Ngôn ngữ là trí tuệ, là tư tưởng thời đại

Thứ Hai, 26/08/2019 00:00

. HOÀNG THANH

Những năm đầu viết báo tiếng Pháp những danh từ chỉ người Việt vẫn được Bác Hồ viết bằng chữ Việt. Trên báo Le Paria số 4, ngày 1-7-1922, trong nguyên bản tiếng Pháp bài báo Thù ghét chủng tộc tác giả dùng hai chữ “con gái” bằng tiếng Việt. Trên báo L’Humanité ngày 17-8-1922, trong nguyên bản bài Dưới sự bảo hộ của… các chữ “nhà quê”, “Quan lớn”, “lính lệ” viết bằng tiếng Việt. Trong truyện Vi hành chữ “dân” viết bằng tiếng Việt. Có thể là để lôi kéo sự chú ý của dư luận thế giới, hoặc gửi vào đó tình cảm của mình với thân phận dân xứ thuộc địa… Đặc biệt hai chữ “nhà quê” được tác giả đều viết bằng tiếng Việt trong tất cả các văn bản tiếng Pháp. Không phải là trong tiếng Pháp không có từ tương ứng mà tác giả có dụng ý hẳn hoi. Có thể là từ ấy quen với người Pháp ở An Nam, ví dụ hai chữ “con gái” thường xuất hiện trong các bài báo tiếng Pháp là do người Pháp nuôi những thiếu nữ người Việt vừa để hầu hạ vừa làm trò chơi, họ gọi những người này bằng âm tiếng Việt. Hai chữ “nhà quê” thì mang sắc thái biểu cảm rõ ràng, trong văn cảnh cụ thể thì có thể đó là sắc thái mỉa mai những tên thực dân khinh thường dân An Nam thuộc địa hoặc có thể là tâm trạng xót xa của người viết trước cảnh đồng bào mình bị bóc lột tàn tệ.

Những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, Hồ Chí Minh nêu một nguyên lý nổi tiếng: “Nước lấy dân làm gốc” để nhắc nhở cán bộ phải luôn biết dựa vào dân và phục vụ vì dân. Tư tưởng này được kế thừa và phát triển từ Nguyễn Trãi, và Bác Hồ giải thích chữ nhân: “Nhân nghĩa là nhân dân. Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân”. Ngôn từ của Người chuyển tải cả một quan niệm nhân văn sâu sắc: “Chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người. Trừ bọn Việt gian bán nước, trừ bọn phát xít thực dân, là những ác quỷ mà ta phải kiên quyết đánh đổ, đối với tất cả những người khác thì ta phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ”. Con chữ Người dùng sâu sắc về ý dài rộng về tình. Trong bài Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin viết cho Tạp chí Các vấn đề phương Đông (Liên Xô), có đoạn: “Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái "cẩm nang" thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”. Cách so sánh giản dị nhưng đã nêu bật được tính ưu việt của chủ nghĩa này trong việc tìm ra phương hướng, phương pháp giải quyết vấn đề ở những tình huống khó khăn nhất. Ở câu văn sau cấu trúc theo lối tăng cấp hình ảnh: cái "cẩm nang" - cái kim chỉ nam - mặt trời soi sáng, “cẩm nang” là chìa khóa giải quyết khó khăn, “kim chỉ nam” là hướng đi, “mặt trời” là ánh sáng, để càng nêu rõ hơn ý nghĩa chỉ đường dẫn lối, sức sống, niềm tin, sức lan toả của chủ nghĩa khoa học, biện chứng này. Các hình ảnh cái "cẩm nang", cái “kim chỉ nam”, “mặt trời”, “tiếng sấm”, “ngọn đuốc”, “ngọn đèn pha” là những ẩn dụ đắt giá, sinh động nhất, đích đáng nhất về ý nghĩa soi đường chỉ lối của Cách mạng tháng Mười đối với cách mạng Việt Nam. Có thể nói Hồ Chí Minh là sự kết tinh đẹp nhất truyền thống “ăn quả nhớ người trồng cây”, và “thương người như thể thương thân”. Hình thức câu chữ cũng mang tính tư tưởng, qua ví dụ:

“Quân tốt dân tốt

Muôn sự đều nên.

Gốc có vững cây mới bền,

Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.

Nếu nói hình thức mang tính nội dung, “hình thức mang tính quan niệm” thì xét ở ví dụ này có lẽ là rất tiêu biểu. Chủ đề 4 câu thơ trên nói về cái “lầu thắng lợi” thì cấu trúc của nó cũng mang hình “cái lầu” ấy với “thân lầu” là hai câu thơ bốn chữ, “móng lầu” là cặp câu lục bát vững chãi. Khi viết những câu này có thể tác giả không hề nghĩ đến giá trị của hình thức như ta hiểu, nhưng nghệ thuật là thế, là sự vượt ra ngoài những cố tình gò câu ép chữ để trở về với tự nhiên. Nghệ thuật văn chương Hồ Chí Minh là nghệ thuật của sự tự nhiên như vậy.

Ngôn từ của Bác dùng luôn mang một ý nghĩa chính trị hoặc văn hóa nào đó. Tháng 3-1947 Bác đặt tên 8 đồng chí làm việc cùng Bác tên mới là Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi, còn đặt cho mình tên mới: Xuân. Năm 1959 đi kiểm tra công tác tại nhà giam Hỏa Lò, Người đề nghị nên đổi chữ “trại giam” thành “khu giác ngộ”. Có đồng chí viết trong một văn kiện về cuộc kháng chiến chống Mỹ: “Địch nhất địch thua, ta nhất định thắng”. Nghe câu này, Bác tức khắc phản ứng: “Phải nói ngược lại : Ta nhất định thắng, địch nhất định thua”. Và Bác giải thích thêm: “Ta phải thắng thì nó mới thua”. Điều này thể hiện cả một quan điểm, một ý chí sắt đá quyết chiến và quyết thắng không gì lay chuyển được”.

Đầu năm 1946 cách mạng nước ta lâm vào tình thế vô cùng hiểm nghèo: giặc Tưởng vào miền Bắc, giặc Anh ở miền Nam, và Pháp đang gây hấn rõ với ý đồ xâm lược trở lại. Với quyết định vô cùng sáng suốt, Người nói: “Không nên cùng một lúc đánh nhau tay 5, tay 6 với lũ cướp nước và bán nước”, và “Đấm bằng cả hai tay một lúc là không mạnh” (1) . Vì lòng tự trọng, trước thói hung hăng của kẻ thù, nhiều anh em rất muốn đánh. Hiểu nỗi lo lắng của đồng chí mình, Bác Hồ ân cần giải thích: “- Các chú thấy đấy! Chính quyền cách mạng mới thành lập còn non trẻ. Nhiều mũi nhọn cùng một lúc chĩa vào ta. Ta không thể đủ sức cùng một lúc chống lại tất cả các mũi nhọn đó. Ta cần tách dần các mũi nhọn đó ra, để chỉ còn lại một mũi nhọn, đó là thực dân Pháp thì ta mới tìm cách đối phó được. Một số anh em vẫn nằng nặc đòi đánh, Bác kiên trì giải thích bằng hình ảnh rất sinh động. Người lấy ra một chiếc thước kẻ và một lọ mực. Thước kẻ tượng trưng cho miếng ván, còn lọ mực tượng trưng cho hòn đá. Bác nói: “Đây là hòn đá, đây là miếng ván. Ván dựa vào đá. Muốn ván đổ phải kéo đá đi. Tôi đang làm cái việc bẩy hòn đá đi. Còn các chú cứ gãi mãi vào ván” (2) .

Những tầm trí tuệ lớn luôn có cách diễn đạt dễ hiểu những điều phức tạp. Ví dụ sau là một chứng minh: “Tri thức như con dao mổ, trong tay thầy thuốc thì chữa bệnh cho người, trong tay kẻ cướp thì hại người. Nên trí thức phải có chính trị”. Thượng tướng Đàm Quang Trung cứ tâm đắc mãi chỉ một câu nói của Bác Hồ mà có sức mạnh hơn cả ngàn pho sách thuyết lý: “Đoàn kết thì nhất định việc gì cũng làm được. Một người không vây bắt được con hổ nhưng có nhiều người hợp sức thì vây bắt được. Một người không bẩy được hòn đá to, nhiều người bẩy thì hòn đá to cũng phải bật” (3). Ngày 23-12-1954 trong phiên họp Hội đồng Chính phủ, Bác Hồ nói: “Dù sao cũng không được chủ quan khinh địch, cây mục cũng phải xô mới đổ” (4) . Chỉ cần một hình tượng cây mục cũng phải xô mới đổ đã nói được bao điều về chiến lược: thế địch thua là rõ ràng; ta vẫn phải tập trung lực lượng ...Đấy là cách nói siêu ngôn ngữ của vĩ nhân!

Qua một phép chơi chữ cũng là dịp để Bác giáo dục cán bộ. Lần đầu Tố Hữu từ Huế ra Bắc gặp Bác, Bác hỏi đi bằng gì, đáp: “Cháu đi ôtô của cơ quan”. Bác nhắc: “Nhớ nhé, ôtô của cơ quan, chứ không phải của các quan đâu đấy!”. Là một nhà thơ lớn mà trước Bác, Tố Hữu cũng giật mình: “Mới nghe lần đầu, đã thấy Cụ thật sắc sảo. Cụ vừa dạy bảo rất nghiêm khắc, vừa "chơi chữ" như đùa vui: "Của cơ quan, chứ không phải của các quan"... Thế là đã được một bài học” (5) .

Chỉ thay cái vỏ một âm tiết là sự thể hiên cả một tư tưởng lớn, một bài học lớn: người cán bộ là công bộc của dân chứ không phải là “quan” của dân!

 


1. Nhiều tác giả (2010), Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác ngoại giao, Nxb Chính trị Quốc gia, tr 104.

2. Nhiều tác giả (2005), Chuyện thường ngày của Bác Hồ, Nxb Thanh Niên, tr 47.

3. Nhiều tác giả (1985), Bác của chúng ta. Nxb Quân đội Nhân dân, tr 118.

4. Nhiều tác giả (2006), Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, tập, tập 5, tr 551.

5. Nhiều tác giả (2010), Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, tập 1, tr 13.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)