Hằng số trong tư chất thi sĩ - lịch sử và hiện tại

Thứ Tư, 14/08/2019 09:54

.NGUYỄN THUẦN MỸ

Chúng ta không khó để tìm được những giới thuyết về tư chất nghệ sĩ, nhà văn trong các tài liệu, công trình nghiên cứu lí luận phê bình thơ ca khá phổ biến cho đến thời điểm hiện tại. Điều đó dường như là một sự thuận lợi cho việc mô tả có tính chất chung về phẩm chất nghệ sĩ. Trong những điều thu lượm được từ việc tham khảo các công trình này, có thể thấy, tư chất nghệ sĩ biểu hiện ở trí tưởng tượng phong phú, tri thức, vốn sống, vốn văn hoá sâu sắc, rộng lớn, một tâm hồn giàu xúc cảm, một khả năng biểu hiện độc đáo,… Mỗi thời đại, quốc gia, dân tộc, mỗi cá nhân riêng biệt lại có những đòi hỏi và hình dung khác về tư chất của nghệ sĩ. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là, có tư chất nào mang tính ổn định, bất biến, mặc cho những dâu bể của thời cuộc?
Con người là một thực thể tự nhiên- xã hội, sinh học - văn hóa. Sự tồn tại của loài người qua lịch sử luôn luôn là quá trình thích nghi, kế thừa và phát triển. Không thể có một bản dạng người hoàn toàn thoát li khỏi quá khứ. Không có một sự đoạn tuyệt nào của con người hiện đại với con người trong lịch sử. Đó chính là cơ sở cho những suy tư của chúng tôi trong bài viết này. Nhìn về lịch sử thơ ca Việt Nam như một tư liệu nhân học, một manh mối văn hóa, trên bình diện lịch sử cái tôi, có thể thấy con người đương đại là con người thế tục khác với con người đoàn thể thời kháng chiến, con người cá thể thời trước 1945, con người siêu cá thể thời trung đại. Con người thế tục phát huy bản sắc cá thể đến tầm phổ quát, hướng tới việc triển hiện tối đa phẩm tính người - một bản thể tự nhiên và xã hội mang tính nhân loại. Với phẩm tính này, con người bản thể đương đại ngày càng bổ sung một cách đầy đủ, hoàn thiện hơn những thiếu khuyết, khuất lấp của đời sống trong các thời kì trước. Tuy nhiên, sự bổ khuyết hay cách tân không đồng nghĩa với việc dứt bỏ hay phủ định hoàn toàn. Con người đương đại vẫn là một thực thể hiện diện bằng cơ tầng của quá khứ mà chúng ta có thể nhận ra trong những dấu hiệu ngày thường, dấu hiệu nghệ thuật.
Thời trung đại, nhà thơ mang tư chất của con người phận vị. Đó là mặt tiền của con người trong đòi hỏi ráo riết của tồn tại. Nhà thơ, dẫu là tinh hoa, là phần bén nhạy của xã hội vẫn không thoát ra khỏi những luân lí ấy. Luận về cái gốc của người làm thơ, Nguyễn Cư Trinh cho rằng: “người làm thơ không ngoài lấy trung hậu làm gốc, ý nghĩa phải hàm súc, lời thơ phải giản dị. Còn việc tô điểm cho đẹp đẽ, trau dồi cho khéo léo lạ lùng thì chỉ nên đặt ngoài sáu nghĩa, coi là việc thừa của năm mối, làm thêm mà thôi”(1). Thơ văn trung đại đề cao chí - đạo cũng chính là việc đề cao luân lí của xã hội, trở thành một thứ chuẩn mực sống, chuẩn mực thẩm mĩ. Các nhà thơ trung đại không đi ra khỏi cương vực này. Tuy vậy, sáng tạo thơ trong tâm thức của các nhà thơ trung đại cũng không phải là việc minh họa cho chí - đạo. Làm thơ là việc khó. Chữ nghĩa thơ phú trở thành một hình thái của tư tưởng, tinh thần, đạo đức, luân lí, thể hiện phẩm chất, đẳng cấp của người làm thơ. Lê Hữu Kiều trong lời tựa tập thơ Tàng thuyết của Mai Doãn Thường đã nói: “Người làm thơ hay được như thế tất phải là người tài hoa và có tư tưởng tột bậc, họ là người suy nghĩ rộng và có học vấn đầy đủ, nghe được thấy nhiều. Nếu không như thế thì quê mùa nông cạn, làm thơ chỉ để nói một cách chung chung, như thế gọi là thơ thế nào được? Làm thơ nếu lập ý không linh hoạt sẽ mắc vào bệnh câu nệ; luyện cách điệu không trang nhã sẽ mắc vào bệnh quê mùa; đặt câu không sắc sảo sẽ mắc vào bệnh thô lỗ, kém cỏi; dùng chữ không có âm hưởng sẽ mắc vào bệnh tầm thường, tục tằn. Thơ văn có thể nói dễ làm được đâu?”(2). Luận bàn của Lê Hữu Kiều như thế đã đề cập đến những yếu tố căn bản - tư chất để một người trở thành nhà thơ, được gọi là nhà thơ. Sự tài hoa, uyên bác, có tư tưởng, có kiến văn, trau dồi rèn luyện chữ nghĩa một cách linh hoạt, trang nhã, sắc sảo,… chính là năng lực, tư chất của nhà thơ. Người xưa xem làm thơ là việc khó. Bởi lẽ, thơ chính là sự hiển hiện của ý, tình, tâm, chí, đạo,… cũng là chỗ thể hiện rõ rệt đức tính tu thân của con người trung đại. Tu thân không chỉ là rèn giũa về đạo đức, luân lí mà còn ở việc “uẩn nhưỡng tâm tư, thôi xao từ điệu” (Quách Tấn). Kì thực, người xưa xem thơ như là một hình thức cao cấp của đạo lí, phẩm chất, đức hạnh, tài năng con người. Cao Bá Quát khẳng định rằng: “Thơ không có phẩm chất nhất định, phẩm chất của người là phẩm chất của thơ. Phẩm chất của người cao thì phẩm chất của thơ cao”(3). Và như thế, thơ chính là phẩm chất của con người. Ý thức về điều này đem đến cho các nhà thơ trung đại sự ứng xử với thơ như là việc trình hiện toàn bộ con người của mình trước cuộc đời. Phẩm tính ấy, xét đến cùng cũng là phẩm tính làm người mà thi sĩ trung đại đã luôn ý thức. Phẩm chất thơ là phẩm chất người có phải là quan niệm lỗi thời, đã không còn phù hợp trong hệ giá trị của hậu thế? Tôi cho rằng, thời nào cũng không thể phủ nhận quan niệm này. Thế nên, phẩm chất mang tính luân lí (đến mức trở thành đạo lí) này sẽ còn tồn tại mặc nhiên qua các hình thái xã hội khác.
Xã hội Việt Nam có nhiều thay đổi trong cuộc đối đầu với phương Tây vào cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Những hình thái sống mới mang dấu ấn phương Tây xuất hiện, đáng kể nhất là sự xuất hiện con người cá nhân với cảm quan hiện đại mang màu sắc phương Tây. Con người thị dân, tư sản, trung lưu trong môi trường đô thị kiểu phương Tây tự kiến tạo và đòi hỏi cho mình những phẩm tính, căn cước khác với thế hệ cha anh. Xét riêng từ thơ ca, Thơ mới là một hình thái nghệ thuật cho thấy đời sống tinh thần, tư chất nghệ sĩ và các chuẩn giá trị thẩm mĩ trong không gian văn học giao thời. Vẫn là những tư chất có tính phổ quát như đã nhắc đến ở trên, thi sĩ Thơ mới cần có thêm các phẩm tính khác để khu biệt kiểu nhà thơ, kiểu tư duy so với thi gia trung đại. Theo đó, thi sĩ Thơ mới là một cá nhân, phát hiện ra chính mình, say sưa với con người cá nhân, say sưa với những giá trị của cái tôi - về cái tôi - từ cái tôi vốn bị che khuất, bị đồng hoá trong thời trung đại. Một khi cái tôi được giải phóng, cất tiếng, Thơ mới trở thành một thời đại thi ca rực rỡ với nhiều giọng điệu, cho thấy bước chuyển có tính cách mạng của tư duy thơ so với Thơ trung đại. Tư chất của thi sĩ lãng mạn thời Thơ mới trước hết là đủ sức kháng cự, bứt ra khỏi trường hấp dẫn của “mĩ học đồng nhất” (Lotman) và triển hiện được căn tính của cá thể như là yêu cầu sống còn của việc hiện hữu. Điều này đồng nghĩa với việc, con người cá nhân cần phải phá bỏ hệ thống mĩ học trung đại, huỷ bỏ cảm quan cộng đồng có tính siêu cá thể. Cùng với quá trình phá huỷ này là quá trình kiến tạo một hệ giá trị mới gắn với cảm quan cá thể. Để thực hiện hai quá trình này, thi sĩ Thơ mới cần phải có nguồn sống mới, điệu sống mới. Nguồn sống mới, điệu sống mới này là gì? Đó chính là sự thành thực với từng hơi thở của đời sống cá nhân, sự đa dạng trong cảm nhận các chiều kích của sự sống: Sống toàn tâm, toàn trí, sống toàn hồn/ Sống toàn thân và thức nhọn giác quan (Thanh niên - Xuân Diệu). “Cây đàn muôn điệu”, “bút muôn màu” của thi sĩ Thơ mới đã từng bước hình thành một điển phạm mới trên nền tảng của cảm quan cá thể, đẩy phạm vi của đời sống đến những giới hạn xa hơn, riêng tư hơn của trí tưởng tượng, ý thức, vô thức, của những hình thái “bất thường” như: điên, mơ, say, ảo, mộng,… Chính khả năng khám phá mọi phương diện của đời sống cá thể đã làm hiện hình tư chất của thi sĩ Thơ mới. Tính chất căn bản của nguồn sống, điệu sống này chính là trẻ. Người ta trẻ, có nguồn sống trẻ, điệu sống trẻ và thơ như là hình thái hiện ra của nhịp điệu, trữ lượng trẻ trung, say mê, điên cuồng đắm đuối của tuổi trẻ. Tuy nhiên, dù có cách tân bao nhiêu, dù có phủ nhận quá khứ mĩ học trung đại đến mức nào, con người cá thể thời Thơ mới cũng đến lúc phải ngoảnh lại để nhận ra mình không phải là một cái tôi thất cước với lịch sử. Phẩm chất của thi sĩ Thơ mới vẫn phát huy trên cái nền nhân bản đã hình thành từ xửa xưa trong tâm thức dân tộc. Đó là ý thức đạo đức, luân lí, trách nhiệm làm người. Tôi hiện diện nghĩa là tôi phô bày giá trị của mình. Ý thức tự tôn của cá thể trong cái nhìn biện chứng sẽ làm cho cộng đồng trở nên mạnh hơn, đánh giá đúng đắn hơn về giá trị của con người. Và, chính khi chúng ta nhận ra mình là một cá nhân, một giá trị tự thân tuyệt đối cũng là khi ý thức về kẻ khác trỗi dậy. Sự va chạm giữa những cá thể tuyệt đối ấy rất cần một nền tảng đạo đức - luân lí để duy trì sự tồn tại, gắn kết của cộng đồng - xã hội. Trong tiểu luận Một thời đại trong thi ca (Thi nhân Việt Nam, 1942), Hoài Thanh kính cẩn rước anh linh Tản Đà về để chiêu tuyết, để tôn vinh là một minh chứng cho những giá trị bất biến của quá khứ, sự hiện diện đầy quyền uy của lịch sử lên sự sống ở thì hiện tại.
Cách mạng tháng Tám 1945 là một sự kiện có tính bước ngoặt, chấm dứt vai trò chủ đạo của Thơ mới, chuyển sang một hình thái khác: Thơ cách mạng. Về mặt loại hình, có thể nói Thơ cách mạng vẫn kế thừa nhiều đặc tính của Thơ mới. Tuy nhiên, lúc này, do những thay đổi về cấu trúc xã hội, những đòi hỏi có tính nhiệm vụ (mà văn chương không thể đứng ngoài), thơ đáp ứng tiếng gọi của dân tộc, đại chúng, hướng tới công - nông - binh. Nhà thơ, trong tư cách một công dân, một chiến sĩ đã phát huy đến mức tối đa, thậm chí là toàn bộ con người chính trị - xã hội của mình, đẩy cái tôi cá nhân xuống hàng thứ yếu. Tư chất của nghệ sĩ lúc này là khả năng đáp ứng nhiệm vụ chính trị mà Đảng và dân tộc đặt ra. Nghệ sĩ - chiến sĩ, văn chương - vũ khí đấu tranh chính là hình dung căn bản của tư chất nghệ sĩ và phẩm chất văn chương thời kì 1945 - 1975: Dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ/ Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền (Là thi sĩ - Sóng Hồng); Sống vững chãi bốn ngàn năm sừng sững/ Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa (Hai bờ suy tưởng - Huy Cận); Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến luỹ/ Bên những dũng sĩ diệt xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi (Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng - Chế Lan Viên). Có điều gì vẫn còn vẹn nguyên từ lịch sử trong cấu trúc tinh thần của thi sĩ cách mạng? Không khó để nhận ra trong những vần thơ lửa cháy, trong mĩ học thời chiến là trách nhiệm của con người trước cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Mà, trách nhiệm đó phải trở thành ý thức tự thân, thành đạo lí, phẩm chất cá nhân. Nghĩa là một tư chất. Như vậy, ý thức cộng đồng, trách nhiệm xã hội đó đã được chuyển hóa thành giá trị bên trong, giá trị người của mỗi nhà thơ. Nó không còn là thứ bên ngoài mà thơ ca phải mang vác hay khoác lên mình. Ý thức rõ điều này khiến cho việc đánh giá, nhìn lại thơ ca thời chiến nói riêng và văn học cách mạng nói chung có được sự khách quan và sòng phẳng hơn.
Cấu trúc xã hội Việt Nam tiếp tục có những chuyển biến mạnh mẽ sau năm 1975. Đất nước thống nhất, chấm dứt tình trạng chia cắt, chấm dứt tình thế chiến tranh. Sau đó mười năm (1986), đất nước tiến hành đổi mới. Với những chủ trương rộng mở từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, đất nước bước vào một thời kì mới, hội nhập rộng rãi hơn, sâu sắc hơn vào môi trường toàn cầu. Chủ thể của xã hội lúc này không phải là con người đoàn thể mà là con người cá nhân bản thể gắn với môi trường thế tục, đời tư, hướng tới những căn tính phổ quát của nhân loại. Như đã nói đến ở trên, trong môi trường này, từ góc nhìn của thơ, chủ thể sáng tạo lại có những đòi hỏi và hình dung khác về tư chất nghệ sĩ. Nhà thơ trong xã hội đương đại ngoài việc phải phát huy hết những năng lực của cá thể như thời Thơ mới đã có, đồng thời phải nỗ lực để hướng đến những giá trị phổ quát của nhân loại. Trong những hình dung về tư chất của nhà thơ đương đại, trên nền tảng của một trí tưởng tượng phong phú, một tri thức rộng rãi về đời sống, văn hoá, lịch sử, thi sĩ đương đại còn có thêm những phẩm chất mới như sự nhạy cảm với các hình thái sống bất thường, dị biệt, những “cái khác” vốn nằm trong tính đa dạng của nhân loại. Thi sĩ đương đại cần phải ý thức một cách tự nhiên và sâu sắc rằng, con người không chỉ là một thực thể xã hội, mà còn là một thực thể tự nhiên, không chỉ là một công dân xã hội mà còn là một cá thể giống loài. Chính vì thế, những nhu cầu của con người tự nhiên - văn hoá trở thành một tư chất có tính phổ biến trong đời sống con người đương đại nói chung và thi sĩ nói riêng. Sống đủ đầy với đặc tính văn hoá và tự nhiên cũng đồng thời đặt ra những yêu cầu về việc phát huy, khai thác khía cạnh tinh thần, vô thức, tâm linh, sự phản tư, tra vấn về các điều kiện hiện hữu, các di sản cũng như các dự phóng. Cái tôi cá thể lấy nó làm trung tâm (thời Thơ mới) trong hành trình đi đến cái tôi bản thể (đương đại) đã có thêm nhận thức về kẻ khác, tha nhân và những tương quan đồng hữu, liên chủ thể. Đó là nguồn sống, điệu sống mới của con người đương đại. Đối với thi sĩ, việc triển hiện nguồn sống ấy trong ngôn ngữ nghệ thuật đương đại cũng trở thành một đòi hỏi mang dấu ấn tư chất thời đại. Từ góc độ tư chất của nhà thơ có thể thấy, trong không gian đương đại, nhà thơ không chỉ biết sáng tạo từ những hình thức thơ ca đã có trong lịch sử mà còn biết nghi ngờ, biết phủ định, vượt qua và thể nghiệm những sáng tạo mới. Điều này vốn dĩ là bản chất của sáng tạo. Tuy nhiên, trong không gian nghệ thuật đương đại, tính mở, tính đa hệ thống của nó cho phép mọi năng lực được thể hiện và chối từ những hình thức tiên nghiệm, tiên thiên, duy ý chí. Ta hiểu vì sao Lê Đạt chủ trương phải vượt qua lớp nghĩa tự vị, nghĩa tiêu dùng, tìm đến Vân chữ, Bóng chữ. Lê Đạt là kẻ “phu chữ”, “rồ chữ”, mải mê tìm kiếm một “đường chữ” khác, bởi “chữ cũ dối lừa”. Ta cũng hiểu vì sao, Hoàng Hưng Ta nung nấu nghìn đêm ác mộng (Ác mộng), Ta đói mặt người ta khát mặt ta (Người đi tìm mặt). Không thể sống bằng những di sản đã cỗi cằn từ quá khứ, Đặng Đình Hưng luôn mộng mơ về những chuyến đi: Đời jì sao cứ đi đi/ Những cái va li cứ về Bến lạ (Bến lạ). Quyết liệt hơn, Nguyễn Lương Ngọc đòi hỏi phải đủ sức đập vụn mình ra mà ghép lại/ Nung chảy mình ra mà tìm lõi/ Xé toang mình ra mà kết cấu (Hội hoạ lập thể). Tư chất nghệ sĩ đương đại không chỉ hiện ra trong khả năng vượt qua những kinh nghiệm thẩm mĩ có sẵn, mà quan trọng hơn là vượt qua chính mình. Từ con mắt của truyền thống, Nguyễn Quang Thiều là trường hợp Con vượt ra ngoài trí tưởng tượng của ta (Văn bản ngoài lễ khấn ông nội); Mai Văn Phấn luôn luôn “vong thân”, phủ định chính mình để vượt qua khủng hoảng và kiến tạo bản sắc nghệ thuật của mình. Những phẩm tính này thể hiện một cách sắc nét bản sắc cá thể, nhưng cũng không vượt ra khỏi những đòi hỏi bức thiết của con người. Nghĩa là, ý thức bản thể phải là động lực để duy trì phẩm tính người, không biến bản thể trở thành kẻ xa lạ.
Tư chất của thi sĩ, từ bản chất toàn thể là không thể mô tả. Nó chưa hoàn tất, luôn có tính kế thừa, luôn bị phủ nhận, cũng liên tục trượt ra khỏi các ranh giới hay khung khổ tất định luận. Do vậy, những mô tả nào đó với tham vọng bao quát được đối tượng này đều tiềm ẩn sự sai lệch không hề nhỏ. Tuy nhiên, trong tính bất toàn của nó, điều may mắn là chúng ta lại có cơ hội để nhìn thấy những sự khác biệt, những kiến tạo bản sắc chủ thể như là động thái căn bản của hiện hữu. Đồng thời, trong khi hình dung về cái khác, chúng ta có cơ hội nhận diện những giá trị phổ quát, bất biến qua thời gian. Phẩm tính đó có thể vượt qua ranh giới quốc gia, dân tộc, tôn giáo, thể chế để định hình nên con người trong chiều dài lịch sử. Một cá nhân - chủ thể, với ý hướng trở thành nghệ sĩ, thi sĩ, cần phải có được một thứ “vốn” vừa có khả năng thích ứng với môi trường, dân tộc, thời đại, đồng thời vừa có khả năng kiến tạo chân dung nghệ thuật của mình để không nhoà lẫn trong một thế giới đa thanh, đa giọng điệu, đa hệ thống như hiện nay. Bối cảnh hiện đại và hậu hiện đại, thời đương đại tuyên xưng “cái khác”, nhưng đó không phải là cái khác biệt tuyệt đối, đoạn tuyệt với căn tính nhân loại. Từ ý niệm đó chúng ta nhìn về văn học nghệ thuật, để thấy mối liên hệ thăm thẳm từ lịch sử đến hiện tại.

N.T.M


--------
1. Nguyễn Minh Tấn (chủ biên), Từ trong di sản, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội, 1981, tr.47. Sáu nghĩa (lục nghĩa): sáu thể thơ trong Kinh Thi: phong, phú, tỉ, hứng, nhã, tụng. Năm mối (ngũ luân): vua tôi, cha con, vợ chồng, anh em, bầu bạn. (Chú thích trong sách Từ trong di sản, tr.47).
2. Nguyễn Minh Tấn, sđd, tr.55.
3. Nguyễn Minh Tấn, sđd, tr.154.

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)