. NGUYỄN THANH TÚ
Biểu trưng là mã văn hoá tồn tại lâu đời và tích luỹ trong nó nhiều giá trị thẩm mỹ bậc nhất của một nền văn hoá. Nói tới văn hoá người Việt không thể không nhắc tới các biểu trưng cây đa, bến nước, sân đình, thuyền, sông…Mỗi dân tộc đều có hệ thống biểu trưng riêng mà tìm hiểu bản sắc dân tộc ấy nhất định phải tìm hiểu, khám phá chúng. Mỗi nhà văn lớn cũng có hệ thống biểu trưng riêng, tất nhiên bạn đọc cũng phải khám phá giá trị tác phẩm qua các biểu trưng này. Với Hồ Chí Minh thì hệ thống biểu trưng cũng thật đặc sắc.
Biểu trưng gốc rễ xuất hiện với tần số rất cao trong tác phẩm của Người (20 lần – thống kê trong Toàn tập, 15 tập. Nxb Chính trị Quốc gia 2011), như: “Máu xương của các tiên liệt đã thấm nhuần gốc rễ của Đảng ta, làm cho cây nó càng vững, ngành nó càng to, và kết quả khai hoa ngày càng rực rỡ”. Truyền thống nhân nghĩa của người Việt đã quy định một nét tâm lý kính trọng tiền nhân, biết ơn nguồn cội...Bác Hồ kế thừa đạo lý này và dĩ nhiên tạo ra một màu sắc ý nghĩa mới cho phù hợp với thời đại mới trong việc giáo dục đạo đức cách mạng. Tháng 6-1968 làm việc với Ban Tuyên huấn Trung ương về việc làm và xuất bản loại sách “người tốt việc tốt”, Bác nhắc nhở cán bộ: “Các chú có biết biển cả do cái gì tạo nên không? Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông. Biết bao nhiêu giọt nước nhỏ hợp lại mới thành biển cả. Một pho tượng hay một lâu đài cũng phải có cái nền rất vững chắc mới đứng vững được. Nhưng người ta dễ nhìn thấy pho tượng và lâu đài mà không chú ý đến cái nền. Như thế là chỉ thấy cái ngọn mà quên mất cái gốc!”(1) . Một chân lý về quan hệ giữa cá nhân và quần chúng, giữa bộ phận và toàn thể được diễn đạt rất dễ hiểu bằng những hình ảnh giản dị. Toát lên một chân lý giáo dục: dù có thể trở thành tài năng thì cũng phải nhớ tài năng ấy do “cái nền”, “cái gốc” là nhân dân, là văn hóa truyền thống. Biết bao ân tình, biết bao ơn nghĩa chất chứa trong những câu nói ấy! Nhắc nhở chúng ta về phép biện chứng: phải đi tìm cái gốc, bản chất của sự việc; về bài học uống nước nhớ nguồn.
Chữ “xuân” là một biểu trưng của người Việt, vượt ra khỏi nghĩa chỉ thời gian để nói về niềm vui, ước mong, hạnh phúc, niềm tin, tuổi trẻ. Thơ văn Bác Hồ nhiều “xuân” (455 lần/400 trang. Thơ văn Hồ Chí Minh, Nxb Quân đội, 2004), để chỉ thời gian: Nhiều xuân kháng chiến càng gần thành công; chỉ sức sống, sự sống, sức trẻ, tuổi trẻ: Sáu mươi tuổi còn xuân chán; là niềm vui, niềm tin, lạc quan: Một năm là cả bốn mùa xuân; chỉ cuộc sống đang đà sinh sôi phát triển: Làm cho đất nước càng ngày càng xuân; chỉ sự giáo dục phát triển nhân cách tốt đẹp: “Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”.
Bác Hồ rất hay dùng ngụ ngôn, vì trong đó chứa nhiều các biểu trưng gần gũi với quần chúng. Với đặc trưng là lời nói, mẩu chuyện trong đó gửi gắm một ý tứ xa xôi, bóng gió có tính giáo dục bài học nhân sinh gì đó được sử dụng rộng rãi, phổ biến trong dân gian nên được các nhà chính trị, tư tưởng lấy đó để diễn đạt các suy nghĩ, quan niệm của họ. Thực tế các nhà ngụ ngôn nổi tiếng thế giới như Êdốp, Pheđơrơ, La Phôngten, Trang Tử, Liệt Tử… cũng đều là các nhà tư tưởng. Với tư cách là một nhà chính trị Bác Hồ cũng mượn ngụ ngôn để sử dụng vào mục đích chính trị, có thể gọi đó là ngụ ngôn chính trị. Ví dụ Truyện ngụ ngôn được Người viết tại Quảng Châu năm 1925, có thể tóm tắt truyện thế này, con rồng tự hào là thủy tổ của người An Nam có nhiều bậc anh hùng cứu nước. Con tôm “phản biện” lại, nói tôm sướng hơn người An Nam vì thân nó cong là do ý trời còn người An Nam lưng còng là chịu sưu cao thuế nặng. Con cừu đồng tình nói, người An Nam giống loài thỏ, cừu bị cắt lông một năm một lần nhưng người An Nam bị Pháp bóc lột tứ thời. Rắn nói người Pháp “khẩu Phật tâm xà” mà người An Nam lại rước họ vào nước mình. Voi buồn cho người An Nam “rước voi về giày mả tổ”. Lươn chê người An Nam dễ để cho đồng tiền cám dỗ. Chuột mỉa mai người An Nam không nghĩ gì đến đất nước. Gà trống khinh người An Nam vì tiền mà bội bạc. Cá chép sung sướng bởi mình sẽ có ngày hóa rồng mà buồn thay cho dân An Nam suốt đời nô lệ mà không dám vùng lên… Kết lại câu chuyện là lời bình luận của người kể: “Ôi, những người An Nam, các anh phải luôn nhớ rằng đoàn kết làm nên sức mạnh”. Dễ thấy một sự học tập hình thức truyện Lục súc tranh công trong ngụ ngôn dân gian để châm biếm sự ươn hèn, yếu đuối, bạc nhược cam chịu nô lệ nhục nhã của “dân An Nam”. Câu chuyện không chỉ đáng đọc ở cái thời đất nước ta đắm chìm trong nô lệ mà cũng rất đáng đọc ở cái thời nay, đọc để tự ý thức về tinh thần vươn lên, về cởi bỏ những tâm lý xấu, tính cách xấu… Hôm nay người ta nói nhiều đến phản biện, phản biện xã hội, coi phản biện như là một hình thức tư duy mới mẻ, tiến bộ. Thực ra phản biện, phản biện xã hội luôn là một thuộc tính tư duy của con người, càng có tinh thần khoa học, dân chủ, càng có khát vọng đổi thay xã hội, làm mới, làm tốt cho con người thì càng giàu ý thức phản biện. Không phải ai cũng có ý thức phản biện và năng lực phản biện, phải là người có trách nhiệm sâu sắc với xã hội, có tình yêu con người, có năng lực phát hiện vấn đề… mới có thể phản biện được. Trên tinh thần ấy thì Bác Hồ là một người luôn có tinh thần phản biện mà hôm nay chúng ta rất nên học tập về mọi phương diện, ý thức, cách thức, đề tài, nội dung. Một loạt truyện ngụ ngôn được Người viết trong năm 1942: Ca sợi chỉ, Hòn đá, Con cáo và tổ ong, Nhóm lửa, Chơi giăng… Vì là hướng tới mọi đối tượng, đặc biệt là tầng lớp nông dân ít học nên những truyện này rất giản dị, dễ hiểu, thường có cấu trúc hai phần, phần đầu là kể chuyện, phần hai là lời bình luận để kêu gọi đoàn kết. Đây là những tác phẩm ngụ ngôn thực sự nghệ thuật, một thứ nghệ thuật tuyên truyền rất giản dị mà hiệu quả.
Bác Hồ rất hay tập “Kiều”, chỉ thay đổi một vài chữ cũng thể hiện rất rõ tư tưởng của Người. Kiều cùng Từ Hải “Nửa năm hương lửa đang nồng” thì Từ Hải phải lên đường, Thuý Kiều ở lại ngóng về Từ: “Cánh hồng bay bổng tuyệt vời/Đã mòn con mắt, phương trời đăm đăm!”. Hoàn cảnh này, tâm trạng này được Bác Hồ tập trong hoàn cảnh tiễn Tổng thống Xucácnô tại sân bay Gia Lâm: “Thời gian Tổng thống lưu lại ở Việt Nam chúng tôi lần này quá ngắn ngủi! Nhưng vì Tổng thống đi vắng đã hơn hai tháng, nhân dân Inđônêxia nhớ nhung và chờ đợi lãnh tụ kính mến của họ, một ngày dài như ba thu. Thật là: “Cánh hồng bay bổng tuyệt vời/ Trông mòn con mắt, phương trời đăm đăm!” (2). Bác chỉ thay một chữ Đã trong “Kiều” bằng từ Trông để diễn tả tấm lòng mong mỏi, trông ngóng từng giờ của nhân dân Inđônêxia nhớ nhung và chờ đợi lãnh tụ kính mến của họ. Thật là một sự ca ngợi kín đáo mà tinh tế!
Màu hồng đã trở thành biểu trưng chung cho phương Đông với các ý nghĩa tốt đẹp, cho hạnh phúc, may mắn, thịnh vượng, hoà bình. Bác dùng “cánh hồng” thật tinh tế: hạnh phúc, hoà bình…của các dân tộc đang cất cánh bay…!!!
1. Hồ Chí Minh toàn tập (2000), Nxb Chính trị Quốc gia, tập 12, tr.549.
2. Hồ Chí Minh toàn tập (2000), Nxb Chính trị Quốc gia, tập 9, tr 479.
VNQD