Biểu tượng Tổ tiên trong tác phẩm của Hồ Chí Minh

Thứ Bảy, 05/10/2019 00:44
. Nguyên Thanh
 
Trong tác phẩm của Hồ Chí Minh xuất hiện rất nhiều lần các cụm từ chỉ dòng giống vinh quang của người Việt: Hồng Lạc, Lạc Hồng, Con Hồng cháu Lạc, Con Rồng cháu Tiên, Rồng Tiên… vừa gợi lên ở ngươì dân niềm tự hào về dòng giống cao quý vừa gợi nhắc một ý thức đoàn kết.
 
Thần thoại Lạc Long Quân là một trong những thần thoại cổ xưa nhất phản ánh lịch sử về nòi giống cao quý của tổ tiên dân tộc Việt. Lạc Long Quân từng chiến thắng các loài Ngư Tinh, Hồ Tinh, Mộc Tinh. Điều ấy muốn nói tổ tiên ta từng chinh phục thiên nhiên ở nơi biển cả, sông nước (Ngư Tinh), nơi đồng bằng (Hồ Tinh), nơi rừng núi (Mộc Tinh). Lạc Long Quân giống rồng kết duyên cùng Âu Cơ giống tiên. Âu Cơ đẻ ra mộ cái bọc nở ra một trăm người con trai. Chi tiết này như nhắc nhở cháu con dù nơi miền biển, dù miền núi cao cũng đều là con Hồng cháu Lạc. Hai chữ “đồng bào” có xuất xứ từ thần thoại này. Có thể nói lịch sử nước ta là lịch sử của công việc khai khẩn đất đai, chống chọi với thiên nhiên để làm nông nghiệp và lịch sử của những công cuộc chống ngoại xâm bảo vệ đất nước. Không ngẫu nhiên, bên cạnh thần thoại Sơn Tinh thì hai thần thoại Lạc Long Quân Phù Đổng Thiên vương là những thần thoại phổ biến nhất, lưu truyền rộng rãi nhất trong kho tàng văn học dân gian của người Việt. Hồ Chí Minh là người Việt Nam hiểu rõ và đã dùng những thần thoại ấy vào mục đích kêu gọi người dân Việt tự hào về nòi giống, đoàn kết thương yêu nhau để đứng dậy đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Và cũng không hề ngẫu nhiên các thần thoại này được Người nhắc lại nhiều lần trong những năm đất nước ở những thời điểm khó khăn nhất (trước 1945 và thời kì đầu đánh Pháp) rất cần đến sức mạnh đoàn kết.
 
Nhưng ngay từ năm 1925, trong Thư trả lời ông H.(Thượng Huyền), Nguyễn Ái Quốc với bút danh L.T. chua chát khi so sánh những con chuột của La Phôngten còn hơn hẳn "những con chuột An Nam" không biết căm thù "những con mèo Pháp":
 
“Phải, không một con chuột nào của La Phôngten nói trong thơ ngụ ngôn dám buộc chuông lên cổ mèo; tuy vậy, chúng đều căm ghét kẻ thù của chúng và đồng tình sẽ treo cổ nó lên. Những con chuột ấy thật là hơn hẳn "những con chuột An Nam" không biết căm thù "những con mèo Pháp" vì những con chuột này không biết đoàn kết lại để bàn việc tiêu diệt những con mèo kia, chúng sợ rằng trong hàng ngũ chuột của chúng sẽ có con đi báo với mèo Pháp.
 
Những người tự hào là dòng giống Rồng Tiên lại không bằng chuột! Thật là hổ thẹn, có phải không thưa ông! (1).
 
Vạch ra những hạn chế, chỉ ra những thiếu sót qua cách đối lập quá khứ vẻ vang (dòng giống Rồng Tiên) với hiện tại nhu nhược đớn hèn (lại không bằng chuột), tác giả đã làm bật ra ý nghĩa nếu không biết đoàn kết thì người An Nam mãi sẽ chỉ là kiếp chuột mà thôi. Từ khi tìm đến Chủ nghĩa Mác Lênin hai chữ “đoàn kết”, là hạt nhân nổi bật, một sợi chỉ đỏ xuyên suốt tư tưởng vĩ đại của Hồ Chí Minh.
 
Đầu tháng 2-1942 Hồ Chí Minh viết Lịch sử nước ta với mục đích: “Dân ta phải biết sử ta. Sử ta dạy cho ta những chuyện vẻ vang của tổ tiên ta. Dân tộc ta là con Rồng cháu Tiên, có nhiều người tài giỏi đánh Bắc dẹp Nam, yên dân trị nước tiếng để muôn đời” (2) . Tác giả vạch rõ nguyên nhân những thắng lợi trong lịch sử giữ nước của cha ông là nhờ đoàn kết: “Vì dân hăng hái kết đoàn/ Nên khôi phục chóng giang san Lạc Hồng” (3), qua đó vạch ra chiến lược hôm nay để đòi lại giang sơn gấm vóc cũng là con đường kết đoàn: “Hỡi ai con cháu Rồng Tiên!/ Mau mau đoàn kết vững bền cùng nhau" (4).
 
Lời của Lịch sử nước ta vượt lên trên lời của một cá nhân để vươn tới tầm là lời của lịch sử:
 
    “Mai sau sự nghiệp hoàn thành,
 
Rõ tên Nam Việt, rạng danh Lạc Hồng.
 
    Dân ta xin nhớ chữ đồng,
 
Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”. (5)
 
Bài Mười chính sách của Việt Minh có nội dung tuyên truyền những công việc cách mạng, mở đầu là hình tượng Rồng Tiên: “Làm cho con cháu Rồng, Tiên/ Dân ta giữ lấy lợi quyền của ta” (6). Khép lại cũng là hình tượng ấy: “Rồi ra sự nghiệp hoàn thành,/ Rõ tên Nam Việt, rạng danh Lạc Hồng/ Khuyên ai xin nhớ chữ đồng,/ Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh” (7).
 
Cuối bài Ca sợi chỉ tác giả nhắc lại lịch sử đoàn kết:
 
“Hỡi ai con cháu Hồng Bàng,
 
Chúng ta phải biết kết đoàn mau mau". (8).
 
Ngày 23-10-1946 Người viết Lời tuyên bố với quốc dân sau khi ở Pháp về: “Trung, Nam, Bắc đều là đất nước Việt Nam. Chúng ta đều chung một tổ tiên dòng họ, đều là ruột thịt anh em. Nước có Trung, Nam, Bắc, cũng như một nhà có ba anh em…Không ai có thể chia rẽ con một nhà, không ai có thể chia rẽ nước Pháp, thì cũng không ai có thể chia rẽ nước Việt nam ta” (9). Nói với quốc dân Việt Nam thì không một hình tượng nào có sức lay động, chinh phục, lôi cuốn hơn các hình tượng “chung một tổ tiên dòng họ”, “đều là ruột thịt anh em”, “như một nhà có ba anh em”. Nó như gợi nhắc mọi người nhớ về các truyền thuyết Hồng Bàng, các câu tục ngữ, thành ngữ nói về cội nguồn máu mủ, về tình anh em đoàn kết keo sơn gắn bó có từ trong truyền thống xa xưa của dân ta.
 
Trong Lời kêu gọi đầu năm mới (1947) Hồ Chí Minh kêu gọi mọi người dân Việt hãy xứng đáng là nòi giống Rồng Tiên thì quyết không chịu nỗi nhục nô lệ:
 
“Từ năm nay trở đi, đồng bào ta, con cháu Hai Bà Trưng, con cháu Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Nùng Trí Cao, có chịu để nước non Hồng Lạc cho thực dân Pháp giày xéo, có chịu để nòi giống Rồng Tiên cho thực dân Pháp giày đạp nữa không?
 
Không, quyết không!” (10).
 
Lời kêu gọi trong dịp 1000 ngày kháng chiến, Hồ Chí Minh khẳng định con cháu Lạc Hồng thì nhất định chiến thắng kẻ xâm lăng:
 
“Cuộc kháng chiến của ta đã tập trung tất cả cái tinh thần quật cường yêu nước của giống nòi Hồng Lạc lưu truyền từ mấy ngàn năm” (11). Tháng 1-1947, Hồ Chủ tịch gửi thư động viên cổ vũ tinh thần yêu nước quyết tử cho tổ quốc quyết sinh tới các chiến sỹ vệ quốc đoàn, tự vệ và dân quân toàn quốc:
 
“Anh dũng thay! Lòng quyết thắng của anh em… Các chiến sĩ quyết đem xương máu để giữ vững non nước Lạc Hồng!”(12) . Người không nói “giữ vững đất nước” mà nói “giữ vững non nước Lạc Hồng!”để khơi gợi về lòng tự hào và quyết tâm bảo vệ đất nước yêu thương tổ tiên vinh quang. Trong Thư gửi đồng bào tản cư Hồ Chí Minh khẳng định con cháu của dòng giống anh hùng thì không bao giờ chịu khuất phục trước gian nan thử thách:
 
“Con cháu Lạc Hồng, bao giờ cũng quật cường, không bao giờ sợ khổ” (13) . Người lại có Thư gửi đồng bào hậu phương căn dặn họ phải giúp đỡ đồng bào tản cư như người trong một nhà:
 
"Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
 
Người trong một nước phải thương nhau cùng"…
 
Mỗi một đồng bào phải sẵn lòng bác ái, phải cư xử cho xứng đáng là con Rồng cháu Tiên” (14).
 
“Tổ tiên” trở thành một mã văn hoá quan trọng cơ bản trong tác phẩm của Danh nhân văn hoá Hồ Chí Minh.
 
NT
 
.......................
 
1. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 2, tr 164.
 
2.  Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 3, tr 216.
 
3.  Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 3, tr 225.
 
4. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 3, tr 228.
 
5. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 3, tr 228, 229.
 
6.  Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 3, tr 205.
 
7.  Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 3, tr 206.
 
8.  Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 3, tr 231.
 
9.  Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử (2006), NXB Chính trị Quốc gia, tập 3, tr 352.
 
10.  Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, tr 1.
 
11. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, tr 440.
 
12. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, tr 42.
 
13. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, tr 50.
 
14.  Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, tr 81

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)