.ĐỖ VĂN HIỂU
Mĩ học sinh thái ra đời không chỉ đáp ứng nhu cầu của thời đại mà còn tạo ra sự đột phá trên rất nhiều phương diện trong mĩ học đương đại. Phó Chủ tịch Hội Mĩ học Trung Hoa Tăng Phồn Nhân trong Dẫn luận mĩ học sinh thái (2) đã chỉ ra những đột phá quan trọng của mĩ học sinh thái trên các phương diện: cơ sở triết học, đối tượng nghiên cứu, thẩm mĩ tự nhiên, thuộc tính thẩm mĩ, phạm trù thẩm mĩ… Tinh thần cơ bản của mĩ học sinh thái là hướng tới sự hài hòa giữa con người với thế giới tự nhiên, đề cao chủ nghĩa chỉnh thể sinh thái. Ở Việt Nam, từ khoảng năm 2011-2012, phê bình sinh thái đã dần dần trở thành một hướng nghiên cứu văn học được nhiều người quan tâm mà luận án đầu tiên theo hướng này là Con người và tự nhiên trong văn xuôi Việt Nam sau năm 1975 từ góc nhìn phê bình sinh thái của Trần Thị Ánh Nguyệt (Đại học Sư phạm Hà Nội, 2015), tiếp theo là chuyên luận Rừng khô, suối cạn, biển độc... và văn chương (Nxb Khoa học xã hội, 2017) của Nguyễn Thị Tịnh Thy. Từ góc nhìn mới, các nhà nghiên cứu phát hiện ra trong thực tiễn sáng tác văn học Việt Nam tồn tại ở mức độ khác nhau tinh thần của mĩ học sinh thái.
Bước sang thế kỉ XXI, Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nổi cộm về môi trường sinh thái và những tác động tiêu cực từ kinh tế thị trường. Dường như muốn đáp ứng kịp thời hơn, trực tiếp hơn những yêu cầu cấp bách của hiện thực nên trong thời gian này xuất hiện nhiều tập tản văn, tiểu luận… viết về đề tài môi trường sinh thái, trong đó có Có một kẻ rời bỏ thành phố của Nguyễn Quang Thiều. Tập tiểu luận, tản văn này thấm đẫm tinh thần mĩ học sinh thái, thể hiện những trăn trở, suy tư của tác giả về không gian sinh tồn của con người, về cách con người ứng xử với tự nhiên, với môi trường sống xung quanh.
Ẩn trong chiều sâu văn bản cuốn sách Có một kẻ rời bỏ thành phố là những day trở của tác giả về cái đang mất đi, về cái con người hướng về, và những nỗ lực của nhân vật “tôi” trước những mất mát đó. Những điều này đan xen vào nhau trong từng bài và giữa các bài khác nhau, tạo ấn tượng về sự cật vấn của người viết trước hiện thực cuộc sống. Có một kẻ rời bỏ thành phố gợi nhắc người đọc liên tưởng đến tập bình luận xã hội Làng quê đang biến mất (3) của Tạ Duy Anh. Tiêu đề hai cuốn sách gợi những suy tư về sự khủng hoảng của không gian sinh tồn. “Rời bỏ thành phố” để/thì đi về đâu, khi mà “làng quê đang biến mất”? Trong tâm trí người đọc luôn tồn tại hai không gian đối lập nhau: thành phố và làng quê. Với nhiều người sinh ra ở nông thôn thì thành phố là miền đất hứa, là chốn phồn hoa với bao điều hấp dẫn. Thế nhưng với không ít người, khi đã sống ở nơi mà mình hằng mơ ước đó, lại khao khát trở về với chốn mà mình đã tìm đủ mọi cách để rời đi. Khác với trước kia, ngày nay chốn tưởng như luôn là bến đợi cho những đứa con đi xa trở về ấy, không gian nương tựa cho những tâm hồn bất an nơi phồn hoa đô hội ấy, cũng đang dần “biến mất”.
1. Phê phán sự vô cảm của con người trước thế giới tự nhiên và đồng loại
Mĩ học sinh thái chủ trương từ bỏ “chủ nghĩa nhân loại trung tâm”. Tăng Phồn Nhân cho rằng, “từ cách mạng công nghiệp trở lại đây, chủ nghĩa nhân loại trung tâm trở thành quan niệm tư tưởng chiếm vị trí thống trị trong lĩnh vực triết học tư tưởng; trong một thời gian dài, tư tưởng con người thống trị tự nhiên, con người là trung tâm vũ trụ, con người là cao quý nhất trở thành quan niệm lí luận áp đảo tất cả; chính điều này là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến việc con người đòi hỏi tự nhiên một cách không có giới hạn và vấn đề sinh thái đang càng ngày càng trở nên nghiêm trọng”. Không thể phủ nhận “chủ nghĩa nhân loại trung tâm” đã có đóng góp không nhỏ trong tiến trình văn minh nhân loại, nhưng tư tưởng cho con người là chúa tể muôn loài, được quyền thỏa sức khai thác tự nhiên, bắt tự nhiên phục vụ bản thân mà không chú ý đến khả năng chịu đựng của tự nhiên… đã trở thành căn nguyên sâu xa dẫn đến sự suy thoái của môi trường sinh thái. Mĩ học sinh thái chủ trương từ bỏ chủ nghĩa nhân loại trung tâm, phê phán những hành vi, thái độ có ảnh hưởng tiêu cực đến chỉnh thể sinh thái hài hòa. Trong Có một kẻ rời bỏ thành phố, Nguyễn Quang Thiều đã dành nhiều trang phê phán sự vô cảm của con người trước thế giới tự nhiên và đồng loại.
Điều khiến Nguyễn Quang Thiều trăn trở trước hết là sự vô cảm của con người với cỏ cây, động vật. Với ông, cỏ cây, động vật là những sinh linh cần được nâng niu, chở bọc. “Những con sẻ nâu trở về tổ trong những mái nhà và bay lượn trên những vòm cây. Vào mùa hạ, bầy sẻ nâu như đông hơn. Đó là mùa sinh nở của chúng”. Thế nhưng, những sinh linh ấy đã trở thành đối tượng của thú săn bắn, thành “kẻ bị đày đọa”. Tác giả kể: “Có những người đàn ông mặc sooc trắng, áo pull hàng hiệu, đi giày thể thao Adidas, tay lăm lăm khẩu súng hơi mười hai kí, săm soi tìm những con chim sẻ để tiêu diệt. Tôi thấy những người đàn ông khoác súng hơi, đi xe máy Dylan hoặc SH và một dây những chú sẻ nâu bị bắn chết treo ở xe. Trên đường về nhà sau chuyến đi săn, họ ghé vào một quán bia hay cà phê như để tự thưởng cho chiến công của họ. Những người trong quán nhìn thấy dây chim sẻ nâu dài thì ồ lên thán phục. Hình như không có ai cảm thấy day dứt về những con chim bị đạn chì bắn vỡ ngực đó”; “Có những lần tôi thấy trên hè đường ở ngay cạnh hồ Gươm một cảnh tượng hãi hùng. Một người ngồi bán những con sẻ nâu còn sống. Những con sẻ nâu bị vặt trụi lông đứng run rẩy bên nhau như những đứa trẻ con bị lột truồng trong gió rét. Trong khi đó, người bán hàng điềm nhiên lôi những con sẻ nâu khác trong lồng ra và tiếp tục vặt lông” (Những sát thủ ở một thành phố hòa bình). Điều đáng bàn là tất cả mọi người đều coi đó là bình thường, tức là chưa bao giờ người ta thấy đó là hành động dã man đối với những sinh linh bé nhỏ. Sự vô cảm này lại được tác giả nhắc đến trong một cảnh tượng thường thấy trên đường phố: “Đã nhiều năm nay, trên đường đi làm, tôi vẫn nhìn thấy những chiếc xe máy chở xác chết phóng như bay trên đường phố Hà Nội. Xác chết đó là những con lợn đã mổ phanh bụng và những con chó đã được thui nhe hàm răng trắng nhởn” (Về những chiếc xe chở xác chết). Vì sao tất cả những điều đó bao lâu nay vẫn cứ diễn ra một cách điềm nhiên, hiển nhiên? Nói như Nguyễn Quang Thiều là “chúng ta đang mắc rất nhiều sai lầm trong chiến lược về con người”, và tác hại của nó là “con người hôm nay trở nên cay nghiệt và vô cảm hơn hôm qua; chúng ta thấy sự cay nghiệt và vô cảm ngay trong chính ngôi nhà của mình” (Những sát thủ ở một thành phố hòa bình). Tác giả cảnh tỉnh, ngoài việc quan tâm đến “bảo vệ cho chúng ta một cơ thể không bệnh tật”, cũng cần “bảo vệ một tâm hồn không bệnh tật”. Như vậy, trong không gian sinh tồn, cần thiết phải loại bỏ những cảnh tượng có thể gieo rắc, kích hoạt ở con người “bản năng ác”, có thể làm cho tâm hồn con người trở nên ráo hoảnh trắc ẩn, vô cảm trước mọi sự. “Hơi nóng và sự ngột ngạt của một không gian đang từng ngày bị hủy hoại làm chúng ta nhiều lúc tưởng hóa điên. Đã nhiều năm nay, chúng ta nghe được những lời than thở như một tiếng kêu vô vọng của những người quanh mình Ngột ngạt quá, chết mất thôi, nhưng chúng ta lại đang đối xử tàn nhẫn với thiên nhiên. Chúng ta lấn chiếm hồ nước và chặt phá cây xanh ngay trong thành phố ngột ngạt và ô nhiễm nặng nề của mình” (Những cái chết không nhìn thấy). Tác giả lập luận: “Một ngôi nhà bị đổ bể có thể xây lại trong hai, ba năm. Nhưng một cái cây một trăm năm tuổi biến mất chúng ta phải đợi một trăm năm nữa mới được nhìn thấy” (Trò chuyện về những cái cây đã chết). Vấn đề mà Nguyễn Quang Thiều quan tâm ở chiều sâu của những hiện tượng đó là quan niệm, là “năng lực hưởng thụ văn hóa”, là “chiến lược về con người”, là ý thức của con người về môi trường rộng hơn cái ban công nhà mình, về cả một hệ sinh thái mà ở đó mọi thứ tương tác, dựa vào nhau, cần được tôn trọng. Con người sẽ tìm thấy những thứ làm cho đời sống vật chất và tinh thần của mình tốt hơn trong hành xử nhân văn với tự nhiên.
Cũng ở không gian thành phố, theo quan sát của tác giả cuốn sách: “Nếu nhìn thấu qua những bức tường vào tận khu bếp của nhà hàng, chúng ta sẽ nhận ra những túi thực phẩm được tẩm ướp bằng chất hóa học chết người hoặc những gia súc đã chết vì mang bệnh. Chúng ta đang say sưa hưởng lạc những mầm mống của bệnh tật một cách hống hách. Chúng ta đang chết dần chết mòn bởi chính mình mà không biết”; “Nếu thử quên đi một giây khắc mùi của chim quay gà rán, chúng ta sẽ thấy mùi của những rác bẩn trong cống rãnh bên đường và mùi của những con chuột chết người ta vừa mới vứt ra đường đêm trước một cách tự nhiên. Nếu nhìn xuống chân mình, chúng ta sẽ thấy giấy lau miệng đầy mỡ và xương gia súc được nấu chín tràn ngập bên những đôi giày ngoại nhập” (Những cái chết không nhìn thấy). Điều đáng bàn là tất cả những hành vi tổn hại môi trường, gây hại đến sức khỏe đồng loại và chính mình đều được mọi người thực hiện một cách tự nhiên, không coi đó là hành vi cần phải thay đổi.
2. Hoài niệm về một cuộc sống gắn kết hài hòa giữa con người và thế giới tự nhiên
Mĩ học sinh thái hướng tới sự hài hòa giữa con người và thế giới tự nhiên. Con người và tự nhiên bình đẳng với nhau trong hệ sinh thái và ảnh hưởng lẫn nhau. Trong Có một kẻ rời bỏ thành phố, Nguyễn Quang Thiều đã thể hiện sự hoài niệm về một không gian sống gắn kết hài hòa giữa con người với thế giới tự nhiên, nơi ấy con người và tự nhiên có sự giao nối diệu kì. Ông đã viết về điều này bằng những trang văn mang màu sắc cổ tích và đậm chất thơ, ẩn sâu trong đó là quan niệm triết học “vạn vật nhất thể” của phương Đông cổ xưa.
Nguyễn Quang Thiều day dứt khá nhiều về một không gian sinh tồn mất đi những mối dây liên hệ gắn kết, không chỉ giữa con người với đồng loại, mà còn là giữa con người với vũ trụ, với thế giới huyền bí. Chuyện cây có ma không có gì đặc biệt trong văn học cũng như trong câu chuyện hằng ngày ở nông thôn xưa nay, nhưng trong cách nhìn cách viết của Nguyễn Quang Thiều nó lại là câu chuyện tiêu biểu cho một không gian có sức gợi mở tưởng tượng và khao khát khám phá, ở nơi đó con người nhìn mọi sự vật không đơn thuần chỉ là sự vật bằng ánh mắt vô cảm. “Bây giờ tôi đã lớn lên, những đêm khuya ở làng quê có ánh sáng của đèn điện bảo vệ dọc đường, có tiếng hát karaoke của đám thanh niên trong một xóm gần đấy, có tiếng hò hét giữa một trận đấu bóng đá giải ngoại hạng Anh… đã xua đi không khí cổ xưa kì bí thuở trước” (Đã mất rồi những cái cây có ma). Rồi đám người làng khi thấy đàn rùa trắng ở đầm sen thì đã “vung vũ khí để bổ xuống những con rùa”, “bắt hết bọn rùa nấu cháo”, và “thay nhau tát nước suốt đêm cho đến hôm sau thì nước đầm cạn”. “Cả đầm sen nở bạt ngàn hoa trắng biến mất. Cả đầm nước chỉ còn là một bãi bùn đen khổng lồ”. Thần rùa trắng bỏ đi, và sen cũng không nở lại nữa cho đến khi người làng lập miếu thờ thần Bạch Quy, sám hối. “Người làng tôi đã thay đổi cách sống sau nhiều năm phải gánh chịu mất mùa và dịch bệnh. Họ đã bắt đầu tôn trọng những gì có trong thiên nhiên”. Và “năm ấy, sen lại nở trắng bạt ngàn” (Bí ẩn rùa trắng)… Tập tiểu luận, tản văn này man mác hoài niệm về những điều thiêng liêng, kì diệu, pha chút huyền bí. Trong cách viết của nhà văn, sự thiêng liêng, kì diệu, huyền bí đó đã khiến con người với thế giới tự nhiên, với vũ trụ, và với thế giới của ngàn xưa có một mối dây liên kết, con người không bị trơ ra như trong không gian hiện tại. “Bây giờ đầm sen làng tôi đã chết thực sự”, thông tin này không chỉ được nhắc trong Bí ẩn rùa trắng mà cả trong Tiếng vọng của những mùa sen đã chết. Đầm sen đã chết thực sự cũng chính là “đời sống của những đêm người làng ngồi trên sân để đón những ngọn gió từ đầm sen ướp đầy hương thơm thổi về và nói những câu chuyện xúc động về làng mình và người làng mình ở từng thế hệ” đã không còn nữa, và những huyền bí kì diệu xung quanh nó biến mất.
Cũng trong cuốn sách này, tác giả giúp người đọc cảm nhận sự tuyệt vời của cuộc sống gắn bó chan hòa cùng tự nhiên khi viết về “ngôi nhà mà nhà văn Henrich Boll đã xây sau Chiến tranh thế giới thứ hai; trước khi mất, ông đã tặng ngôi nhà này để làm nơi sáng tác cho các nhà văn Ailen và thế giới”. “Trong suốt thời gian ở đó, âm thanh mà tôi nghe được hầu như chỉ là tiếng gió thổi suốt ngày đêm cùng tiếng kêu của những đàn cừu ăn cỏ trên những quả đồi”, nơi ấy mọi người sống thuần phác, yêu âm nhạc, du lịch là cách họ “trở về với sự thuần khiết và sự lộng lẫy của thiên nhiên, trở về với những câu chuyện huyền ảo của đời sống và lịch sử của vùng đất đó”… Chính nơi ấy đã khiến tác giả thường tự hỏi: “Đây là đâu? Nó có phải là của thế gian mệt mỏi này không? Đó có phải là thiên đường không?”. Tác giả còn kể về những con chim ri nhỏ bé khi được phóng sinh sau một năm đã trở lại nơi chúng được thả ra nhảy nhót hót vang và thân thiện với người đã phóng sinh chúng. Nhà văn muốn đánh thức trong mỗi người đọc tình yêu đối với cỏ cây, chim muông, muốn chúng ta có một ý thức khác về thế giới xung quanh, nhìn cây xanh không đơn thuần chỉ thấy đó là cây, nhìn chim ri không đơn thuần chỉ thấy đó là chim, nhìn hoa sen không đơn thuần chỉ thấy đó là hoa… mà còn thấy chúng như những sinh mệnh cần được nâng niu, che chở, cần được tôn trọng. Một khi hành xử đẹp với tự nhiên, chan hòa với tự nhiên, con người sẽ nhận về mình món quà tuyệt diệu của/từ tự nhiên.
*
* *
Mặc dù ở trang bìa Có một kẻ rời bỏ thành phố định danh thể loại cuốn sách là “tiểu luận và tản văn”, nhưng khi đi sâu và đi hết nó, người đọc luôn gặp bóng dáng một chủ thể nhà thơ với những cảm nhận tinh tế, sắc sảo, suy tư miên man. Cuốn sách gồm gần ba mươi bài tiểu luận, tản văn viết về nhiều chuyện khác nhau, ở thành phố và cả ở nông thôn, ở trong nước và cả ở nước ngoài, ở hiện tại và cả ở một thời đã xa. Dù ở đâu, khi nào thì cuối cùng những trăn trở của “tôi” vẫn hướng về thành phố nơi mình đang sống và gắn bó, những trăn trở tìm cách làm cho không gian sinh tồn của con người trở nên tốt đẹp hơn. Có thể nói, Có một kẻ rời bỏ thành phố là một tập tiểu luận - tản văn thấm đẫm mĩ học sinh thái, và giàu sức phản tỉnh
Đ.V.H
--------
1. Nguyễn Quang Thiều, Có một kẻ rời bỏ thành phố, Nxb Hội Nhà văn & Phương Nam Books, 2010.
2. Tăng Phồn Nhân, Dẫn luận mĩ học sinh thái, Thương vụ ấn Thư Quán, Bắc Kinh, Trung Quốc, 2010.
3. Tạ Duy Anh, Làng quê đang biến mất?, Nxb Hội Nhà văn & Nhã Nam, 2014.
VNQD