.PHÙNG KIÊN
Ngày 27/2/2015, cả thế giới mạng- không phân biệt sang hèn, quốc tịch, màu da, địa chỉ IP, quan điểm chính trị, trình độ tri thức, nghề nghiệp - bất chợt xôn xao bởi câu hỏi của một cô gái về màu chiếc váy. Sự xôn xao lớn tới mức có hàng ngàn câu trả lời, bình luận, tranh cãi (thậm chí có phần gay gắt) về màu chiếc váy đó trên mạng, trong những bữa cơm gia đình hay ở quán cà phê. Thật kì lạ khi một câu hỏi tưởng như vô thưởng, vô phạt và rất cỏn con ấy lại khiến người ta phải tranh luận nhiều đến thế. Những tờ báo lớn như Le Monde, vốn chỉ quan tâm đến đại sự, cũng có một bài nhắc đến màu của cái váy vô danh. Câu hỏi về màu cái váy thì bình thường, nhưng một câu hỏi khác, lấp ló đằng sau đó, lại quan trọng hơn nhiều: Vì sao lại có sự khác nhau đến vậy trong việc cảm nhận màu sắc của con người? Về mặt kĩ thuật, thực ra không khó để đáp lại câu hỏi này với những từ khóa về độ chiếu sáng, góc chiếu, hiệu ứng giả màu, hiệu ứng thị giác, độ nhạy tế bào mắt theo từng cá nhân hay thời điểm, độ phân giải của màn hình… Nhưng về mặt nhận thức, đó là câu chuyện liên quan đến việc nhận ra thực tại và biểu hiện lại nó bằng hệ thống ngôn ngữ của riêng từng người, từng cá thể trong cộng đồng. Rõ ràng màu chiếc váy đặt lại câu hỏi về khả năng cảm thụ riêng biệt của mỗi cá thể đối với thực tại, cũng như khả năng chia sẻ sự cảm nhận đó qua hệ thống truyền tin là ngôn ngữ nói. Các nhà kĩ thuật dễ dàng thống nhất với nhau nhờ tính đơn nghĩa và đặc biệt trong sáng của các hệ phương trình, nhờ các thuật ngữ đã được thừa nhận trong khung khổ một hệ tri thức để đặt tên cho các thực tại khác nhau với số lượng nét nghĩa được quy định sẵn, từ đó có thể miêu tả, truyền đạt, phân tích, đánh giá, tìm hiểu, nhận thức… Nhưng còn chúng ta không sống theo các quy tắc kĩ thuật, vốn đơn nghĩa, đã được vạch ra, mà sống theo cảm quan của mỗi cá nhân mình, vốn cực kì đa dạng và phụ thuộc kinh nghiệm, có ý thức hay vô thức. Cho nên việc nhận ra và miêu tả thực tại hoàn toàn mang tính riêng biệt, cụ thể. Khủng hoảng vật lí học hiện đại cũng liên quan đến chuyện ngôn ngữ lí thuyết vật lí, dù cực kì chính xác cũng không bao giờ bao bọc và diễn tả được trọn vẹn thực tại, vốn miên man bất tận như vũ trụ. “Vì bất cứ khái niệm hoặc từ ngữ nào đã được hình thành trong quá khứ qua sự tương tác giữa thế giới và bản thân chúng ta cũng đều không được xác định một cách thật sự rõ ràng xét về ý nghĩa của chúng; điều đó có nghĩa, chúng ta không biết chính xác chúng sẽ giúp chúng ta được bao xa trong việc tìm kiếm con đường của mình trong thế giới” (Heiddeger). Bởi bản chất truyền đạt thông tin có giới hạn về một thực tại được nhận biết luôn có xu hướng trải ra vô hạn, hành vi ngôn ngữ thường có nguy cơ “xâm phạm” và làm biến đổi thực tại được truyền tải trong từng hành vi đọc và viết lại vốn mang ý nghĩa dịch.
Câu chuyện tranh luận về màu chiếc váy mang ý nghĩa của quan hệ tương tác giữa hành vi diễn giải và tái diễn giải cho thấy dịch hiện diện mọi nơi, mọi chỗ khi ta luôn phải nỗ lực hiểu được một thông điệp, hiểu được những quy tắc mã hóa của thông điệp bên ngoài để đọc, giải và chuyển thành thông điệp của chính mình. Dịch không chỉ là dịch ngoại ngữ mà còn là dịch nội ngữ, là sự chuyển thể, là sự diễn giải lại. Nói như G. Steiner, quá trình thông tin là quá trình dịch bởi chẳng bao giờ có hai thực thể giống nhau hoàn toàn, chẳng bao giờ có hai cá thể tương đồng hoàn toàn, chẳng thể nào có hai từ hoàn toàn đồng nghĩa cho nên “mọi công việc dịch chẳng qua là diễn giải” (Heiddeger). Trở thành một quá trình diễn giải lại thế giới, dịch còn là sự thể hiện chính mình. Cho nên mỗi bản dịch văn chẳng bao giờ là một bản chép lại thuần túy. Vả như nếu có chép lại thuần túy đi nữa thì vô số khác biệt, quen được gọi là sai sót, tất yếu chẳng đã được đúc kết trong câu “tam sao thất bản” hay sao. Là bởi có vô vàn yếu tố của hiện tại vào lúc tình huống thực hiện hành vi, bên trong mỗi cá thể cũng như bên ngoài, có thể tác động tới tiến trình biểu đạt này. Bản dịch chẳng bao giờ có thể chồng vừa vặn lên bản gốc. Bản fake càng giống càng giả! Những người sành đồ hiệu vẫn thường nói với nhau như thế. Cho nên khi các nhà ngôn ngữ học nhận ra những giới hạn của ngôn từ và thậm chí như G. Mounin viện đến lí thuyết ngôn ngữ của Bloomfield để giả thiết rằng “không thể dịch, hoặc về mặt lí thuyết, hoặc về mặt thực hành”(1), thì người ta vẫn phải tiến hành “dịch” trong cuộc đời. Và thực tế cho thấy rằng nếu như dịch là không hoàn toàn chuyển tải được mọi ý nghĩa thì vẫn cần thực hiện điều này vì bản chất của nó là một sự diễn giải và tái diễn giải. Đi xa hơn theo hướng này, ta thấy nếu một bản dịch diễn giải lại bản gốc, văn chương đã dịch lại thực tại. Quan niệm như thế có thể giải phóng văn chương khỏi tín điều về sự quy chiếu tới thực tại, vì sự diễn giải lại thực tại trong văn chương quan trọng hơn cái thực tại được nói đến. Nhưng để hiểu rằng luôn có những ngưỡng của hành vi dịch, mà vượt qua nó ta có “sự xâm phạm” một chuẩn mực vốn đã có sẵn quy định và chế ước chúng ta.
Vấn đề của dịch văn chương không đơn giản là nằm ở sự đa nghĩa của ngôn từ. Dù rằng bản thân điều đó đã là một thách đố kinh khủng không chỉ đối với người nước ngoài, mà còn chính với người bản ngữ; không chỉ đối với người thông thường mà còn đối với người đam mê văn chương. Mỗi văn bản văn chương, chẳng phải là số cộng sự đa nghĩa các từ có mặt ở đó, mà là một sự đan cài theo nhiều chiều các yếu tố cấu thành nên văn bản. Thêm vào đó là những chiều kích văn hóa của thời điểm văn bản trở thành tác phẩm, nhưng tác phẩm càng phức tạp vì càng nhiều cách đọc, càng hay vì càng nhiều cách diễn giải, càng hấp dẫn vì càng có nhiều đề xuất dịch. Một văn bản văn chương thật sự cũng mênh mông đa chiều như chính vũ trụ vậy. Cho nên chẳng ai có thể dám chắc giới hạn ngôn ngữ của mình phủ kín cả vũ trụ đó. Thời hiện đại, người ta ưa nói đến tính đa chiều của hành vi đọc (lecture plurielle). Khi đó, cần coi rằng mỗi bản dịch, như một cách diễn giải chỉ là một cách tiếp cận với một góc, một phương diện của văn bản. Bởi thế, nếu “một số tác phẩm về bản chất là dịch được, thì ta không thể khẳng định rằng dịch thuật là một bản chất đối với chúng, mà là tính chất có thể dịch được của chúng thể hiện một ý nghĩa nào đó vốn tiềm tàng ở mọi bản gốc”(2). Người dịch trước hết phải là một độc giả có vai trò đọc kĩ văn bản nhằm diễn giải và xây dựng một hệ thống giá trị. Nói như I. Calvino, dịch là cách thực sự để đọc một văn bản, nên mỗi khi dịch ông buộc phải đọc lại văn bản của chính mình. Nhưng kết quả thường là “bản dịch thông báo cái gì đó khác hoàn toàn điều mà tôi đã viết”(3). Barthes chẳng từng tuyên bố xanh rờn rằng tác giả đã chết đó sao? Khi hoàn thành một tác phẩm, chính bản thân tác giả cũng trở nên xa lạ với văn bản của mình. Nhận xét này, được sự chia sẻ của không ít người, như U. Eco chẳng hạn, cho thấy sự bất ổn của mỗi văn bản trong quá trình xây dựng ý nghĩa phụ thuộc rất nhiều vào chính chủ thể thực hiện. “Cái gì đó khác hoàn toàn” là quá trình ngoại hiện những kinh nghiệm thẩm mĩ của người dịch với tư cách người đọc vốn không phải là cái máy chép lại. Đó là một kẻ viết có ý thức, luôn bị giới hạn bởi không gian và thời gian, đang cố gắng diễn giải lại thế giới đa chiều. Do thế, mỗi bản dịch văn chương chỉ có thể trình ra một hình ảnh mà nó quan tâm nhất, một ý tưởng mà nó có thể trình hiện ra được bằng ngôn ngữ của mình để xoáy sâu vào thời điểm hiện tại. Chấp nhận cái khoảnh khắc hiện tại của hành vi dịch in hằn trong bản dịch, tức là phải chấp nhận sự xâm phạm của hành vi dịch đối với tham vọng là một vũ trụ của văn bản gốc.
W. Benjamin khi bàn đến Nhiệm vụ dịch giả cho rằng sự trung thành tuyệt đối với bản gốc trong một bản dịch văn chương do thế là một ảo tưởng. Như chính Louis Borges đã nói nhân bàn về bản dịch của Homère ra các thứ tiếng châu Âu hiện đại: “Nếu sự trung thành cần phải liên quan đến những sự tưởng tượng của Homère về con người và những ngày tháng không thể xuất hiện lại, thì chẳng có gì là trung thành theo cách nhìn của chúng ta hết; và mọi thứ đều là thế đối với một người Hi Lạp thế kỉ thứ X trước CN”(4). Chính từ ảo tưởng trung thành này mà xuất hiện hai xu thế đối lập nhau trong hành vi dịch văn chương: hoặc dịch hướng đến nguồn, hoặc dịch hướng đến đích(5). Những ví dụ kinh điển về pain và brod của Benjamin, hay của Mounin về cách thể hiện khác nhau của hành động bơi giữa tiếng Anh và tiếng Pháp cho thấy thực tại khác nhau ở cách tiếp cận của các ngôn ngữ khác nhau, và vì thế sẽ hiện ra hoàn toàn khác nhau trong các hệ ngôn ngữ, và dẫn đến những hình dung khác nhau, những cảm nhận khác nhau. Một ví dụ đơn giản về kĩ thuật của việc dịch những câu văn kết thúc câu chuyện của Linda Lê, mà điểm tham chiếu của nó có thể ít nhiều liên quan đến Việt Nam hiện đại, quê hương của bà, cho thấy những hiệu ứng khác biệt trong việc đọc văn. Câu kết thúc tác phẩm “Je m’en vais” được lặp hai lần trong đoạn văn cuối cùng như một sự thách thức cho nỗ lực diễn giải của người đọc và người dịch. Lần thứ nhất giọng nói như là của nữ nhân vật. Lần thứ hai, giọng nói thốt ra khi “tôi” không còn là như thế. Sự khác nhau của hai voix off này dường như chỉ ở cách thức thể hiện bằng chữ in, và do thế liên quan đến bậc của hành vi phát ngôn. Lần thứ nhất, giọng nói được biểu thị ở dạng in nghiêng và được ngăn cách duy nhất bằng dấu phẩy, nhưng Je lại ở dạng chữ hoa báo hiệu sự xuất hiện một phát ngôn khác chen vào lời kể. Phát ngôn này vì thế không cùng bậc với phát ngôn ban đầu của người kể chuyện. Lần thứ hai, đó là một phát ngôn cùng bậc người kể nhưng lại in nghiêng như nhiều voix off khác. Sự khác biệt này hẳn là nhằm đến nỗ lực đa bội hóa chủ thể phát ngôn trong một thứ tiếng chẳng có nhiều lựa chọn cho đại từ. Điều ấy không phải không gây lúng túng cho người đọc, và trong số đó có người đọc-dịch bản tiếng Việt, với tư cách người viết lại, đã diễn giải và tái diễn giải sự đa bội đó bằng hai đại từ khác nhau hướng đến hai người đối thoại khác nhau: Em đi đây. […] Tôi đi đây. Từ “je” được dịch thành “em” chỉ rõ sự xô lệch không đồng cấp với “tôi” của hành vi kể chuyện, và vì sự không đồng nhất của cách dịch tạo nên sự khác biệt rõ rệt của hai phát ngôn. Từ “je” thứ hai được dịch thành “tôi” kết thúc bản dịch khiến cho nó có dáng vẻ một phát ngôn cùng cấp với phát ngôn của người kể chuyện, nhưng thực ra lại hướng đến một người đối thoại mơ hồ. Chữ “tôi” này tạo nên một sự bất định cho văn bản khiến câu văn kết trở nên trừu tượng, phiếm định và hướng đến ý nghĩa khái quát. Xét về phương diện trung thành, sự khác biệt và không đồng nhất trong một văn bản là một sự phản bội, một sự xâm phạm với sự đồng nhất trong bản gốc. Nỗ lực của người đọc tường minh hóa những gì mình hiểu bằng hệ thống mã hóa trong tiếng Việt và bởi thế mang đến những hiệu ứng khác nhau. Sự nhân lên gấp bội của đại từ nhân xưng, do yêu cầu phát ngôn của tiếng Việt, đã làm lộ ra sự phân đôi rành rành của hình tượng nhân vật nữ đóng vai người kể chuyện. Thế là bản tiếng Việt, do cả bản chất ngôn ngữ cũng như văn chương, đã làm nổi rõ sự đa bội, vốn chỉ ở dạng tiềm năng, trong việc đọc văn bản của Linda Lê bằng tiếng Pháp. Ngược lại, một giả thuyết khác có thể xảy ra nếu người dịch lựa chọn trung thành với sự đồng nhất ngôn ngữ ở bản gốc, và chỉ dùng hoặc “tôi” hoặc “em” để dịch “je”, âm điệu của bản dịch sẽ khác hẳn. Khi đó phải chăng cũng là một sự xâm phạm đến nỗ lực xóa mờ bối cảnh và nhân vật mà Linda Lê đã thực hiện trong tác phẩm của mình nhằm tạo nên sự phiếm chỉ, nhằm hướng đến sự đa bội? Hoặc giả có thể có một sự xâm phạm khác sẽ diễn ra để mang đến cho bản dịch mới những ý nghĩa khác mà người dịch với tư cách người đọc nhận ra và muốn thể hiện bằng tiếng Việt. Bản dịch văn chương do thế rất tiêu biểu cho quá trình đọc chủ động này, ở đó ba thao tác hiểu, cảm nhận và cụ thể hóa lồng vào nhau như một sự tương tác nội tại.
Cho nên nhận xét nổi tiếng, có vẻ đầy lạc quan, của Jakobson rằng người ta có thể dịch tất cả mọi thứ vì ngôn ngữ chỉ khác nhau ở cách thức mã hóa ngôn ngữ thực ra hàm ý rằng đó chính là một giới hạn tất yếu mà mọi bản dịch không thể vượt qua mà không vi phạm. Chấp nhận bản chất vi phạm của hành vi dịch không có nghĩa chấp nhận những lỗi cơ học có thể diễn ra, bởi khi đó là câu chuyện ở cấp độ khác của đạo đức nghề nghiệp. Bản chất vi phạm của hành vi dịch nhấn mạnh rằng mỗi bản dịch, nếu được thực hiện cẩn trọng nhất có thể, sẽ trở thành một tác phẩm khác biệt, một hình thức bên trong, theo Benjamin. Khi đó, bản dịch trước hết có thể trở thành một lời đáp cho những câu hỏi mà tác phẩm gốc đã đặt ra một cách ngầm ẩn. Lời đáp này gắn với bối cảnh cụ thể mà văn bản dịch được thực hiện. Gọi bản dịch là lời đáp, chúng tôi muốn đặt bản dịch với bản gốc trong mối quan hệ đối thoại, mà ở đó lời đáp-bản dịch, dù muốn hay không, cũng phải mang đến một điều khác, một điều mới. Lời đáp này có hai ý nghĩa khác nhau theo hai chiều kích khác nhau. Trong quan hệ với bản gốc, đó là sự cụ thể hóa một ý nghĩa, là sự cập nhật một ý nghĩa, là sự tường minh hóa một hàm ý mà bản gốc còn ở dạng tiềm năng... Tất cả những điều đó như là một việc bổ sung thêm vào di sản của bản gốc. Cho nên tác phẩm càng lớn, càng có nhiều chiều kích diễn giải, và vì thế càng có nhiều bản dịch. Trong quan hệ với bối cảnh xã hội và văn hóa mà ở đó hành vi dịch được thực hiện, lời đáp-bản dịch đối thoại vừa với những câu hỏi hiển ngôn về việc tại sao được dịch, vừa với những câu hỏi ngầm ẩn về hình thức thể hiện như là nội dung, và về một cái nhìn mới trước hệ hình đang quen thuộc. Những thứ mới mẻ được mang đến này do thế vừa xâm phạm, vừa khuyến khích sự xâm phạm những gì đã có nhằm kiến tạo cái mới. Bản dịch do bản chất xâm phạm như thế luôn tiềm ẩn những nguy cơ, thách thức đối với bản gốc và đối với cái cũ, quen thuộc như những chuẩn mực đang ngự trị. Một xã hội cởi mở do thế luôn khuyến khích và đón chào mọi bản dịch, mọi hành vi dịch để kiến tạo những điều mới mẻ. Và vì thế, xin nhắc lại một luận điểm của Benjamin, luôn cần dịch lại để làm mới ngôn ngữ, và thêm đó để làm mới một tác phẩm được quan tâm, để làm mới cái thế giới được diễn giải, từ đó làm mới cách nhìn đối với văn chương và đối với cuộc sống
P.K
---------
1. MOUNIN Georges, Les problèmes théoriques de la traduction, Gallimard, 1963, tr. 29.
2. BENJAMIN Walter, Œuvres 1), Gallimard, tr. 246. Chúng tôi nhấn mạnh.
3. Italo Calvino, (Hội thảo Rome 4.6.1982) trong Défis aux labyrinthes, Seuil, 2003, t. II, tr. 587.
4. BORGES Louis, Œuvres, Gallimard, 1993, Cité d’après Sophie Rabau, L’Intertextualité, Flammarion, coll. GF-Corpus, 2002. Chúng tôi nhấn mạnh.
5. Xem thêm OSEKI-DEPRE Inès,
Théories et pratiques de la traduction littéraire, Armand Colin, 1999.
VNQD