểu lắm” (10) . Quyển truyện ngắn của Anatôn Phrăngxơ mà Người nói ở đây, rất có thể có truyện Trên đá trắng. Trong Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, chính tác giả đã khẳng định: "Anatôn Phơrăngxơ (Anatole France) và Lêông Tônxtôi có thể nói là người đỡ đầu văn học cho ông Nguyễn".
Trên tạp chí Nhân đạo năm 1904 đăng truyện Trên đá trắng của tác giả Anatôn Franxơ, với bút pháp viễn tưởng tác giả miêu tả cuộc sống của nhân dân lao động trong Liên bang các dân tộc châu Âu khi đang ở đỉnh cao của chủ nghĩa cộng sản năm 2270. Truyện Con người biết mùi hun khói của Nguyễn Ái Quốc có lẽ chịu ảnh hưởng từ Trên đá trắng khi miêu tả một viễn cảnh vào năm 1998 nhân dân kỷ niệm 50 năm cách mạng thành công của một nước Cộng hoà liên bang ở châu Phi. Chúng ta soi lại tiểu sử của nhà văn Pháp nổi tiếng này càng thấy Nguyễn Ái Quốc chịu ảnh hưởng là rất có lý. Anatôn Phrăngxơ (1844-1924), nhà văn Pháp, được bầu vào Viện Hàn lâm Pháp năm 1896, giải thưởng Nôben về văn học năm 1921. Chính năm 1921 này ông tham gia đảng Cộng sản Pháp. Tác phẩm của ông thấm nhuần chủ nghĩa nhân đạo, đặt ra những vấn đề xã hội chính trị sâu sắc với văn phong nhẹ nhàng trong sáng và giễu cợt thâm thuý.
Thời kỳ hoạt động ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc rất quan tâm đến văn học đương đại Pháp. Tiểu phẩm phê bình văn học đầu tiên của Người in trên báo Le Paria, số 10, ngày 15-1-1923 có tên Những người bản xứ được ưa chuộng (Indigènes à la mode). Rất đúng với quan niệm văn học phục vụ chính trị, ở bài báo này tác giả dùng phê bình văn học vào mục đích mỉa mai chế giễu chính sách phản động của nhà cầm quyền thực dân và giễu luôn cả thứ văn học ăn theo chính trị phản động, xa thực tế, sáo rỗng. Chúng ta cùng đọc một đoạn Nguyễn Ái Quốc phê bình tiểu thuyết: “Ngay cả trong các trang tiểu thuyết đăng trên báo, người bản xứ cũng đã giành được địa vị của mình. Ông Angiabe - ấy xin lỗi, ông Anbe Giăng chứ - đã chẳng kể chuyện rằng ở Hội chợ Mácxây có một chàng An Nam kia làm nghề kéo xe đã lọt được vào mắt xanh của một bà đầm xinh đẹp nọ. Sau khi đi thăm hội chợ về, bà bèn cho gọi anh xe đến phòng ngủ lộng lẫy của bà. Và vân vân... Người yêu bị cắm sừng của bà bỗng nhiên tới. Bối rối, lẩn núp, v.v.. Nhưng cái chính của câu chuyện lại ở chỗ khác kia. Nguyên là chàng công tử kia đã đánh cắp được một viên ngọc bích bày ở gian thờ của Đông Dương và đến để khoe với người ngọc của mình. (Ôi! lương thiện vậy thay!). Người An Nam kia đứng nấp đằng sau trông thấy quả tang hành vi đầy tội lỗi ấy, liền nhảy ra đánh cho anh chàng ăn cắp ngã gục, rồi mang lễ vật quý đó về bàn thờ” (11).
Tác giả nhại một cốt truyện hư cấu của tiểu thuyết đăng báo qua cách tóm tắt, câu chuyện ấy có không gian: “Hội chợ Mácxây” và “phòng ngủ lộng lẫy”; có nhân vật: “một chàng An Nam kia làm nghề kéo xe”, “một bà đầm xinh đẹp”, “người yêu bị cắm sừng của bà”; có kịch tính cao trào, có cởi nút, có cả lời bình luận mỉa của người kể: “Ôi! lương thiện vậy thay!”. Một cốt truyện khó tin vì nó ngược đời: bà đầm xinh đẹp yêu một anh xe An Nam, anh xe An Nam đánh gục một kẻ cắp vốn “là chàng công tử”…Nhại lại câu chuyện ấy để châm biếm giễu cợt sâu cay sự giả dối của thực chất về cái gọi là “Hội chợ Mácxây” chẳng qua cũng là một sự “ngược đời”, chỉ là trò lừa bịp dư luận, đổi trắng thay đen, lộn sòng các giá trị…
Hồ Chí Minh hiểu sâu sắc ngôn từ của giới quý tộc Pháp. Vào một buổi tối tại Việt Bắc, Bác mời Hội đồng Chính phủ họp để trao Huân chương cho Bác sỹ Tôn Thất Tùng, Người nói: “Chú Tùng là một Xidovan mà nay được Chính phủ ta tặng Huân chương. Chú phải cố gắng hơn nữa!” (12) .
Cidovant - danh từ mà Cách mạng Pháp 1789 dành cho các nhà quý tộc. Chỉ một từ này mà có nhiều ẩn ý: Một là rất kính trọng tài năng, nhân cách của “Chú Tùng”; hai là “Chú Tùng” đã từng là “một nhà quý tộc” Pháp, có công với nước Pháp, nay được Chính phủ ta tặng Huân chương, có nghĩa là Chính phủ rất biết trọng dụng nhân tài, dù người tài đó đã từng phục vụ nước Pháp, mà nay quân Pháp lại đang đánh ta. Và còn toát lên một ý khuyến khích, Bác sỹ Tôn Thất Tùng thật đúng như “một Xidovan”, một Xidovan của cách mạng Việt Nam.
Hồ Chí Minh trở thành nhân vật văn hoá kiệt xuất nhờ được tiếp thu nhiều nguồn văn hoá mà phương Tây là một nguồn quan trọng.
1. Hồ Chí Minh toàn tập (2002). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 1, tr165,166.
2. Phạm Hoàng Điệp (biên soạn) - Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Pháp. Nxb Chính trị Quốc gia, 2010.tr 159.
3. Hồ Chí Minh toàn tập (2002). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 1, tr 70.
4. Hồ Chí Minh toàn tập (2002). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 2, tr 157.
5. Nhiều tác giả (1970) - Bác Hồ kính yêu – Nhà xuất bản Kim Đồng, tr 31.
6. Hồ Chí Minh toàn tập (2002). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 2, tr 164.
7. Hồ Chí Minh toàn tập (2002). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 1, tr 144.
8. Hồ Chí Minh toàn tập (2002). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 1, tr 38.
9. Báo Đại đoàn kết, ngày 12-5-1982
10. Hồ Chí Minh toàn tập (2002). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 7, tr 123.
11. Hồ Chí Minh toàn tập (2002). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 1, tr 135, 134.
12. GS Trần Văn Giàu (2010) - Hồ Chí Minh vĩ đại một con người. Nxb Chính trị Quốc gia, tr 758.
VNQD