. Nguyễn Thanh Tú
Bác Hồ có một quan niệm chuẩn mực về văn hoá một dân tộc là phải có tiếng nói riêng. Bác Hồ đã gắn liền khái niệm “tổ tiên” với “tiếng nói”, coi tiếng nói là “tiếng” của Tổ tiên.
Đây là quan niệm biện chứng như chính định nghĩa của Người: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó…” (1). Năm 1946 trả lời câu hỏi móc máy của một phóng viên: “Nếu Nam Kỳ từ chối không sáp nhập vào Việt Nam, Chủ tịch sẽ làm thế nào?”, Người trả lời: “Nam Kỳ cùng một tổ tiên với chúng tôi, tại sao Nam Kỳ lại không muốn ở trong đất nước Việt Nam? Người Baxcơ (Basque), người Brơtôn (Breton) không nói tiếng Pháp mà vẫn là người Pháp. Người Nam Kỳ nói tiếng Việt Nam, tại sao lại còn nghĩ đến sự cản trở việc thống nhất nước Việt Nam?" (2) . Ý của Bác rất rõ: Nam Kỳ cùng tổ tiên, chung tiếng nói với “chúng tôi”, tức Nam Kỳ với “chúng tôi” là một. Câu trả lời lại là câu hỏi đặt ngược lại vấn đề của câu hỏi, đồng thời đưa ra một bằng chứng hiển nhiên: người Brơtôn không nói tiếng Pháp nhưng cũng là người Pháp thì hà cớ gì người Nam Kỳ nói tiếng Việt lại không phải là người Việt Nam. Ở đây còn nổi lên một quan niệm khoa học về khái niệm dân tộc, dân tộc trước hết là phải có chung tiếng nói.
Đáp từ trong buổi chiêu đãi của Chính phủ Pháp, Hồ Chủ tịch nói: “Trong khi chưa được gặp Chính phủ Pháp, tôi có dịp đi thăm một vùng nước Pháp, trông thấy phong cảnh tốt tươi, xét rõ nhân tình phong tục. Tôi đã ở qua xứ Basque. Dân ở đó tuy giữ trọn tiếng nói, văn chương và phong tục của họ, nhưng họ vẫn tự hào là dân Pháp. Các tỉnh Pháp khác nhau nhiều, nhiều đến nỗi làm cho thế giới lạ lùng, nhưng sự khác nhau đó không ngăn trở nước Pháp là một nước thống nhất. Mai sau, Liên bang Pháp quốc tụ họp những dân tộc tự do và khác nhau, sẽ làm cho thế giới ngạc nhiên về sự đoàn kết và thống nhất của nó.
Chúng ta sẽ cùng nhau xây đắp Liên bang Pháp quốc trên cái nền tảng dân chủ thật thà...”(3) . Đây là một thực tế: nước Pháp có nhiều dân tộc khác nhau nhưng vẫn là một nước Pháp thống nhất. Đặc biệt câu cuối mang tính ràng buộc: nước Pháp sẽ công nhận Việt Nam là một thành viên để “cùng nhau xây đắp Liên bang Pháp quốc”. Ở đây bật ra một quan niệm đất nước, dân tộc và văn hoá. Một nước có thể có nhiều dân tộc với văn hoá riêng của họ. Điều đó càng làm cho thế giới “ngạc nhiên” về sự đa dạng trong thống nhất. Phân biệt văn hoá một dân tộc, thì trước hết là tiếng nói, tiếp đến là “văn chương và phong tục”.
Về tình cảm với đất nước của Lênin, Bác Hồ coi đấy là cái nôi cách mạng mà mọi người cách mạng phải biết, phải hiểu ngôn ngữ Nga. Trả lời câu hỏi của Cácmen, đạo diễn điện ảnh Nga nổi tiếng: “Cụ học tiếng Nga như vậy có khó khăn không?”, Người trả lời: “Người cách mạng phải biết tiếng nói của Lênin” (4) . Bác Hồ thay mặt nhân dân ta và nhân dân tiến bộ thế giới cảm ơn Liên Xô: “Việt Nam có câu tục ngữ "Uống nước phải nhớ đến nguồn". Nhân dân Việt Nam và nhân dân lao động khắp thế giới đời đời nhớ ơn Lênin vĩ đại, nhớ ơn Đảng Cộng sản, Chính phủ và nhân dân Liên Xô". (5).
Nhìn dưới góc độ tín hiệu thẩm mỹ, trong kho tàng tiếng nói (ngôn ngữ) Việt thì các phạm trù: con Rồng cháu Tiên, Lạc Hồng, Rồng Tiên, Tiên Rồng, con Hồng cháu Lạc…chính là sự hiện thân rõ nhất, cụ thể nhất và lâu đời nhất của “tiếng nói”. Nói khác đi, “tiếng nói” Việt đã “tượng hình” trong những cụm từ ấy. Vậy nên nghiên cứu lịch sử tiếng Việt hay lịch sử Việt Nam không thể không bắt đầu từ những con chữ ấy.
Không ngẫu nhiên chúng được Bác Hồ sử dụng rất nhiều lần!
Trong cuốn Việt Bắc anh dũng được Hồ Chí Minh viết vào khoảng cuối năm 1947, ở mục Con Rồng cháu Tiên, sau khi kể về một số trận quân dân ta kiên cường đánh Pháp, Người nhận định chắc chắn:
“Con Rồng cháu Tiên, quyết không chịu làm nô lệ lần nữa” (6) .
Để động viên toàn dân tham gia kháng chiến Hồ Chí Minh viết rất nhiều tác phẩm ở nhiều thể loại khác nhau, với nhiều vai kể khác nhau. Ở ví dụ dưới đây tác giả vào vai một bà cụ tên Vĩnh quê Nam định, lên làm ăn ở Tam Đảo nay tản cư đến Thái Nguyên có lời dạy con bằng thơ:
"Con đi đi. Đi đi con,
Đánh Tây, để giữ nước non Lạc Hồng,
Bao giờ kháng chiến thành công,
Con về giúp mẹ vun trồng lúa khoai" (7).
Một bà cụ còn biết giục con mình ra trận. Một bà cụ mà còn biết tự hào về nòi giống tổ tiên. Thì những tầng lớp khác, thanh niên, phụ nữ, đàn ông, đàn bà sẽ còn hăng hái, quyết tâm hơn thế!
Tháng 9-1947 Chính phủ kháng chiến chịu một tổn thất lớn: Cụ Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng từ trần. Thay mặt Chính phủ, nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh xin hứa với Cụ:
“Đồng bào Việt Nam quyết theo gương kiên quyết của cụ.
Con Rồng cháu Tiên quyết không làm nô lệ…!” (8) .
Đặt hai chữ Rồng Tiên vào trường nghĩa của hình tượng trong tác phẩm Hồ Chí Minh chúng tôi cho rằng bài thơ Đi thuyền trên sông Đáy là của Hồ Chí Minh chứ không như có ý kiến coi bài thơ này là của một người khác: “Lòng riêng riêng những bàn hoàn/ Lo sao khôi phục giang san Tiên Rồng” (9).
Tháng 5-1948 Cụ Nguyễn Văn Tố qua đời, Hồ Chí Minh có lời điếu ghi công Cụ và mong những người tiếp bước Cụ gắng làm rạng danh “Con cháu Lạc Hồng”:
“Non sông gấm vóc há cam lòng chịu đoạ đày
Con cháu Lạc Hồng, nào để thực dân khinh miệt” (10) .
Kháng chiến chống Pháp đang trên đà thắng lợi, Hồ Chí Minh kêu gọi nguỵ binh quay về với Tổ quốc để đất nước sớm hoà bình. Người mượn lời ca dao và thành ngữ quen thuộc nói về tổ tiên:
“Tôi thiết tha kêu gọi các người mau mau quay về với Tổ quốc,…
Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Con Hồng cháu Lạc phải thương nhau cùng” (11) .
Đường lối đoàn kết toàn dân nhằm một mục đích tổ quốc độc lập nhân dân được tự do, hạnh phúc của Hồ Chí Minh luôn tạo ra một sức mạnh tổng hợp của toàn dân: “Hễ là con Hồng cháu Lạc, người có lương tâm, thì chắc ai cũng tán thành và ủng hộ mục đích cao cả ấy. Cho nên chúng ta đoàn kết rộng rãi tất cả những người Việt Nam yêu Tổ quốc, yêu hoà bình, yêu thống nhất trong cả nước và ở nước ngoài” (12).
Không chỉ dùng hình tượng Rồng Tiên vào mục đích kêu gọi, động viên cổ vũ kháng chiến, Hồ Chí Minh còn lấy hình tượng này vào mục đích đả kích. Trong bài thơ trào phúng Tặng Toàn quyền ĐờCu có hai câu mở:
“Non nước Rồng Tiên rõ mịt mù,
Lợi quyền phó mặc bố thằng Cu” (13).
Dễ thấy một nghệ thuật chơi chữ, phát âm theo tiếng Pháp là ĐờCu, hiểu theo tiếng Việt, “bố thằng Cu” nghĩa thông tục chỉ những người đàn ông đã có con (trai) ở nhà quê. Toàn quyền ĐờCu bị giễu, bị đổi ngôi từ chức Toàn quyền cao sang thành người nhà quê tầm thường. Lời của chủ thể ở hai câu thơ là thực dân Pháp: mục đích xâm lăng là vơ vét của cải, là làm chủ non nước tươi đẹp giàu có cả về tài nguyên cả về văn hoá lâu đời (non nước Rồng Tiên), nhưng đến bây giờ thì đang khó khăn (rõ mịt mù). Thế cho nên mọi việc trông mong vào tài năng của Toàn quyền, “Lợi quyền phó mặc bố thằng Cu”. Câu thơ sau nói về nhân cách kém cỏi của “bố thằng Cu” càng cho thấy tương lai “rõ mịt mù” của người Pháp.
Lấy biểu tượng tổ tiên linh thiêng làm điểm tựa lập luận, tác giả vạch trần, lên án Khải Định với tội dứt bỏ truyền thống, phản bội lịch sử anh hùng của cha ông: “Trước đây, mi đã từng phạm tội báng bổ lên bàn thờ linh thiêng của tổ tiên hình ảnh ghê tởm của thằng da trắng ngái ngủ và bụng phệ nọ, nó sặc lên mùi tỏi, ớn mùi thây ma. Tại sao, ừ, tại sao mi lại làm thế? Nay mi lại sắp lẩn xa tôn miếu. Tay mi sẽ không thắp hương vào những tiết đầu xuân, đầu thu nữa. Mi sẽ không tự tay mở hương án dâng hoa quả đầu mùa và cúng cơm mới nữa” (14).
Như vậy ta càng thấy rõ hơn Bác Hồ đã dùng văn hoá vào mục đích cứu nước một cách rất nghệ thuật.
NTT
----------------
1. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 10, tr 615.
2. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia. Trả lời các nhà báo ngày 12-7-1946 tại biệt thự Roayan Môngxô - tập 4, tr.272.
3. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 4, tr 353
4. Bác Hồ với tiếng nước ngoài. NXb Tổng hợp Sông Bé, 1990, tr 39.
5. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập10, tr 551.
6. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, tr 367.
7. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 6, tr 338.
8. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, tr 122.
9. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, tr 690.
10. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, tr 434.
11. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 6, tr 333.
12. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 8, tr 197.
13. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 3, tr 240.
14. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 1, tr 79, 81.
VNQD