Hồ Chí Minh tiếp thu văn hoá dân gian truyền thống

Thứ Hai, 05/08/2019 00:33

. NGUYỄN THANH HƯƠNG

Trong số bạn quốc tế của Bác Hồ, nhà văn, nhà thơ, nhà báo chiếm một tỉ lệ khá cao. Pháp có Raymông Lơphevrơ, Pôn Vayăng Cutuyriê, Gaxtoong Môngmutxô, Catxem Xembát, Rômanh Rôlăng, Sác Lôngghê, Gioocdơ Piôsơ, Hanrinê, Côlét, Rapôpo… Liên Xô có I.Erenbua, O.Mandetxtan, Ý có Giôvanni Giécmanettô, Nhật có: Kiôsi Cômatxư, Trung Quốc có Lý Đại Chiêu, Cù Thu Bạch… Hăngri Bacbuýt, nhà văn nổi tiếng thế giới, là một trong những người bạn Pháp gần gũi nhất của Bác. Con đường đi cứu nước của Bác Hồ kéo dài 30 năm (1911-1941), qua hơn 50 nước, làm 12 nghề khác nhau, dùng 29 thứ tiếng, sử dụng thành thạo 12 ngôn ngữ, trong đó có các ngôn ngữ chính như Pháp, Hán, Anh, Nga, Đức…Thế mà khi trở thành vị Chủ tịch Nước Bác Hồ vẫn là “người Việt Nam nhất” trong việc sử dụng tiếng mẹ đẻ. Đấy cũng chỉ là một trong những minh chứng cho nhà yêu nước Hồ Chí Minh đồng thời cũng là một nhà tư tưởng tất cả vì mục đích “độc lập cho Tổ quốc”, “tự do cho đồng bào”, “hạnh phúc cho nhân dân”. Đối với những nhà tư tưởng lớn, mỗi con chữ đều thể hiện rất rõ tư tưởng của họ, mà Hồ Chí Minh là một trường hợp sinh động.

Có thể hình dung cây đại thụ văn hóa Hồ Chí Minh cường tráng lực lưỡng là do cắm rễ rất sâu vào mạch nguồn văn hóa truyền thống. Điều này thể hiện rõ nhất trong việc Người tiếp thu, giữ gìn, kế thừa tinh hoa ngôn ngữ văn hóa. Người yêu quê hương thì biểu hiện trước hết là không bao giờ quên tiếng của quê mình. Bác Hồ là người như vậy. Một ca sĩ xứ Nghệ hát câu “Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục…”, Người chữa ngay: “- Ở Nghệ An, người ta gọi là “nác” chứ không phải là “nước”. Một nghệ sĩ hát “Lưng dài có võng vòng tôm” Người cũng sửa ngay: “Lưng dài có võng đòn cong”. Nghệ sỹ hát tiếp bài khác: “À ờ ơ ...ru em em ngủ cho muồi...”, Bác cười và nói phải hát là: “Ru tam tam théc cho muồi...”. Vì tiếng miền Trung, “tam” có nghĩa là “em”; “théc” có nghĩa là “ngủ”. Nghệ sỹ hát tiếp: “Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu...”. Bác lại sửa: “- Để mạ chứ không phải để mẹ”. Nghệ sỹ sửa và hát: “Mua cau chợ Sải, mua trầu chợ Dinh”. Bác cười: “- Mua cau Cam Phổ chớ không phải chợ Sải” (1). Từ góc nhìn Folklore học chúng ta thấy cách Bác dùng ngôn ngữ là bài học tuân theo nguyên tắc căn bản của folklore: nó như thế nào thì giữ nguyên dạng như thế. Bôn ba cả tuổi trẻ, đi hầu khắp năm châu bốn biển vì dân vì nước mà không hề quên một điệu hát lời ru, đó là một trí nhớ siêu việt, nhưng cái chính là một tấm lòng sâu nặng với quê hương nguồn cội. Thật cảm động và sâu xa ý nghĩa biết bao, trước lúc đi xa Bác muốn nghe một khúc dân ca xứ Nghệ, một câu hò Huế, để nhớ về nơi mình sinh ra, nơi tuổi thơ của mình đã sống, nơi người mẹ thân yêu của mình qua đời. Bài học từ Bác là bài học của một tình yêu, bài học hiểu sâu, nắm vững ngôn ngữ, văn hoá dân tộc mình, quê hương mình. Còn là bài học về giữ gìn, bảo tồn lời ăn, tiếng nói, rộng hơn là văn hoá dân tộc. Cái nguồn mạch giàu có, sống động, tươi mới của ngôn ngữ văn hóa dân tộc đã góp phần chủ yếu để tạo nên một phong cách ngôn ngữ độc đáo Hồ Chí Minh. Tình cảm quê hương kết tinh vào ca dao. Bác Hồ rất thuộc ca dao xứ Nghệ. Sau mấy chục năm xa cách, ngày 27-10-1946 được gặp chị gái mình là bà Nguyễn Thị Thanh, Người nghẹn ngào: “Chị ơi, quê hương nghĩa nặng ơn sâu, mấy mươi năm ấy biết bao nhiêu tình…” (2).

Ngày 3-11-1946 gặp lại anh trai mình là ông Nguyễn Sinh Khiêm, Người cảm động đọc bài ca dao: “Chốc đà mấy chục năm trời/ Còn non, còn nước, còn người hôm nay”. Ông Khiêm ứng đọc: “Thỏa lòng mong ước bấy nay/ Nước non rợp bóng cờ bay đón Người”. Ông Cả Khiêm mở chiếc va-ly đan bằng sợi mây cũ kỹ, lấy mấy quả cam Xã Đoài, Bác Hồ đỡ lấy cam, rơm rớm nước mắt và đọc bài ca dao xứ Nghệ: “Quê ta ngọt mía Nam Đàn/ Bùi khoại chợ Rộ, thơm cam Xã Đoài/ Ai về ai nhớ chăng ai/ Ta như dầu đượm thắp hoài năm canh” (3). Thì ra, đối với những con người yêu nước tình cảm riêng tư của họ luôn hòa vào tình cảm chung: tình yêu đất nước và biểu hiện tình cảm ấy thông qua ngôn ngữ văn hóa của quê hương đất nước mình. Từ khi giữ cương vị Chủ tịch Nước thì câu ca dao Bác Hồ hay dùng nhất (thể hiện 12 lần trong Toàn tập) là câu: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”, mà nếu là người Việt thì ai cũng thuộc, cũng hiểu ý nghĩa. Bác mượn câu ca ấy nhắc nhở mọi người thương yêu đùm bọc lẫn nhau, để phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh mà Bác có biến đổi một vài chữ.

Người cũng thường hay mượn ca dao để giáo dục cán bộ cũng là một cách tăng cường thêm chất thơ cho cuộc đời. Tháng 8-1964 tiễn hơn năm mươi cán bộ quân đội chi viện miền Nam, Người đọc: “Em khôn cũng ở trong bồ/ Anh dại cũng ở kinh đô mới vào” như để nhắc mọi người về vinh dự và vai trò, trách nhiệm nặng nề của người cán bộ miền Bắc (4) . Ngày 14-5-1965 Bác về thăm hợp tác xã Xuân Phương khi đồng bào đang gặt lúa chiêm, nhìn thấy con cua Bác giục một bà nông dân bắt và ứng khẩu: “Bắt về con ốc con cua/ Bát canh ngon miệng đỡ mua tốn tiền” (5) . Bác cũng như bao người nông dân chân chất, bình dị với ngôn ngữ mộc mạc vần vè, dí dỏm.

Hồ Chí Minh rất hay lấy mạch nguồn thần thoại Lạc Việt như Lạc Long Quân, Sơn Tinh, Phù Đổng Thiên vương…để kêu gọi người dân Việt tự hào về nòi giống, đoàn kết thương yêu nhau đứng dậy đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Các danh từ, cụm danh từ Hồng Lạc, Lạc Hồng, Con Hồng cháu Lạc, Con Rồng cháu Tiên, Rồng Tiên…chỉ dòng giống vinh quang của người Việt xuất hiện nhiều lần vừa gợi lên ở người dân niềm tự hào về nòi giống, lòng biết ơn tiên tổ vừa đánh thức ở họ một ý thức đoàn kết. Cũng không ngẫu nhiên những danh từ ấy được Người nhắc lại nhiều lần ở thời điểm lịch sử những năm đất nước khó khăn nhất (trước 1945 và thời kỳ đầu đánh Pháp). Lời của tác phẩm Lịch sử nước ta vượt lên trên lời của một cá nhân để vươn tới tầm là lời của lịch sử: “Mai sau sự nghiệp hoàn thành/ Rõ tên Nam Việt, rạng danh Lạc Hồng. Bài Mười chính sách của Việt Minh có nội dung tuyên truyền những công việc cách mạng, mở đầu là hình tượng Rồng Tiên: “Làm cho con cháu Rồng,Tiên/ Dân ta giữ lấy lợi quyền của ta”. Khép lại cũng là hình tượng ấy: “Rồi ra sự nghiệp hoàn thành/ Rõ tên Nam Việt, rạng danh Lạc Hồng”. Trong số các bậc anh hùng, Hồ Chí Minh hay nói đến các vị: Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Toản, Quang Trung. Đây là những tấm gương oanh liệt được sử sách ghi nhận là những con người quên mình vì nghĩa lớn, những ý chí cứu nước, những tài năng quân sự kiệt xuất…Trong kháng chiến chống Pháp, những trận đánh, những chiến dịch lớn, theo đề nghị của Người đã lấy tên các vị anh hùng từng thắng giặc vẻ vang: Trận Lý Thường Kiệt, Chiến dịch Trần Hưng Đạo, Chiến dịch Quang Trung… Đặc biệt hình tượng Hai Bà Trưng được Hồ Chí Minh nói tới nhiều nhất (22 lần trong Toàn tập). Có thể đây là tấm gương yêu nước sớm nhất, tiêu biểu nhất cho ý chí quật cường của cả dân tộc, và đây cũng là trang sử bi thương nhưng hào hùng, mà ai, nếu là người Việt Nam đều biết.

Hồ Chí Minh là người Việt Nam nhất ngay từ sự tiếp nhận văn hoá dân gian. Bài học giáo dục thế hệ trẻ hôm nay là cho họ tiếp xúc, hiểu biết với vẻ đẹp văn hoá dân gian càng sớm càng tốt. Con đường tiếp thu văn hoá bao giờ cũng là từ thấu hiểu đến thấu cảm, từ thấu cảm đến gìn giữ, trân trọng, phát huy!

 


1. Nhiều tác giả (2010), Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ, văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, tr 360, 361.

2. Nhiều tác giả (2006), Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, tập 3, tr 356.

3. Hồng Khanh (2005), Chuyện thường ngày của Bác Hồ, Nxb Thanh Niên, tr 31.

4. Hồng Khanh (2005), Chuyện thường ngày của Bác Hồ, Nxb Thanh Niên, tr 126.

5. PGS.TS Đinh Xuân Dũng (2008), Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức, Nxb Giáo dục, tr 329.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)